» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng
13/07/2012
NHÀ GIAO TẾ LỘC NINH
Nằm gần sân bay Lộc Ninh, cạnh quốc lộ 13 ngay trung tâm thị trấn Lộc Ninh (huyện Lộc Ninh - tỉnh Bình Phước), cách thị xã Đồng Xoài chừng 90km và cách “đô thành” Sài Gòn chỉ chừng 100km theo đường chim bay, Nhà Giao tế Lộc Ninh là dấu ấn một thời của lịch sử cách mạng Việt Nam khi nơi đây là trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam từ 1973 đến ngày hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc vào năm 1975. Do ngôi nhà được xây dựng để đón tiếp các phái đoàn ngoại giao trong nước cũng như quốc tế nên đã được gọi là “Nhà Giao tế”.
Nhà giao tế Lộc Ninh – Ảnh: nguồn baobinhphuoc.com.vn
Nguyên từ năm 1911, nơi đây là trụ sở làm việc của đồn điền cao-su Lộc Ninh (Công ty cao-su Cesseau của Pháp) với ngôi nhà được xây dựng theo lối nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số và người dân địa phương vẫn quen gọi là nhà “cao cẳng”. Trong chiến dịch Nguyễn Huệ (1972), ngôi nhà này đã bị phá hủy hoàn toàn dưới tác động của mưa bom bão đạn. Sau khi Lộc Ninh được giải phóng đầu tiên trên cả nước vào ngày 7-4-1972, đến tháng 3-1973 trước nhu cầu của công tác ngoại giao, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã quyết định xây dựng trụ sở trên nền ngôi nhà “cao cẳng” xưa với đồ án do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam vẽ thiết kế.
Tuy giản dị theo cung cách thời chiến nhưng ngôi nhà một trệt, một lầu này là kết hợp giữa nét hiện đại và bản sắc dân tộc, hài hòa với không gian chung quanh. Sau hơn một tháng thi công đầy nỗ lực của Phòng Công binh Miền, ngôi nhà đã được hoàn thành với mái lợp tôn kiểu “năm nóc bốn mái” sơn màu đỏ, tầng trệt được xây dựng bằng bê-tông chắc chắn, tầng lầu bằng gỗ được thiết kế theo kiểu phòng khánh tiết, có lan can bao quanh. Cầu thang lên xuống được bố trí đăng đối ở hai bên vừa gần gũi lại cũng rất thuận tiện. Tại lối vào chính ở tầng trệt, dưới phần ban-công nhô ra có đắp nổi hai ngôi sao hai bên, một bên sơn nền màu đỏ thể hiện cờ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một bên sơn nền nửa xanh nửa đỏ thể hiện cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam.
Du khách tham quan Nhà Giao tế – Ảnh: NTN (nguồn itc-hcm.gov.vn)
Trong năm 1973, tại phòng họp trên tầng lầu Nhà Giao tế đã diễn ra hội nghị Quân sự bốn bên gồm đại diện phái đoàn quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, đại diện phái đoàn quân sự Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đại diện phái đoàn quân sự Hoa Kỳ, đại diện phái đoàn quân sự Việt Nam Cộng Hòa, bàn về các điều khoản đã được ký trong hiệp định Paris dưới sự giám sát của Ủy ban Quốc tế ICCS gồm bốn nước thành viên Ba Lan, Canada, Hunggary và Indonesia. Một chi tiết thú vị là nhờ tòa nhà có hai cầu thang mà các phái đoàn ở hai chiến tuyến dự hội nghị đã có lối đi riêng, một bên dành cho phái đoàn quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một bên dành cho phái đoàn quân sự Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa.
Hiện nơi đây vẫn còn lại một số hiện vật, từ chiếc bàn, chiếc ghế, tủ, bục, vật trang trí và nhiều hiện vật khác tuy không đầy đủ nhưng cũng giúp khách tham quan hình dung được phần nào những ngày tháng gian khổ và lịch sử chiến đấu oai hùng của quân dân Viêt Nam vì độc lập tự do. Ngày 12-12-1986, Nhà Giao tế - trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia, là một trong năm di tích lịch sử quốc gia trên đoạn cuối đường Hồ Chí Minh và là một trong chín di tích lịch sử cấp quốc gia của tỉnh Bình Phước. Năm 2008, trước sự hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng của di tích Nhà Giao tế, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Phước đã đầu tư hơn hai tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp di tích này.
Thị trấn Lộc Ninh nhìn từ Nhà Giao tế – Ảnh: nguồn baobinhduong.org.vn
Cùng với trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, trên địa bàn huyện Lộc Ninh còn có những di tích lịch sử quốc gia quan trọng như Căn cứ Quân ủy Bộ Chỉ huy các lực lượng giải phóng Miền Nam Việt Nam, Sân bay Quân sự Lộc Ninh, Tổng kho nhiên liệu VK 98 và Tổng kho nhiên liệu VK 99… Tất cả đã thể hiện sự vững vàng và kiên cường nơi tuyến đầu tổ quốc của quân dân Lộc Ninh, cùng quân dân cả nước đã góp phần tích cực cho chiến dịch Hồ Chí Minh thành công, đem lại hòa bình và thống nhất đất nước.
Tham quan các di tích là dịp nhìn lại một chặng đường lịch sử đã qua, để thêm dũng khí nhìn về tương lai và vững tin vào lẽ tất thắng của dân tộc…
Mai Kim Thành