» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Đặc sản
30/03/2012
LẠP - MÓN ĂN MAY MẮN XỨ LÀO
Tại các quốc gia vùng Đông Nam Á có đông tín đồ Phật giáo hay chọn Phật giáo làm quốc giáo, lễ Tết thường được tính theo Phật lịch, với ngày Đản sinh 15 - 4 là ngày đầu năm mới. Các quốc gia này thường ăn Tết trong 3 đến 4 ngày, bắt đầu từ ngày 13 và kết thúc vào ngày 15 hoặc 16 tháng Tư hàng năm. Tuy cùng đón Tết chung một dịp nhưng lễ Tết tại Thailand được gọi là Songkran, tại Myanmar là Thingyan, tại Cambodia là Chaul Chnam Thmey và tại Lào là Bun Pimai.
Vientiane thiếu nước vì nước đã tràn hết ra đường – Ảnh: Quốc Khánh (dantri.com.vn – 17.4.2011)
Trong ba ngày Tết, ngoài tập tục té nước và buộc chỉ cổ tay như gởi đến nhau những lời chúc may mắn, người Lào thường mời khách đến nhà chơi và thưởng thức món lạp truyền thống. “Lạp” trong ngôn ngữ Lào có nghĩa là lộc, sự may mắn. Đây là món ăn truyền thống trong các dịp lễ hội, một món ăn giản dị và gần gũi với đời sống của người dân Lào hiền hòa, một món ăn đậm đà tính dân tộc biểu trưng cho sự may mắn và bình an… Người Lào vẫn thường tặng nhau món lạp thay cho lời cầu chúc may mắn đầu năm và gia đình nào nhận được nhiều quà tặng độc đáo này thì đó là dấu chỉ năm mới sẽ có nhiều tài lộc.
Món lạp được làm khá đơn giản nhưng không vì thế mà kém phần công phu. Người Lào thường dùng các loại thịt bò, heo, gà, vịt, hươu… thậm chí cả thịt hổ làm nguyên liệu cho món lạp. Thịt nạc được băm nhỏ, tim, gan cũng được băm nhỏ, riêng món lạp heo có thêm bì heo thái sợi. Tất cả được trộn đều với các gia vị như nước cốt chanh, riềng, sả, hành tây, rất nhiều ớt và không thể thiếu một chút thính nếp. Sẽ là thiếu sót nếu món lạp bày ra không điểm thêm một vài cọng ngò gai, một ít rau húng lủi, vừa tạo nên một tổ hợp màu sắc bắt mắt, vừa góp vào chút hương đồng gió nội làm cho món ăn thêm phần tinh tế.
Món lạp xứ Lào – Ảnh: nguồn camnangdulich.com
Lạp được ăn kèm với xôi, món ăn trong các bữa ăn chính của 90% người dân Lào. Hạt nếp Lào có đặc điểm thuôn dài và trắng trong, khi đồ thành xôi vẫn giữ được hình dáng và sắc trong ban đầu. Nhiều người e rằng xôi Lào như thế sẽ khô và cứng, nhưng khi nhón một miếng đưa vào miệng rồi sẽ bị thuyết phục ngay, bởi xôi Lào ngoài sự thơm dẻo còn có cả vị beo béo đặc trưng. “Ăn xôi, thưởng lạp” là câu nói cửa miệng của người Lào, điều đó đủ nói lên mối tương quan hòa quện của hai món ăn dân giã.
Người Lào thường ăn sống món lạp vì như thế mới cảm nhận được vị tươi ngọt của thịt, vị bùi béo của tim gan. Nói là ăn sống nhưng thực tế nhờ tác dụng bởi chất sát khuẩn rất cao trong nước cốt chanh, chất cay trong quả ớt cùng với vị the trong các loại thảo mộc đã làm cho bên ngoài miếng thịt trở nên chín tái đang khi bên trong vẫn giữ được vị tươi ngon. Người mới ăn món lạp lần đầu có thể phải khổ sở vì vị cay xé đến… giàn giụa nước mắt, nhưng những hạt xôi nếp dẻo ngon và thơm ngọt đã có mặt như một sự bổ sung kịp thời giúp cân bằng lại vị giác. Thế mới thấy sự bổ trợ trong món ăn là quan trọng, sự đậm đà hơi có phần thái quá của món lạp sẽ được sự nâng đỡ của món xôi dẻo thơm ngọt mà thêm phần thăng hoa…
Lễ buộc chỉ cổ tay chúc phước lành năm mới – Ảnh: Quốc Khánh (dantri.com.vn – 17.4.2011)
Người Lào rất tế nhị nên nếu khách không quen ăn sống vẫn có thể được mời thưởng thức món lạp đã được làm chín. Đặc biệt tập quán của người Lào là ăn bằng tay, vì vậy bạn đừng ngại khi phải thò tay bốc từng nắm xôi từ chiếc giỏ tre xinh xắn. Bạn sẽ trở nên “sành điệu” khi biết nắn nắm xôi thành một chiếc thìa nhỏ, để khi đưa thìa xôi vào đĩa lạp, sẽ dễ dàng dùng ngón tay lùa ít lạp vào “thìa” rồi đưa tất cả vào miệng, rất gọn gàng và sạch sẽ.
Bạn đang có mặt tại xứ sở hoa Chămpa trong dịp lễ hội Bun Pimai truyền thống? Xin đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món lạp độc đáo của dân tộc Lào, món ăn thể hiện tinh thần hòa hiếu và trọng thị của người dân Lào trong dịp năm mới về, một món ăn thực sự đem lại nhiều niềm vui và cả điều may mắn…
Mai Kim Thành