» Giới thiệu » Tham quan » Điểm đến khác

thu nhỏ | phóng to

12/12/2011

VƯỜN QUỐC GIA CÁT TIÊN


Rừng cấm Nam Cát Tiên được thành lập năm 1978 do quyết định của Hội đồng Bộ Trưởng, đến tháng 1 năm 1992 được nâng cấp thành vườn quốc gia. Với diện tích 73.878ha thuộc địa bàn ba tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước, nơi đây còn giữ được những đặc tính tiêu biểu của hệ động, thực vật rừng ẩm nhiệt đới và là bảo tàng thiên nhiên lớn nhất trong số 9 khu bảo tồn quốc gia (thực tế theo kết quả rà soát năm 2006 của Phân viện điều tra qui hoạch rừng Nam Bộ thì diện tích VQG Cát Tiên hiện nay chỉ còn 71.350ha).

 Bảng hiệu Vườn Quốc gia Cát Tiên – Ảnh: nguồn sites.google.com

Bảng hiệu Vườn Quốc gia Cát Tiên – Ảnh: nguồn sites.google.com

Cát Tiên có hệ thực vật vô cùng phong phú với 1.610 loài thuộc 724 chi của 5 ngành thực vật, 162 họ và phụ họ, 75 bộ thực vật bậc cao có mạch. Một số loài cây qúy hiếm có tên trong sách đỏ như gõ đỏ, gõ mật, cẩm lai Bà Rịa, cẩm lai Nam, cẩm lai Vú, giáng hương, trắc, gụ, sao, dầu… Nhiều cây đại thụ cao từ 60 – 70m có góc cây phải 20 người ôm mới xuể, nhiều cây gõ đỏ có đường kính hơn 3,7m (trong đó có cây gõ đỏ hơn 500 năm tuổi với đường kính khoảng 2m được đặt tên “cây gõ Bác Đồng” để kỷ niệm cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm vườn năm 1987), nhiều cây si có bộ rễ lan rộng cả một khoảng rừng… đặc biệt cây bằng lăng hơn 300 năm có 6 ngọn vươn cao hứng trọn ánh mặt trời.

Gốc cây lớn phải 20 người ôm – Ảnh: nguồn ttxtdldongnai.vn 

Gốc cây lớn phải 20 người ôm – Ảnh: nguồn ttxtdldongnai.vn

Hệ thực vật Cát Tiên được chia thành 5 kiểu rừng chính: rừng lá rộng thường xanh, rừng lá rộng thường xanh nửa rụng lá, rừng hỗn giao gỗ, tre nứa, rừng nứa thuần loại và thảm thực vật đất ngập nước. Nếu mỗi hecta rừng có được 80 cây với 100m³ gỗ đã gọi là rừng giàu thì ở Cát Tiên có hơn 10.000ha rừng giàu, nhiều nơi đạt đến 400 cây với 400m³ gỗ/ha.

 Đa dạng các loại nấm - Ảnh: nguồn nguồn namcattien.vn

Đa dạng các loại nấm - Ảnh: nguồn nguồn namcattien.vn

Vườn Quốc gia Cát Tiên cũng đã định danh được 370 loài nấm phân bố trong 128 chi, 45 họ. Nơi đây ngoài 300 loài nấm đảm thường gặp ở Việt Nam, còn có thêm 90 loài mới, hơn 20 chi mới hoặc mới tách, 9 họ mới và 1 bộ mới bổ sung cho hệ nấm Việt Nam.

Một góc VQG Cát Tiên – Ảnh: nguồn sinhvienonline.net 

Một góc VQG Cát Tiên – Ảnh: nguồn sinhvienonline.net

Với nhiều địa hình sinh cảnh khác nhau, rừng Cát Tiên quy tụ một hệ động vật mang nét đặc trưng của khu hệ động vật vùng bình nguyên Đông Trường Sơn trong mối tương quan khá chặt chẽ với Tây nguyên. Theo các tài liệu khảo sát, nơi đây tập trung 113 loài thú thuộc 12 bộ, 38 họ; 109 loài bò sát thuộc 4 bộ, 17 họ và phân họ; 41 loài lưỡng cư thuộc 6 họ và 2 bộ; 159 loài cá nước ngọt thuộc 9 bộ, 29 họ trong đó có 10 loài mới cho Việt Nam và cả một thế giới côn trùng đặc sắc gồm 756 loài thuộc 10 bộ, 68 họ, trong đó đã xác định được 450 loài bướm, chiếm hơn 50% số loài được ghi nhận ở Việt Nam (2 loài bướm phượng quý hiếm được ghi vào Sách đỏ Việt Nam năm 2007 là bướm phượng cánh vàng và bướm phượng cánh kiếm). Nhiều loài thú qúy hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam như bò Gaur, cá sấu Xiêm, tê giác Java là quần chủng tê giác một sừng thứ hai còn lại trên thế giới… Phong phú nhất phải kể đến 351 loài chim thuộc 18 bộ, 64 họ trong đó có đến 20% loài qúy hiếm đã được phát hiện và ghi vào sách đỏ Việt Nam như gà tiền mặt đỏ, cò quắm cánh xanh, ngan cánh trắng, hạc cổ trắng, công, mỏ rộng đen, già đẫy Java, cò lao Ấn Độ, le khoang cổ, gà lôi hồng tía, dù dì phương Đông, yến hàng, sả mỏ rộng, hồng hoàng, mỏ rừng xanh, đuôi cụt bụng vằn, cú lợn rừng, niệc mỏ vằn, cò Á châu, gà so mỏ hung…

Beo Gấm qúy hiếm tại VQG Cát Tiên – Ảnh: nguồn vietnamandyou.net  

Beo Gấm qúy hiếm tại VQG Cát Tiên – Ảnh: nguồn vietnamandyou.net

Ngày 10-11-2001, Cát Tiên được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thứ 411 của thế giới (khu thứ 2 của Việt Nam). Ngày 4-8-2005, Ban Thư ký công ước Ramsar đã công nhận hệ đất ngập nước Bàu Sấu là khu Ramsar thứ 1.499 của thế giới (khu thứ 2 của Việt Nam) với diện tích 13.759ha, trong đó có 5.360ha đất ngập nước theo mùa và 151ha đất ngập nước quanh năm. Ngày 17-7-2011, UNESCO đã tái công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai trên cơ sở nâng cấp mở rộng khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Tiên với hai vùng lõi mới là Khu bảo tồn thiên nhiên - di tích Vĩnh Cửu và Khu bảo tồn vùng đất ngập nước nội địa Trị An - Đồng Nai.

 Hoàng hôn ở Khu Ramsar Bàu Sấu – Ảnh: nguồn xomnhiepanh.com

Hoàng hôn ở Khu Ramsar Bàu Sấu – Ảnh: nguồn xomnhiepanh.com

Với sự nâng cấp này, 3 vùng lõi đã tạo thành một hành lang bảo tồn mang tính tổng thể, toàn vẹn của các hệ sinh thái đặc trưng trong đó hơn 80% diện tích được đặt dưới sự quản lý và chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai. Hiện nơi đây đang có 11 dân tộc cùng sinh sống, sẽ trở thành một mô hình mẫu về bảo tồn đa mục đích, vừa bảo tồn đa dạng sinh học, vừa gắn với việc bảo tồn đa dạng văn hóa gồm các phong tục, tập quán, truyền thống của đồng bào các dân tộc ít người…

 Dệt thổ cẩm, một nét đẹp của đồng bào dân tộc ít người tại khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai – Ảnh: nguồn namcattien.vn

Dệt thổ cẩm, một nét đẹp của đồng bào dân tộc ít người tại khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai – Ảnh: nguồn namcattien.vn

Vườn Quốc gia Cát Tiên đang triển khai một chương trình du lịch sinh thái. Ngoài những thắng cảnh đặc sắc như bến Cự, thác Trời, thác Dựng, núi Hoa Thị, đảo Tiên…, du khách còn được tham quan vườn chim bán hoang dã và vườn thực vật rộng chừng 10ha đại diện cho hệ thực vật đa dạng tiêu biểu của rừng nhiệt đới Cát Tiên. Du khách đến đây sẽ có dịp tiếp cận một môi trường sinh thái rất độc đáo mà theo nhận định của giáo sư tiến sĩ Karel Spilzer thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Séc, là khu dự trữ sinh quyển đặc biệt, một di sản thiên nhiên qúy hiếm của thế giới.

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung