» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

thu nhỏ | phóng to

28/09/2012

DÂN CA QUAN HỌ - DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ ĐẠI DIỆN CỦA NHÂN LOẠI


Trong kho tàng dân ca Việt Nam, Quan họ là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu, tập trung chủ yếu ở vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang). Đây là những làn điệu dân ca của vùng đồng bằng Bắc bộ, được lưu truyền từ đời này sang đời khác qua phương thức truyền khẩu. Hàng năm cứ mỗi độ Xuân - Thu nhị kỳ, người dân 49 làng Quan họ gốc dù ở bất cứ nơi đâu cũng đều nao nức trở về quê hương trẩy hội đình, chùa là những lễ hội gắn liền với việc trình diễn Quan họ từ bao đời. 

 Giao duyên Quan họ

Giao duyên Quan họ – Ảnh: nguồn vietnamtourism.com

Ngày 30-9-2009 đã ghi một dấu ấn đặc biệt đối với người dân hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang khi tại kỳ họp lần thứ tư Hội nghị Liên chính phủ UNESCO nhóm tại Abu Dhabi (thủ đô Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất), các thành viên đã nhất trí bỏ phiếu công nhận Dân ca Quan họ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

MỘT THOÁNG… QUAN HỌ

Dân ca Quan họ là hình thức hát giao duyên, tồn tại trong một môi trường văn hóa với những tập quán xã hội đặc thù. Cho đến nay vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về sự ra đời của dân ca Quan họ – có người cho rằng Quan họ đã xuất hiện từ thế kỷ XVII, số khác lại đẩy đi xa hơn đến tận thế kỷ XI… Khi đối chiếu lời của các bài Quan họ trong tiến trình phát triển của tiếng Việt, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận diện chủ nhân Quan họ là những nông dân tộc Kinh (Việt), chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước và dân ca Quan họ đã phát triển đến đỉnh cao vào khoảng giữa thế kỷ XVIII.

 Hát mừng bạn đến chơi nhà

Hát mừng bạn đến chơi nhà – Ảnh: nguồn vietnamtourism.com

Là một môn nghệ thuật, Quan họ được hợp thành bởi nhiều yếu tố, từ âm nhạc, lời ca đến phục trang, lễ hội…, trở thành nét văn hóa tiêu biểu của người dân vùng Kinh Bắc. Quan họ có các hình thức: hát thờ, hát hội, hát thi lấy giải, hát canh. Dân ca Quan họ có 213 giọng khác nhau với hơn 400 bài ca. Một bài ca Quan họ gồm có hai phần: lời chính đa phần ở dạng thể thơ lục bát biến thể, song thất lục bát, tứ âm hoặc ngũ âm theo dạng vè, thất, bát âm theo dạng hát nói, ca dao… với các từ ngữ giàu tính ẩn dụ, mẫu mực và trong sáng; lời phụ gồm tất cả những tiếng nằm ngoài lời ca chính gồm tiếng đệm, tiếng đưa hơi như a ha, i hi, ư hư…  

Các liền anh, liền chị  

Các liền anh, liền chị hát quan họ - Ảnh nguồn TTXVN

Muốn hát Quan họ phải có “bọn”, vì vậy mà trong một làng Quan họ thường có nhiều “bọn nam” và “bọn nữ”. Mỗi bọn thường từ 4 - 5 đến 7 - 8 người và trong các sinh hoạt Quan họ, các thành viên của “bọn” không gọi nhau bằng tên thật mà gọi nhau bằng tên đặt theo thứ tự trong bọn như anh hoặc chị Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu nhưng không có Bảy, Tám. Trong trường hợp có nhiều hơn sáu thì thường thêm từ “bé” vào sau để thành Ba Bé hay Tư Bé chẳng hạn.

 Quan họ hát trên thuyền

Quan họ hát trên thuyền – Ảnh: nguồn vietnamtourism.com

Hát Quan họ là hình thức hát đối đáp giữa “bọn nam” với “bọn nữ” khác làng, với một bài hát cùng giai điệu nhưng khác về ca từ và đối giọng. “Bọn hát” sẽ phân công người hát dẫn và hát luồn nhưng giọng của hai người hát cặp với nhau phải tương hợp để hai giọng trở thành một, tạo ra một thể âm thanh đồng chất. Một người được gọi là nghệ nhân Quan họ phải có kỹ năng hát “vang, rền, nền, nảy”, không chỉ hát tròn vành rõ chữ mà còn phải mượt mà, duyên dáng với nhiều kỹ thuật như rung, ngân, luyến, láy, nhất là phải nảy hạt. Tùy theo cảm hứng của người hát mà những hạt nảy có thể khác nhau về cường độ.

 Quan họ hát mời trầu

Quan họ hát mời trầu – Ảnh: nguồn vietnamtourism.com

Hát canh giữa bọn quan họ làng sở tại và bọn khách, ngoài bài Mời nước, Mời trầu, là 3 chặng hát giọng Lề lối, giọng Vặt và giọng Giã bạn. Bằng các ngôn từ đằm thắm, các bài ca thường biểu hiện các trạng thái tình cảm đôi lứa như nhớ nhung, buồn bã khi chia tay hay vui mừng khi gặp lại… Đặc biệt tuy dân ca Quan họ rất giàu chất thơ và chất nhạc nhưng trong biểu diễn lại không hề sử dụng đến các nhạc cụ đệm.

  Biểu diễn Quan họ

Biểu diễn Quan họ – Ảnh: nguồn dancaviet.com

Một nét độc đáo trong Quan họ là kết bạn Quan họ, xuất phát từ tục kết chạ ở các địa phương vùng châu thổ Bắc bộ. Mỗi bọn Quan họ nam hoặc nữ của một làng sẽ kết bạn với bọn Quan họ ở một làng khác theo nguyên tắc khác phái. Với các làng đã kết chạ, trai gái trong các bọn quan họ đã kết bạn sẽ không được cưới nhau. Không chỉ giao duyên ca hát, các bọn quan họ còn quan tâm giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi có việc hiếu, hỷ… thể hiện mối quan hệ gắn bó nghĩa tình giữa những “liền anh” - “liền chị”.

TRANG PHỤC QUAN HỌ

Không chỉ biểu hiện trên phương diện âm nhạc và các hình thức ca hát, văn hóa Quan họ còn được thể hiện một cách tinh tế qua trang phục, là những gì mà các “liền anh”, “liền chị” sử dụng và hóa trang trong lúc biểu diễn. Tuy là hình thức bên ngoài nhưng trang phục Quan họ đã bao hàm cả chiều sâu văn hóa của người dân vùng Kinh Bắc.

Trang phục Quan họ ngày nay  

Trang phục Quan họ ngày nay –  Ảnh: nguồn baovanhoa.vn

Do tác động của những xu hướng hóa trang hiện đại, trang phục Quan họ cũng có những đổi thay nhất định trong chất liệu vải, màu sắc và cả giản lược trong một số chi tiết.

Trang phục “liền anh”

Chiếc áo dài của giới liền anh gồm 5 thân và dài tới quá đầu gối, cổ đứng, có lá sen, viền tà, gấu lớn. Các liền anh thường mặc bên trong một hoặc hai áo cánh, bên ngoài là hai áo dài. Áo dài ngoài cùng thường màu đen với chất liệu lương, the, hoặc bằng đoạn mầu đen đối với người khá giả. Cũng có người mặc áo dài phủ ngoài may hai lớp được gọi là áo kép, với lớp ngoài bằng lương hoặc the, đoạn, lớp trong bằng lụa mỏng màu xanh cốm, xanh lá mạ non, màu vàng chanh… Đi cùng với áo dài là quần dài trắng được may kiểu có chân què dài tới mắt cá chân, ống rộng, có thắt lưng nhỏ để thắt cạp quần. Thường chất liệu bằng diềm bâu, trúc bâu, phin hoặc lụa truội màu mỡ gà.

 Trang phục liền anh Quan họ

Trang phục liền anh Quan họ – Ảnh: nguồn danmoi.vn

Vào thời trước, do đàn ông nhiều người còn thắt búi tó nên phải vấn tóc bằng khăn nhiễu. Về sau này khi đa phần cắt tóc ngắn và rẽ đường ngôi thì các liền anh đã chuyển sang dùng khăn xếp, rất tiện bởi có bán sẵn ở các cửa hàng. Ngoài quần, áo, khăn xếp, dép, trang phục của các liền anh còn có thêm nón chóp lá thường hoặc lá dứa, có quai lụa màu mỡ gà nhưng ngày nay dường như đã được thay thế bằng ô đen. Một số phụ kiện khác được coi là xa xỉ trong quan niệm xưa gồm lược và khăn tay. Khăn tay thường bằng vải hoặc lụa trắng rộng, gấp nếp và cài trong vành khăn, thắt lưng hoặc đặt ở túi trong.

Trang phục “liền chị”

Không thua kém sự cầu kỳ của giới liền anh, các liền chị còn tinh tươm hơn khi mặc áo “mớ ba mớ bảy”, nghĩa là gồm ba hoặc bảy áo chồng vào nhau. Thực tế thì ngày nay các liền chị chỉ thích mặc áo mớ ba. Các thành phần của bộ trang phục liền chị gồm một chiếc yếm ở trong cùng bằng lụa truội nhuộm; bên ngoài yếm là một chiếc áo cánh màu trắng, vàng hoặc ngà bằng vải phin trắng hay lụa mỡ gà; ngoài cùng là lượt áo dài năm thân với chất liệu đẹp nhất ngày trước là the, lụa, có cách phối màu như ở trang phục nam nhưng màu sắc tươi tắn hơn.

 Trang phục liền chị Quan họ

Trang phục liền chị Quan họ – Ảnh: nguồn congluan.vn

Yếm gồm hai loại: yếm cổ xẻ đối với trung niên và yếm cổ viền đối với thanh nữ, màu sắc khá đa dạng như đỏ (xưa gọi là yếm thắm), hồng nhạt cánh sen (yếm đào), vàng thư (hoa hiên), xanh da trời (thanh thiên), xanh biển (hồ thủy)… Giải yếm to buông ngoài lưng áo và giải yếm thắt vòng quanh eo rồi thắt múi phía trước.

 Dãi yếm Quan họ

Dãi yếm Quan họ – Ảnh: tqtrungblog.blogspot.com

Ngày xưa bao của các liền chị thường màu đen, sử dụng chất liệu sồi se có tua bện ở hai đầu với khổ rộng có thể đựng túi tiền mỏng ở phía trong, thắt gọn ngang eo rồi luồn qua lưng áo dài, bó chặt lấy ba thân áo trước, thắt lại bằng múi lớn che trước bụng. Thắt lưng cũng tương tự như bao nhưng chỉ nhỏ bằng 1/3, dùng để thắt cạp váy vào eo, thường được làm bằng lụa nhuộm các màu tươi sáng như hoa lựu, hoa đào, hoa hiên tươi, hồ thủy. Cùng với múi bao, múi giải yếm, thắt lưng cũng được buộc múi ra phía trước tạo nên những múi hoa đầy màu sắc.

 Thanh sắc liền chị

Thanh sắc liền chị – Ảnh: nguồn tour.edu.vn

Áo dài khoác ngoài của các liền chị gồm năm thân và có cài khuy, khác hẳn áo tứ thân thắt hai vạt trước. Áo dài ngoài thường có màu nền nã như màu nâu già, nâu non, màu cánh gián, màu đen. Áo dài trong thường nhuộm màu sắc phong phú hơn với các màu cánh sen, hoa hiên, thiên thanh, hồ thủy, vàng chanh, vàng cốm… Đi cùng với áo dài, các liền chị mặc váy sồi, váy lụa màu đen. Cũng có người mặc váy kép với lớp váy trong bằng lụa, vải màu, lương, the, đoạn và lớp váy ngoài bằng the, lụa. Một chiếc váy mặc khéo phải không để váy hớt trước hay quây tròn lấy người như mặc quần mà phải sắp xếp sao cho phía trước rủ hình lưỡi chai xuống gần tới mu bàn chân, phía sau phải hơi hớt lên một chút phía trên gót chân.

 Liền chị giúp nhau chít khăn mỏ quạ

Liền chị giúp nhau chít khăn mỏ quạ – Ảnh: nguồn qdnd.vn

Dép của các liền chị được làm bằng da trâu, mũi dép uốn cong như một lá chắn nhỏ che dấu đầu các ngón chân, trên mặt dép có một vòng tròn bằng da để xỏ ngón chân thứ hai giữ cho dép không tuột rơi khi bước đi. Ngoài áo, váy, thắt lưng, dép, trên đầu các liền chị còn chít khăn mỏ quạ, đội nón quai thao và thắt lưng đeo dây xà tích.

VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TRONG TƯƠNG QUAN DU LỊCH

Xuất phát từ sinh hoạt giao duyên, hát đối đáp nam, nữ thuở xa xưa mà hầu hết các cộng đồng dân tộc Việt Nam đều có, Quan họ từ một loại hình dân ca dân gian đặc trưng của vùng Kinh Bắc với một lịch sử lâu đời, đã trở thành một hiện tượng văn hóa dân gian sống động, tồn tại trong cuộc sống của người dân vùng Kinh Bắc. Năm 2009, cùng với việc Hội nghị Liên chính phủ UNESCO công nhận Dân ca Quan họ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 30-9-2009, có thể nói đây là năm văn hóa Bắc Ninh hội nhập, ghi đậm dấu ấn về một mảnh đất văn hiến.

 Hát giao lưu Quan họ

Hát giao lưu Quan họ – Ảnh: nguồn tin 247.com

Văn hóa Quan họ tuy được hình thành từ những làng Quan họ nhỏ bé rồi phát triển thành vùng văn hóa rộng lớn, nhưng sinh hoạt văn hóa Quan họ thực tế chỉ tồn tại và gói gọn ở một địa vực nhất định. Trong số 49 làng Quan họ gốc, ngoài 5 làng Hữu Nghi, Giá Sơn, Mai Vũ, Nội Ninh, Sen Hồ thuộc tỉnh Bắc Giang, 44 làng còn lại thuộc tỉnh Bắc Ninh được phân bố ở các huyện Tiên Du (11 làng), Yên Phong (17 làng), Từ Sơn (2 làng) và thành phố Bắc Ninh (14 làng), trong một không gian rộng khoảng 250km² tập trung và xoay quanh thành phố Bắc Ninh, chủ yếu phân bố quanh các sông Cầu, Ngũ Huyện Khê, Tiêu Tương.

 Đình làng Đình Bảng

Đình làng Đình Bảng – Ảnh: nguồn ddn.didulich.net

Là xứ sở của các đình chùa và lễ hội, Bắc Ninh có những ngôi chùa có ý nghĩa lớn về lịch sử và kiến trúc như chùa Dâu, chùa Cổ Pháp, chùa Phật Tích, chùa Dạm, chùa Lim, chùa Xuân Ổ, chùa Viêm Xá (Diềm), chùa Châm Khê…, trong đó có những ngôi chùa nổi tiếng gắn với Quan họ cả về phần lễ lẫn phần hội như chùa Lim, chùa Châm Khê, chùa Dương Ổ, chùa Hòa Đình. Bên cạnh đó còn có những ngôi đình nổi tiếng “Thứ nhất là đình Đông Khang, thứ nhì đình Bảng, vẻ vang đình Diềm”, những ngôi đền thờ Mẫu mà hầu hết tập trung ở những làng Quan họ gốc. Các đình, đền, chùa nơi đây vô hình trung đã tạo nên những không gian văn hóa để Quan họ phát triển.

 Làng tranh Đông Hồ

Làng tranh Đông Hồ – Ảnh: nguồn dulichvietnam.com.vn

Do yếu tố đặc thù, các làng Quan họ đồng thời cũng là các làng nghề, hoặc nằm gần với những làng nghề mà cho đến ngày nay, những sản phẩm của những làng nghề truyền thống này vẫn được thị trường ưa chuộng và cả nước biết đến. Việc kết hợp để khách du lịch tìm hiểu các làng nghề truyền thống, tham quan các di tích đình, chùa gắn liền với tham dự lễ hội Quan họ sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng riêng của tỉnh Bắc Ninh.

Quan họ: nhận tiền “bo”  

Biến tướng Quan họ: nhận tiền “bo” của khách – Ảnh: nguồn quanho.org

Với những giá trị đã được cả thế giới công nhận, di sản văn hóa Quan họ Bắc Ninh thực sự là nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Phát triển du lịch Quan họ sẽ góp phần hình thành xu hướng tìm hiểu văn hóa Quan họ trong tương quan lịch sử truyền thống, phong tục tập quán của ông cha và bản sắc dân tộc Việt Nam, góp phần quảng bá, đưa hình ảnh Việt Nam ra với thế giới và bạn bè năm châu…

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Danh mục nội dung