» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Làng nghề
11/06/2012
LÀNG CHÈO KHUỐC - THÁI BÌNH
Trong số những địa phương chịu ảnh hưởng của nền văn minh lúa nước vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Thái Bình là vùng đất đặc trưng, nơi tụ hội và phát triển nhiều nhất vốn truyền thống văn hóa dân gian. Một trong những tinh hoa làm nên giá trị truyền thống đó phải kể đến Chèo - một sản phẩm văn hóa phi vật thể của dân tộc và cả nhân loại tồn tại đến ngày nay mà Thái Bình được xem là xuất phát điểm.
Chiếng Chèo làng Khuốc xưa – Hình: nguồn tapchisonghuong.com.vn
Nếu Thái Bình đã từng nổi tiếng với những chiếng Chèo làng Khuốc (Đông Hưng), Hà Xá (Hưng Hà), Sáo Đền (Vũ Thư)… được ví như những cái cái nôi của dòng Chèo, thì không ai có thể phủ nhận Chèo Khuốc là tiêu biểu nhất cho dòng Chèo Thái Bình. Khuốc là tên dân gian thường gọi để chỉ làng Cổ Khúc, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng nay thuộc xã Phong Châu, huyện Đông Hưng (cách thị trấn Đông Hưng chừng 5km), một làng văn hiến với những chiếng Chèo ra đời từ rất sớm và truyền đời đến hàng chục thế hệ. Làng Khuốc từng được triều đình phong kiến ban tặng danh hiệu “Mỹ tục khả phong” và “Thuần phong mỹ tục” mà những bia đá còn đặt tại cửa đình làng như niềm tự hào sống mãi với thời gian.
Lão nghệ nhân Hà Quang Ngạn thể hiện miếng Chèo “độc” của làng Khuốc – Ảnh: nguồn baodatviet.vn
Làng Khuốc không chỉ là nơi sản sinh ra nhiều làn điệu Chèo độc đáo, mà hầu như tất cả người dân trong làng đều có thể hát Chèo cách thuần thục. Các nghệ nhân Chèo Khuốc đã sáng tạo, đóng góp rất nhiều cho nghệ thuật Chèo, hiện làng còn giữ được 18 làn điệu chèo độc quyền mà không phải làng nào cũng có được như Tình thư hà vị, Đắp chăn giời, Hề đơm đó, Con trai xinh, Duyên phận chẳng thuận chiều, Vãn non mai, Tuyết dạt sông Thương, Ván cờ tiên… Trong tổng số 151 làn điệu và ca khúc Chèo được biết đến thì riêng các phường Chèo Thái Bình với hai vở Chèo "Từ Thức gặp tiên", "Phan Trần" và trích đoạn “Tuần Ty - Đào Huế” đã bao gồm 30 ca khúc và bốn kiểu hát nói. Trong số 155 nghệ sỹ Chèo gốc Thái Bình tham gia các đoàn Chèo trên cả nước thì người làng Khuốc đã chiếm đến gần 60.
Một tiết mục hát Chèo đầu Xuân – Ảnh: Kế Toại (bienphong.com.vn)
Người xưa vẫn gọi “làng chèo Khuốc” bởi trong những năm đầu thế kỷ XIX, trong làng có lúc hiện diện đến 15 gánh hát Chèo chuyên nghiệp. Từ sân khấu dân gian, chiếng Chèo làng Khuốc đã từng hiện diện trong chốn cung đình của các vương triều phong kiến. Các thế hệ nghệ nhân đã mang gánh Chèo làng đến nhiều vùng trong tỉnh, biểu diễn ở các đình đám hay hội hè. Cho đến nay, những người sành Chèo, mê Chèo ở Việt Nam và cả ở nước ngoài đều có ấn tượng tốt đẹp về những đào, kép ở chiếng Chèo Khuốc, nhiều nghệ nhân tên tuổi được biết đến như Vũ Văn Phụ, Bùi Văn Ca, Đào Thị La, Hà Quang Bổng, Nghệ sĩ ưu tú Thu Hiền, Phạm Thị Ruyến, Nghệ nhân dân gian Cao Kim Trạch, Phạm Văn Điền…
Hậu sinh làng Chèo Khuốc – Ảnh: Việt Hùng (vtv.vn – 3.8.2010)
Trong tình hình đất nước sau kết thúc chiến tranh lập lại hòa bình với những bộn bề lo toan và phải ưu tiên dồn nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đất nước, đã có lúc việc bảo tồn những giá trị tinh thần bị xao nhãng và ở nơi này nơi khác, nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống chưa được quan tâm đúng mực đã dẫn đến nhiều hệ lụy… Thực tế các chiếng Chèo hầu như không tồn tại, người làng Khuốc phải trôi dạt tứ xứ vì miếng cơm manh áo, chỉ những ai quá yêu Chèo và có năng khiếu thì may ra mới trụ được khi tham gia vào các đoàn nghệ thuật.
Bẵng đi hơn ba mươi năm, những tưởng chiếng Chèo đã bị rơi vào quên lãng hoặc chỉ còn lại ở những ký ức truyền khẩu trong dân gian, nhưng cũng thật kỳ diệu khi tinh thần Chèo vẫn còn đó, ẩn nhẫn chờ cơ hội kết tinh và thăng hoa… Trải bao biến thiên dâu bể, Chèo Khuốc tuy có lúc thăng lúc trầm nhưng vẫn không bị mất đi nguồn cội vốn đã trở thành máu thịt của mỗi người, được trân trọng bảo tồn và truyền nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Ươm mầm cho Chèo làng Khuốc – Ảnh: Việt Hùng (vtv.vn – 3.8.2010)
Trong khoảng ba, bốn năm trở lại đây, từ một đội Chèo nhỏ được khôi phục ban đầu tại làng Khuốc làm hạt nhân cho những sinh hoạt cộng đồng, đến nay bốn thôn Cổ Xá, Khuốc Đông, Khuốc Tây, Khuốc Bắc của làng đều đã có đội Chèo riêng. Bên cạnh đó còn có các câu lạc bộ Chèo mang tính tự nguyện như CLB Chèo làng Khuốc, CLB Hội người cao tuổi, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên đã làm cho các hoạt động Chèo thêm phần sôi nổi. Với việc tập luyện và sinh hoạt thường xuyên, Chèo Khuốc đã hấp dẫn ngay khán giả, tạo được thu nhập tuy không nhiều nhưng cũng là nguồn động viên giúp các đội Chèo phát triển. Điều đáng buồn là dù có nhiều câu lạc bộ như vậy nhưng làng vẫn chưa có được một sân khấu nhỏ và việc phải lấy sân nhà làm sân khấu để biểu diễn vẫn là “chuyện thường ngày ở chiếng Chèo làng Khuốc” (!).
Một buổi tập Chèo của người làng Khuốc – Ảnh: Hồ Phương Phúc (danviet.vn)
Chèo Khuốc từ lâu đã đi sâu vào lòng mọi người, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều vùng nông thôn Thái Bình. Cho dẫu làng Khuốc hôm nay vẫn còn nhiều hộ đang sống trong cảnh khó khăn nhưng tinh thần yêu mến Chèo ở đâu và lúc nào cũng có. Không lạ gì khi Chèo Khuốc luôn nhận được sự mến mộ cổ vũ của nhiều tầng lớp, mà ca dao xưa gói ghém một cách lắng đọng qua lời mời mọc tình tứ:
“Hỡi cô thắt dải lưng xanh,
Có xem Chèo Khuốc với anh thì về...".
Nhóm Chèo tuổi học trò – Ảnh: Việt Hùng (vtv.vn – 3.8.2010)
Với việc tái hiện những đội, nhóm Chèo, không gian văn hóa ở làng quê Bắc bộ vốn thường ngày yên ả nay đã bừng khởi sắc và trở nên sôi động hơn. Chèo làng Khuốc cũng nhận được nhiều quan tâm từ chính quyền và xã hội như những tài trợ từ “Sân khấu học đường” của ngành Giáo dục - Đào tạo, kế hoạch hỗ trợ xây dựng điểm du lịch chiếu Chèo làng Khuốc, dự án khôi phục và bảo tồn nghệ thuật Chèo cổ làng Khuốc của tỉnh Thái Bình, xây dựng Nhà thờ Tổ Chèo làng Khuốc do Quỹ Việt Nam - Đan Mạch phát triển văn hóa… Đây thực sự là những tín hiệu vui đem lại nhiều hy vọng, tạo tiền đề cho chèo Khuốc bay cao, bay xa…
Mai Kim Thành
Chủ đề liên quan :
- LÀNG VƯỜN BÁCH THUẬN - THÁI BÌNH 14/11/2011