» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Làng nghề
24/03/2012
LÀNG NƯỚC NỔI KAMPONG AYER
Nếu Brunei được biết đến là một vương quốc dầu mỏ với những ngôi thánh đường Hồi giáo dát vàng và các cung điện nguy nga tráng lệ, thì khởi thủy đất nước này đã được hình thành từ một ngôi làng nhỏ bên dòng sông Brunei, nơi những cư dân sinh sống bằng nghề đánh bắt cá hay tạo tác những sản phẩm thủ công bằng gỗ, bạc, đồng… Những người Brunei không hề quên xuất phát điểm của mình và đó chính là lý do vì sao trải qua bao thời gian, mặc cho vật đổi sao dời vẫn tồn tại làng nước nổi truyền thống Kampong Ayer tại thủ đô Bandar Seri Begawa thuộc quận Brunei và Muara.
Làng nước nổi Kampong Ayer – Ảnh: nguồn theculturetrip.com
“Kampong Ayer” theo tiếng Mã Lai có nghĩa là “Làng Nước”, tức là làng nổi trên mặt nước. Được đánh giá là một trong những kỳ quan kiến trúc của khu vực, làng nước nổi Brunei ngày nay không chỉ mới được xây dựng từ năm 1958 do vị vua Brunei tiền nhiệm, mà còn là hiện thân của ngôi làng thời mở cõi, nơi lịch sử và truyền thống được tô bồi với hơn 1.300 năm phản ánh sự hình thành và phát triển của đất nước. Trong thời kỳ cường thịnh nhất của mình (1485 - 1424), Kampong Ayer đã từng là một cảng thị quan trọng trong khu vực và là trung tâm hành chính, kinh đô của đế chế Brunei.
Tượng đài biểu tượng làng nổi Kampong Ayer – Ảnh: nguồn phuot.vn
Hiện nay Kampong Ayer là nơi định cư của khoảng 30.000 người chiếm gần 10% dân số vương quốc, thể hiện rõ nét nhất nền văn hóa sông nước của cư dân bản địa. Với khoảng 40 cụm dân cư gồm hơn 4.000 công trình được xây dựng trên những cây cột và cách mặt nước chừng 2m, các ngôi nhà nơi đây được liên kết với nhau bằng những con đường, những chiếc cầu (gọi là jembatan) hay bè bằng gỗ với tổng chiều dài gần 40km, làm thành những con đường làng tiện cho cư dân đi lại liên lạc với nhau mà không cần phải xuống nước.
Những con đường nối trong khu vực – Ảnh: nguồn tripfreakz.com
Các ngôi nhà được bố trí hợp lý với khoảng sân rộng phía trước để trồng hoa trang trí hoặc làm mặt bằng sản xuất những sản phẩm thủ công. Tại mỗi cụm dân cư đều có tổ trưởng do dân bầu ra để quản lý và trông coi các dịch vụ công cộng. Toàn bộ ngôi làng có đến 15 ngôi trường tiểu và trung học, các cơ sở tiện ích như bưu điện, bệnh viện, nhà thờ, đồn cảnh sát, phòng vệ sinh môi trường để thu nhặt rác thải và cả đồn cứu hỏa trang bị đầy đủ thiết bị phù hợp với địa hình sông nước để ứng cứu kịp thời mỗi khi có sự cố xảy ra…
Trẻ em trong làng đến trường – Ảnh: nguồn thanhnien.com.vn
Nhìn từ xa, ngôi làng trông như một thị trấn, thấp lè tè và hơi nhếch nhác nhưng thực tế cuộc sống người dân nơi đây không khác mấy so với đời sống cư dân ở trên bờ. Chính phủ đã cung cấp nước sạch, điện, đường dây điện thoại và truyền hình cáp nên trong mỗi gia đình được trang bị khá hiện đại, từ internet, điện thoại, fax, truyền hình đến máy điều hòa, tủ lạnh, máy giặt… Điều đáng ngạc nhiên là cư dân ở đây không nghèo, bởi trên đất nước Brunei không đâu có nhiều triệu phú đô-la như tại Kampong Ayer. Dù sống trên nước, nhưng hầu như người nào cũng sở hữu một chiếc xe hơi được gởi ở bãi xe trên đất liền, hàng ngày họ đón taxi nước vào bờ và lấy xe đi làm. Phần lớn cư dân đều có công việc làm ổn định, có người còn tậu được vài biệt thự trên bờ và có đến hàng chục chiếc xe hơi.
Làng nổi lung linh khi đêm về – Ảnh: nguồn channelnewsasia.com
Trong nỗ lực cải thiện và nâng cao đời sống người dân, ngay từ đầu thập niên 1990, chính phủ đã có kế hoạch cung cấp nhà kiên cố trên đất liền cho cư dân sông nước (giá khoảng 33.500USD), nhưng hầu như dân làng, nhất là giới trẻ không mấy mặn mà với việc phải rời xa nơi bao thế hệ gia đình đã một thời gắn bó. Họ thích sống ở khu nhà trên sông không chỉ vì nơi đây có không khí mát mẻ, mà còn vì một nguyên cớ xa hơn: được đắm mình vào nếp sống truyền thống như một cách “gìn vàng giữ ngọc” để "ôn cố tri tân"…
“Taxi nước”, phương tiện giao thông duy nhất – Ảnh: nguồn sucsongmoi.net
Sẽ là thiếu sót nếu đến Brunei mà không ghé thăm tìm hiểu nét văn hóa độc đáo ở làng nước nổi Kampong Ayer. Chỉ cần bỏ ra chừng 25 BND (khoảng 13 USD), du khách có thể làm một chuyến dạo quanh làng bằng taxi nước, rồi dừng lại ở một ngôi nhà tiêu biểu để tìm hiểu đời sống cư dân sông nước và thưởng thức loại bánh ngọt đặc biệt do người dân làng nước nổi làm ra. Du khách sẽ còn ngạc nhiên thích thú khi tiếp cận những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp mắt và tinh tế được chế tác từ những bàn tay vàng địa phương…
Mai Kim Thành