» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng
20/12/2011
DI TÍCH RUỘNG BẬC THANG MÙ CANG CHẢI
Nằm về phía Tây tỉnh Yên Bái và cách thành phố Yên Bái chừng 170km, Mù Cang Chải là một huyện vùng cao ở tận nơi thâm sơn cùng cốc của tỉnh Yên Bái, với nhiều dãy núi bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên Sơn nối tiếp nhau theo hướng Tây Bắc - Đông Nam.
"LÀNG CÂY KHÔ" VÀ NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI...
Huyện Mù Cang Chải có 48.656 cư dân sinh sống gồm một số dân tộc ít người, 2% người Kinh, 8% người Thái và gần 90% người Mông. Những người Mông có tập quán sống trên cao, họ chỉ xuống dưới thấp để canh tác rồi lại rút về “cứ điểm” ở tận trên cao. Toàn huyện có 2.500ha ruộng lúa thì có đến 700ha ruộng bậc thang, rãi khắp 13 xã, thị trấn nhưng tập trung nhất là ở 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Su Phình với 330,11ha, chiếm hơn 47% làm nên một danh thắng kỳ vỹ, được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia từ ngày 18-10-2007. Đến ngày 31-12-2019, Thủ tướng Chính phủ tại quyết định số 1954/QĐ-TTg đã nâng cấp Di tích Quốc gia đặc biệt cùng với 7 di tích khác.
Mùa vàng Mù Cang Chải – Ảnh: Vũ Chiến (baoyenbai.com.vn – 29.6.2010)
Không phải chỉ mới bây giờ mà đã từ lâu lắm, cái vùng đất khắc nghiệt Mù Cang Chải với ý nghĩa “làng cây khô” trong ngôn ngữ Mông đã trở thành biểu tượng sức cần cù, sáng tạo bền bỉ của con người. Từ một vùng đất khô cằn hoang hóa, những người Mông giỏi trèo đèo vượt núi đã khéo vận dụng biến từng luống đất, từng vạt đồi thành những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp, không chỉ đem lại nguồn lương thực nuôi sống cộng đồng mà còn điểm thêm nét nhấn nhá vào thiên nhiên, biến núi đồi hoang vu thành những kiệt tác độc đáo in đậm giá trị văn hóa truyền thống cùng kỳ công sáng tạo của người Mông.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải – Ảnh: Thanh Hà (TTXVN)
Ruộng bậc thang là phương thức canh tác kết hợp giữa nương rẫy và ruộng nước, một loại hình canh tác khá hiệu quả ở vùng đất dốc được các cư dân vùng cao vận dụng một cách khéo léo. Từ đời này sang đời khác, các thế hệ người Mông vẫn bảo lưu qui trình khai khẩn ruộng bậc thang gồm các bước: lựa chọn vùng đất, xác lập quyền khai khẩn, tiến hành khai khẩn và làm bờ ruộng.
Buổi chiều là thời điểm đẹp nhất để chiêm ngưỡng ruộng bậc thang – Ảnh: Ngọc Bằng (VnExpess.net – 25.10.2010)
Theo kinh nghiệm của người Mông, nơi được xem là thích hợp để khai khẩn ruộng bậc thang phải có nguồn nước, độ dốc vừa phải, ít sỏi đá hay cây lớn, có khả năng tạo mặt bằng, cỏ mọc dày và tốt… Chọn được vùng đất thích hợp, việc tiếp theo là xác lập quyền khai khẩn. Đồng bào Mông thường chồng các cột đá cao khoảng 1m hoặc chặt ngọn một số cây gỗ lớn như biểu chứng xác lập quyền khai khẩn. Việc khai khẩn thường được tiến hành vào mùa Xuân (khoảng tháng 1 – 3) khi thời tiết thuận lợi và cũng dễ dàng huy động người vần công giúp sức, để kịp tháo nước sử dụng đúng thời vụ trong tháng 4 – 5. Khó khăn nhất là tạo mặt bằng cho ruộng bởi liên quan đến việc giữ và chia đều nước cho toàn mặt ruộng. Trọng trách “giữ nước” được trao cho các bờ ruộng, những bức “tường thành” kiên cố được làm ngay cùng với việc san ruộng. Độ chênh lệch giữa hai thửa ruộng trên và dưới thường từ 1 – 1,5m.
Bờ ruộng như bức tường thành giữ nước – Ảnh: Vuong Lien Duong (VnExpress.net – 6.3.2009)
DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT
Do điều kiện đặc thù tự nhiên của vùng núi non Mù Cang Chải, không có các cánh đồng lòng chảo nên từ hàng trăm năm nay, bà con vẫn cứ phải bám lấy núi đồi, cần mẫn tạo nên những khoanh ruộng để canh tác. Việc khai khẩn ruộng bậc thang để trồng lúa nước trên triền núi tỏ ra có hiệu quả đem lại năng suất cao. Trải qua bao đời, việc vận dụng sáng tạo của bà con vô hình chung đã tạo thành những dãy ruộng bậc thang rất đỗi ngoạn mục, kéo dài từ đỉnh núi xuống đến tận chân núi. Điểm thú vị là bên cạnh sự hùng vĩ của núi rừng, sự trong lành của khí hậu, sự hoành tráng của những thửa ruộng bậc thang, còn có cả sự thân thiện mến khách của những người Mông chân chất hiền hòa. Du khách đến đây dù vào thời điểm nào cũng đều cảm nhận sự ấm áp của tình người làm quên đi cái giá lạnh đặc trưng vùng sơn cước…
Chuẩn bị cho vụ mùa – Ảnh: Thanh Miền (baoyenbai.com.vn – 29.6.2010)
Ruộng bậc thang đẹp nhất vào tháng 5 – 6 khi những thửa ruộng vào mùa đổ nước và tháng 9 – 10 khi một màu lúa nếp chín vàng óng ả trải dài khắp các triền đồi. Du khách thích đến Mù Cang Chải vào hai thời điểm này để được tận mắt chứng kiến những mâm xôi xanh, vàng hiện lên giữa bạt ngàn đồi núi. Dừng chân tại 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Su Phình, ở đâu du khách cũng nhìn thấy những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp trải rộng khắp các quả đồi. Từ lưng chừng núi nơi những thửa ruộng bậc thang thể hiện trọn vẹn nhất nét độc đáo, du khách mới thực sự ngỡ ngàng trước tài nghệ của các nghệ nhân chân đất, đã sáng tạo ra những công trình mang nhiều giá trị thẩm mỹ.
Lúa vàng từ thung lũng đến lưng trời – Ảnh: Thanh Miền (baoyenbai.com.vn – 29.6.2010)
Để đến Mù Cang Chải, du khách có thể từ Hà Nội theo quốc lộ 32 vượt đèo Khế sang đất Yên Bái (180km). Từ Yên Bái đi thêm 70km đến Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ) thì cũng vừa chiều, du khách có thể nghỉ lại đây để dành sức hôm sau thẳng tiến Mù Cang Chải. Từ Mường Lò đến Mù Cang Chải tuy chỉ còn chừng 100km nhưng có đến 80km đường đèo lên dốc liên tục. Lên đến độ cao 1.750m khi sương mây bủa vây mù mịt là sắp đến thị trấn Mù Cang Chải nhưng trước khi đạt đến độ cao này, khoảng giữa đèo còn có một vùng đất phẳng, đó là xã Tú Lệ. Du khách có thể dừng chân thưởng thức món cơm lam nếp Mường Tú Lệ dẻo thơm cùng món gà đồi mang hơi thở của núi rừng. Một hướng khác là từ Lào Cai xuống, tuy cũng là đường đèo nhưng dốc xuống thoai thoải dễ đi. Du khách sẽ có dịp ngang qua Than Uyên (tỉnh Lai Châu), vùng đất nổi tiếng với các cô Thái trắng đẹp tựa những đóa lan rừng. Trên đường về lại Hà nội, du khách cũng nên ghé qua Suối Giàng (huyện Văn Chấn), mua ít chè San Tuyết thơm ngon về làm quà cho người thân hay bạn bè.
Những thửa ruộng bậc thang nơi đây được ví như vân núi – Ảnh: Thanh Miền (baoyenbai.com.vn – 29.6.2010)
● ● ●
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải từ lâu đã trở thành một trong những điểm nhấn của tuyến du lịch Tây Bắc. Nét đẹp đặc sắc của văn hóa vùng cao được thể hiện cách sinh động và thần kỳ qua những thửa ruộng bậc thang độc đáo, đang ngày càng hấp dẫn giới nhiếp ảnh cùng khách du lịch cả trong và ngoài nước. Từ phương thức canh tác độc đáo, những người dân tộc Mông đã biến “làng cây khô” thành khu đồi ruộng tràn đầy sức sống, từng bậc ruộng tiếp ruộng như muốn thể hiện ý chí của con người, vươn tới bầu trời cao…
Mai Kim Thành