» Giới thiệu » Tham quan » Điểm đến khác

thu nhỏ | phóng to

19/08/2012

KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN KẺ GỖ (HÀ TĨNH)


Nằm cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh chừng 20km về phía Tây Nam thuộc địa phận hành chính của ba huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Khê và giáp tỉnh Quảng Bình về phía Nam, Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ có tên đầy đủ là “Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia vùng rừng hồ Kẻ Gỗ”, được xác lập bởi quyết định số 970/TTg ngày 28-12-1996 của Chính phủ, có tọa độ địa lý 105º50’ - 106º07’ kinh độ Đông và 18º00’ - 18º09’ vĩ độ Bắc với tổng diện tích tự nhiên 24.801ha.

Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ 

Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ – Ảnh: nguồn datnuocviet.com.vn

Nguyên “Kẻ Gỗ” là tên của một làng Việt cổ thuộc xã Mỹ Duệ xưa (nay thuộc xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), nằm dọc theo hai bờ sông Rào Cái (còn gọi là sông Ngàn Mọ), nơi hàng trăm khe suối từ dãy Trường Sơn đổ về quá nhanh và mạnh trong mùa mưa đã trở thành tai ương cho cả vùng phía Nam Hà Tĩnh. Để chế ngự những hiểm họa từ thiên nhiên, ngay từ năm 1976 sau khi hòa bình lập lại, công trình đại thủy nông hồ Kẻ Gỗ đã được khởi công nhằm cải tạo môi trường sinh thái, vô hình trung đã tạo nên một vùng cảnh quan thiên nhiên rộng lớn, điểm du lịch sinh thái kỳ thú trên quê hương Hà Tĩnh…

KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN

Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia vùng rừng hồ Kẻ Gỗ có tổng diện tích 35.159ha, trong đó gồm 24.801ha khu bảo tồn và 10.358ha rừng phòng hộ. Nơi đây thảm thực vật phong phú được bao phủ bởi rừng hỗn giao thường xanh, đặc trưng cho nhiều luồng thực vật của khu hệ thực vật bản địa Bắc Việt Nam - Nam Trung hoa, luồng thực vật Indonesia - Malaysia và luồng thực vật Hymalaya với hơn 40 loài cây thân gỗ, nhiều loại thực vật qúy như Táu, Gõ, Chò chỉ, Kim giao, Sến, Lát hoa…, nhiều loại cây gỗ có tên trong Sách đỏ Việt Nam như Lim xanh, Sến mật, Gụ, Vàng tâm, Giổi, Trường, Trín, Bời lời vàng…

 Rừng thuộc Khu BTTN Kẻ Gỗ

Rừng thuộc Khu BTTN Kẻ Gỗ – Ảnh: nguồn dulich4phuong.vn

Theo số liệu thống kê, hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ có 567 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 367 chi và 117 họ, phổ biến tại tầng cây bụi có các loại cây trong họ Cau dừa với các loài chủ yếu như Lá nón, Song, Mây, Cau rừng, Lụi…, tại tầng thảm tươi có Quyết, Bồn bồn và các loài họ Rô… Rừng Kẻ Gỗ cũng là quê hương của các loài mộc lan, phong lan đẹp và qúy như Quế hương, Tai tượng, Tai trâu, Đuôi chồn, Phượng vỹ, Nghinh xuân…

 Chim tại Khu BTTN Kẻ Gỗ

Chim tại Khu BTTN Kẻ Gỗ – Ảnh: nguồn chimcanhvn.com

Hệ động vật tại khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cũng rất phong phú, cho tới gần đây đã phát hiện 392 loài động vật có xương sống thuộc 99 họ, 47 loài thú, 298 loài chim, 100 loài bò sát và lưỡng cư… Đã có 18 loài thú được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và thế giới, một số loài như Voi, Bò tót, Hổ có thể đã biến mất hoặc số lượng quần thể của chúng bị suy giảm đáng kể, một số loài có giá trị bảo tồn khác như Vượn má hung, Gấu, Tê tê, Sóc bay… cũng trở nên hiếm hoi do nạn săn bắn bừa bãi… Tại đây cũng đã tìm thấy quần thể của 5 loài chim đặc hữu quan trọng có vùng phân bố hẹp, đó là Gà lôi lam mào đen, Gà lôi Hà Tĩnh, Trĩ sao, Khướu mỏ dài và Chích chạch mỏ xám, trong đó Gà lôi lam mào đen và Gà lôi Hà Tĩnh là hai loài bị đe dọa tuyệt chủng toàn cầu.

HỒ KẺ GỖ

Hồ Kẻ Gỗ là hồ nước lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh được xây dựng trên lưu vực sông Rào Cái, giữa các sườn đồi, núi thuộc huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là công trình ngăn lũ, có tác dụng tạo nguồn sinh thủy cho hệ thống thủy lợi, điều tiết dòng chảy của các hồ đập như hồ Kẻ Gỗ, hồ Bộc Nguyên và sông Rác, phục vụ tưới tiêu cho hơn 21.136ha đất canh tác của các cư dân hạ nguồn.

Đập chính hồ Kẻ Gỗ 

Đập chính hồ Kẻ Gỗ – Ảnh: Nguyễn Viết Hiện (nguồn baohatinh.vn)

Nguyên từ đầu thế kỷ XX, trong nỗ lực chế ngự dòng sông tai quái này, người Pháp đã có quy hoạch thiết kế hồ và cũng đã khởi công một số hạng mục nhưng công trình đã bị bỏ dỡ do chiến tranh thế giới lần thứ hai và tiếp sau là cuộc chiến tranh Đông Dương. Mãi đến sau khi đất nước thống nhất, các nhà thiết kế thủy lợi Việt Nam đã hoàn chỉnh thiết kế và khởi công xây dựng từ năm 1976, đến năm 1983 mới cơ bản hoàn thành các hạng mục chính và đến năm 1988 thì toàn bộ hệ thống được đưa vào sử dụng.

Là một công trình nhân tạo nằm ở độ cao 8m, hồ Kẻ Gỗ gồm 1 đập chính bằng đất đồng chất cao 37,4m, dài 970m và 3 đập phụ cùng 3 tràn xã lũ (tràn Dốc Miếu, tràn trong cống và tràn sự cố). Chiều dài hồ gần 29km với đoạn rộng nhất gần 3km, dung tích hữu ích 345 triệu mét khối nước và mực nước hồ đạt đến độ sâu chừng 20m. Công trình thủy lợi này đã trở thành điểm nhấn quan trọng trong tổng thể khu bảo tồn thiên nhiên thuộc loại lớn nhất miền Trung. Nước ở hồ Kẻ Gỗ theo kênh chính rộng hơn 10m, dài 17,2km và hệ thống kênh nhánh dài 110km đã tưới tiêu cho hơn 21.136ha đất canh tác thuộc các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh.

 Hồ Kẻ Gỗ đẹp lãng mạn

Hồ Kẻ Gỗ đẹp lãng mạn với những ốc đảo nhỏ – Ảnh: nguồn sonongnghiephatinh.gov.vn

Sự ra đời của hồ Kẻ Gỗ đã góp phần tích cực cải tạo môi trường, ngoài việc biến vùng đất cát trắng và thường xuyên hạn hán ở hạ nguồn thành khu canh tác với mảng màu xanh tươi tốt, còn cung cấp nguồn thủy sản dồi dào, tạo nên vùng cảnh quan thiên nhiên rộng lớn, mở ra hướng phát triển du lịch sinh thái lý thú ở dải đất miền Bắc Trung bộ nhiều nắng, gió…

DU LỊCH SINH THÁI KẺ GỖ

Có lẽ nhiều người trong cả nước biết đến cái tên “Kẻ Gỗ” qua ca khúc “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” mang nặng tâm tình người Hà Tĩnh của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được chuyển tải mượt mà bởi giọng ca truyền cảm của nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền. Tuy ra đời với mục đích phục vụ thủy lợi nhưng nhờ địa thế cùng cảnh sắc thiên nhiên độc đáo, hồ Kẻ Gỗ cùng với khu bảo tồn thiên nhiên đã nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ với các nhà nghiên cứu khoa học trong, ngoài nước mà còn cả với khách du lịch gần, xa.

 Mặt hồ như chiếc gương lớn

Mặt hồ như chiếc gương lớn – Ảnh: nguồn sonongnghiephatinh.gov.vn

Được bao bọc bởi rừng xanh bạt ngàn, mặt nước hồ Kẻ Gỗ như một chiếc gương lớn phản chiếu ánh nắng lung linh, in rõ mây trời cùng màu xanh tươi mát của cây lá đã tạo nên một bức tranh yên bình và thơ mộng. Giữa hồ đó đây còn điểm xuyết nhiều ốc đảo nhỏ như những thế giới huyền bí, khêu gợi trí tò mò… Với khí hậu quanh năm mát mẻ, du khách đến đây có thể thăm thú tìm hiểu rừng, lội bộ khám phá những con suối ngoằn nghèo hay những hang động nằm sâu trong rừng, chiêm ngắm các loài hoa dại khoe sắc cùng các loài phong lan vương giả… 

Tham quan khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, được ngồi trên ca-nô chạy dọc theo lòng hồ ngắm nhìn những vạt rừng xanh ngắt lướt qua tầm mắt, du khách tưởng như đang được dạo chơi trên dòng Amazon của đất nước Nam Mỹ xa xăm… Đến đây, du khách không chỉ mãn nhãn với sông nước, mây trời, với cỏ cây hoa lá, chim muông… mà còn thỏa lòng với bữa tiệc thịt rừng hay cá hồ được chế biến đơn giản nhưng cũng đủ làm say lòng bao lữ khách… Đặc biệt ấn tượng phải kể đến những phút giây trải nghiệm lý thú khi được lặn hụp giữa những vùng khe cạn trong vắt, thoải mái trong tư thế trần trụi giữa mênh mang đất trời, để cho dòng nước mát dịu dàng vuốt ve thân thể, cảm giác gặp lại tuổi thơ thật lạ lùng, đơn sơ mà thánh thiện đến không ngờ…

 Du khách đến với hồ Kẻ Gỗ

Du khách đến với hồ Kẻ Gỗ – Ảnh: nguồn datnuocviet.com.vn

Trong nỗ lực đưa Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia vùng rừng hồ Kẻ Gỗ vào phục vụ du lịch, ngành du lịch Hà Tĩnh hiện đang triển khai các dự án, đầu tư cơ sở hạ tầng cùng hệ thống các dịch vụ để biến nơi đây thành khu du lịch sinh thái tổng hợp với nhiều loại hình dịch vụ giải trí, từ các khu thể thao đa môn, xây dựng vườn thú, vườn chim, vườn cây cảnh… đến vận dụng lợi thế tự nhiên để tổ chức các chương trình đua thuyền, lướt ván, câu cá, leo núi…

Hiện Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đang phải đối mặt với nạn chặt phá rừng và săn bắt động vật hoang dã, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đa dạng sinh học… Hy vọng tình trạng này sẽ sớm được khắc chế để trong tương lai gần, cùng với việc phát triển du lịch bền vững, nơi đây sẽ trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn không chỉ cư dân Hà Tĩnh mà còn cả bạn bè khắp bốn phương…

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung