» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

thu nhỏ | phóng to

08/05/2012

HUYỀN BÍ KỲ QUAN ANGKOR


Nằm tại tỉnh Siem Reap, phía Đông Bắc Campuchia và cách thủ đô Phnom Penh 240km về hướng Bắc, Angkor là kinh đô cũ thuộc đế chế Angkorian, được khởi đầu vào triều vua Jayavarman II (802 - 850), người tự xưng “hoàng đế của thiên hạ” và kết thúc vào năm 1431 dưới triều vua Borommaracha II (1393 - 1463), khi kinh đô của đế chế Angkorian bị người Ayutthaya chiếm được và đốt phá, buộc nhà vua phải dời đô về phía Nam, đến khu vực Phnom Penh ngày nay.

HUYỀN THOẠI ANGKORIAN

Trên vùng lãnh thổ Campuchia hiện nay, trong quá khứ đã từng tồn tại một đế chế rộng lớn nhất Đông Nam Á với diện tích lên đến 1 triệu km². Đế chế Khmer này được tách ra từ Vương quốc Chân Lạp, đã từng cai trị và có vùng đất phiên thuộc bao trùm lãnh thổ của các quốc gia Lào, Thailand, Myanmar và miền Nam Việt Nam.                                                    Angkor huyền bí

Angkor huyền bí – Ảnh: nguồn voucher.vn

Trong quá trình hình thành đế chế Angkorian, người Khmer đã có các mối quan hệ thương mại với đế quốc Java và sau đó với đế quốc Srivijaya giáp biên giới về phía Nam. Di sản lớn nhất của đế chế Angkorian là Angkor, kinh đô vào thời cực thịnh, chứng tích của sức mạnh và sự thịnh vượng cùng với nhiều tín ngưỡng đã ảnh hưởng lên nó qua nhiều thời kỳ, như Ấn Độ giáo, Phật giáo đại thừa và về sau chiếm ưu thế là Phật giáo Nam truyền được du nhập từ Sri Lanka vào thế kỷ XIII.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng ảnh vệ tinh cùng các dữ liệu radar mặt đất do NASA cung cấp và đi đến kết luận Angkor là thành phố thuộc thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp lớn nhất thế giới với diện tích gần 1.000km². Để hình dung qui mô của thành phố này, có thể liên hệ đến thành phố Tykal của văn hóa Maya (Guatemala) có tiêu chí cạnh tranh gần nhất với tổng diện tích khoảng 50 dặm vuông (gần 19km²).

Câu chuyện lịch sử được ghi bằng đá

Câu chuyện lịch sử được ghi bằng đá – Ảnh: nguồn phuongnamstar.net

Theo truyền thống có từ đầu thời Angkor, các vị vua Angkor thường tự xem mình là hiện thân của thần linh, là vua - thần (devaraja) nên khi còn sống mỗi vị đều xây cho mình một ngôi đền và tin rằng khi chết sẽ trở thành vị thần nhập vào ngôi đền mà mình đã xây dựng. Trong khoảng thế kỷ X – XIII, vương quốc Angkor đã xây dựng rất nhiều kiến trúc trong quần thể Angkor, với khoảng 72 đền thờ chính cùng những công trình khác hoàn toàn bằng đá. Đây là những công trình tôn giáo đồ sộ nhất thế giới, một quần thể kiến trúc cổ kính và huyền bí với trên 1.000 ngôi đền đủ kích cỡ và hình dáng tập trung trong một khu vực rừng và đất canh tác nông nghiệp rộng đến 200km². Điển hình trong số kiến trúc mang đậm phong cách Khmer này phải kể đến Angkor Wat, Angkor Thom, Bayon, Taprom, Banteay Srei, Preah Khan, Roulos, Phnom Bakheng…

Cổng chính Angkor Thom

Cổng chính Angkor Thom – Ảnh: nguồn mytour.vn

Năm 1295, nhà vua Jayavarman VIII bị con rễ là Srindravarman lật đổ. Vua mới là người theo Phật giáo Theravada (Nam truyền), đã từ bỏ quan niệm “vua - thần” nên đã không có ngôi đền lớn nào được xây dựng thêm cho các vị “devaraja” hay để thờ các vị thần linh bảo vệ họ nữa. Năm 1491 khi vương quốc Ayutthaya chiếm được Angkor và nhà vua Khmer phải dời đô về Phnom Penh, quần thể kiến trúc Angkor bị rơi vào quên lãng và may mắn được cây cối hoang dại mọc thành rừng, rồi phát triển thành rừng cổ thụ che phủ và bảo vệ trong hơn 400 năm.  

TỪ BÓNG TỐI RA ÁNH SÁNG…

Theo một số tài liệu, khu đền Angkor đã được các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha phát hiện từ thế kỷ XVI. Diogo Do Couto, một giáo sĩ Bồ Đào Nha sau chuyến thăm Angkor năm 1686 đã ghi lại nhận xét: “Đây là một công trình ngoại hạng đến nỗi không diễn tả nổi bằng ngòi viết, một kiến trúc không giống kiến trúc nào khác trên thế giới. Angkor có những tháp, kiến trúc trang trí và tất cả những cái tinh túy nhất mà thiên tài con người có thể nghĩ ra được”.

Tiên nữ Apsara hồi sinh

Tiên nữ Apsara hồi sinh – Ảnh: nguồn nangxanh.com

Mãi đến năm 1858, quần thể các ngôi đền Angkor mới được đưa ra ánh sáng sau giấc ngủ triền miên kéo dài hơn 400 năm. Người có công đầu trong việc đánh thức các nàng tiên nữ Apsara là Henri Mouhot, nhà thực vật học và thám hiểm người Pháp, chính ông là người đã tìm thấy quần thể các khu đền Angkor và ghi chép cẩn thận về những phát hiện của mình. Đứng trên đỉnh núi Bakheng nhìn về khu Angkor u tịch, ông đã ghi lại những dòng nhật ký đầy cảm xúc: “Tất cả vùng này giờ đây vắng lặng và cô quạnh, trước kia chắc hẳn nhộn nhịp và vui vẻ lắm, nay chỉ còn tiếng hú của các loài thú dữ và tiếng chim kêu giữa im lặng cô đơn…”.

Quần thể Angkor được rừng che chở bảo vệ

Quần thể Angkor được rừng che chở bảo vệ – Ảnh: nguồn ashui.com

Đến cuối thế kỷ 19, các nhà thám hiểm người Pháp mới đến Angkor Wat, phát quang khu rừng để làm rõ ngôi đền. Năm 1973, các nhà khảo cổ học người Pháp đã từng tiến hành quản lý ở đây nhưng do chiến tranh leo thang nên họ bắt buộc phải dời đi. Ngôi đền vĩ đại này cũng như quần thể kiến trúc chung quanh đã trở thành nơi ẩn náu của Khmer Đỏ – dấu vết của những năm tháng chiến tranh vẫn còn hằn rõ qua nhiều vết đạn lỗ chỗ khắp nơi.

Sau gần 20 năm bị gián đoạn, công tác bảo vệ được tái khởi động và dự báo lượng khách du lịch sẽ ngày càng tăng. Thực tế này đã đặt ra mối quan ngại mới về bảo tồn Angkor, bởi với cách sửa chữa thô sơ cùng những thiếu thốn về phương tiện, nguy cơ di tích ngày càng bị tổn hại là điều khó tránh khỏi. Chính tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (Unesco) đã gởi đến Chính phủ Campuchia một kế hoạch quản lý về môi trường, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “điều tiết ngành du lịch”.

Angkor Wat, di sản văn hóa thế giới

Angkor Wat, di sản văn hóa thế giới – Ảnh: nguồn tuandungtravel.com

Năm 1992 tại khóa họp thứ 16, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (Unesco) đã đưa đền Angkor Wat vào danh sách di sản văn hóa thế giới. Nhiều Chính phủ đã ủng hộ nỗ lực bảo tồn di sản thế giới này, như vào năm 1994 Nhật Bản đã khởi đầu dự án 4 năm khôi phục Thư viện Miền Bắc (Northern Library) của đền Bayon; Các thành viên của Trường Đại học Khoa học ở Cologne (Đức) từ năm 1995 đã tham gia công tác bảo tồn 1.850 bức tượng chạm khắc ở đền Angkor Wat; Italy đã gởi các kỹ sư xây dựng trong đó có chuyên gia Vittorio Gallinaro để tìm cách ngăn ngừa sự sụp đổ của các tháp Pre Rup được xây dựng vào thế kỷ 10…

ANGKOR MÊ HOẶC KHÁCH DU LỊCH

Việc khu đền Angkor Wat trong quần thể kiến trúc Angkor được công nhận di sản văn hóa thế giới đã có tác động tích cực đến du lịch Campuchia. Angkor ngày nay không còn là “thành phố chết” mà đã nhộn nhịp những bước chân người còn hơn cả thời hưng thịnh (khoảng vài trăm ngàn cư dân), trở thành “một địa chỉ nên đến trước khi chết” thu hút hơn hai triệu lượt người đổ về mỗi năm và con số này đang ngày càng gia tăng đến chóng mặt: năm 2010 với khoảng 2,5 triệu lượt người, năm 2011 đã gần đạt ngưỡng 3 triệu lượt khách tham quan.

Bayon với những nụ cười bí hiểm

Bayon với những nụ cười bí hiểm – Ảnh: nguồn khoahoc.com.vn

Nổi bật trong quần thể Angkor có Angkor Thom – “Thành phố vĩ đại” với diện tích 9km² mang phong cách Phật giáo đại thừa, với đền Bayon tạo cảm giác bay bổng cùng 256 gương mặt mang những nụ cười bí hiểm; Đền Ta Prohm hay còn gọi lăng mộ Hoàng hậu được xây dựng từ thế kỷ 12, nơi duy nhất trong quần thể còn giữ lại kiến trúc ban đầu với rừng cây knia và cây tung có những bộ rễ bao phủ xuống nhiều công trình tạo nên nét cổ quái độc đáo; Angkor Wat – “kinh đô chùa” nằm giữa khu rừng rậm mang vẻ đẹp kỳ bí với những nét chạm trỗ tinh xảo trên các bức tường hay pho tượng cùng 1700 vũ nữ Apsara được khắc họa cách sinh động… Do đền có mặt quay về hướng Tây nên rất hấp dẫn du khách mỗi khi chiều về, khi ánh nắng rực rỡ soi rọi cả ngôi đền.

Nét cổ quái tại ngôi đền Ta Prohm

Nét cổ quái tại ngôi đền Ta Prohm – Ảnh: nguồn marry.vn  

Đến với các khu đền Angkor nằm cách biệt giữa khu rừng già, du khách tưởng như đang bước ra khỏi nền văn minh hiện đại để đắm mình vào những công trình của đế chế Angkor xưa. Nơi đây thời gian như dừng lại, cảm giác bồi hồi lắng đọng trước một di sản văn hóa đồ sộ suýt bị bỏ quên, một kỳ quan độc đáo của nhân loại may mắn còn sót lại sau ngàn năm dâu bể…

Tuy Angkor đã đem lại cho du lịch Campuchia những tín hiệu lạc quan nhưng với việc kinh doanh và khai thác các đền đài một cách vô tội vạ đã đặt ra nhiều vấn đề bức bối. Ông Tamara Teneishvili, Điều phối viên UNESCO về bảo tồn các khu đền Angkor đã phải chua chát nhận xét: “Khu đền đã phải chịu nhiều áp lực và Angkor Wat là biểu tượng quốc gia Campuchia, nhưng người ta đang muốn biến nó thành Las Vegas!”. Chính Thứ trưởng Bộ Du lịch Campuchia Thong Khon cũng phải thừa nhận “Nếu Siem Reap không có một hành động cụ thể thì thành phố này sẽ trở thành một Pattaya của Thailand trong nay mai…”.

Du khách khám phá Angkor Wat

Du khách khám phá Angkor Wat – Ảnh: nguồn anninhthudo.vn

Mong rằng các nhà đương cục sẽ tìm ra đối sách hợp lý để cân bằng giữa lợi ích thực tế với việc bảo tồn các giá trị văn hóa, để các ngôi đền Angkor vẫn sống mãi qua thời gian, cho dẫu không lung linh rực rỡ nhưng vẫn đằm thắm trong lòng mọi người với những hoài niệm gần gũi thiết tha…

Mai Kim Thành     

Giá vé tham quan quần thể Angkor:

1 ngày: 20 USD – 3 ngày: 40 USD – 1 tuần: 60 USD

Danh mục nội dung