» Giới thiệu » Tham quan » Thắng cảnh

thu nhỏ | phóng to

13/01/2013

HỒ INLE - ĐIỂM ĐẾN MỚI CỦA DU LỊCH CHÂU Á


Nằm cạnh thị trấn Nyaung Shwe thuộc bang Shan rộng lớn của miền Trung Myanmar, Inle là hồ nước ngọt tự nhiên trên độ cao 875m so với mực nước biển, trải dài 22km từ Bắc xuống Nam với bề rộng chừng 11km, bao quanh là các ngọn núi dài như vòng tay dang rộng ôm lấy mặt hồ và những vùng đồi cỏ xanh thơ mộng…

BIỂN XANH VÙNG ĐỒI NÚI BANG SHAN

Nhìn trên không ảnh, hồ Inle là một mảng xanh thoai thoải với đường viền quanh là những ngọn núi uốn lượn. Bắt nguồn từ đây, các con kênh lớn chảy dọc theo cả hai hướng Bắc, Nam len lỏi khắp vùng trở thành huyết mạch giao thông chính bằng đường thủy, đồng thời cũng mang nước từ hồ vào tưới tiêu các cánh đồng. Người dân địa phương tự hào gọi hồ Inle là “Biển xanh vùng đồi núi bang Shan”.

 Ấn tượng Inle

Màn biểu diễn ấn tượng trên hồ Inle – Ảnh: nguồn sotaydulich.com

Với diện tích mặt hồ gần 250km², hồ Inle tuy chỉ là hồ nước ngọt lớn thứ nhì Myanmar nhưng được đánh giá là hồ đẹp nhất của xứ sở “chùa vàng”. Không mênh mông bất tận như Biển Hồ Campuchia, Inle được điểm xuyết bởi những cồn cỏ xanh ngắt, thấp thoáng những khu nhà sàn, những ngôi chùa, tự viện với những ngọn tháp nhọn rực rỡ sắc vàng soi bóng xuống mặt nước hồ phẳng lặng. Inle đẹp rạng rỡ lúc trời xanh nắng ấm, mềm mại mờ ảo lúc tiết trời âm u và lãng mạn hơn khi hoàng hôn khẽ khàng buông xuống…

 Du khách tham quan hồ Inle

Du khách tham quan hồ Inle – Ảnh: nguồn myanmartravel.org

Cảnh sắc thiên nhiên tươi mát với mặt hồ nước biếc xanh, cuộc sống nổi trên mặt nước của các cư dân ven hồ với những làng nghề truyền thống, những bản sắc văn hóa hầu như vẫn được bảo tồn nguyên vẹn và ấn tượng nhất là hình ảnh những người đàn ông mặc chiếc longyi đứng trên mũi thuyền, vừa đánh cá, thả lưới, giăng câu vừa thong thả dùng chân khua chèo đẩy thuyền đi như một nghệ sĩ đang biểu diễn đã khiến nơi đây trở thành điểm du lịch văn hóa quan trọng của Myanmar. Trong số phát hành tháng 8-2009, tạp chí du lịch có uy tín thế giới Condé Nast Traveler đã xếp Inle vào một trong năm điểm đến mới của châu Á mà du khách năm châu không thể không khám phá.

 Những ngôi làng trên hồ Inle

Những ngôi làng trên hồ Inle – Ảnh: nguồn benandfrancois.com

Trên hồ Inle có đến 17 ngôi làng nổi, trong đó ngôi làng Kay Lar Ywa của người Innthars, một nhánh của nhóm người thiểu số Tây Tạng - Miến Điện, được xem là một trong mười ngôi làng đẹp nhất trên thế giới. Những cư dân ở đây canh tác trên những khu vườn nổi gọi là kyun-hmaw được tạo nên bằng cách lấy rễ lục bình đan lại tạo thành lớp đáy, bên trên phủ lớp cỏ và bùn lấy từ hồ, được cố định bởi hàng ngàn cọc tre đóng xuống đáy hồ. Do cây trồng sử dụng phù sa của hồ làm nguồn dinh dưỡng chính và không hề biết đến phân hóa học hay thuốc trừ sâu nên sản phẩm ở đây (chủ yếu là cà chua và đậu) có vị ngọt đậm đà, tự nhiên…

 Những khu vườn nổi

Những khu vườn nổi tạo nên nét đặc trưng – Ảnh: nguồn dnqtravel.com

Ngoài người Innthars, trên hồ Inle còn quần tụ một bộ phận nhỏ những dân tộc thiểu số khác như Shan, Taungyo, Pa-O (Taungthu), Danu, Padaung (thường gọi là Lae Kur hay Kayan), Danaw, Bamar… Phần lớn cư dân theo đạo Phật và sống chủ yếu với nền kinh tế tự cung tự cấp, một bộ phận nhỏ kiếm sống bằng các dịch vụ du lịch, nhờ vậy đã tạo cho Inle một môi trường du lịch lành mạnh và rất thân thiện, vừa phong phú các dịch vụ lại vừa giữ được bản sắc văn hóa của một vùng miền.

ĐƯỜNG ĐẾN INLE…

Từ Yangon, Bagan hay Mandalay, du khách có thể đến Heho - thị trấn Kalaw, quận Taunggyi (thủ phủ hành chánh bang Shan) bằng các chuyến bay nội địa hay bằng phương tiện phổ thông nhất là xe buýt. Hiện cơ sở hạ tầng giao thông ở Myanmar chưa phát triển đồng bộ, nhiều đoạn đường còn khá xấu và vắng, các phương tiện vận tải lại cũ kỹ và chi phí cũng không rẻ nên việc đi lại bằng đường hàng không được kể là phương án tối ưu.

 Tiếp viên hàng không Myanmar

Tiếp viên hàng không Myanmar xinh đẹp – Ảnh: Thiện Nguyễn (facebook.com)

Từ sân bay Heho, du khách còn phải vượt qua đoạn đường chừng 30km uốn lượn quanh co giữa các đồi núi hay ngang qua những cánh đồng lúa mát mắt để đến thị trấn Nyaung Shwe, cửa ngõ vào hồ Inle. Nếu đi bằng đường bộ, cự ly sẽ được rút ngắn bởi trạm trung chuyển xe buýt nằm tại Shwenyaung, chỉ cách Nyaung Shwe chừng 11km. Từ sân bay Heho hay từ bến đỗ xe buýt, nếu không có xe của khách sạn đã đặt chỗ đến đón, du khách sẽ phải sử dụng các phương tiện vận chuyển địa phương là taxi hoặc xe cab. Khổ một nỗi, các loại phương tiện này đều cũ kỹ hay quá sơ sài nên không thể gọi được là thoải mái (!).

 Taxi và xe Cab

Taxi và xe Cab – Ảnh: Thiện Nguyễn (facebook.com)

Nyaung Shwe là một thị trấn du lịch nằm về phía Nam bang Shan, trên bờ hai con kênh lớn là Nam Chaung và Mong Li. Nơi đây có vô số nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng cũng như các cửa hàng thủ công mỹ nghệ và lưu niệm bày bán sản phẩm của cư dân các làng nghề quanh vùng hồ. Bên hồ Inle cũng có một khu Inle Resort gồm những bungalow được thiết kế hoàn toàn bằng gỗ theo phong cách “Inle”, nằm soi bóng xuống mặt hồ với những góc nhìn hết sức thơ mộng. Du khách phải mất chừng 20 phút băng hồ bằng thuyền máy mới đến được khu nghỉ dưỡng và tại đây cũng không có các dịch vụ giải trí, nhưng đối với người thích trải nghiệm không khí mát mẽ tĩnh mịch của “một đêm trên hồ vắng” thì đây quả là một không gian yên ắng tuyệt vời.

 Khu Resort mang mong cách “Inle”

Khu Resort mang phong cách “Inle” – Ảnh: Thiện Nguyễn (facebook.com)

Để khám phá vùng hồ Inle chỉ có một lựa chọn duy nhất là đi thuyền máy. Những chiếc thuyền máy bằng gỗ mình hẹp thân dài với phần mũi luôn chếch cao, phía sau đuôi thuyền chân vịt cuộn nước trắng xóa, đặc biệt không có mái che nhưng trang bị dù cho khách che nắng. Với thiết kế hợp lý, những chiếc thuyền này dễ dàng luồn lách trên những thủy lộ nhỏ hẹp trong các ngôi làng nổi hoặc trườn mình vượt qua lớp bùn sệt khi những kênh rạch cạn nước vào mùa khô.

 Những sắc màu… vườn nổi

Những sắc màu… vườn nổi – Ảnh: nguồn visitthailand.travel

Chợ Mingala nằm gần kênh Mong Li là nơi đánh thức ngày mới ở thị trấn Nyang Shwe bằng sự ồn ào của tiếng xuồng máy chạy trên kênh, tiếng lao xao của người xuống chợ cùng những thanh âm rộn ràng của nhịp sống đang chuyển động… Bến thuyền chính của thị trấn Nyaung Shwe nằm tại ngã tư kênh Nam Caung cắt một con kênh không tên khác và cách hồ Inle chừng 3km, buổi sáng khá nhộn nhịp đông vui nhưng tuyệt nhiên không thấy cảnh xô bồ. 

Những cánh chim thân thiện  

Những cánh chim thân thiện – Ảnh: nguồn visitthailand.travel

Những chiếc thuyền neo đậu chờ đón khách, cứ đủ 4 - 5 người là lập tức rời bến, đưa khách vào cuộc đăng trình giữa một không gian đầy nắng, gió… Ngay khi vừa vượt qua khỏi đoạn eo nhỏ của dòng kênh, du khách sẽ cảm nhận sự mênh mông và choáng ngợp trước cảnh sắc thiên nhiên, trước sự thân thiện của những đàn chim trắng sải cánh đùa vui trên mặt nước hay bay vút theo đuôi những con thuyền như thể chào đón những người thân đi xa mới trở về…

MỘT THOÁNG… INLE

Trong hành trình khám phá Myanmar, hồ Inle là một trong số những điểm dừng chân thú vị. Nơi đây ngoài vùng cảnh quan thiên nhiên trải rộng dưới ánh nắng chói chang, đó đây còn có những ngôi làng nổi bằng tre nứa và gỗ như hiện lên từ trong cổ tích. Những ngôi làng này có thể là khu làng cổ được dựng từ hàng trăm năm truyền nối với những ngôi nhà tranh vách nan tre cũ kỹ, hoặc mới được dựng sau này có tiếp thu chọn lọc những trào lưu mới với những căn nhà khang trang mang vẻ đẹp phố thị… Gắn với những ngôi làng là những khu vườn nổi với lối thủy canh độc đáo, trồng đủ các loại từ hoa, rau xanh, cải bắp, su-lơ, hành, tỏi, trầu đến cà chua, đậu, nho, dưa, đu đủ, chuối… Những cư dân ở phía Nam cuối hồ còn biết đến cả trồng lúa.

 Chợ phiên Ywama

Chợ phiên Ywama – Ảnh: nguồn masterfile.com

Cuộc sống trên hồ Inle có nhiều sức hấp dẫn, đặc biệt có phiên chợ sôi động của làng Ywama với chu kỳ năm ngày một lần là dịp để cư dân giới thiệu hay trao đổi, từ rau quả đến những sản vật địa phương… Ấn tượng nhất phải kể đến ngôi làng của người dân tộc Paduang thường được gọi là người cổ dài nổi tiếng với tập tục đeo vòng cổ. Người Paduang sống lặng lẽ và tách biệt ở vùng mây nước mênh mông, họ trồng lúa, dệt vải và làm đồ thủ công mỹ nghệ bán cho khách du lịch… Con gái Paduang bắt đầu đeo vòng cổ từ thuở lên 5 - 7, đến lúc dậy thì số vòng sẽ được tăng lên và khi về già thì mỗi phụ nữ đều có hơn 20 chiếc vòng trên cổ giữ chặt những chiếc cổ cao nghều. 

 Phụ nữ Paduang

Phụ nữ Paduang với cách dệt cổ truyền – Ảnh: nguồn vov.vn

Tuy sống khá tách biệt và bảo thủ với phong cách sống được lưu truyền từ ngàn xưa nhưng các cư dân hồ Inle vẫn có những phẩm chất rất đáng trân trọng, họ cư xử rất thân thiện với môi trường, không xả rác thải bừa bãi xuống lòng hồ hay lạm sát nguồn tài nguyên thiên nhiên mà chỉ khai thác thủy sản cách chừng mực theo phương thức cổ truyền, với dụng cụ đánh bắt là những chiếc lơm (đó) lớn làm bằng tre hay những lưới đánh cá dạng chóp. Những tư chất này đã hun đúc nên những cư dân Inle hiền lành, sống chan hòa và rất mực hiếu khách.

Rút tơ từ ngó sen  

Rút tơ từ ngó sen theo lối thủ công – Ảnh: nguồn vov.vn

Trên vùng hồ Inle còn tồn tại những làng nghề truyền thống như dệt, rèn, cuốn thuốc lá… Tại làng dệt, người dân không dệt vải bằng tơ tằm mà có cách lấy sợi độc đáo từ những ngó sen, se thành sợi rồi dệt nên những tấm vải Linenlike đủ sắc màu và kiểu dáng. Người thợ ở đây đã rất kỳ công bởi phải dùng đến 8.000 cọng sen mới có thể dệt được một tấm vải ngang 0,6m và dài 2m. Ghé thăm làng cuốn thuốc lá cổ truyền, du khách sẽ có dịp làm quen với các công đoạn từ sơ chế, tẩm ướp đến đóng gói, chủ yếu đều do phụ nữ thực hiện. Thuốc ở đây được làm từ các loại lá mọc tự nhiên trên núi cao, tẩm với hương vị bột hồi, quế, cam thảo hoặc mật ong, quấn thành những điếu thuốc dài. Tại làng rèn, ngoài sản xuất những món hàng gia dụng khá tinh xảo, người thợ còn sản xuất cả kiếm và dao bén nhọn là những vũ khí giúp người dân phòng vệ trước thiên nhiên hoang dã.  

 Chùa Phaung Daw Oo

Chùa Phaung Daw Oo – Ảnh: Huỳnh Thu Dung (nguồn TTCT – 15-8-2010)

Khám phá hồ Inle, du khách còn choáng ngợp với khoảng 100 tự viện và hàng nghìn ngôi bảo tháp lớn nhỏ xây dựng xung quanh hồ, mang đậm ảnh hưởng từ vùng Shan. Tiêu biểu trong số này là ngôi chùa Phaung Daw Oo có từ thế kỷ XVIII với mái chùa màu đỏ và vàng in trên nền trời xanh. Chùa nổi tiếng với năm tượng Phật dát vàng, tương truyền mang lại sự may mắn và bình yên cho cư dân sống quanh hồ. Nga Phe Kyaung là ngôi tự viện cổ nhất thuộc khu vực này, được dựng vào cuối những năm 1850 hoàn toàn bằng gỗ teck qúy hiếm, với màu gỗ đen trông thật huyền bí. Tại đây có đến hàng trăm bức tượng Phật do các vị vua và hoàng gia Myanmar hiến tặng. Các nhà sư nơi đây đã khéo huấn luyện nhiều chú mèo biết nhảy qua vòng tròn nên người dân địa phương quen gọi là “tự viện mèo nhảy”…

 Tự viện Nga Phe Kyaung

Tự viện Nga Phe Kyaung – Ảnh: Tuấn Phùng (nguồn dulich.tuoitre.vn)

● ● ●

Trên một bức tranh treo ở Inle Resort, có những dòng chữ rất đáng để suy nghĩ:“Trong tất cả những điều qúy giá mà bạn có thể găp ở Myanmar, bạn sẽ không thể quên rằng nụ cười của người Myanmar là điều qúy giá nhất…”. Quả là còn quá nhiều điều chưa thể gói gọn trong một vài trang giới thiệu về hồ Inle. Thiết tưởng cũng nên dành một chút gì đó bất ngờ cho những niềm vui khám phá, vì vậy đành phải khép lại với một kết thúc tạm gọi là… không có hậu. Dẫu sao cũng hy vọng, những thông tin khiêm tốn trên sẽ đáp ứng được phần nào nỗ lực tìm hiểu con người và đất nước Myanmar - một đất nước tuy gần mà cũng rất xa trong tâm tưởng nhiều người, để thêm yêu mến và ước ao được một lần khám phá…

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung