» Giới thiệu » Tham quan » Thắng cảnh

thu nhỏ | phóng to

14/06/2012

LUNG LINH BIỂN HỒ - EA NUENG (PLEIKU)


Nằm gần quốc lộ 14 và 19, cách trung tâm thành phố Pleiku chừng 7km về phía Tây thuộc địa phận xã Biển Hồ (thành phố Pleiku - tỉnh Gia Lai), Biển Hồ - Ea Nueng là hồ nước ngọt nằm ở độ cao 745m so với mực nước biển, một trong những thắng cảnh đặc sắc còn mang nhiều vẻ đẹp hoang sơ giữa đại ngàn Tây nguyên với những dãy núi cao và rừng thông quanh năm rì rào, những di vật hay trầm tích ghi dấu một nền văn minh thời tiền sử…

Đường vào Biển Hồ  

Đường vào Biển Hồ – Ảnh: nguồn vacne.org.vn

Được hình thành từ một miệng núi lửa đã ngừng hoạt động hàng trăm triệu năm trước, Biển Hồ - Ea Nueng có diện tích khoảng 240ha vào mùa kiệt và gần 400ha vào mùa mưa, mực nước sâu trung bình 18 – 20m, nơi sâu nhất đến 40m, đặc biệt dù thiên nhiên khắc nghiệt hay nắng hạn đến đâu vẫn chưa bao giờ thấy hồ cạn nước. Đây là một trong những hồ nước lớn và rộng nhất ở Tây nguyên, được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích danh thắng cấp quốc gia ngày 16-11-1988. Từ thực tế mỗi khi gió to thường có sóng lớn mà người Kinh đã gọi là “Biển Hồ”, còn người bản địa gọi “Ea Nueng” với ý nghĩa “biển trên núi”. Tên “Teneung” (T’Nưng - Tơ Nưng) là từ cách phiên âm của người Pháp.

 Biển Hồ mênh mông

Biển Hồ mênh mông – Ảnh: nguồn bvhttdl.gov.vn

Biển Hồ - Ea Nueng không chỉ là nguồn cung cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu cho cây trồng, vật nuôi cả một vùng rộng lớn mà còn là vựa cá nước ngọt lớn của khu vực Bắc Tây nguyên với chủng loại thủy sản phong phú như cá Chép, cá Trắm, cá Trôi, cá Đá, cá Chày, cá Niềng, cá Ngựa, Rùa, Ba ba, Lươn, Chình… Với địa hình sinh cảnh độc đáo, nơi đây còn trú ngụ nhiều loài chim như Sin sít, Bói cá, Cuốc đen, Kơ túc, Kơ vông, Đ’rao, Trắc la, Le le, Ngỗng trời…

 Tĩnh lặng Biển Hồ

Tĩnh lặng Biển Hồ – Ảnh: nguồn vietnamtours1650.com

Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy ở khu vực hồ hàng trăm di vật văn hóa cổ của nền văn hóa Biển Hồ thời hậu kỳ đá mới như rìu đá, mộ chum… Những trầm tích văn hóa được phát hiện đã khẳng định sự hiện diện từ xa xưa của con người tiền sử. Ở một góc độ khác, những câu chuyện huyền thoại, những truyền thuyết được cư dân bản địa gìn giữ và lưu truyền từ đời này sang đời khác cũng là những di sản phi vật thể quý giá rất đáng được trân trọng.

Ruộng cạnh hồ  

Ruộng cạnh hồ – Ảnh: Nguyễn thị Thanh Huyền (VnExpress.net)

Từ thành phố Pleiku theo quốc lộ 14 đi về hướng thị xã Kontum, đến Km 7 rẽ phải vào con đường nhỏ thật đẹp đi giữa những rặng thông ba lá xanh ngắt là du khách đã đặt chân vào lãnh địa Biển Hồ - Ea Nueng với biển nước mênh mông lung linh dưới ánh mặt trời. Chung quanh hồ là những bãi Lau, Sậy cùng cả một vườn hoa đầy màu sắc: hoa Ngải màu phơn phớt trắng hồng, hoa Mua màu tim tím, nhiều nhất là hoa Sữa với những nét chấm phá giữa không gian xanh biếc. Trên mặt hồ điểm xuyết đó đây những cụm hoa Sen, hoa Súng, những con Le le hay Ngỗng trời lặn hụp giữa bãi lau sậy bềnh bồng tạo nên những hình ảnh sống động… 

 Nhìn từ “Lầu vọng cảnh”

Nhìn từ “Lầu vọng cảnh” – Ảnh: nguồn vietnamtours1650.com

Tại cuối con đường, leo theo các bậc cấp bằng đá du khách sẽ lên đến ngôi nhà lồng được xây dựng trên ngọn đồi cao ăn ra giữa lòng hồ. Đứng trên “lầu vọng cảnh” - một vị trí đắc địa để tận hưởng làn gió mát rượi và bao quát toàn cảnh hồ, du khách có thể thu vào tầm mắt cả một vùng rộng lớn, từ những cánh rừng bạt ngàn ở xa xa, những quả đồi đất đỏ bazan, những đồi chè hay những đồi cà-phê trĩu quả… đến những doi ruộng bậc thang, những ngôi nhà rông của đồng bào dân tộc ẩn hiện giữa thênh thang núi đồi…

 “Lầu vọng cảnh”

“Lầu vọng cảnh” – Ảnh: nguồn – Ảnh: nguồn kieuoanhcao.violet.vn

Trong nỗ lực phát huy vẻ đẹp tự nhiên và xây dựng Biển Hồ - Ea Nueng thành một trọng điểm du lịch, Chính quyền tỉnh Gia Lai đã có kế hoạch và chấp thuận cho một doanh nghiệp ngoài tỉnh thực hiện dự án “Lâm viên Biển Hồ” gồm nhiều loại hình dịch vụ du lịch khác nhau trên tinh thần bảo đảm tính bền vững cho môi trường sinh thái nơi đây. Theo dự trù, kinh phí đầu tư sẽ lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng cho đến nay dự án này vẫn chưa thấy khởi động.

 Lãng mạn Biển Hồ

Lãng mạn Biển Hồ – Ảnh: nguồn dulichgo.blogspot.com

Tham quan Biển Hồ - Ea Nueng vào những dịp lễ hội, du khách sẽ được hòa nhịp cùng bà con buôn làng trong những điệu múa hát, vui say bất tận đến… quên cả lối về. Du khách cũng có thể dùng thuyền độc mộc - một phương tiện đi lại duy nhất và khá thuận tiện của cư dân địa phương để khám phá mặt hồ. Bên tiếng mái chèo rẽ nước đưa con thuyền bồng bềnh nhẹ lướt, du khách tưởng như đang lạc vào một xứ sở thần tiên giữa mênh mông biển nước… Thú vị nhất là vào những đêm trăng, khi mặt hồ sóng sánh lung linh như dát bạc, du khách sẽ có dịp trải nghiệm một đêm lãng du đầy cảm xúc giữa một không gian tĩnh lặng đến lạ lùng…

 Thiếu nữ Jarai trong ngày hội

Thiếu nữ Jarai trong ngày hội – Ảnh: nguồn pleikucafe.com

Hy vọng cùng với sự phát triển của du lịch Tây nguyên, Biển Hồ - Ea Nueng sẽ thực sự trở thành điểm đến tâm đắc đối với những ai yêu thích sự yên tĩnh…

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung