» Giới thiệu » Tham quan » Khu du lịch

thu nhỏ | phóng to

14/12/2011

KHU DU LỊCH TAM ĐẢO (VĨNH PHÚC)


Cách Hà Nội chừng 80km về phía Tây Bắc, Tam Đảo là dãy núi nằm án ngữ phía Bắc đồng bằng Bắc bộ, chạy dài 80km trên địa giới 3 tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang theo hướng Tây Bắc - Đông Nam với bề rộng từ 10 - 15km, gồm 3 đỉnh Thiên Thị (1.375m), Bàn Thạch (1.388m) và Phù Nghĩa (1.400m). Nhìn từ xa 3 đỉnh núi như 3 hòn đảo nổi lên giữa biển mây, có lẽ từ thực tế đó mà người xưa đã gọi dãy núi này bằng cái tên “Tam Đảo” khá ấn tượng.

 Tam Đảo giữa biển mây – Ảnh: nguồn traitimviet.com

Tam Đảo giữa biển mây – Ảnh: nguồn traitimviet.com

Năm 1902, người Pháp đã bắt đầu xây dựng khu nghỉ dưỡng tại một thung lũng nhỏ của dãy núi Tam Đảo ở độ cao 879m so với mặt biển. Nhiều công trình dân dụng cùng 163 ngôi biệt thự đã được dựng rải rác trên các sườn núi. Đáng tiếc là do chiến tranh, nhiều kiến trúc bị phá hủy, số còn lại cũng bị tổn hại bởi sức công phá của thời gian. Mãi đến những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, cùng với sự phát triển của ngành du lịch theo tuyến quốc lộ 2 đến đền Hùng và lên Việt Bắc, du lịch Tam Đảo cũng dần hồi sinh. Nhiều công trình được khôi phục hoặc tái thiết trên nền cũ với số khách sạn, nhà nghỉ hiện nay lên đến 57 cơ sở thuộc sở hữu của khoảng 17 đơn vị / hộ kinh doanh.

 Nhà thờ đá, công trình cổ còn lại khá nguyên vẹn – Ảnh: Ngô Minh Châu (VnExpress.net – 19.9.2009)

Nhà thờ đá, công trình cổ còn lại khá nguyên vẹn – Ảnh: Ngô Minh Châu (VnExpress.net – 19.9.2009)

Khu du lịch Tam Đảo ngày nay là một phần của Vườn Quốc gia Tam Đảo và là thị trấn “bé xíu” của huyện Tam Đảo, nằm gọn trong lòng thung lũng trên cơ sở kế thừa khu nghỉ dưỡng ngày trước của người Pháp, với diện tích 253ha và khoảng 200 hộ dân sinh sống. Tuy là một thị trấn du lịch nhưng hơn 90% hộ dân nơi đây lại sống dựa vào nông nghiệp mà cây su su là sản phẩm chủ lực (lấy quả, cắt ngọn hoặc cả hai) đem lại nguồn thu nhập chính cho cư dân.

 Các vườn su su ở khắp nơi – Ảnh: Mai Thế Tường (VnExpress.net – 14.11.2009)

Các vườn su su ở khắp nơi – Ảnh: Mai Thế Tường (VnExpress.net – 14.11.2009)

Nằm cách trung tâm thành phố Vĩnh Yên 20km, đường lên Tam Đảo là một con đường độc đạo với chừng 13km ngoằn ngoèo đèo dốc, uốn lượn qua các sườn núi thật ấn tượng khi lướt qua tầm mắt là những đồi thông vi vu gió lộng. Do có địa hình chắn gió, Tam Đảo là một trong những trung tâm mưa nhiều, với lượng mưa trung bình hàng năm 2.463mm đã cho nguồn nước dồi dào và cây rừng ở đây cũng xanh tốt quanh năm. Với nhiệt độ trung bình 18ºC, Tam Đảo có khí hậu mát mẻ, một ngày hội đủ 4 mùa, đặc biệt mây Tam Đảo thường sà xuống thấp, len lỏi qua từng ô cửa sổ như muốn mơn man chăm chút, đem lại cho du khách những trải nghiệm thú vị.

 Đường lên Tam Đảo quanh quanh – Ảnh: nguồn nguoiduatin.vn

Đường lên Tam Đảo quanh quanh – Ảnh: nguồn nguoiduatin.vn

Tham quan Tam Đảo, điểm đầu tiên du khách nhắm đến là tháp truyền hình cao 93m trên đỉnh Thiên Thị. Tuy đường lên tháp có nhiều vất vả nhưng trên lối đi nở đầy các loài hoa phong lan, cúc qùy, hoa dại với nhiều hương sắc như lời mời gọi thiết tha khiến du khách khó lòng chùn bước, đó là chưa kể đến cơ man nào là bướm đủ loại dập dờn như những vị sứ giả chào đón khách lên chơi. Đứng từ đỉnh Thiên Thị, du khách sẽ ngây ngất với cảm giác chiếm lĩnh độ cao và thỏa thích quan sát bốn phương giữa thênh thang gió núi mây ngàn…   

 Đường lên tháp truyền hình – Ảnh: Mai Thế Tường (VnExpress.net – 14.11.2009)

Đường lên tháp truyền hình – Ảnh: Mai Thế Tường (VnExpress.net – 14.11.2009)

Một điểm đến khác bắt đầu ngay từ trung tâm thị trấn, du khách theo một con đường nhỏ xuống thung lũng sâu để tìm gặp dòng thác Bạc ẩn mình trong lòng núi. Nơi đây một dòng suối nhỏ từ độ cao 30m đã đổ xuống dòng nước trắng bạc lấp lánh ánh mặt trời tạo nên những sắc cầu vồng đẹp mắt. Du khách thích mạo hiểm có thể đi thêm chút nữa tới đỉnh Rùng Rình với nhiều cây lớn mấy người ôm mới xuể, trên thân cây mọc đầy những loài hoa phong lan sống cộng sinh, xen lẫn trong tiếng chim hót ríu rít là những cánh bướm chấp chới giữa cảnh núi non hùng vỹ tạo thành một khung trời cổ tích quá đổi bình yên.

 Thác Bạc – Ảnh: nguồn vinabooking.vn

Thác Bạc – Ảnh: nguồn vinabooking.vn

Xa hơn nữa là Tam Đảo 2, cũng là điểm du lịch nghỉ mát lý tưởng ngày trước của người Pháp, nay đã trở thành phế tích. Hiện Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đang có dự án xây dựng khu vui chơi giải trí tại đây với tổng diện tích ban đầu là 300ha, sau giảm xuống còn 190ha với kinh phí đầu tư đến 300 triệu USD, nhưng đã gặp nhiều phản ứng của giới chuyên môn bởi Tam Đảo 2 không phải là dự án về du lịch sinh thái, khu vực dự kiến lại nằm trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt nhất của Vườn Quốc gia Tam Đảo và việc xây dựng đặt ra hàng loạt vấn đề về môi trường.

 Tam Đảo: hoang phế và hiện đại – Ảnh: nguồn vinabooking.vn

Tam Đảo: hoang phế và hiện đại – Ảnh: nguồn vinabooking.vn

Tam Đảo còn có thế mạnh về du lịch tâm linh. Trên quãng chiều dài chưa đầy 10km đã có đến 5 đền, chùa nổi tiếng như đền Thượng, đền thờ Bà Chúa… đặc biệt Trúc Lâm thiền viện Tây Thiên ẩn mình giữa cây rừng Tây Thiên với những đường cong duyên dáng mang đậm nét kiến trúc Á Đông, được biết đến không chỉ bởi du khách trong nước mà còn cả du khách quốc tế…

 Tây Thiên, danh thắng nổi tiếng nằm gần Tam Đảo – Ảnh: Nguyễn Tiến Thành (VnExpress.net – 25.2.2009)

Tây Thiên, danh thắng nổi tiếng nằm gần Tam Đảo – Ảnh: Nguyễn Tiến Thành (VnExpress.net – 25.2.2009)

Tam Đảo từ lâu đã là một điểm đến được yêu thích bởi phong cảnh hữu tình, khí hậu mát mẻ cùng cung cách đón khách gần gũi, thân thiện… Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Tam Đảo được xác định là quần thể hội tụ nhiều giá trị thiên nhiên và văn hóa đặc sắc. Để khai thác hơn nữa tiềm năng du lịch, trong tương lai Tam Đảo sẽ có đường cáp treo nối hai đỉnh núi ở hai đầu thị trấn, bể bơi, sân vận động, nhà thi đấu thể thao và con đường chính thức lên tháp truyền hình. Hiện công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng đang hoàn thiện dự án cáp treo có chiều dài 2.512m xuất phát từ đền Cậu (độ cao 120m) đến chân đền Thượng (độ cao 486m), dự kiến tháng 2-2012 đưa vào hoạt động phục vụ khách hành hương lên đỉnh Tây Thiên.

Hy vọng du lịch Tam Đảo sẽ phát triển đúng hướng, để cảnh quan môi trường được bảo vệ, đem lại lợi ích thiết thực cho cả cộng đồng…

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung