» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Làng nghề
24/07/2012
LÀNG RẮN - DU LỊCH VĨNH SƠN (VĨNH PHÚC)
Nói đến rắn, nhất là nghề nuôi rắn tại miền Bắc, có lẽ nhiều người am hiểu dễ liên tưởng ngay đến làng Lệ Mật tại huyện Gia Lâm (Hà Nội) với đặc trưng nuôi rắn dịch vụ, chuyên cung cấp rắn thịt cho các nhà hàng, khách sạn… hoặc làng Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ - Hà Tây cũ nay thuộc Hà Nội) mang ý nghĩa của một làng nuôi rắn truyền thống… Điều thú vị là ngay sát sườn Hà Nội, chỉ cách trung tâm thủ đô chừng 50km về phía Tây Bắc cũng còn một địa phương có nghề nuôi rắn mà trong chừng mươi năm trở lại đây đã nổi lên là một làng nuôi rắn chuyên nghiệp, được tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng thành “làng nghề chăn nuôi rắn - du lịch - dịch vụ” đầu tiên và hiện là duy nhất trên cả nước: Làng rắn Vĩnh Sơn.
Rắn Hổ mang – Ảnh: Nguyễn Dũng (nguồn vinhphuc.tourism.vn)
LAI LỊCH MỘT LÀNG RẮN
Nằm gần trung tâm thị trấn Vĩnh Tường (huyện Vĩnh Tường - tỉnh Vĩnh Phúc), cách quốc lộ 2 khoảng 4km về phía Nam, Vĩnh Sơn là một xã nhỏ thuần nông có diện tích tự nhiên chừng 327ha với 1.318 hộ và gần 6.000 nhân khẩu. Nguyên Vĩnh Sơn xưa có tên gọi cổ là Sơn Tang (cũng còn một tên gọi khác là Hai Nước), vốn là một vùng rậm rạp hoang sơ, nơi trú ngụ lý tưởng của biết bao loài rắn độc. Vào những dịp nông nhàn, thanh niên trai tráng trong làng thường đi tìm bắt rắn về bán cho những người giàu có để ngâm rượu và làm thuốc. Từ việc săn bắt rắn, người dân Vĩnh Sơn đã biết nuôi rắn, làm thịt và chế biến rượu rắn…, kinh nghiệm đó đã được đúc kết và truyền từ đời này sang đời khác, trở thành nghề đặc trưng của người dân làng Vĩnh Sơn.
Rắn con mới nở – Ảnh: nguồn vtc.vn
Trong thời kỳ bao cấp, Vĩnh Sơn đã xây dựng được trại nuôi rắn vào năm 1979 với gần 20 lao động, nuôi hàng ngàn con rắn các loại. Được sự giúp đỡ của các nhà khoa học đầu ngành, trại rắn đã cho ra đời những sản phẩm nổi tiếng như rắn sinh sản và rắn thương phẩm, nọc rắn, cao rắn, rượu rắn cổ truyền… Nơi đây đã cung cấp nguồn rắn cho Xí nghiệp Dược phẩm Vĩnh Phúc dùng trong sản xuất dược liệu và chế biến rượu rắn; đồng thời cũng đã từng cung cấp nọc rắn cho thị trường Đông Âu vào trước những năm 1990 - 1991 với số lượng khá lớn. Từ sau khi Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường thì trại nuôi rắn Vĩnh Sơn cũng dần teo tóp và nghề nuôi rắn hộ gia đình lại có cơ hội khôi phục và phát triển, mới đầu chỉ có vài hộ nuôi rắn trong vườn nhà như gia đình ông Học, ông Tục, ông Ban, bà Son… nhưng đến nay đã lan truyền hầu như toàn xã.
Nọc rắn đông khô – Ảnh: nguồn ranvinhson.com
Năm 1994, nghề nuôi rắn đã được Nhà nước công nhận tính hợp pháp. Qua năm 1995, được sự giúp đỡ của Viện Công nghệ Sinh học Việt Nam về quy trình kỹ thuật ấp nở và chăm sóc, người dân Vĩnh Sơn đã nuôi thành công loài rắn Hổ trâu, Hổ mang và Hổ mang chúa sinh sản. Đến năm 2000, Chi cục Kiểm lâm Tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo hành lang pháp lý (xác nhận rắn nuôi) cho những người nuôi dưỡng rắn và thương lái buôn bán được thuận lợi trong quá trình vận chuyển rắn đến nơi tiêu thụ. Ngày 24-11-2006, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký quyết định số 3120/QĐ-UBND công nhận làng nghề rắn Vĩnh Sơn đạt tiêu chuẩn làng nghề truyền thống. Ngày 31-12-2007, Hội làng nghề rắn Vĩnh Sơn được thành lập và là chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể số 113742 cấp ngày 14-11-2008 cho các sản phẩm nọc rắn, rắn ngâm rượu, cao rắn, rắn ngâm rượu mật ong, thịt rắn, thịt rắn đóng hộp…
SỐNG CHUNG VỚI RẮN
Người dân Vĩnh Sơn trước đây vẫn quen nuôi rắn ngoài đồng và để chúng sinh sản trong điều kiện tự nhiên, nhưng thực tế cho thấy cách nuôi này đã không đem lại nhiều hiệu quả, dễ bị mất và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi rắn sổng chuồng. Trong chừng mươi năm trở lại đây, người Vĩnh Sơn đã biết nuôi nhốt theo phương pháp tiên tiến cho chất lượng rắn tốt hơn, vừa dễ kiểm soát và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng. Việc đầu tư cho hang rắn không quá nhiêu khê đòi hỏi nhiều vốn liếng, lại chỉ cần bỏ kinh phí một lần… Nuôi rắn nhàn mà hiệu quả kinh tế lại cao ngất nên người người thi nhau xây hang, nhà nhà đua nhau nuôi rắn – hầu như hộ nào trong làng cũng biết làm hang nuôi rắn.
Hang rắn – Ảnh: nguồn langven.com
Gọi “hang” là cho có vẻ hoang dã chứ thực ra việc làm hang cho rắn còn dễ hơn cả làm… chuồng gà (!). Hang rắn là một cái hầm hình hộp được ốp bằng mấy hàng gạch chỉ (cao chừng 30 - 40cm) và không cần phải tô trát hay sơn vôi gì cả, mỗi cạnh chừng 40cm đủ cho một con rắn cuộn tròn bên trong. Phía dưới có máng hốt, bên trên cửa hang được làm bằng gỗ có ghép lưới sắt và khóa chốt cẩn thận. Do rắn là loài vật ưa bóng tối, nhiệt độ thích hợp nhất từ 25 - 30ºC nên hang chỉ cần hệ thống thông hơi mà không cần đến ánh sáng. Đó là hang dành nuôi rắn lớn, chứ để nuôi rắn mới nở còn đơn giản hơn – người ta xây những cái chuồng nhỏ trên mặt đất rộng chừng 4m², cao độ 1m và không phải lợp mái. Chỉ cần đổ vào chuồng một ít đất và thêm vào đó một cái chăn bông cũ là đã có thể thành “ký túc xá” của hàng trăm rắn “nhí” mới chào đời.
Hang rắn chiếm hầu hết diện tích sinh hoạt – Ảnh: nguồn langven.com
Do phải tận dụng triệt để những vị trí trống để làm hang nên đất ở của con người đôi lúc còn ít hơn diện tích dành cho nuôi rắn. Hang rắn mọc lên dày đặc ở ngoài vườn, trong nhà, thậm chí ngay bên cạnh… giường ngủ. Vì thế không phải vô căn cứ khi có người nói đùa “ăn cùng rắn, ngủ cùng rắn, buồn vui cùng… rắn”, bởi thực tế khi rắn bệnh chủ nhà cũng bệnh theo vì “lo”… Hiện xã Vĩnh Sơn có một trại rắn trung tâm rộng tới 3.000m², mấy doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã có đất rộng và quy hoạch thành khu nuôi rắn riêng biệt, còn lại hầu hết các hộ đều làm hang nuôi rắn ngay trong nhà, ít thì từ 100 - 200 hang, nhiều thì có đến cả nghìn hang, có hộ còn xây cả trang trại lớn để vừa nuôi vừa sản xuất rắn giống…
NGHỀ NUÔI CHẲNG MẤY CÔNG PHU
Nuôi rắn không đòi hỏi quá nhiều công phu nhưng do rắn cũng đồng nghĩa với tiền nên thực tế đã được người nuôi chăm sóc hết sức chu đáo, thậm chí rắn còn được xem như “người thân” của gia đình (!).
Là loài biến nhiệt, rắn có khả năng tự thích nghi với nhiệt độ môi trường nên tạo cho rắn sức đề kháng tốt ngay từ khi còn nhỏ là điều tối cần thiết. Việc thiết kế hang ổ do vậy cũng cần theo tiêu chí đảm bảo mát về mùa Hè và ấm về mùa Đông. Tuy rắn sống khá sạch sẽ, chất thải ít nhưng lại dễ bị nhiễm bệnh, chủ yếu là ghẻ lở và bệnh về đường ruột nên chuồng trại cũng phải được quét dọn, vệ sinh thường xuyên.
Bên trại rắn sinh sản – Ảnh: Tiến Hưng (nguồn anninhthudo.vn)
Việc cho rắn ăn cũng khá dễ dàng, chỉ cần mua gà con, vịt con thải loại hay chim cút, ếch, nhái, cóc, chuột… rẻ và có sẵn tại địa phương, đem về chặt nhỏ bỏ vào đĩa rồi đưa vào hang là xong. Thông thường cứ bốn ngày cho ăn một lần, nhưng vào các tháng mùa Đông lại đỡ lo vì dường như rắn không ăn gì cả.
Chu kỳ nuôi rắn thịt thường phải mất không dưới một năm mới đạt trọng lượng thương phẩm, tuy có dài nhưng trong thời gian đó mỗi con rắn mẹ lại đẻ một lứa trứng từ 10 - 12 quả đối với rắn nhỏ, và từ 20 - 25 quả đối với rắn lớn, trung bình sau ấp nở mỗi rắn con bán được từ 25.000 - 30.000 đồng nên cũng là một sự “bù lỗ” đáng kể.
Hàng năm cứ đến tầm tháng Tư là người ta cho phối giống rắn, sau hai tháng thì rắn mẹ đẻ trứng. Trứng sẽ được ấp từ 55 - 60 ngày. Sau khi nở rắn con được cho ra các ô để nuôi, đến trước Đông khi lứa rắn lớn xuất chuồng thì cũng vừa lúc chuyển lứa rắn con vào hang, nuôi riêng biệt và vỗ béo cho đến ngày xuất bán.
Ấp trứng trong cát – Ảnh: nguồn vtc.vn
Trong ba tháng Đông rắn ăn ít, ngủ nhiều dẫn đến việc gầy thê thảm. Nắm được quy luật này người nuôi sẽ cho xuất chuồng lứa rắn lớn vào trước Đông, chỉ để lại đám rắn con nuôi đến mùa xuất bán năm sau.
Hiện trung bình rắn thịt có giá bán từ 700.000 - 800.000 đồng/kg loại dưới 1,5kg, từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/kg loại từ 1,5 - 2kg. Theo tính toán sơ bộ, gia đình nuôi 1.000 hang rắn, sau khi trừ chi phí thức ăn và công chăm sóc (chiếm khoảng 60%), mỗi năm thu lãi khoảng trên 500 triệu đồng – số tiền cả một đời làm nông nghiệp thuần túy cũng chưa ai dám nghĩ đến…
LÀNG NGHỀ CHĂN NUÔI RẮN - DU LỊCH - DỊCH VỤ
Hiện cả xã Vĩnh Sơn có đến 970 / 1.318 hộ tham gia chăn nuôi rắn, chiếm hơn 70% số hộ trong xã, đó là chưa kể đến 1 hợp tác xã và 3 doanh nghiệp tư nhân cũng gắn bó với nghề nuôi rắn đầy duyên nợ… Bình quân mỗi năm Vĩnh Sơn bán ra thị trường đến 150.000 con rắn giống, trên 200 nghìn tấn rắn thịt cung cấp trong nước và xuất khẩu rắn thành phẩm sang thị trường châu Á, ngoài ra còn có rượu rắn, nọc rắn… Trong những năm gần đây, Nhà nước đã có chủ trương duy trì phát triển làng rắn, nhân dân trong xã đã được hỗ trợ vốn trong chăn nuôi rắn, thông qua các hình thức vay ưu đãi… Nhiều đề tài, dự án khoa học và công nghệ do Viện Công nghệ Sinh học, Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc chủ trì thực hiện đã đạt kết quả tốt, có khả năng ứng dụng cao vào thực tế nhằm duy trì, bảo tồn và phát triển làng nghề nuôi rắn truyền thống.
Lấy nọc rắn – Ảnh: nguồn langven.com
Năm 2005, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Dự án xây dựng vùng Vĩnh Sơn thành điểm “Làng nghề chăn nuôi rắn - du lịch - dịch vụ”, với tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng được chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I được thực hiện trong 2 năm 2007 - 2008 với việc giải phóng mặt bằng 10 ha tại thôn 4 của xã để xây dựng khu chăn nuôi rắn tập trung, di dời toàn bộ các cơ sở chăn nuôi đang xen ghép trong dân cư ra khu vực này, vừa tạo ra sản phẩm từ rắn một cách đa dạng, quy mô vừa đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường sinh thái… Sở Công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã cam kết sẽ hoàn thành việc xây dựng và công bố chính thức thương hiệu “Làng nghề rắn Vĩnh Sơn”. Đáng tiếc là do còn vướng mắc trong việc thi công đoạn đường tránh Chấn Hưng thuộc quốc lộ 32 đang thi công đi qua vùng quy hoạch, tiến độ thực hiện Dự án đang chững lại.
Sản phẩm rượu rắn – Ảnh: Nguyễn Dũng (nguồn vinhphuc.tourism.vn)
Đến với làng rắn Vĩnh Sơn, ngoài việc tham quan các khu nuôi rắn tự nhiên, du khách còn có dịp tìm hiểu cách rắn ăn, rắn ngủ, rắn đẻ… thậm chí là cả cách rắn… vào nồi (!). Người Vĩnh Sơn không có cách chế biến bỗ bã mà đã được nâng lên hàng nghệ thuật, cống hiến đến khách một bữa tiệc rắn tuyệt vời. Để được chọn đưa vào nồi, rắn thường phải trên một cân, pha lọc da ra da, thịt ra thịt đâu đó đàng hoàng. Ngoài phần xương được chế biến thành nhiều món như xương rán giòn, canh xương nấu thuốc Bắc, súp xương…, phần thịt sẽ chế biến thành các món xào, rán, nướng, om, nấu cháo…, riêng phần da sẽ được chiên giòn, xào với lá đinh lăng… Tiết rắn ở Vĩnh Sơn pha với nước dừa non vẫn giữ tươi nguyên màu huyết, không bị xỉn màu như khi pha với rượu. Du khách còn được lâng lâng với những loại rượu tam xà hay ngũ xà pha chế với các loại thuốc gia truyền, sẽ cảm thấy thể lực được tăng cường và còn chữa được những chứng bệnh về đau lưng, thấp khớp…
Biểu diễn bắt rắn – Ảnh: nguồn chaobuoisang.net
● ● ●
Về Vĩnh Sơn hôm nay, đi trên con đường đã được bê-tông hóa, hai bên là những căn nhà ba, bốn tầng mọc lên thay cho những túp lều, những căn nhà cấp bốn năm xưa, du khách nhìn thấy rõ dấu hiệu của sự phồn vinh… Điều ít ai ngờ là trong những căn nhà cao tầng khang trang đó lại hiện diện cơ man nào là rắn. Mỗi năm làng rắn Vĩnh Sơn xuất ra thị trường trên 200 nghìn tấn rắn thịt và thu về trên 150 tỷ đồng, chiếm 70 - 75% tổng doanh thu toàn xã. Rắn Vĩnh Sơn thực sự là mũi nhọn kinh tế, phá thế sản xuất thuần nông, giúp nhiều người có cơ hội kinh doanh làm giàu…
Hy vọng Dự án “Làng nghề chăn nuôi rắn - du lịch - dịch vụ” sớm được triển khai đầy đủ để thương hiệu rắn Vĩnh Sơn ngày càng được khẳng định và làng nghề rắn Vĩnh Sơn cũng trở thành điểm tham quan du lịch độc đáo, hấp dẫn khách du lịch cả trong và ngoài nước…
Mai Kim Thành (Tổng hợp)