» Giới thiệu » Tham quan » Điểm hẹn tâm linh

thu nhỏ | phóng to

16/12/2011

CHÙA THIÊN MỤ


Nằm trên địa bàn xã Hưng Long ngày nay, cách trung tâm thành phố Huế chừng 5km về phía Tây, Thiên Mụ là ngôi chùa cổ nổi tiếng được dựng trên đồi Hà Khê soi bóng xuống dòng nước Hương giang, gắn với bước chân mở cõi của vị tiên chúa xứ Đàng Trong.

 Chùa Thiên Mụ – Ảnh: nguồn vinhnghiem.com

Chùa Thiên Mụ – Ảnh: nguồn vinhnghiem.com

Về việc hình thành chùa Thiên Mụ, sách Đại Nam Nhất Thống Chí (tập Kinh Sư) của Quốc Sử Quán triều Nguyễn viết: “Thái Tổ Hoàng đế năm Tân Sửu thứ 44 (1601) ngự hạnh đến xã Hà Khê thấy có gò bằng đọt khỉ hình như đầu rồng ngó lại, trước có trường giang, sau có binh hồ, cảnh trí giai thắng, nhân đó vua hỏi thổ dân ở đấy, họ bảo rằng “gò này rất linh dị, tương truyền khi xưa trông thấy một bà già mặc áo đỏ quần xanh, ngồi trên gò ấy nói: Đáng lẽ có ông chân chủ đến làm chùa chỗ đây cho tụ linh khí để củng cố long mạch. Nói xong không thấy bà đâu nữa cả. Nhân đó gọi là núi Thiên Mụ”. Vua nhận cho chỗ ấy có linh khí bèn dựng chùa. Đặt tên chùa Thiên Mụ.”.

 Chùa Thiên Mụ – Ảnh: nguồn vnphoto.net

Chùa Thiên Mụ – Ảnh: nguồn vnphoto.net

Thực tế trên vùng đất xây dựng Thiên Mụ tự đã từng tồn tại một ngôi chùa của người Chăm là di tích được nhắc đến trong sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An soạn năm 1553. Năm 1306 khi hai châu Ô, Lý (Thuận Hóa) trở thành món quà của Chế Mân đi cưới công chúa Huyền Trân và sau đó người Việt đã đến đây lập nghiệp, thì những nơi thờ cúng của người Chăm cũng dần được Việt hóa để trở thành nơi thờ cúng của người Việt. Chùa Thiên Mụ xưa đã chính thức trở thành quốc tự từ khi Tiên chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng lại từ năm 1601.

 Chùa Thiên Mụ – Ảnh: nguồn giacngo.vn

Chùa Thiên Mụ – Ảnh: nguồn giacngo.vn

Hơn 100 năm sau, cùng với đà phát triển và hưng thịnh của Phật giáo xứ Đàng Trong, chùa Thiên Mụ đã được xây lại qui mô hơn dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725). Mùa xuân năm Canh Dần (1710) chúa Quốc cho đúc đại hồng chung cao 2,5m, nặng 3.285 cân (2021kg). Đến tháng Sáu năm Giáp Ngọ (1714), Quốc chúa đã giao cho Chưởng cơ Tống Đức Đại đại trùng tu chùa rất qui mô, từ cổng chùa đến điện Thiên Vương, điện Ngọc Hoàng, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, hai bên có lầu chuông, lầu trống, điện Thập Phương, nhà Vân Thủy, nhà Trì Vị, nhà Thiền Đường, điện Đại Bi, điện Dược Sư, phòng Tăng, nhà Thiền… có đến mấy chục sở. Chúa còn thân làm bài văn khắc trên bia đá Thanh cao 2,6m, rộng 1,2m nói về triết lý đạo Phật, sự tích Hòa thượng Thạch Liêm và việc trùng tu chùa, cuối cùng là bài minh của Nguyễn Phúc Chu.

Một góc Thiên mụ – Ảnh: Duong T Tran (skyscrapercity.com) 

Một góc Thiên mụ – Ảnh: Duong T Tran (skyscrapercity.com)

Năm 1775 khi quân Trịnh tiến vào Phú Xuân, chùa vẫn còn nguyên trạng. Đến cuối năm 1788 khi Nguyễn Huệ lên ngôi, nhà Tây Sơn đã cho triệt bỏ các đền chùa, san bằng chùa Thiên Mụ để làm đàn Tế đất và nhà vua đã làm lễ tế thần Đất vào ngày Hạ chí. Sự kiện này đã làm cho Phan Huy Ích, một bậc trung thần của Tây Sơn phải rơi lệ, nhiều nhà viết sử ngày nay cũng không đồng tình với việc làm phản cảm và xâm phạm di tích lịch sử của nhà Tây Sơn như thế.

Rực rỡ trong đêm hội ánh sáng – Ảnh: nguồn blog.yume.vn 

Rực rỡ trong đêm hội ánh sáng – Ảnh: nguồn blog.yume.vn

Năm 1803, vua Gia Long đã cho phá nền đàn tế Đất của Tây Sơn và dựng rạp làm lễ tế Trời. Mười ba năm sau ngày thu phục Phú Xuân, năm 1815 vua Gia Long đã cho tái thiết chùa Thiên Mụ “chói lọi vách vàng” và triệu Hòa thượng Mật Hoàng từ Chùa Đại Giác (Gia Định) về kinh làm tăng cang, giao Hòa thượng Đạo Trung làm trụ trì. Chùa gồm điện Thập Vương ở hai bên, bên phải sau điện là lầu Tàng Kinh, ở giữa có điện Đại Hùng, tiếp đến là điện Di Lặc, điện Quan Âm. Cũng vào dịp này một đại hồng chung khác cũng đã được chủ tạo.

 Tháp Phước Duyên – Ảnh: nguồn flickriver.com

Tháp Phước Duyên – Ảnh: nguồn flickriver.com

Năm 1844, nhân lễ thọ bát tuần của Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, vua Thiệu Trị cho xây ngọc tháp Từ Nhân bảy tầng cao 21,24m để thờ chư Phật (sau đổi thành Phước Duyên), mỗi tầng tôn trí một tượng vàng Quá Khứ Thất Phật. Trước tháp còn dựng đình Hương Nguyện, trên đỉnh có đặt Pháp Luân chuyển động theo gió, hai bên đình có dựng nhà bia ghi lại việc xây tháp dựng đình (bia bên phải từ ngoài vào) và các bài thơ đề vịnh chùa của nhà vua. Tại phía trước đình còn cho dựng bốn trụ hoa biểu và xây 15 bậc cấp trổ xuống đường chạy dọc theo tả ngạn sông Hương.

 4 trụ hoa biểu và 15 bậc cấp – Ảnh: nguồn lukhach24h.com

4 trụ hoa biểu và 15 bậc cấp – Ảnh: nguồn lukhach24h.com

Đáng tiếc, cơn bão năm Thìn (1904) đã làm sập đổ đình Hương Nguyện cùng nhiều công trình khác và sau ba năm nhà vua mới sai bộ Công tu bổ lại, lúc này điện Di lặc cũng bị triệt hạ nên qui mô chùa không còn như ngày trước. Qua thời gian, chùa đã được trùng tu nhiều lần và lần đại trùng tu cuối cùng diễn ra vào năm 1957, với phần lớn bộ phận kiến trúc ở điện Đại Hùng được thay bằng bê-tông giả gỗ. Năm 1992, tại cuối khuôn viên chùa đã xây dựng bảo tháp, đặt di hài của Hòa thượng Thích Đôn Hậu, tuy là kiến trúc mới nhưng cũng khá hài hòa với cảnh sắc và bố cục chung của chùa.

 Nơi an nghỉ Hòa thượng Thích Đôn Hậu – Ảnh: nguồn southernlandtravel.com

Nơi an nghỉ Hòa thượng Thích Đôn Hậu – Ảnh: nguồn southernlandtravel.com

Chùa Thiên mụ quả đúng là một danh lam đi liền thắng cảnh, với kiến trúc uy nghiêm cổ kính trong một cảnh quan thanh thoát nên thơ… Chùa đã được công nhận di tích văn hóa lịch sử quốc gia từ tháng 8 năm 1996.

Tham quan chùa Thiên Mụ khi chiều xuống, bên tiếng chuông chùa ngân vang, du khách cảm thấy lòng lắng đọng trong một tâm tình thanh thản bình yên…

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung