» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Làng nghề
18/01/2012
LÀNG NGHỀ LƯỠI CÂU MỸ HÒA (MƯƠNG THỢ THI)
Nằm nép mình bên dòng kênh Long Xuyên - Núi Sập thuộc phường Mỹ Hòa, một phường vùng ven thành phố Long Xuyên, làng nghề lưỡi câu Mỹ Hòa được biết đến không chỉ tại tỉnh An Giang mà còn cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, với sản phẩm lưỡi câu đủ loại từ miệt đồng đến miền biển mang thương hiệu Mương Thợ Thi đã có mặt tại các kỳ hội chợ hay triển lãm nhiều nơi trên cả nước.
Xóm lưỡi câu phường Mỹ Hòa – Ảnh: nguồn blog.yume.vn
Tồn tại trên dưới 50 năm, làng nghề lưỡi câu Mỹ Hòa đã đem lại cho người dân làng nghề một công việc bán thời vụ khá ổn định, đặc biệt từ em bé 10 tuổi đến cụ già 70 tuổi đều có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất. Hàng năm chuẩn bị vào mùa nước nổi (khoảng cuối tháng 7 và rộ lên chừng 4 tháng trong năm), đến Mỹ Hòa đi đâu du khách cũng bắt gặp một không khí làm việc tất bật với tiếng máy chạy ro ro, tiếng búa gõ nện đều đặn hay tiếng nói cười rộn rã khắp đầu trên xóm dưới. Cả khi đêm đến, nhà nhà vẫn sáng đèn dường như không muốn bỏ dở công việc. Thực tế xóm “lưỡi câu” Mỹ Hòa thức hẳn cùng với mùa nước nổi…
Nẹp câu kiều với khoảng 350 - 400 lưỡi câu – Ảnh: nguồn tinkinhte.com
Để hình thành một chiếc lưỡi câu, qui trình sản xuất phải qua các công đoạn khá nhiêu khê, từ cán thẳng dây, chặt khúc, dập ngạnh, mài lưỡi, sửa mũi, vô khuôn, uốn lưỡi, cắt 2 ngạnh, dập đít đến rang nóng (trui) cho lưỡi cứng, xóc bóng, tóm câu, đóng gói… Tuy hiện nay có đến 80% công đoạn được làm bằng máy nhưng việc chỉnh lưỡi câu vẫn phải làm thủ công với sự hỗ trợ của chiếc đe gỗ, trên đó người thợ tiến hành mài giũa chỉnh mũi. Sản phẩm của làng lưỡi câu Mỹ Hòa rất đa dạng với đủ kích cỡ và chừng 50 chủng loại, gồm lưỡi câu đúc, câu phược, câu kiều, câu phi…, ngoài ra còn phải kể đến câu tôm, câu rắn, câu ếch… đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của nghề câu. Do chất lượng tốt với độ sắc bén, bền, vừa hiệu quả vừa có giá thành hợp lý nên lưỡi câu Mỹ Hòa rất được tín nhiệm của người tiêu dùng. Không chỉ có mặt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long hay miền Trung, lưỡi câu Mỹ Hòa còn được bán cả ở Campuchia, Lào thông qua các kỳ hội chợ, triển lãm trong nước và khu vực. Nhiều thương lái từ Campuchia còn tìm đến đặt hàng để cung ứng lại cho ngư dân Malaysia.
Nam, phụ, lão, ấu đều có thể tham gia sản xuất – Ảnh: Thanh Bách (laodong.com.vn)
Việc làm lưỡi câu tuy không khó nhưng đòi hỏi nhiều tỉ mẩn và sự kiên nhẫn khi phải “ngồi thiền” cả ngày – thường mỗi người thợ chỉ tham gia một công đoạn sản xuất nên rất dễ bị rơi vào tình trạng nhàm chán. Hiện làng nghề có 186 hộ chuyên sản xuất lưỡi câu theo hình thức cha truyền con nối. Bình quân mỗi hộ thuê thêm 3 - 5 người làm công với số lao động chính khoảng 680, hoạt động gần như suốt năm nhưng vào chính vụ mùa nước nổi thường khi lên đến cả ngàn người. Tùy theo công đoạn mà thu nhập của người thợ có thể từ 10.000 đến 50.000, 60.000 đồng / ngày, chưa thể gọi là cao nhưng ổn định, vì vậy vẫn thu hút được nhiều lao động tham gia. Năm 2007, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống cho xóm lưỡi câu Mỹ Hòa, và Phòng Kinh tế thành phố Long Xuyên cũng thường xuyên quan tâm tạo điều kiện để bà con vay vốn, mở rộng qui mô sản xuất hướng đến thị trường cả trong lẫn ngoài nước.
Uốn lưỡi câu – Ảnh: nguồn diendanmientay.net
Những tưởng làng nghề Mỹ Hòa sẽ duy trì được thế mạnh và phát triển ổn định sau 50 năm tồn tại nhưng đến nay đang có dấu hiệu chững lại và phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Đã qua rồi thời tôm cá đầy đồng và phương thức móc câu bắt cá ngày càng khó tìm được đất sống. Sự lỗi nhịp trong phương thức đánh bắt của thời cá hiếm người đông đang khi lũ ngày càng ít đi đã khiến nhiều cơ sở sản xuất lâm vào tình thế bế tắc: sản phẩm ế ẩm, cơ sở phải hoạt động cầm chừng, nhiều lao động chính phải bươn chải tìm nghề mới mưu sinh… Làng nghề làm lưỡi câu đang đứng trước nguy cơ phá sản hoặc chí ít cũng khó tìm lại thời hoàng kim.
Cả gia đình, mỗi người một công đoạn – Ảnh: nguồn dulich.tuoitre.vn
Cũng trong thời điểm khó khăn nhất của làng nghề, trong năm qua đã có vài tín hiệu được gởi đến cho phép người làng nghề khấp khởi hy vọng, đó là việc có người từ Campuchia tìm đến tận làng nghề Mương Thợ Thi để lấy hàng, Hà Nội gởi mẫu lưỡi câu mới với cả chục loại, một Việt kiều ở Mỹ gởi về một mẫu hàng lưỡi câu khá đặc biệt với ý định sẽ tiếp thị sản phẩm qua bên đó… Những loại lưỡi câu mới đòi hỏi kỹ thuật rất cao, tay nghề phải khéo và nhiều công phu tỉ mẫn, sẽ là thử thách nhưng cũng là cơ hội để lưỡi câu Mỹ Hòa vươn lên, thoát khỏi tình cảnh lây lất khốn đốn như hiện nay.
Hy vọng tương lai tốt đẹp sẽ đến với làng nghề lưỡi câu trong năm mới này, như một phép mầu giúp Mỹ Hòa sớm trở lại thời hưng thịnh…
Mai Kim Thành