» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Làng nghề
27/12/2011
LÀNG NGHỀ ĐÓNG GHE XUỒNG “NĂM QUĂNG”
Trên dải đất Việt Nam hình chữ S, có lẽ không đâu có một làng nghề mà sản phẩm đồng nghĩa với chất lượng kém nhưng lại được sự đồng tình ủng hộ của giới tiêu dùng, đến nổi tính chất của sản phẩm lại trở thành tên gọi không chỉ của sản phẩm mà còn của cả làng nghề với ít nhiều hệ lụy. Đó là làng nghề đóng ghe xuồng “Năm Quăng”, một làng nghề nằm trong con hẻm nhỏ đoạn Quốc lộ 1 thuộc ấp Long An, xã Long Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang với hàng chục cơ sở thu hút sự tham gia của đông đảo thanh niên nông thôn.
MANH NHA MỘT LÀNG NGHỀ
Thoạt đầu “năm quăng” chỉ là một lời bông đùa, một lối đánh giá hời hợt theo cách nói bộc trực của người miền Tây, ám chỉ loại sản phẩm sử dụng được một năm rồi quăng bỏ. Thật vậy, đây là loại ghe xuồng giá bèo được hình thành từ những loại gỗ tạp và tận dụng, có thời gian sử dụng ngắn nhưng điều quan trọng là đáp ứng được túi tiền eo hẹp của người nghèo, giúp họ có phương tiện sinh nhai qua ngày bằng nghề câu lợp và sống chung với lũ. Khi sản phẩm xuất hiện trên thị trường, nó đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình không chỉ của người nghèo mà còn cả những người có tiền của như trại chủ các vuông tôm, gia đình đông người muốn có nhiều phương tiện để mọi người có thể chung tay tiếp sức câu lưới, bắt cá hoặc thuận tiện trong sinh hoạt…
Đóng xuồng Năm Quăng bằng các loại cây tạp – Ảnh: Bình Đại (sggp.org.vn)
Tác giả của sáng kiến “năm quăng” khá độc đáo này là ông Dương Văn Lạc tức Hai Lạc (xã Long Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Nguyên từ trước năm 1975, ông đã theo cha ra tận Nha Trang học nghề đóng giường tủ và đến khi đất nước hòa bình, chàng thanh niên 21 tuổi đã háo hức trở về quê nhà để lập nghiệp. Gặp lúc lịch sử vừa sang trang, đất nước chưa kịp thoát ra cảnh khó khăn nên cái nghề làm giường tủ của anh cũng khó có đất sống. Không đành thúc thủ trước nghịch cảnh, Hai Lạc cùng các em đến Ngã Bảy (Phụng Hiệp) học nhanh cách thức lên xuồng ghe rồi trở về tính kế mở trại đóng ghe xuồng. Trong thời gian đầu, anh đã gặp nhiều khách hàng đến hỏi thăm loại xuồng giá rẻ. Nghĩ đến cảnh dân miền Tây phải sống trên sông nước, lặn hụp trong mùa nước nổi để kiếm bắt con cá con tôm, nhưng không có tiền lấy đâu sắm nổi ghe xuồng, anh băn khoăn nghĩ cách tạo ra một loại xuồng giá thấp cho người nghèo, và xuồng “năm quăng” đã có mặt đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân vùng sông nước.
SẢN PHẨM VÌ CỘNG ĐỒNG
Tận dụng những loại gỗ tạp có sẵn trong vườn nhà của người dân miền Tây, Hai Lạc đã sản xuất ra những chiếc ghe xuồng có giá bán chỉ bằng 10 tô phở của người dân vùng đô thị, mở ra một cuộc cách mạng thực sự trong sản xuất ghe xuồng. Tiếng lành đồn xa, sản phẩm “năm quăng” nhanh chóng có mặt tại khắp các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, từ Cần Thơ, Hậu Giang đến An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An… kéo theo việc hình thành cả một làng nghề “năm quăng” được nhiều người biết đến, giải quyết được phần nào tình trạng thất nghiệp và tạo việc làm ổn định cho nhiều thanh niên địa phương.
Xuồng “năm quăng” đáp ứng nhu cầu người nghèo – Ảnh: nguồn metinfo.blogspot.com
Bỏ qua một bên tính chất sơ sài xô xảm theo cách “mì ăn liền” của sản phẩm, làng nghề “năm quăng” cũng rất đáng được trân trọng bởi bao hàm nhiều giá trị nhân văn vì cộng đồng. Theo người dân làng nghề, nghề đóng ghe xuồng “năm quăng” rất dễ học đối với cánh thanh niên nông thôn ít chữ nghĩa. Chỉ cần chịu khó quan sát và siêng năng cưa xẻ, bào đục thì không tới 3 tháng là có thể tự tay làm được một chiếc xuồng “năm quăng” nghiêm chỉnh. Còn nếu muốn làm chủ thì cũng chỉ cần 2 – 5 triệu là đã đủ để kinh doanh. Nghề này nam nữ gì cũng có thể tham gia, nếu cánh nam phải cưa xẻ, bào gọt hay đóng đinh thì cánh nữ cũng có thể làm nhiệm vụ trám, trét để hoàn thiện sản phẩm.
LẤY CÔNG LÀM LỜI
Đặc điểm của xuồng “năm quăng” là rất gọn nhẹ do được đóng bằng ván xẻ chỉ dày từ 1 – 1,2cm. Nguyên liệu chính là các loại gỗ tạp như xoài, bạch đàn, gáo, sầu riêng, còng, dừa… khai thác từ khả năng thải loại của các nhà vườn như tái quy hoạch sản xuất, thay cây lão, đổi cây tạp, bỏ giống cũ… với nguồn cung cấp khá dồi dào từ các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang… Vì vậy tuy mỗi năm làng nghề sử dụng đến hàng ngàn khối gỗ nhưng không xảy ra tình trạng khai thác tàn phá rừng hay nhập lậu cây ngoại. Gỗ sau khi xẻ sẽ được phơi qua một nắng để khi đóng xuồng không còn bị nhót gây trở ngại cho người sử dụng, trường hợp gặp tháng mưa cũng có thể hong gió trong nhà chừng vài ba bữa.
Xuồng “năm quăng” – Ảnh: Phusaloc (metinfo. blogspot. com)
Để có thể giữ được giá rẻ cho loại xuồng “năm quăng” – chừng 200.000 đồng một chiếc xuồng 4m (chỉ bằng 1/4 hoặc 1/5 giá xuồng đóng bằng cây rừng), chủ trại phải kiêm nhiệm nhiều vai trò, từ đi vườn mua cây, làm thợ đóng ghe xuồng đến đi giao hàng cho vựa… Nhiều người đã nói đùa là họ phải làm công cho chính mình theo kiểu “lấy công làm lời” để duy trì sản xuất. Theo tính toán của giới đóng xuồng, 1m³ gỗ làm ra 12 – 15 chiếc xuồng hoặc 8 chiếc ghe, và 1m³ như vậy chỉ lời trong khoảng 200.000 đồng.
TẤT BẬT LÀNG NGHỀ
Gọi là xuồng “năm quăng” nhưng thực tế người dân vùng sông nước có thể sử dụng loại xuồng này từ 1 – 2 năm trong mùa lũ để thả lưới, giăng câu, đi lại hay vận chuyển… Từ hiệu quả này, có người còn muốn nghĩ đến loại xuồng “nẳm nưa” hay nửa năm nhưng đã không thành, “năm quăng” vẫn là giải pháp ưu việt và bất khả thay thế. Vì vậy không lạ gì khi làng nghề “năm quăng” ngày càng phát triển, hiện nơi đây có đến hàng chục điểm đóng xuồng lớn, nhỏ có hoặc không treo biển, với bình quân mỗi điểm từ 3 – 10 lao động.
Tuy thu nhập không cao nhưng so với cánh làm thuê rày đây mai đó, ngày được ngày không thì công việc của người thợ làm xuồng ổn định hơn nhiều. Mỗi ngày một người thợ có thể làm được từ 2 – 3 chiếc xuồng, công 15.000 đồng / chiếc (chủ nuôi ăn) thì thu nhập cũng được 800.000 – 1.000.000 đồng / tháng không phải là quá tệ đối với thanh niên nông thôn.
Những chiếc ghe giúp người dân mưu sinh – Ảnh: nguồn vtc.vn
Với việc tồn tại trên 30 năm, làng nghề ghe xuồng “năm quăng” đã khẳng định rõ ưu thế trên thương trường. Không chỉ tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều thanh niên nông thôn, làng nghề còn tạo điều kiện cho người dân nghèo vùng lũ có phương tiện đi lại và mưu sinh trong mùa nước nổi. Đó chính là niềm vui của người thợ “năm quăng”, là giá trị nhân sinh cao qúy mà không phải làng nghề nào cũng có thể đem lại cho cộng đồng và cho xã hội…
Mai Kim Thành