» Giới thiệu » Tham quan » Thắng cảnh

thu nhỏ | phóng to

10/10/2010

HỒ TRÚC BẠCH


Nằm về phía Tây Bắc thành phố, trên địa bàn quận Ba Đình, cách trung tâm Hà Nội chừng 3km, hồ Trúc Bạch vốn là một phần của hồ Tây, được dân hai làng Yên Hoa và Yên Quang đắp đê ngăn lại để nuôi cá từ năm 1620.

Hồ Trúc Bạch -- Ảnh: pda.vietbao.vn

Đê được đặt tên là Cố Ngự với ý nghĩa “giữ vững” nhưng do lâu ngày đọc chệch mà thành ra Cổ Ngư, về sau đã trở thành đường nối từ Tây Bắc thành cổ sang phường Yên Hoa, lên vùng Nghi Tàm, Quảng Bá. Năm 1957 - 1958, thanh niên Hà Nội đã tham gia mở rộng đường, trồng cây tạo cảnh, biến nơi đây thành con đường Thanh Niên tình tứ đi giữa đôi bờ hồ gió lộng.

a

Hồ Trúc Bạch -- Ảnh: nguồn Xomnhiepanh.com

Hồ có tên Trúc Bạch là bởi xưa cạnh hồ có làng Trúc Yên với khu rừng trúc rất đẹp. Chúa Trịnh Giang (1729 - 1740) đã cho xây dựng tại đây Trúc Lâm Viện để làm chốn nghỉ ngơi; sau biến thành nơi an trí các cung nữ phạm tội. Những người này đã phải dệt lụa để nuôi thân, lụa họ dệt đã sớm nổi tiếng khắp nơi – đó là lụa làng Trúc (chữ Hán là Trúc Bạch), rất được dân chúng ưa dùng.

Tại góc Tây Bắc hồ gần bờ có nhô lên một gò đất nhỏ, nơi đây từ đầu thời Lý đã dựng đền Cẩu Nhi vốn được dời từ núi Nùng về. Đền này ngày nay không còn nhưng mới đây đã dựng một tấm bia ghi lại sự tích thành lập đền.

Mai Kim Thành

Danh mục nội dung