» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

thu nhỏ | phóng to

28/05/2012

KHU DI TÍCH GÒ THÁP (THÁP MƯỜI - ĐỒNG THÁP)


Nằm trên địa bàn hai xã Tân Kiều và Mỹ Hòa thuộc huyện Tháp Mười - tỉnh Đồng Tháp, cách huyện lỵ Tháp Mười chừng 11km về phía Bắc và cách thành phố Cao Lãnh 43km về phía Đông Bắc, Gò Tháp là vùng đất mới được lớp cư dân Việt từ đàng ngoài và vùng Ngũ Quảng vào khai hoang lập nghiệp theo chủ trương mở cõi từ những năm cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Nơi đây nguyên ngày trước là vùng đất của người Chân Lạp, rồi người Phù Nam mà dấu vết còn lại là khu di tích gồm quần thể gò, tháp, mộ trải rộng trên diện tích chừng 300ha chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử độc đáo: quần thể di tích Gò Tháp.

Khu di tích Gò Tháp  

Khu di tích Gò Tháp – Ảnh: nguồn diemhenviet.com)

Từ con lộ Mỹ Hòa đi vào, quần thể di tích Gò Tháp gồm 5 di tích tiêu biểu là gò Tháp Mười, tháp Cổ Tự, mộ và đền thờ cụ Đốc Binh Kiều, gò Minh Sư, miếu Bà Chúa Xứ. Nằm về cực Nam, gò Tháp Mười cao nhất với 5,074m, nơi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đã từng là căn cứ của các cơ quan kháng chiến Nam bộ, Khu 8, Trường Quân chính khu 8. Cách gò Tháp Mười chừng 100m về phía Bắc là tháp Cổ Tự tương truyền có từ thời Thiệu Trị (1841 - 1847), phía trước còn có ngôi tháp thờ của người Chân Lạp. Qua khỏi chùa là đến đền thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều và Thiên hộ Võ Duy Dương, hai nhà yêu nước trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp (1862 - 1866) đã chọn Gò Tháp làm căn cứ địa của nghĩa quân yêu nước. Đi tiếp về hướng Bắc là đến gò Minh Sư và miếu Bà Chúa Xứ, quanh năm thường có khách thập phương đổ về cúng viếng rất đông…

NHỮNG PHÁT HIỆN LÝ THÚ

Vào những năm cuối thế kỷ XIX và những thập kỷ đầu thế kỷ XX, một số nhà nghiên cứu người Pháp đã đến khảo sát Gò Tháp. Những cuộc khảo sát của L. Malleret đã phát hiện trên gò Tháp Mười có nhiều gạch và hàng chục khối đá lớn, Yoni, cột… Dấu tích rõ nhất là kiến trúc gạch dài 17,30m (hướng Đông - Tây), rộng 12m (hướng Bắc - Nam) cho thấy kiến trúc khá quy mô và có liên quan đến nhiều kiến trúc khác xung quanh. Di vật khai quật gồm những mảnh gốm bình ấm có vòi, một số mảnh vỡ của Yoni, tượng thần Viśnu, khuôn đúc, đặc biệt hai tượng thần Viśnu rất đẹp tuy không còn nguyên vẹn… Theo nhận định ban đầu, đây là những dấu tích của nền văn hóa Óc Eo.

 Di tích Gò Tháp Mười

Di tích Gò Tháp Mười – Ảnh: nguồn camnangdulich.com.vn

Từ sau khi đất nước hòa bình và thống nhất vào năm 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến khu di tích Gò Tháp. Sau nhiều lần tiến hành đào khảo sát, thám sát và khai quật, các nhà khảo cổ học đã có thể hình dung phần nào quy mô cùng tính chất của khu di tích này và phân định ba loại hình gồm di chỉ cư trú, di tích kiến trúc, di tích mộ táng. 

Tại cuộc khai quật gò Bà Chúa Xứ năm 1984, các nhà khảo cổ đã đưa ra khỏi lòng đất một kiến trúc khá lớn nằm trong lòng gò với kích thước 20,90 x 13,40m có cạnh bẻ góc dài ngắn khác nhau, phần nền và móng có những ô vuông xây gạch, có chỗ dày đến 1,4m. Mặc dù phần kiến trúc bên trên đã bị phá hủy hoàn toàn nhưng các nhà khảo cổ cũng có thể căn cứ vào dấu tích nền móng và những mảnh đá kiến trúc còn lại để xác định đây là một đền thờ Hindu giáo được xây dựng khá chuẩn mực, có niên đại vào thế kỷ VI.

Khai quật khảo cổ tại Gò Tháp  

Khai quật khảo cổ tại Gò Tháp – Ảnh: nguồn camnangdulich.com

Tại di chỉ cư trú gò Minh Sư đã diễn ra 3 lần khai quật: Tháng 1-2001 đã phát hiện một khu cư trú cùng mộ táng cách chân gò Minh Sư chừng 120m về phía Đông Nam với địa tầng còn nguyên vẹn; Tháng 3-2002, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hố mộ phân bố trên thềm sỏi laterit hoặc chồng chéo lên nhau; Tháng 4-2003 với việc khai quật di tích gò Minh Sư lần thứ ba, đã làm rõ thêm các đặc điểm của di chỉ cư trú kiêm mộ táng của di tích.

CỔ VẬT TRONG KHU DI TÍCH GÒ THÁP

So với nhiều di tích khảo cổ khác, khu di tích Gò Tháp là nơi đã phát hiện một số lượng lớn di vật từ các phế tích kiến trúc đền tháp, di tích nhà ở, nền bếp, mộ táng… Hiện vật thu được gồm nhiều loại hình, từ vật dụng sinh hoạt trong di chỉ cư trú đến vật dâng cúng, tượng thờ trong các đền tháp, vật tùy táng linh thiêng trong những ngôi mộ, đặc biệt những hiện vật vàng, các pho tượng Phật bằng gỗ và 2 bia đá có minh văn.

Tượng thờ tại khu di tích Gò Tháp  

Tượng thờ tại khu di tích Gò Tháp – Ảnh: nguồn yume.vn

Tổng thể di tích và di vật này đã phản ánh quá trình tụ cư, hoạt động kinh tế - văn hóa - tôn giáo và các mối quan hệ giao lưu trong khoảng thời gian 10 thế kỷ. Điều may mắn là cũng như nhiều di tích văn hóa Óc Eo khác, môi trường tự nhiên và nhân văn của khu di tích này vẫn không hoặc chưa biến đổi nhiều so với trước kia, nhờ vậy đã có thể hình dung được phần nào cuộc sống của chủ nhân những di tích và di vật nơi đây. Trong môi trường sinh thái của vùng Đồng Tháp Mười, các cư dân cổ đã kiến tạo một vùng cảnh quan đầy tính nhân văn gồm các kiến trúc đền thờ, tháp mộ trên các gò phù sa cổ và xây dựng nhà sàn cư trú ở địa hình thấp chung quanh…

Tại khu di tích Gò Tháp, nhóm hiện vật vàng có đến 321 mảnh, số còn lại gồm các hiện vật chạm khắc hình tượng các vị thần, linh vật, hoa văn… Các cứ liệu C14, văn khắc và tiếu tượng học đã cho biết niên đại của những mảnh vàng này không đồng nhất, thể hiện ảnh hưởng từ nền văn hóa Ấn Độ trong thời gian khá dài, từ thế kỷ IV – V trước Công nguyên đến thế kỷ V sau Công nguyên. 

Những hiện vật khai quật  

Những hiện vật khai quật – Ảnh: nguồn culturalprofiles.net

Thế kỷ V – VII là thời kỳ phát triển rực rỡ của điêu khắc Phật giáo bản địa mà sưu tập các pho tượng Phật bằng gỗ ở vùng Đồng Tháp đã minh chứng điều đó. Đây là những di vật nổi tiếng và đặc trưng của nghệ thuật Phật giáo trong nền văn hóa Óc Eo. Tuy phần lớn được phát hiện ngẫu nhiên trong khi đào đìa hay làm ruộng nhưng với số lượng lớn, lại đa dạng về kích thước và kiểu dáng, các tượng Phật này đã phản ánh sự tiếp thu các ảnh hưởng của nghệ thuật mới, đồng thời cũng thể hiện nét giản dị trong chất liệu tạc tượng là nguồn gỗ mù u dồi dào tại địa phương.

Cho đến nay trong số các bia đá mang nội dung phản ánh về vương quốc Phù Nam có 1 tấm bia (ký hiệu K5) tìm thấy ở khu di tích Gò Tháp, được các nhà nghiên cứu định niên đại vào thế kỷ V. Nội dung văn bia thể hiện tinh thần Hindu giáo là tôn giáo phổ biến song hành cùng Phật Giáo trong văn hóa Óc Eo. Điểm quan trọng là văn bia đã hé lộ chính vùng đầm lầy nơi đây đã được chinh phục bởi vua Phù Nam Jayavarman và phong cho con trai là Gunavarman cai quản.

 Nền tháp cũ thời văn hóa Phù Nam

Nền tháp cũ thời văn hóa Phù Nam – Ảnh: nguồn vncgarden.com

Từ quy mô kiến trúc đến nội dung phản ánh của sưu tập di vật và hệ thống đường giao thông thủy trong khu di tích Gò Tháp đã chứng tỏ khu vực này đã từng là một trung tâm tôn giáo - văn hóa quan trọng, không chỉ của vùng Đồng Tháp Mười mà còn của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long trong các thế kỷ IV – VIII.

KHU DI TÍCH GÒ THÁP HƯỚNG ĐẾN DU LỊCH

Với những giá trị lịch sử độc đáo không chỉ của dân tộc mà còn của cả nhân loại, khu di tích Gò Tháp đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1998. Tỉnh Đồng Tháp cũng đã quy hoạch khu du lịch văn hóa - lịch sử và sinh thái Gò Tháp mang đậm bản sắc của vùng Đồng Tháp Mười, trong đó Khu du lịch văn hóa - lịch sử có diện tích 20 ha đã đưa vào hoạt động trong nỗ lực tái hiện lịch sử văn hóa xưa và nay của Gò Tháp; Khu văn hóa - lễ hội và dịch vụ du lịch có diện tích 30 ha sẽ bố trí khu nhà nghỉ, nhà hàng, tháp sen, sân khấu ngoài trời, khu đua thuyền và các công trình vui chơi giải trí khác; Khu du lịch sinh thái kéo dài từ phía Bắc và Tây Nam, có diện tích 152,7 ha sẽ tái tạo bảo tồn hệ sinh thái động vật vùng ngập nước, xây dựng nơi nghỉ dưỡng cùng các trò chơi dân gian.

 Đền thờ Thiên Hộ Dương và Đốc binh Kiều

Đền thờ Thiên Hộ Dương và Đốc binh Kiều – Ảnh: nguồn tell.vn

Ngoài việc đầu tư xây dựng hệ thống đường xá từ thành phố Cao Lãnh vào đến khu di tích, chỉnh trang cơ sở hạ tầng, tôn tạo các di tích văn hóa như Tháp Mười cổ tự, đền thờ Thiên Hộ Dương và Đốc binh Kiều, miếu Bà Chúa Xứ…, các di tích liên quan đến hoạt động của Xứ ủy Nam kỳ và Ủy ban Nam bộ kháng chiến cũng sẽ được phục hồi. Du khách đến đây vừa được hòa mình giữa cảnh quan thiên nhiên với môi trường sinh thái còn mang đậm nét hoang sơ, vừa có cơ hội tham quan tìm hiểu những kiến trúc cổ của nền văn hóa Óc Eo, tham gia các lễ hội truyền thống dân gian mang tính tâm linh như vía Bà Chúa Xứ (rằm tháng Ba âm lịch), lễ hội tưởng niệm hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Dương - Đốc binh Kiều (rằm tháng Mười một âm lịch) với những sinh hoạt cổ truyền đầy lý thú như “học trò lễ”, “nhạc lễ”, “múa lân” cùng các hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí khác…

 Phác đồ Khu Di Tích Văn Hóa Du Lịch

Phác đồ Khu Di Tích Văn Hóa Du Lịch Gò Tháp Ảnh: nguồn nhatmydesign.com.vn

Trong thời gian từ 2009 đến nay, khu di tích Gò Tháp đã được đầu tư 28 tỷ đồng bằng nguồn vốn trung ương và của tỉnh, huyện để trùng tu, tôn tạo, bảo quản nền gạch cổ, làm mái che cạnh Miếu bà Chúa Xứ, khai quật khảo cổ di tích Gò Minh Sư, di tích Tường Thành phía tây, lập nhà trưng bày văn hóa Óc Eo, mở các tuyến đường giao thông nội bộ khu sinh thái để xây dựng Tháp Sen. Theo kế hoạch, giai đoạn năm 2012 - 2020, Khu di tích Gò Tháp sẽ xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông nội bộ, hệ thống điện nước, các công trình bảo vệ di tích đã được khai quật, mở rộng khu vực Miếu bà Chúa Xứ, Nhà bảo tàng Xứ ủy Nam Bộ.

Hy vọng tương lai không xa, du khách đến đây trong tâm tình của người hành hương tìm về nguồn cội, sẽ có những trải nghiệm lý thú để thêm trân trọng những đóng góp của các bậc tiền nhân đi mở cõi, bởi nhờ đó con cháu hôm nay mới được đứng vững trên miền đất này với cả một di sản qúy báu tồn tại qua không gian và thời gian…

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Danh mục nội dung