» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Lễ hội

thu nhỏ | phóng to

04/01/2013

LỄ HỘI SÁO ĐỀN SONG AN (THÁI BÌNH)


Hàng năm cứ vào độ cuối Xuân, khi những cánh đồng lúa Thái Bình xanh mơn mởn chờ đơm bông thì cũng là lúc tại vùng quê Song An thuộc huyện Vũ Thư - một trong những cái nôi của làn điệu Chèo ngọt ngào nổi tiếng, người dân lại rộn ràng với lễ hội Sáo Đền được tổ chức từ 20 – 27 tháng Ba âm lịch. Đây là dịp người dân Sáo Đền phô diễn những cánh diều cong như vành trăng khuyết với các bộ sáo độc đáo được phối hợp cách khéo léo tạo nên sự hài hòa của những thanh âm trong trẻo, du dương…

 Lễ hội Sáo Đền

Lễ hội Sáo Đền – Ảnh: nguồn dulichvietnam.com.vn

ĐI TÌM NGUỒN GỐC LỄ HỘI

Sáo Đền xưa thuộc tổng An Lão, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam, nay thuộc thôn Qúy Sơn, xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Nơi đây có đền Mẫu thờ Quốc Thái phu nhân Đinh Thị Ngọc Kế và Quang Thục Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao cùng đền Tam quốc công được xây ngay cạnh, thờ 3 anh em Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt là những người có công lớn trong việc kiến lập và phò tá nhà  Lê.  

Khu di tích đền Mẫu Sáo Đền  

Khu di tích đền Mẫu Sáo Đền – Ảnh: nguồn hodinhvietnam.com

Nguyên Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao là cháu ngoại Quốc công Đinh Lễ, vợ vua Lê Thái Tông và là mẹ của vua Lê Thánh Tông. Năm 1471, vua Thánh Tông đã cho xây dựng một điện thờ trên đất An Lão để sớm tối Hoàng Thái hậu có chỗ tụng kinh niệm Phật cầu cho quốc thái dân an, được bà đặt tên là Đốc Hỗ điện. Đến khi Hoàng Thái Hậu viên tịch, vua Thánh Tông đã cho đổi Đốc Hỗ điện thành “đền thờ Quốc Mẫu” để thờ phụng bà.

Ngay từ xa xưa, cứ đến ngày giỗ Quốc mẫu hay Tam Quốc công, hậu duệ của tướng quân Đinh Lễ thường tổ chức thả sáo diều như một hành vi tưởng nhớ đến việc ông và binh sĩ đã từng thả diều trên bầu trời miền Trung trong những ngày luyện tập và dưỡng quân nơi vùng xa biên ải. Cũng vì sự kiện này mà khu di tích đền mẫu đã được người dân gọi là “Sáo Đền” với ý nghĩa khu đền thờ có tục thả diều sáo trong ngày hội. Vào những ngày này, người dân quanh vùng dù ở xa đến hàng chục dặm vẫn có thể trông thấy hàng trăm sáo diều bay tít trên bầu trời cao với những thanh âm ma mị trầm bỗng du dương.

Lễ tế tại di tích đền Mẫu Sáo Đền  

Lễ tế tại di tích đền Mẫu Sáo Đền – Ảnh: nguồn tour.edu.vn

Cũng như mọi lễ hội khác, lễ hội Sáo Đền ngoài phần lễ chính gồm lễ tế trong ngày khai hội và ngày đóng cửa hội, còn có phần hội với nhiều trò chơi dân gian như thi thổi cơm, chọi gà, cờ người, bắn cung, bắt vịt… nhưng thú vị nhất vẫn là trò thi diều sáo. Mục đích của lễ tế ngoài việc tôn vinh Đức quốc mẫu Lê triều Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô thị Ngọc Dao, còn là dịp cầu phúc, cầu may cho dân yên, nước thịnh, mùa màng sung túc, nhà nhà yên vui… Trong thời phong kiến, lễ tế được xếp vào hàng quốc lễ với những nghi thức long trọng và các quan viên từ địa phương đến triều đình đều phải tham dự đầy đủ.

DIỀU THI VÀ LUẬT CHƠI

Tuy diều có nhiều loại như cánh doi, cánh bầu, cánh cốc hay còn gọi cánh tiên và kích cỡ cũng lớn nhỏ khác nhau, nhưng để được tham gia cuộc thi ở Sáo Đền phải là loại diều đại, có chiều dài từ 9 thước trở lên. Thông thường  đông hơn cả vẫn là diều cánh doi, bởi chúng vừa mang nét dân dã mà lại có thể “cõng” được được các bộ sáo có kích cỡ lớn.

Những cánh diều chờ vào hội thi  

Những cánh diều chờ vào hội thi – Ảnh: nguồn tour.edu.vn

Để làm được một chiếc diều tốt đòi hỏi ở người thợ phải có kinh nghiệm. Khâu đầu tiên và quan trọng nhất là việc chọn tre. Tre được chọn phải là loại tre hóp đực, già cây, nằm ở giữa bụi; tuy không đòi hỏi phải lớn lắm nhưng phải thẳng gióng và dày cật. Trước khi lên khung, tre còn phải được xử lý qua nước vôi hoặc nước muối đun kỹ trong một thời gian nhằm giúp tre dẻo và dai hơn, chống được mối mọt.

Giấy phất diều phải là loại giấy nhẹ, dai mà không thấm nước. Nếu ngày trước các nghệ nhân thường dùng giấy dó hay còn gọi là giấy bản, thì ngày nay họ đã biết dùng nylon để phất diều rất tiện lợi. Về màu sắc, diều Sáo Đền có màu vàng nâu cánh gián truyền thống, tượng trưng cho hạt thóc mẩy no tròn nổi lên giữa bầu trời xanh như ước mong một vụ mùa bội thu… 

 Diều với bộ sáo khủng

Diều với bộ sáo khủng – Ảnh: nguồn tour.edu.vn

Riêng bộ sáo thì khá đa dạng với đủ loại chất liệu: tre, gỗ hoặc kim loại (chủ yếu là chất liệu đồng vừa đẹp, vừa bền, lại cho tiếng ngân vang lạ thường). Sáo được làm theo bộ, từ bộ 5 đến bộ 2 với các bậc âm thanh kồng, còi, go, ghí, gộ. Mỗi loại có một tên gọi khác nhau như sáo bi là sáo đơn có 1 ống, sáo kép được gọi là sáo chị em, sáo 3 ống là sáo con khóc mẹ ru…

Đã từ bao đời nay, luật chơi của hội Sáo Đền không hề thay đổi: Ban tổ chức sẽ cắm hai cây sào cách nhau 50cm, trên đầu có buộc hai lưỡi mác rất bén quay vào nhau. Sau khi nghe hồi trống lệnh, các chủ diều sẽ phải khéo léo điều chỉnh kéo căng dây diều, cánh diều nào không chuẩn đảo qua đảo lại sẽ làm cho dây diều chạm phải hai lưỡi mác và đứt ngay, tất nhiên là bị loại khỏi cuộc chơi. Diều nào vượt qua được thử thách, đậu được đến ngày cuối cùng của hội thi và có tiếng sáo diều thật hay thì chủ diều sẽ đoạt giải. Do điều lệ thi quá khắt khe nên mỗi năm chỉ duy nhất có một người đoạt giải, có năm lại không có người nào.

Thử thách sinh, tử giữa hai câu liêm  

Thử thách sinh, tử khi phải lên thẳng giữa hai câu liêm – Ảnh: nguồn tour.edu.vn

● ● ●

An Lão là một trong những cái nôi của làn điệu Chèo, du khách về đây trong những ngày diễn ra lễ hội Sáo Đền sẽ có dịp biết đến những hoạt động của một chiếng Chèo truyền thống, tuy có thể chưa thật trau chuốt, nền nả nhưng vẫn hàm chứa nỗi niềm của những người muốn giữ lại nền tảng văn hóa của cha ông… Du khách còn được dịp thưởng thức món canh cua bánh đa, một món ăn dân dã được bà con nơi đây chế biến thành thứ lộc quê thơm thảo tiến cúng và giới thiệu như một đặc sản trong những ngày khai hội…

 Những cánh diều tuổi thơ

Những cánh diều tuổi thơ – Ảnh: nguồn tour.edu.vn

Được dịp đi giữa cánh đồng lúa xanh rì, nhìn những cánh diều lớn nhỏ đủ kích cỡ đung đưa trong gió, hình như ai cũng chạnh lòng nhớ đến tuổi thơ với những cánh diều kỷ niệm (!). Những tiếng sáo diều giữa chiều quê hôm nay nghe mộc mạc mà thân thương quá, những thanh âm trầm bỗng du dương như gởi gắm cả ước mong hạnh phúc, ấm no đến mọi người, mọi nhà…

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Danh mục nội dung