» Giới thiệu » Tham quan » Điểm hẹn tâm linh
27/03/2012
ẤN TƯỢNG CHÙA VÀNG SHWEDAGON
Nếu Myanmar đã từng nổi tiếng là một quốc gia giàu truyền thống văn hóa và lịch sử, thì nơi đây còn được biết đến với nhiều công trình kiến trúc mang tính tâm linh đặc sắc. Nổi bật trong số đó phải kể đến chùa Shwedagon hay còn gọi chùa Vàng, một quần thể gồm nhiều đơn thể chùa bao quanh ngôi chùa trung tâm, nổi bật với tòa tháp dát vàng uy nghi trên đỉnh đồi Singuttara thuộc thành phố Yangon, thủ đô nước Myanmar ngày nay.
Niềm kiêu hãnh Myanmar – Ảnh: nguồn zenflower.vn
Gọi là chùa “Vàng” vì ngôi chùa đã được “ốp” và trang trí bởi khoảng 60 tấn vàng cùng cả trăm ngàn viên kim cương và đá quý. Trong ngôn ngữ Myanmar, “vàng” cũng đồng nghĩa với sự “mĩ miều”, điều này hàm ý chùa Shwedagon là biểu trưng cho vẻ tráng lệ kỳ vĩ, niềm kiêu hãnh của người dân Myanmar.
TRUYỀN THUYẾT VÀ LỊCH SỬ
Không ai biết đích xác chùa Vàng đã hình thành từ lúc nào nhưng theo truyền thuyết, ngôi chùa đã được xây dựng từ hơn 2.500 năm trước vào giai đoạn đương thời của Đức Thích Ca Mâu Ni. Chuyện kể vào thời điểm đó, có hai anh em thương gia người Miến Điện là Taphussa và Bhallika muốn thử thời vận kinh doanh tại Ấn Độ. Tại đất nước này họ đã có cơ duyên giác ngộ đạo Phật và lúc hồi hương đã mang về món bảo vật độc đáo là tám sợi tóc của Đức Phật. Chính quốc vương Miến Điện lúc bấy giờ là Okkalapa đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ xây dựng ngôi chùa Shwedagon trên đồi Singuttara để lưu giữ bảo vật thiêng liêng.
Rực rỡ trong nắng chiều – Ảnh: Ngọc Trần (VnExpress – 30.3.2010)
Một truyền thuyết khác đã đưa lịch sử đi xa hơn, theo đó trước khi ngôi chùa Shwedagon được xây dựng, đồi Singuttara đã được xem là thánh địa vì lưu giữ thánh tích của ba vị Phật. Trải qua gần 5.000 năm kể từ khi Đức Phật hạ giới, đồi Singuttara đã mất dần tính linh thiêng và có nguy cơ bị giải thiêng nếu không bổ sung được di vật của một vị Phật mới. Với khát khao tìm kiếm di vật mới, vua Okkalapa đã dành nhiều thời gian thiền tịnh và cầu nguyện. Cuối cùng thì niềm mong ước cũng đã thành hiện thực với sự xuất hiện tám sợi tóc của Đức Phật.
Theo ước tính của các nhà khảo cổ, chùa Shwedagon đã được xây dựng lần đầu tiên vào khoảng từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 10 với chiều cao ban đầu hơn 8 mét. Về sau đã được vua Binnya U của Hanthawaddy sửa lại, nâng chiều cao lên hơn 20 mét. Vào thế kỷ 15, hoàng hậu Shinsawbu đã cho nâng tháp lên 40 mét. Cũng trong thời gian này, nhiều công trình tại chùa đã được dát bằng vàng thật do các tăng lữ và người dân trên khắp đất nước thường xuyên cúng tiến để tu bổ chùa. Truyền thống tốt đẹp này vẫn còn tiếp tục đến tận ngày nay.
Shwedagon rực rỡ khi đêm về – Ảnh: nguồn vietnamnet.vn
Trong thế kỷ 17, nhiều trận động đất đã khiến chùa bị hư hại nghiêm trọng, dữ dội nhất là trận động đất xảy ra vào năm 1768 đã làm cho phần đỉnh tháp bị sập xuống. Vua Hsinbyushin nhà Konbaung đã cho sửa sang lại tòa tháp và nâng nó lên độ cao như hiện nay. Năm 1871, vua Mindon Min đã cho dựng thêm phần hình vương miện (còn gọi là lọng – “hti”) nhưng trận động đất không lớn lắm vào năm 1970 đã làm cán lọng rời ra và sau đó chính phủ đã cho tiến hành sửa chữa.
DẤU ẤN CHÙA VÀNG
Chùa Shwedagon là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo trên thế giới, một quần thể chùa gồm 64 chùa nhỏ và 4 chùa lớn hơn phân bố đều hai bên ngôi chùa trung tâm. Đây là ngôi chùa linh thiêng và hoành tráng nhất, nơi tương truyền lưu giữ bốn báu vật của bốn vị Phật: cây quyền trượng của Kakusandha, bộ lọc nước của Konagamana, miếng áo choàng của Kassap và tám sợi tóc thiêng của Phật tổ.
Chùa Vàng Shwedagon – Ảnh: nguồn thanglong.chinhphu.vn
Chùa chính nằm tại vị trí trung tâm với tâm điểm là tòa tháp dát vàng cao 99 mét, kiêu hãnh vươn cao giữa trời. Tháp gồm 3 phần: đáy tháp, thân tháp (phần hình chuông) và đỉnh tháp, toàn bộ được dát bên ngoài một lớp vàng ròng tạo nên ánh vàng rực rỡ. Theo thống kê, phần đáy tháp được dát 8.688 lá vàng và phần thân tháp được dát 13.153 lá vàng (mỗi lá vàng có kích thước chừng 20 x 20cm được gắn vào tháp bằng đinh tán), cả hai phần này còn được nạm gần 90.000 viên hồng ngọc và lam ngọc. Riêng đỉnh tháp được phân làm nhiều tầng, dưới cùng là mũ tháp, bên trên có tầng giả như các cánh sen, trên nữa là tầng có hình dáng bắp chuối. Tiếp đến là tầng có hình dáng vương miện được gọi là lọng, tại đây được nạm 5.448 viên kim cương và 2.317 viên hồng ngọc. Trên cùng là lá cờ đuôi nheo bằng vàng và ở vị trí cao nhất có gắn một viên kim cương 76 carat (15 gam). Tại phần đỉnh tháp còn treo 1.065 chiếc chuông bằng vàng và 421 chiếc chuông bằng bạc luôn được gió tác động tạo nên những thanh âm thần thánh…
TRẢI NGHIỆM SHWEDAGON
Để lên chùa, du khách có thể dùng thang máy hoặc đi bộ theo bốn cầu thang (gọi là Zaungdans) phía mỗi bên chùa, theo bốn hướng Đông, Bắc, Tây, Nam. Khách nước ngoài thường thích lên chùa bằng cầu thang hướng Tây vì từ trung tâm thành phố có thể đến thẳng chùa rất thuận tiện.
Mỗi chiều, hàng ngàn Phật tử đến cầu nguyện – Ảnh: nguồn phatgiaovnn.com
Qua khỏi cầu thang hướng Tây, hai bên có sảnh U Thin và Daw Thet Pyin xây dựng năm 1891, được chạm trổ rất công phu. Tại đây dưới những chiếc dù màu trắng tượng trưng cho hoàng gia có điện thờ hai nhân vật Melamu và Sakka, tương truyền là thân phụ của vua Okkalapa, người đã có công khai lập ra chùa Vàng.
Tại hướng Bắc có sảnh thờ Victory Ground được xem là nơi linh thiêng, tương truyền vương triều Hansawadd Mon cổ xưa từng sống tại đây và thường đến cầu nguyện trước khi xuất binh. Nơi đây có một khu tập hợp bảy điện thờ, phía sau có sảnh thờ Chan Mah Phee được xây dựng năm 1989. Gần cầu thang hướng Bắc có sảnh thờ vị Phật thứ tư trên thế giới, với tượng Phật ẩn trong tường.
Tại khu vực hướng Đông có sảnh thờ Eastern Devotion, là công trình do vợ nhà vua Tharyarwaddy xây dựng và được trùng tu năm 1869. Phía sau sảnh có nhiều tượng Phật Tawagy có gắn viên hồng ngọc trên đầu. Đôi mắt của các tượng Phật trông giống như mắt thật, vì thế tượng Phật Tawagy còn được gọi là “Phật có mắt thật bằng hồng ngọc”.
Đêm về với những tia sáng vàng lấp lánh – Ảnh: nguồn thanglong.chinhphu.vn
Cầu thang hướng Nam dẫn đến sảnh chính thờ vị Phật thứ hai trên thế giới Konagamana. Để đi vòng quanh chùa Vàng, du khách đi bộ theo hướng bên trái theo chiều kim đồng hồ. Đi về hướng Tây của sảnh thờ phía Nam sẽ gặp khu Chinese Merited Association Tazaung, nơi có 28 tượng Phật thể hiện các giai đoạn thành đạo của Đức Phật…
Tham quan chùa Shwedagon, dù giữa ban ngày chói chang ánh nắng hay khi đêm về dưới ánh đèn sáng rực, du khách vẫn thấy bật lên một thứ ánh sáng rực rỡ uy nghi. Quả không quá lời khi ai đó đã từng nói: “Đến Myanmar mà chưa biết đến chùa Shwedagon thì xem như chưa biết Myanmar”. Shwedagon không chỉ biểu trưng cho tinh thần mộ đạo Phật của người Myanmar, mà còn là chứng nhân trước bao biến đổi, thăng trầm của một đất nước, sẽ mãi là niềm tự hào của người dân Myanmar…
Mai Kim Thành