» Giới thiệu » Tham quan » Thắng cảnh
18/07/2012
HỒ NÚI CỐC (THÁI NGUYÊN)
Cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 15km về phía Tây Nam thuộc xã Phúc Trìu - thành phố Thái Nguyên và huyện Đại Từ - tỉnh Thái Nguyên, “Núi Cốc” là một hồ nhân tạo, công trình thủy lợi chắn ngang dòng sông Công ở lưng chừng núi với diện tích mặt hồ chừng 25km² trong đó có 89 hòn đảo lớn, nhỏ tạo thành một vùng thắng cảnh và khu nghỉ mát tuyệt đẹp giữa núi rừng hoang sơ, được mệnh danh “vịnh Hạ Long trên đất liền” của tỉnh Thái Nguyên.
Chiều trên Hồ Núi Cốc – Ảnh: nguồn skydoor.net
Nguyên từ năm 1973, trong nỗ lực giảm nhẹ lũ hạ lưu sông Cầu và cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho 12.000ha đất hai tỉnh Hà Bắc và Bắc Thái cũ (thuộc địa bàn ba tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay), công trình thủy lợi hồ Núi Cốc đã được khởi công, kéo dài đến năm 1982 mới cơ bản hoàn thành. Hồ Núi Cốc được tạo nên bởi đập tràn chính bằng đất đồng chất ngăn sông Công (phụ lưu của sông Cầu) tại xã Phúc Trìu - thành phố Thái Nguyên, với chiều cao nơi cao nhất 27m, chiều dài tại đỉnh 480m, dung tích nước hồ khoảng 175 triệu mét khối và độ sâu trung bình 35m. Ngoài đập tràn chính còn có 7 đập phụ và nơi cao nhất đạt 12,6m.
Đập tràn chính hồ Núi Cốc – Ảnh: nguồn sinhcafe.travel
Ngày 1-7-2004, tại quyết định số 1848/QĐ-BNN-TL của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc ban hành danh mục các hồ chứa nước là công trình thủy lợi trọng điểm quốc gia, hồ Núi Cốc được xếp vào một trong sáu hồ cần bảo vệ ở tầm mức quốc gia phục vụ cho công tác thủy lợi và dân sinh.
Ngày 28-12-2007 đã khởi công xây dựng Nhà máy thủy điện Núi Cốc ở chân đập phía Nam hồ Núi Cốc thuộc xã Phúc Trìu - thành phố Thái Nguyên, được thiết kế bởi Trung tâm Thủy điện (Viện Khoa học Thủy lợi) với công suất 1,5 MW, do Công ty Cổ phần thủy điện Núi Cốc đầu tư với 3 thành viên sáng lập gồm Công ty Cổ phần khai thác công trình thủy lợi Thái Nguyên (40% cổ phần), VNCOLD (35% cổ phần) và các nhà đầu tư khác (25% cổ phần).
Nhà máy Thủy điện Hồ Núi Cốc – Ảnh: nguồn báo Công Thương
Theo thiết kế nhà máy gồm 3 tổ máy phát điện (thiết bị Trung Quốc), công suất mỗi tổ máy 630kW, điện áp đầu cực máy phát là 0,4kV, một máy biến thế tăng áp 2.500kVA – 0,4/22kV (do Công ty Cổ phần chế tạo máy biến áp điện lực Hà Nội sản xuất) với tổng giá trị toàn bộ công trình 32,5 tỷ đồng. Sau gần hai năm xây dựng, Nhà máy Thủy điện Hồ Núi Cốc đã chính thức hòa lưới điện quốc gia và phát điện thương mại với công suất cực đại 1,89 MW vào cuối tháng 8-2009. Đây là nhà máy thủy điện đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên, phát điện xuống kênh dẫn nước tưới cho nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho thành phố Thái Nguyên với sản lượng điện phát lên lưới của nhà máy mỗi năm là 7,97 triệu kWh.
Mênh mông Hồ Núi Cốc – Ảnh: nguồn cpv.org.vn
Không chỉ là công trình thủy lợi và thủy điện, hồ Núi Cốc còn là khu du lịch sinh thái đầy tiềm năng, nổi tiếng với huyền thoại về nàng Công - chàng Cốc, với mặt nước xanh trong gợn sóng và những hòn đảo chìm trong làn sương mờ ảo lung linh… Thực tế hồ còn có khả năng khai thác từ 600 – 800 tấn cá mỗi năm.
Ngày 25-6-2011, Thủ tướng chính phủ đã công bố quy hoạch vùng du lịch quốc gia hồ Núi Cốc đến năm 2020, tầm nhìn 2030, theo đó khu du lịch sinh thái có quy mô gần 200km² gồm 9 xã và một thị trấn thuộc thành phố Thái Nguyên (hơn 5.400ha) và hai huyện Phổ Yên (hơn 3.400ha), Đại Từ (hơn 10.000ha). Vùng du lịch này được định hướng phát triển thành phân vùng phát triển kinh tế bao gồm khu vực phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, vùng trồng chè tập trung, vùng sản xuất nông nghiệp, vùng rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và khu vực phát triển du lịch, thương mại dịch vụ và đô thị…
Mặt hồ lung linh gợn sóng lăn tăn – Ảnh: nguồn baothainguyen.org.vn
Nằm khá gần thủ đô Hà Nội, chỉ mất chừng 2 giờ vượt qua chặng đường 80km là du khách đã có mặt tại thành phố công nghiệp gang thép Thái Nguyên. Từ đây rẽ trái theo đường đi hồ Núi Cốc chừng 20km, vượt qua những đồi chè xanh mượt nhấp nhô hay những dòng suối chảy hiền hòa, du khách sẽ tiếp cận khu du lịch phía Bắc hồ Núi Cốc, một thiên đường vui chơi giải trí với các khu công viên Nước, công viên Khủng long, cá Sấu… cùng rất nhiều các nhà nghỉ mini nằm trên các triền đồi hay thấp thoáng dưới các tán cây keo lá chàm.
Du khách có thể tham quan động Huyền Thoại Cung, động Ba Cây Thông hay động Thế Giới Cổ Tích thật ấn tượng với những mê cung huyền ảo, những công trình tác tạo độc đáo của thiên nhiên với đủ hình dạng, mặc cho trí tưởng tượng đưa khách bay bổng đến miền cổ tích xa xăm với các câu chuyện thần tiên lý thú…
Công viên nước hồ Núi Cốc – Ảnh: nguồn baoanhdatmui.vn
Tham quan hồ Núi Cốc, du khách có thể đi thuyền dạo chơi ngoạn cảnh trên mặt hồ, khám phá những hòn đảo xinh đẹp đầy bí ẩn, ghé thăm đền Bà Chúa Thượng Ngàn linh thiêng hoặc đảo Núi Cái với khu trưng bày các sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam gồm cả ngàn sản phẩm bằng đủ loại chất liệu như đồng, gốm, sứ…; đảo Văn Hóa (lớn nhất trong số 89 hòn đảo của lòng hồ Núi Cốc) với khu trưng bày cổ vật của các nền văn hóa Việt Nam, từ văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh, điêu khắc Chăm của miền Trung cho đến văn hóa Óc Eo của đồng bằng Nam bộ…; đảo Cò với những bãi Sim và rặng Tre già hoang sơ là nơi trú ngụ của rất nhiều loại chim, cò…; đảo Mâm Xôi, đảo Long Hội…
Đảo Cò với nhiều loại chim, cò – Ảnh: nguồn backup.lenduong.vn
Cũng theo dòng sông Công, du khách xuôi về phía Nam sẽ có dịp tham quan vùng chè nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên, với những đồi chè xanh ngát trải dài từ Tân Cương đến Phúc Trìu, Thịnh Đán… Băng qua những sườn chè ngan ngát mùi hương cốm và những con đường quanh co, du khách sẽ lên đến con đập lớn nhất hồ Núi Cốc, nơi có hai cửa xả nước nối lòng hồ với dòng sông Công. Từ đây mở ra trước mắt du khách không gian mênh mông của lòng hồ, như chiếc gương khổng lồ soi chiếu mọi cảnh vật, với núi Văn, núi Võ chạy dài theo dãy Tam Đảo phía xa xa.
Sau khi đã ngoạn cảnh chán chê, du khách có thể xuống bãi tắm hay lần theo cây cầu lắt léo ra thư giản ở các quán lá bập bềnh trên mặt nước hồ mát rượi, thưởng thức những món đặc sản như cá Mè hồ Núi Cốc, tôm Đá, thịt Dúi rừng… rất hấp dẫn mang nhiều phong vị của núi rừng.
Xanh ngát đồi chè Thái Nguyên – Ảnh: nguồn thainguyen.gov.vn
Vậy là từ một công trình thủy lợi, hồ Núi Cốc đã sớm trở thành vùng cảnh quan thiên nhiên độc đáo, đặc biệt được điểm tô bởi câu chuyện tình thủy chung trong truyền thuyết nàng Công - chàng Cốc nhuốm sắc màu huyền thoại… Đến với hồ Núi Cốc là đến với không gian yên ả, thanh bình, một không gian thư thái giúp khách dễ dàng trút bỏ mọi bận rộn lo toan của cuộc sống…
Mai Kim Thành (Tổng hợp)