» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

thu nhỏ | phóng to

26/07/2012

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TÂN TRÀO


Nằm về phía Đông Bắc huyện Sơn Dương trong một thung lũng nhỏ được che chắn bởi núi cao và rừng sâu bạt ngàn, Khu Di tích lịch sử Tân Trào cách thành phố Tuyên Quang 41km về phía Tây Bắc và cách trung tâm Hà Nội chừng 150km, là căn cứ địa cách mạng Việt Nam thời kỳ trước cách mạng tháng Tám, thủ đô lâm thời của khu giải phóng, nơi đảng Cộng Sản Việt Nam đã tiến hành Hội nghị Đảng toàn quốc (13-8-1945) quyết định tổng khởi nghĩa và cũng là nơi tổ chức Đại hội quốc dân (16-8-1945) bầu Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm chủ tịch.

Tân Trào là tên mới, được hợp nhất từ hai xã Tân Lập và Hồng Thái năm 1945 (trước kia còn gọi là Kim Long và Kim Châu) nằm trong lưu vực sông Đáy đổ vào sông Hồng tại Việt Trì. Khu di tích lịch sử Tân Trào có tổng diện tích 2.500 ha gồm 10 xã của 2 huyện Sơn Dương (các xã Tân Trào, Trung Yên, Minh Thanh, Bình Yên) và Yên Sơn (các xã Kim Quan, Phú Thịnh, Đạo Viện, Trung Sơn, Hùng Lợi, Trung Minh), với 177 di tích, trong đó có 40 di tích được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử quốc gia, 30 di tích được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh… Với ý nghĩa lịch sử đặc biệt, vào giữa tháng 5-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho Di tích lịch sử Tân Trào.

Khu di tích lịch sử Tân Trào  

Khu di tích lịch sử Tân Trào – Ảnh: nguồn vinabooking.vn

Từ trung tâm thành phố Tuyên Quang vượt sông Lô theo cầu Nông Tiến, con đường nhựa phẳng phiu sẽ đưa du khách đến với vùng đất ghi đậm dấu ấn của chín năm kháng chiến thần kỳ cùng những sự kiện lịch sử của những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nơi đây hiện còn những di tích quan trọng như Bản Khuổi Kịch, đình Thanh La, Vực Thia, làng Tân Lập, lán Cảnh Vệ - Điện Đài, lán Đồng Minh, sân bay Lũng Cò, đèo Chắn, Đồng Man - Lũng Tẩu, Khấu Lẩu - Vực Hồ, Ban Tuyên huấn Trung ương, hang Thia, hang Bòng, thôn Lập Binh, xã Trung Yên, hầm An toàn của Bác, hầm Trung ương Đảng, hầm Chính phủ và Bảo tàng Tân Trào…, đặc biệt các di tích đình Tân Trào, đình Hồng Thái, cây si và cây đa, lán của lãnh tụ Hồ Chí Minh trước khi về Hà Nội.

ĐÌNH TÂN TRÀO

Đình Tân Trào hay còn gọi đình Kim Long theo tên cũ của làng Tân Lập xưa nằm về phía Tây của xã Tân Trào, trên một địa thế đẹp với phía trước là ngọn núi Ao Rừm và từ chân núi Hồng có dòng suối nhỏ Khuôn Pén chảy về tới trước đình rồi đánh lượn một vòng cung mềm mại ra xa… Đình có mặt quay về hướng Nam, được xây theo kiểu nhà sàn cột gỗ của người miền núi, gồm ba gian hai chái, mái lợp bằng lá cọ, sàn lát ván. 

 Đình Tân Trào

Đình Tân Trào – Ảnh: nguồn quehuongonline.vn

Nguyên đây là ngôi đình nhỏ của làng Tân Lập được xây dựng từ năm Qúy Hợi (1923) để thờ tám vị Thành hoàng làng đại diện cho các vị thần Núi, thần Sông. Ngoài việc sử dụng cho nhu cầu tín ngưỡng, đình còn là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa của dân làng.

Ngày 16-8-1945, các đại biểu từ khắp mọi miền đất nước đã về đây họp Quốc dân đại hội, thông qua lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách của Việt Minh, quyết định Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng, chọn bài Tiến quân ca làm Quốc ca và cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Qua sáng hôm sau cũng tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam đọc lời thề thiêng liêng trong buổi ra mắt quốc dân.

ĐÌNH HỒNG THÁI

Nằm trên địa phận làng Kim Trận (nay là thôn Cả), xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, đình Hồng Thái còn được gọi là đình Làng Cả hay đình Kim Trận, xây dựng năm 1919 theo kiểu dáng nhà sàn miền núi, gồm 3 gian 2 chái với kiến trúc thuần gỗ, mái lợp lá cọ.

 Đình Hồng Thái

Đình Hồng Thái – Ảnh: nguồn tuyenquangonline.net

Cũng như nhiều đình làng Việt Nam khác, đình Hồng Thái ngoài chức năng tín ngưỡng thờ Thành hoàng, thần Núi, thần Sông cùng nhiều vị thần khác quanh làng, đặc biệt vị nhân thần Ngọc Dung công chúa, nơi đây còn là điểm sinh hoạt văn hóa, hội họp của làng… Hàng năm dựa vào mùa vụ dân làng tổ chức nhiều lễ cúng bái tại đình, trong đó lớn nhất là vào ngày mùng 3 tháng Giêng âm lịch với nghi lễ rước công chúa Ngọc Dung, ngoài phần lễ còn có phần hội với nhiều tiết mục hấp dẫn như hát Then, hát Cọi, các trò chơi dân gian…

Đình Hồng Thái là nơi dừng chân đầu tiên của lãnh tụ Hồ Chí Minh khi từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến với căn cứ địa cách mạng ở Tân Trào ngày 21-5-1945. Đây còn là trạm giao liên và huấn luyện quân sự trong suốt thời kỳ kháng chiến.

CÂY ĐA TÂN TRÀO

Cây Đa Tân Trào nằm cách đình Tân Trào khoảng 500m về phía Đông, trong khu di tích lịch sử quốc gia ATK Tân Trào. Dưới bóng cây Đa này vào chiều ngày 16-8-1945, Việt Nam Giải phóng quân đã làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của 60 đại biểu và nhân dân Tân Trào. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó hành quân về Hà Nội trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Gọi “Cây Đa Tân Trào” nhưng thực tế gồm hai cây mọc cách nhau khoảng 10m, được người dân quanh vùng gọi là cây Đa “Ông” và cây Đa “Bà”. Hơn mười năm trước, cây Đa “Ông” bị bão thổi đổ, chỉ còn lại một nhánh nhỏ, đang khi cây Đa “Bà” cũng gần như chết khô, chỉ còn duy nhất cành hướng Đông Bắc còn sống nhưng lá không tốt, các rễ chính của cây Đa gần như đã bị hỏng.

Cây Đa Tân Trào đang hồi sinh  

Cây Đa Tân Trào đang hồi sinh – Ảnh: nguồn tamnhin.net

Để cứu vãn tình trạng bi đát này và cũng là để lưu lại một di tích cách mạng đã nhiều năm gắn bó, Công ty cổ phần Thanh Hà (Hà Nội) với sản phẩm chế phẩm sinh học nuôi dưỡng cây qua lá đã nhận cứu chữa cây Đa “Bà”. Sau hơn hai năm nỗ lực tính đến đầu năm 2011, cây Đa “Bà” đang hồi sinh rất nhanh, cụ thể tại vết sẹo đã ra hai cụm rễ, một cụm có 27 rễ và một cụm có 12 rễ với đường kính mỗi cụm từ 30 - 35cm. Hai cụm rễ này đã ăn tiếp và ăn sâu vào trong lòng đất để hút chất dinh dưỡng nuôi cành còn lại. Điều đáng mừng là trên cành cây còn sống duy nhất này đã ra rất nhiều chồi mới, lá xanh biếc, đường kính tán khoảng 7m…

Hiện Tỉnh ủy Tuyên Quang đã chỉ đạo trồng 6 cây Đa cùng loại quanh gốc cây Đa lịch sử, tương trưng cho 6 huyện của tỉnh và tỉnh Tuyên Quang cũng bổ sung cho Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào một biên chế là kỹ sư nông lâm để chuyên chăm sóc cây Đa Tân Trào.

LÁN NÀ LỪA

Nằm ẩn mình dưới các tán cây rậm rạp ở sườn núi Nà Lừa và cách làng Tân Lập gần 1km về hướng Đông, “lán” Nà Lừa là một căn lán nhỏ được dựng bằng tre theo kiểu nửa sàn nửa đất của người miền núi. Đây là nơi nghỉ ngơi của lãnh tụ Hồ Chí Minh từ tháng 5 đến tháng 8-1945, trong thời gian chuẩn bị khởi nghĩa và lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước. Lán gồm hai gian nhỏ: gian bên trong để ở còn gian bên ngoài là chỗ làm việc và tiếp khách.

Tại đây ngày 4-6-1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị cán bộ để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập Khu giải phóng và Quân giải phóng, chẩn bị Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân đại hội.

 Lán Nà Lừa

Lán Nà Lừa – Ảnh: nguồn vietlinktour.com

Với quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho Di tích lịch sử Tân Trào, Chính phủ đã nhắm xây dựng nơi đây thành trọng điểm thu hút khách và là “địa chỉ Đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau. Hiện tỉnh Tuyên Quang đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng quy hoạch chi tiết Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào để thu hút đầu tư và bảo đảm tính bền vững, gắn kết chặt chẽ với việc phục hồi, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, giữ gìn cảnh quan môi trường, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù…

Hy vọng trong tương lai gần, Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào không chỉ là “địa chỉ Đỏ” mà còn là “địa chỉ Xanh”, góp phần tích cực vào việc phát triển du lịch của tỉnh Tuyên Quang nói riêng và cả vùng Đông Bắc bộ…

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Danh mục nội dung