» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Lễ hội

thu nhỏ | phóng to

24/12/2011

LỄ HỘI GIÁNG SINH TẠI TP. HỒ CHÍ MINH


Đã thành thông lệ, mỗi độ tháng 12 về, người dân thành phố không phân biệt  tín ngưỡng vẫn có thói quen chờ đón lễ Giáng sinh, một dịp lễ ghi dấu biến cố Đức Giê-su con Thiên Chúa đến dương thế làm người để giải phóng con người khỏi những hệ lụy của sự ác theo như niềm tin của người Kitô hữu. Đây tuy là một nghi lễ tôn giáo nhưng đã được quốc tế hóa và lễ Giáng sinh hay Noël nhuốm màu sắc vui tươi không còn là điều quá xa lạ, trở thành ngày vui chung đối với mọi người. 

Trang trí Giáng sinh tại Nhà thờ Đức Bà

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn – Ảnh: Mk.Thành (22-12-2019)

ĐI TÌM Ý NGHĨA LỄ GIÁNG SINH

Trong tiếng Anh, lễ Giáng sinh được diễn tả bằng từ kép Christmas có nghĩa là ngày lễ của Đấng được xức dầu (Christ: Đấng được xức dầu), cũng có thể hiểu là ngày nhập thể để cứu thế của Đức Kitô (Christ) trong công trình cứu độ của Người. Người Pháp dùng từ Noël xuất phát từ Kinh thánh: “Emmanuel” như một tiếng reo mừng “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Như vậy, ngay từ căn bản, lễ Giáng sinh là lễ của niềm vui và hy vọng.

 Trang trí Giáng sinh tại Khách sạn Rex

Trang trí Giáng sinh tại Khách sạn Rex – Ảnh Mk. Thành (21-12-2023)

Thực tế trong những kỷ nguyên đầu của Kitô giáo, Giáo hội không mừng lễ Giáng sinh mà chỉ mừng lễ Hiển linh vào ngày 20-5, tức lễ kỷ niệm 3 nhà đạo sĩ phương Đông theo ánh sao lạ dẫn đường tìm đến bái kiến Đức Kitô và dâng tiến lễ vật, với ý nghĩa công nhận thần tính của Đức Kitô. Sau này để tránh sự dòm ngó bách hại của người La Mã, những người Kitô hữu đã mượn dịp lễ mừng Thần Mặt Trời (Feast of The SolInvictus) đã đem ánh sáng đến cho trần gian được người La Mã tổ chức vào ngày 25-12 để tôn vinh Đức Kitô là người đã đem ánh sáng sự sống đến cho nhân loại (Yn 8:12).

Trang trí Giáng sinh tại Thương xá Diamond Plaza

Trang trí Giáng sinh tại Thương xá Diamond Plaza – Ảnh Mk. Thành (21-12-2023)

Năm 312, khi hoàng đế Constantine I của La Mã từ bỏ đa thần giáo và thần phục Thiên Chúa của người Kitô giáo, ông đã bỏ lễ mừng Thần Mặt Trời và thay vào đó là lễ mừng sinh nhật của Đức Kitô. Đến năm 354, Giáo hoàng Libêrô đã chính thức công bố ngày 25-12 là ngày cử hành mầu nhiệm Đức Kitô Giáng sinh cho toàn thể giáo hội Công giáo.

Trang trí Giáng sinh tại Nhà thờ Đồng Tiến

Trang trí Giáng sinh tại Nhà thờ Đồng Tiến (Quận 10) – Ảnh Mk. Thành (21-12-2023)

Theo quan niệm của người Do Thái, một ngày bắt đầu từ lúc hoàng hôn nên mặc dầu lễ Giáng sinh được ấn định vào ngày 25 nhưng ngay từ đêm 24, Giáo hội Công giáo đã tổ chức lễ “vọng” (chờ đợi) Giáng sinh bằng tất cả nghi thức long trọng nhất. Điều này cũng nhằm diễn tả nhân loại đang chìm đắm trong đêm tối của sự ác, và khi Đức Kitô đến, Ngài như ánh dương xua đi bóng tối, giải thoát con người khỏi đêm trường triền miên và bước vào trong vinh quang sự sáng.

 Trang trí Giáng sinh tại Nhà thờ Đức Bà

Trang trí Giáng sinh tại Nhà thờ Đức Bà – Ảnh Mk. Thành (21-12-2023)

LỄ HỘI GIÁNG SINH TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Tại thành phố Hồ Chí Minh, ngay từ giữa tháng 12, không khí Giáng sinh đã tràn ngập khắp mọi nẻo đường. Không chỉ ở trong nhà thờ hay xóm đạo, niềm vui Giáng sinh như một hiệu ứng có sức lan tỏa mãnh liệt, đem nỗi náo nức hân hoan đến tận những nơi công cộng như quán càfé, nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, siêu thị, đến từng ngõ ngách và đến tận các con đường lớn thuộc trung tâm thành phố, qua những dây đèn màu giăng mắc được trang trí công phu, những cây thông hay ông già Noel ở tận đẩu tận đâu nhưng vẫn rất gần gũi thân quen với người dân nước Việt. Không khí Giáng sinh càng rộn ràng bởi những bài thánh ca truyền thống mang màu sắc tươi vui, những chương trình văn nghệ, lễ hội ánh sáng được chuẩn bị công phu.

Trang trí Giáng sinh tại Nhà thờ Tân Định

Trang trí Giáng sinh tại Nhà thờ Tân Định (Quận 3) – Ảnh Mk. Thành (21-12-2023)

Nếu đã có những năm, người dân thành phố cùng du khách được thưởng thức những bữa đại tiệc ánh sáng độc đáo và kỳ ảo trong đêm Giáng sinh, góp thêm không khí tưng bừng vào đêm huyền diệu và dịp mừng năm mới, thì trong chừng chục năm trở lại đây, dường như đã có sự tách bạch giữa lễ Giáng sinh và hội mừng Năm mới, do vậy mặc dù các tuyến đường trọng điểm như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi, Lê Duẫn, Bạch Đằng… đều đã có các hệ thống chiếu sáng mừng Năm mới được thực hiện công phu, nhưng ngay trong đêm Giáng sinh với việc tắt sớm các hệ thống chiếu sáng này trước khi giờ lễ khuya kết thúc, đã tạo nên một màn đêm “u tối” đáng tiếc nuối, vô hình trung gợi lại ý nghĩa tích cực của lễ Giáng sinh: sự khó nghèo. (Năm nay do tình hình kinh tế “hậu COVID” quá ảm đạm, các hệ thống chiếu sáng không thấy xuất hiện trừ đường Lê Lợi và phố đi bộ Nguyễn Huệ được tổ chức hội chợ trong 3 đêm 22, 23, 24/12 như để che chắn bớt bộ mặt nhếch nhác của tuyến đường Lê Lợi sau khi đường hầm metro được hoàn lưu chưa kịp cải tạo).

Trang trí hang đá tại đường Phạm Thế Hiển (Quận 8)

Trang trí hang đá tại đường Phạm Thế Hiển (Quận 8) – Ảnh Mk. Thành (21-12-2023)

Tưởng cũng nên biết, cách trung tâm thành phố 8km, con đường Phạm Thế Hiển nơi tập trung một loạt các xứ đạo Bình Thái, Bình An, Bình An Thượng, Bình Thuận, Bình Sơn thuộc giáo hạt Bình An, bà con giáo dân vẫn giữ được truyền thống trang trí Giáng sinh từ hàng chục năm nay tạo thành một tụ điểm đón mừng Giáng sinh khá đặc sắc được mệnh danh “con đường máng cỏ” hay “đường Giáng sinh”. Trên một đoạn đường hơn 5km, bà con đã trang trí đèn màu cùng hàng ngàn ngôi sao, đèn lồng, cây thông dọc theo hai bên đường, đặc biệt tiền đường các nhà thờ và nhiều mặt tiền hộ dân khác đã liên kết trang trí các hang đá “hoành tráng” và sống động, tạo nên một sắc màu Giáng sinh độc đáo, thu hút nhiều người về đây tham quan.

 Trang trí Giáng sinh tại Nhà thờ Bình An Thượng

Trang trí Giáng sinh tại Nhà thờ Bình An Thượng (Quận 8) – Ảnh Mk. Thành (21-12-2023)

Trong chừng mươi năm trở lại đây khi đời sống người dân dần được cải thiện và nâng cao thì việc trang trí Giáng sinh không còn dừng lại ở “Con đường Giáng sinh” quận 8 mà đã lan tỏa rộng khắp, nổi bật có thể kể đến các xóm đạo Tân Phú (đường Thành Công quận Tân Phú), Từ Đức, Tam Hà (thành phố Thủ Đức), Nghĩa Phát (quận Tân Bình), Hạnh Thông Tây, Xóm Mới, Thạch Đà (quận Gò Vấp), Vườn Xoài, Dòng Chúa Cứu Thế (quận 3), Ba Chuông (quận Phú Nhuận)..., một số trung tâm thương mại lớn như Rex, Tax, Saigon Centre, Diamond Plaza, Vincom B, Bitexco, Cresent Mall, Aeon Mall..., đặc biệt các khu căn hộ, biệt thự như Tân Thuận, Vinhomes... cũng tạo điều kiện cho cư dân vào cuộc, đã làm cho không khí Giáng sinh tại Tp. Hồ Chí Minh ngày càng náo nhiệt hơn.

Trang trí trong hẽm tại Giáo xứ Lộc Hưng (Q. Tân Bình)

Trang trí trong hẽm tại Giáo xứ Lộc Hưng (Q. Tân Bình) – Ảnh Mk. Thành (21-12-2023)

Một nét đẹp văn hóa là cho dù không cùng tín ngưỡng, nhiều người dân thành phố vẫn đổ về các thánh đường Công giáo trong đêm 24-12 để tham dự vọng Giáng sinh với các chương trình diễn nguyện, biểu diễn thánh ca và thánh lễ, vừa để cảm nhận bầu khí thánh thiện nồng ấm của lễ Giáng sinh, vừa chia sẻ niềm vui cùng cộng đồng Kitô hữu anh em...

Hoan ca Giáng sinh tại Giáo xứ Bình Thuận

Hoan ca Giáng sinh tại Giáo xứ Bình Thuận (Quận 8) – Ảnh Mk. Thành (21-12-2023)

● ● ●

Có thể nói không ngoa rằng Giáng sinh là một lễ hội xuống đường của mọi người, đặc biệt giới trẻ khi tất cả đều đổ ra đường trong tâm trạng hân hoan phấn chấn. Đây là cuộc xuống đường bất bạo động không mang động cơ chính trị, một cuộc xuống đường ôn hòa không có những hò reo ầm ĩ, một cuộc xuống đường không tiền hô hậu ủng nhưng muôn lòng như một, cầu mong điều tốt đẹp đến với mọi người…

Trang trí Giáng sinh tại Nhà thờ Bình Thuận (Quận 8)

Trang trí Giáng sinh tại Nhà thờ Bình Thuận (Quận 8) – Ảnh Mk. Thành (21-12-2023)

Quả là khi đời sống tinh thần của con người ngày càng được quan tâm đề cao thì những cuộc xuống đường như thế mang ý nghĩa tích cực, hàm chứa những tín hiệu lạc quan, đem lại cho người hội nhập niềm an nhiên tự tại và thêm tin yêu vào cuộc sống…

Mai Kim Thành     

* Cập nhật: 22-12-2023

Danh mục nội dung