» Giới thiệu » Tham quan » Điểm hẹn tâm linh

thu nhỏ | phóng to

18/11/2012

CHÙA KEO - KIỆT TÁC NGHỆ THUẬT GỖ


Nằm ở chân đê sông Hồng thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, chùa Keo hay Thần Quang tự nổi bật với gác chuông tựa đóa sen vươn lên giữa những cánh đồng lúa phì nhiêu của tỉnh Thái Bình. Đây là công trình tôn giáo có kiến trúc quy mô, một phức hợp gồm nhiều khối kiến trúc đa dạng nhất trong số kiến trúc Phật giáo vùng đồng bằng Bắc bộ, không chỉ điển hình cho thời kỳ phát triển cực thịnh của Phật giáo (thời Lý - Trần), mà còn được đánh giá là một kiệt tác nghệ thuật bằng gỗ, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thế kỷ XVII.

Chùa Keo  

Chùa Keo - điểm nhấn của năm du lịch quốc gia 2013 – Ảnh: cinet.gov.vn

Từ thành phố Nam Định qua cầu Tân Đệ, rẽ phải theo đê sông Hồng đi chừng 10km là đến chùa.

LƯỢC SỬ CHÙA KEO THÁI BÌNH

Nguyên chùa được thiền sư Dương Không Lộ (1016 - 1094) khai sơn năm 1061 trên đất làng Dũng Nhuệ thuộc hương Giao Thủy, phủ Hà Thanh phía hữu ngạn sông Hồng (nay là huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) với tên ban đầu là Nghiêm Quang, đến năm 1167 mới đổi tên là Thần Quang. Văn bia còn lưu lại đã cho biết nguyên nhân việc đổi tên chùa:“Nghiêm Quang tự làm năm Tân Sửu (1061) đời vua Lý Thánh Tông. Năm 1167 vua Lý Anh Tông ban chiếu sửa chùa và đổi tên thành Thần Quang Tự”.

Tam quan nội chùa Keo  

Tam quan nội chùa Keo với Tả, Hữu vu – Ảnh: nguồn LangvietOnline

Mô tả về cảnh trí chùa ngày trước, văn bia còn hé lộ:“Nơi thờ Phật nước Nam đâu đâu cũng có, nhưng chỉ có chùa Thần Quang ở vùng Dũng Nhuệ, làng Giao Thủy (tên Nôm là làng Keo) là nơi danh thắng bậc nhất từ Bắc tới Nam: Phía chu tước (trước) dòng Xà Giang chầu vào bao la vạn khoảnh. Phía huyền vũ (sau) sông Hoàng Giang vòng lại mênh mông ngàn tầm. Bể Nam Hải uốn quanh từng khúc phô hình giải lụa xanh lam. Dây rừng cây tua tủa vươn cao như búi tóc mây sắc lục. Thật là một cõi Tây Trúc trong chốn Tùy Lâm vậy. Nào ngờ, nước sông lũ lụt tràn đầy, đến nỗi ngôi chùa trôi dạt.”

Tòa Tiền đường  

Tòa Tiền đường nơi đặt hai bia đá – Ảnh: nguồn mytour.vn

Năm 1611, do nước sông Hồng dâng cao gây ngập lụt, đã cuốn phăng cả làng mạc lẫn ngôi chùa. Người dân làng Keo đã phải rời bỏ quê hương, một nửa dời xuống vùng Hành Thiện còn một nửa sang bên tả ngạn sông Hồng lập làng mới nhưng vẫn giữ tên Dũng Nhuệ cũ. Họ đã dựng lại hai chùa Keo mới, đó là chùa Keo Hành Thiện hay còn gọi chùa Keo “Hạ” ở mạn Đông Nam hữu ngạn sông Hồng (nay thuộc làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) và chùa Keo “Thượng” ở tả ngạn sông Hồng (nay thuộc làng Dũng Nhuệ, xã Duy nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). 

Bia đá đặt hai bên 

Bia đá đặt hai bên, phía trước tòa Tiền đường – Nguyễn Trương Quý (langhanhthien.blogspot.com)

Căn cứ vào văn bia chùa Keo thì chùa được quận công Hoàng Nhân Dũng ở làng Tứ Quán, phủ Hải Thanh, một vị quan lớn thời Lê - Trịnh đứng ra khởi công xây dựng lại. Do lúc bấy giờ đang có cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn nên chúa Trịnh chỉ cấp cho nhà chùa 100 cây gỗ lim còn tất cả vật liệu khác đều do nhân dân tự đóng góp. Tuần Thọ hầu Hoàng Nhân Dũng cùng vợ là Lại thị Ngọc và Đông cung Vương phi Trịnh thị Ngọc Thọ đã phải mất 19 năm ròng đi vận động quyên góp (1611 - 1630). Tháng 7-1630, vị quận công này đã mời được 42 hiệp thợ và khởi dựng công trình, do Cường Dũng hầu Nguyễn Văn Trụ vẽ kiểu phỏng theo kiến trúc chùa Thần Quang cũ. Công trình được tiến hành khẩn trương, chỉ trong vòng 28 tháng đã xong toàn bộ và khánh thành vào tháng 11-1632. Chùa đã được trùng tu nhiều lần vào các năm 1689, 1707 và lần trùng tu năm 1941 có sự giúp đỡ của Trường Viễn Đông Bác Cổ (Pháp). Lần trùng tu gần đây nhất là vào năm 2006.

PHỨC HỢP KIẾN TRÚC

Chùa Keo là một quần thể kiến trúc bao gồm nhiều hạng mục công trình, được xây dựng theo hai công năng thờ phụng kiểu “tiền Phật hậu Thánh”. Theo địa bạ và văn bia chùa Keo, tổng diện tích toàn khu chùa rộng 28 mẫu với 21 công trình gồm 154 gian, diện tích xây dựng khoảng 58.000m². Qua thời gian, bên cạnh những công trình còn khá nguyên vẹn cũng có một số công trình đã được trùng tu tôn tạo nên mang tính hiện đại hơn, nhưng vẫn giữ được cốt cách của phong cách kiến trúc thời Hậu Lê. Hiện chùa còn lại 12 tòa gồm 102 gian của các công trình chính và 4 tòa gồm 24 gian của các công trình phụ trợ.

 Các kiến trúc mỗi tòa mỗi vẻ

Các kiến trúc mỗi tòa mỗi vẻ – Ảnh: Gs Hà Văn Tấn (khaocohoc.gov.vn)

Là công trình kiến trúc có quy mô lớn nhưng bố cục lại rất chặt chẽ, hơn một trăm gian lớn nhỏ khác nhau được bố trí thành một khối kiến trúc đăng đối liên hoàn: Tam quan ngoại, hồ nước lớn, Tam quan nội, chùa Phật, đền Thánh và cuối cùng là gác chuông. Các kiến trúc được đối xứng qua trục dọc là hai dãy hành lang Đông và Tây, phía sau là hai hồ nước lớn. Tuy có đến hàng trăm tòa nhà, gian nhà nhưng qua bàn tay phù phép của những bậc thầy, các kiến trúc không hề tẻ nhạt hay đơn điệu bởi chúng được thu, mở với những tỷ lệ, kích thước, độ cao khác nhau. Ngay cả hai dãy hành lang Đông và Tây được thiết kế mỗi bên 33 gian nhà với chiều dài các gian cộng lại là 91m để tạo thế đối xứng, nhưng thực tế kích thước của mỗi gian lại không giống nhau, có gian chỉ bé 1,65m, có gian lại rộng đến 3,25m, còn lại có đủ kích thước từ 2,4m đến 3,15m.

Tòa Thiêu Hương  

Tòa Thiêu Hương – Ảnh: Nguyễn Trương Quý (langhanhthien.blogspot.com)

Hai dãy hành lang nối qua hai tòa Tả vu, Hữu vu, gác chuông và Tam quan nội đã tạo thành ô chữ “quốc” bao bọc bên ngoài, bên trong là hai khu thờ Phật và thờ Thánh được bố trí gồm ba ngôi nhà nối vào nhau theo lối chữ “công”. Tại khu thờ Phật, ngôi ở ngoài là tòa Ông Hộ có 7 gian với tổng chiều dài 24m, rộng 6m, hai ngôi ở giữa là tòa Ông Muống và ở trong là tòa Tam Bảo nhỏ hơn được làm theo kiểu “lòng thuyền tứ trụ, thượng dường hạ kẻ”. Khu đền Thánh thờ thiền sư Dương Không Lộ với tòa Thiêu Hương, tòa Phụ Quốc và tòa Thượng Điện. Điểm đặc biệt là trước khu đền Thánh có thêm một tòa Giá Roi, nơi người xưa sử dụng vào việc xử kiện, phạt vạ, bổ bán công điền, công thổ của làng – điều này đã cho biết chùa Keo xưa còn là một trung tâm hành chính của thôn xã cổ.

KIỆT TÁC NGHỆ THUẬT GỖ

Chùa Keo là một công trình kiến trúc tiêu biểu thời Hậu Lê. Tại đây, từ việc sử dụng gỗ, gạch lát, tường xây bằng ván bưng, mái ngói mũi hài… đến tổ chức không gian với cây xanh, vườn hoa, hồ nước…, tất cả đều mang tính nghệ thuật đặc sắc tạo nên vẻ lung linh và cho cảm giác cao hơn của công trình. Những người thợ xây dựng chùa Keo không chỉ giỏi về việc xử lý hình khối mà còn khéo tạo ra độ giãn cách hợp lý giữa các khối nhà, tạo một nhịp điệu kiến trúc “chống mỏi” bằng cách thu ngắn dần. Mỗi cụm kiến trúc của chùa Keo có chiều cao và chiều rộng mái khác nhau, cao nhất là bộ mái gác chuông, thấp nhất là bộ mái của hai dãy hành lang Đông, Tây.

Tam quan ngoại  

Tam quan ngoại chùa Keo – Ảnh: nguồn mytour.com.vn

Hệ thống tam quan là một công trình rất riêng của chùa Keo. Tam quan ngoại là một không gian mở với ngôi nhà ba gian không có tường bao và cửa, toàn bộ hệ thống công trình chỉ được nâng đỡ bởi bốn hàng cột gỗ lim vững chắc tạo nên vẻ thông thoáng. Tam quan nội là một ngôi nhà ba gian với đầy đủ hiên và cửa, song thực tế chỉ có ba hàng cột, bộ cánh cửa và ngưỡng cửa lắp vào hàng cột cái, đang khi hàng cột cái lại chọi thẳng vào nóc nhà. Cấu trúc cả trước lẫn sau chỉ có một hàng cột, vừa là cột hiên cũng đồng thời là cột quân cho phép nhìn phía nào cũng chỉ thấy cửa và hiên mà không có long – đây là lối kiến trúc độc đáo thể hiện thuyết “sắc sắc không không” của đạo Phật. Đặc biệt bộ cánh cửa gian giữa tam quan gồm hai cánh, mỗi cánh cao 2,2m, rộng 1,3m, khi khép lại tạo thành một bức phù điêu hoàn chỉnh khắc họa đề tài “lưỡng long mẫu tử chầu nguyệt” rất sinh động.

Bộ cánh cửa gian giữa  

Bộ cánh cửa gian giữa tam quan nội – Ảnh: Nguyễn Trương Quý (langhanhthien.blogspot.com)

Trong khu thờ Phật, tòa Ông Hộ có hệ thống kẻ tiền chạm trổ công phu, kẻ góc cách điệu thành cá hóa rồng hoặc chạm rồng phượng; hệ thống chắn gió chỗ chạm rồng qùy, chỗ chạm long ấn, long ám, long quần, nhiều tấm chắn gió chạm hoa văn sóng nước cuốn thành hoa dây, song cuốn thành hoa Cúc, hoa Sen, thành hình con Dơi theo kiểu “ngũ phúc lâm môn”; những đầu dư bẩy, kẻ đều chạm những đầu rồng to khỏe… Tại tòa Ông Muống và tòa Tam Bảo, những đường soi nét bào được trau chuốt tạo vẻ thanh nhã, nổi bật với bức cuốn thư hình con phượng lớn tại gian trung tâm trong tư thế xòe cánh, dáng nửa đậu nửa bay rất đẹp.

Tòa Trung đường  

Tòa Trung đường với chống, chéo rất công phu – Ảnh: Nguyễn Trương Quý (langhanhthien.blogspot.com)

Khu đền Thánh được xây dựng hoành tráng với bộ mái được chia thành bốn loại: tòa Phụ Quốc mái chảy, tòa Giá Roi theo kiểu hồi triêng, hai tòa Thiêu Hương, Thượng Điện theo lối chéo đao, tàu góc. Trên bờ nóc chỗ trổ chìm, chỗ đắp nổi hoa Chanh, bờ cánh chỗ tỉa chỗ thủng đường dây hoa Thị, xô hồi kìm nóc khá đẹp, càng sinh động với những ngạc long ôm bờ nóc…

GÁC CHUÔNG CHÙA KEO

Sẽ là thiếu sót khi đề cập đến kiến trúc chùa Keo mà không quan tâm đến gác chuông, một công trình tiêu biểu ẩn chứa trong nó giá trị nghệ thuật kiến trúc độc đáo, được đánh giá là công trình to đẹp vào hàng bậc nhất trong số gác chuông của các ngôi chùa cổ Việt Nam. Gác chuông chùa Keo là điểm nhấn, góp phần làm cho ngôi chùa trở thành một công trình kiến trúc Phật giáo sáng giá nhất.

 Mặt đứng gác chuông

Mặt đứng gác chuông chùa Keo Ảnh: nguồn kientrucvietnam.org.vn

Được dựng trên nền gạch xây vuông vắn cao 0,6m, gác chuông chùa Keo có mặt bằng gần vuông với cạnh 8,53m và 8,92m. Toàn bộ công trình cao 11,04m gồm ba tầng chồng diêm cổ các được cấu trúc hoàn toàn bằng gỗ với những kết cấu thật tài tình tạo ấn tượng đồ sộ. Bốn cây cột chính có đường kính 0,6m được đặt trên bốn tảng đá lớn chạm cánh sen thắt cổ đồng, cao suốt hai tầng theo kiểu “thượng thu hạ thách”, liên kết với hệ thống cột biên, xà ngang, xà nách, kẻ góc tạo nên khung gánh lực vững chắc. Ở mỗi tầng của gác chuông đều có bốn mái tỏa về bốn hướng, được liên kết và tạo dáng thành các đầu đao đắp hình loan phượng uốn cong mềm mại, gợi hình ảnh một bông sen thanh thoát là biểu tượng cao qúy trong quan niệm Phật giáo.

 Gác chuông được tu bổ

Gác chuông được tu bổ năm 2006 – Ảnh: Nguyễn Trương Quý (langhanhthien.blogspot.com)

Cấu trúc của các tầng rất hợp lý, dưới hệ thống tàu mái của mỗi tầng xếp 84 cánh rui bay thành 3 tầng, 28 cụm lớn liên kết với nhau bằng những thanh xà mảnh như dàn cánh tay đỡ mái. Hệ thống dàn rui bay này được đặt trên dàn đấu củng đối trọng vào bên trong qua 3 hàng tay đòn thẳng gối tựa xà lách. Cùng với hệ thống cột biên, những hàng lan can con tiện được khéo léo kết nối tạo nên một chỉnh thể cân đối. Độ thu giữa các tầng, cự ly giản cách giữa các cột đều chuẩn xác, độ thu trả vừa phải của các tầng hiên, tầng mái và đưa thêm dàn đấu củng, rui bay, tập hợp các thanh mảnh thành cụm, thành dàn, thành lớp đã phản ảnh trình độ khoa học vật lý khá cao của công trình sư và những người thợ thủ công điêu luyện ngày trước.

 Kết cấu gỗ gác chuông

Kết cấu gỗ gác chuông được ghép sít sao – Ảnh: Nguyễn Trương Quý (langhanhthien.blogspot.com)

Cùng với ba quả chuông đồng nặng gần 2 tấn được đúc về sau và treo ở chính tâm gác chuông (chuông lớn treo ở tầng hai đúc năm 1686, hai chuông nhỏ treo ở tầng ba và tầng thượng đều đúc năm 1796), sức nặng của dàn mái đã tạo lực trọng trường, giữ các mộng gắn chặt với nhau tạo thế vững chắc cho gác chuông. Điểm nổi trội của kiến trúc gác chuông là tỷ lệ cân đối giữa các tầng, các bờ nóc, bờ thẳng, bờ mềm, độ vươn của bờ nóc gác đao, sự phân cách hợp lý của các lớp mái… đã tạo được sự hài hòa trong tổng thể kiến trúc.

 Quả chuông đồng lớn

Quả chuông đồng lớn có khắc cả bài minh – Ảnh: nguồn balonguoc.com

● ● ●

Có thể nói kiến trúc chùa Keo là mẫu mực có tính truyền thống và thực dụng, không chỉ thể hiện trình độ thẩm mỹ đáng khâm phục của người xưa mà còn đáp ứng khá hoàn hảo cả nguyên lý mỹ học của kiến trúc đương đại. Trải qua gần 400 năm, các công trình chính của chùa Keo vẫn tồn tại khá nguyên vẹn như từ thời Lê Trung hưng, được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1960, là một trong số 34 di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam theo quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27-09-2012 của Thủ tướng Chính Phủ.

Lễ hội chùa Keo  

Lễ hội chùa Keo mùa Thu – Ảnh: nguồn m.vovgiaothong.vn

Chùa Keo mở hội Xuân vào ngày mồng bốn tháng Giêng âm lịch, nhưng hội Thu mới là hội chính, kỷ niệm ngày thiền sư Không Lộ qua đời, được tổ chức từ 13 - 15 tháng Chín âm lịch. Trong ngày hội này có tổ chức rước kiệu, hương án, long đình, thuyền rồng và tiểu đỉnh. Tại chùa có cuộc thi diễn xướng về đề tài lục cúng gồm hương, đăng, hoa, trà, quả, thực rất sinh động. Trên dòng sông Trà Lĩnh ngang trước chùa có tổ chức các cuộc thi bơi thuyền, bơi trải, thi kèn và trống, thi têm trầu cánh phượng và diễn xướng điệu múa cổ gọi là “múa ếch vồ” phản ánh cuộc sống và văn hóa nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc bộ thu hút rất đông khách thập phương…

Lễ hội chùa Keo được diễn tả khá thú vị qua ca dao:

“Dù cho cha đánh mẹ treo 
Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm”

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Danh mục nội dung