» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Lễ hội
20/02/2013
LỄ HỘI CHỌI TRÂU HẢI LỰU (VĨNH PHÚC)
Hàng năm cứ sau rằm tháng Giêng âm lịch, người dân Hải Lựu lại rộn ràng tổ chức lễ hội truyền thống cầu cho mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu… Câu ca dao xưa còn vang vọng đâu đây những lời gọi mời thôi thúc:
“Dù ai đi đâu, ở đâu,
Tháng Giêng, mười bảy chọi trâu thì về.
Dù ai buôn bán trăm nghề,
Tháng Giêng, mười bảy nhớ về chọi trâu…”
Hội chọi trâu Hải Lựu – Ảnh: Nguyễn Văn Hải (nguồn Vnexpress.net)
Trong rất nhiều lễ hội văn hóa của cư dân vùng lúa nước đồng bằng châu thổ sông Hồng, lễ hội Đấu Ngưu (chọi trâu) ở xã Hải Lựu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc được xếp vào hàng cổ xưa, biểu trưng tính cộng đồng và thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt…
HỘI CHỌI TRÂU CỔ NHẤT VIỆT NAM
Tương truyền vào một buổi sớm mai, bên bến sông Lô thuộc xã Hải Lựu huyện Lập Thạch ngày nay, có người đã trông thấy hai con trâu trắng đánh nhau túi bụi rồi cùng nhảy xuống dòng sông biến mất. Từ đó dân làng gọi bến sông này là bến Ảnh, làng cũng được gọi là làng Bạch Ngưu (trâu trắng) và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu từ đó.
Tranh dân gian mô tả hội chọi trâu – Ảnh: nguồn blog.irs.vn
Một truyền thuyết khác lại cho biết lễ hội chọi trâu đã có từ thế kỷ II trước Công nguyên, khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt của con cháu Triệu Đà khiến triều đình nhà Triệu bị tan tác. Lúc ấy thừa tướng nước Triệu là Lữ Gia đã lui binh về vùng núi Hải Lựu sông Lô để tổ chức kháng chiến. Điều đáng ghi nhận là cứ sau mỗi trận thắng, ông lại cho tổ chức chọi trâu để động viên quân sĩ, và trâu sau khi chọi đều được đem mổ thịt để khao quân. Khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu đã tôn ông làm thành hoàng làng và hội chọi trâu vẫn được duy trì như một hình thức tiếp nối truyền thống anh hùng của các bậc tiên nhân.
Nuôi và chăm sóc Trâu – Ảnh: nguồn tour.edu.vn
Khác với nhiều địa phương, trâu thường do các cá nhân hoặc các xã trong một huyện mua về chăm sóc nuôi dưỡng, ở Hải Lựu các “Ông Cầu” (trâu được tuyển tham dự hội chọi trâu) được các tập thể (thường là các xóm làng hoặc họ tộc) cùng tham gia nuôi dưỡng và huấn luyện. Trâu được cả cộng đồng yêu qúy, trân trọng như một thành viên và thông qua “Ông Cầu”, cả cộng đồng cũng biết tương trợ gắn bó với nhau hơn.
Trâu được cả cộng đồng yêu qúy, trân trọng – Ảnh: nguồn tour.edu.vn
Hàng năm vào khoảng tháng 7 - 8, các cộng đồng sẽ góp tiền và cử người lặn lội về các vùng Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu… để tìm những trâu khỏe đẹp, đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe. Từ việc chọn sừng, chọn khoáy đến màu da, móng chân, lông, mắt… đều phải hết sức tỉ mỉ. Trâu mua về còn được cả cộng đồng bình xét gắt gao và giao cho một gia đình tiêu biểu nuôi dưỡng, thường là gia đình đạt chuẩn văn hóa, có đủ ông bà, cha mẹ, con cháu sống thuận thảo hòa hiếu và có điều kiện kinh tế khá giả. Các gia đình khác có nghĩa vụ đóng góp thức ăn cho trâu (bột ngô, bột sắn, cám gạo…).
Toàn cảnh sới chọi ở Hải Lựu – Ảnh: Tungvip (nguồn vnphoto.net)
Trước kia lễ hội vẫn diễn ra vào ngày 17 tháng Giêng âm lịch nhưng từ năm 1947, do nhiều nguyên nhân trong đó có cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp đã bắt đầu khốc liệt, lễ hội chọi trâu bị gián đoạn trong một thời gian dài, mãi tới năm 2002 mới được khôi phục. Do sức hấp dẫn của lễ hội đã thu hút ngày càng đông khách thập phương nên từ năm 2004, Ban tổ chức đã cho kéo dài lễ hội trong hai ngày 16 và 17 tháng Giêng âm lịch hàng năm.
HỘI CHỌI TRÂU HẤP DẪN KHÁCH DU LỊCH
Trước ngày diễn ra lễ hội, xã Hải Lựu sẽ cử một đoàn lên tế lễ tại đền Hùng như một hình thức bái yết Tổ tiên. Đêm trước lễ hội diễn ra lễ tế Thành hoàng làng, cả xã dường như không ngủ trong đêm linh thiêng này. Sau lễ tế Tổ trang nghiêm, cả làng bắt đầu vào cuộc vui. Nét tưng bừng nhộn nhịp được thể hiện qua những lời ca tiếng hát, qua từng chén rượu mời chào, qua những lời thăm hỏi động viên về những dự tính làm ăn trong năm mới… Khi trời rạng sáng cũng là lúc mọi người nô nức chuẩn bị cho trâu vào sới chọi.
Đưa “Ông Cầu” ra sới chọi – Ảnh: nguồn tour.edu.vn
Khai mạc hội chọi trâu Hải Lựu – Ảnh: nguồn vinhphuc.vn
Sau chừng nửa năm được chăm sóc, rèn luyện kỹ lưỡng, những chú trâu ngày nào đã ra dáng với đôi sừng dài, to, béo tốt và tràn đầy sinh lực để sẵn sàng xung trận. Thông thường lễ hội chọi trâu được diễn ra ba vòng, mỗi vòng sẽ chọn ra những “Ông Cầu” khỏe đẹp nhất. Tại hội chọi trâu năm 2012, đã có 16 cặp trâu chọi chính thức bước vào vòng chung kết. Điểm đáng ghi nhận là các trâu chọi bao giờ cũng đấu với nhau mặt đối mặt, dùng sừng và sức khỏe để chọn thế tấn công đối phương chứ không tấn công nhau từ sau lưng hay mạng sườn… Chính điều này đã phần nào phản ánh tinh thần thượng võ của dân tộc được hun đúc từ bao đời, trở thành nét hấp dẫn độc đáo của lễ hội.
Móc hầu và nhấc vó đối thủ là đòn quen thuộc – Ảnh: nguồn infonet.vn
Sục sôi ý chí chiến đấu – Ảnh: nguồn tour.edu.vn
Sới chọi trâu Hải Lựu không dành cho những người yếu tim bởi mỗi cú va chạm của các “Ông Cầu” cũng đủ tạo ra những vết thương lớn gây đổ máu… Để có được chiến thắng cuối cùng, trâu chọi phải vượt qua nhiều vòng đấu cam go và phải có sức bền, bên cạnh đó là một sức mạnh thực sự. Chưa kể trâu còn phải biết vận dụng những ngón sở trường như “bổ đao” đối với những trâu có tính khí hung tợn, “móc mắt” đối với những chiến ngưu có sừng ngắn, khôn khéo trong việc tiến thoái, “ngáng chân” làm ngã đối thủ hay “khóa sừng” quật ngã đối thủ đối với những trâu có sừng dài…
Khóa sừng đối thủ – Ảnh: nguồn m.thethaovanhoa.vn
Khóa sừng và nhấc bỗng đối thủ – Ảnh: nguồn mytour.vn
Trong khoảng thời gian khá ngắn ngủi - vài phút cho một trận đấu thậm chí có trận còn được đếm bằng giây, chỉ có sức mạnh và sự khôn ngoan mới mang lại chiến thắng. Mỗi “Ông Cầu” đều cố gắng móc, kéo, lựa thế, hất cẳng hoặc nhấc bổng đối phương lên khi có cơ hội. Đến lúc một trong hai đấu thủ bỏ chạy thì trận đấu mới xem như kết thúc.
Kèn cựa bất phân thắng bại – Ảnh: nguồn thethaovanhoa.vn
Cú “tiếp đất” không mong đợi – Ảnh: nguồn tour.edu.vn
Trong một cuộc đấu dĩ nhiên có trâu thắng, trâu bại đem lại sự buồn, vui cho cộng đồng liên quan. Dù thắng hay bại, sau khi kết thúc lễ hội các “Ông Cầu” đều được hiến sinh như một hình thức trả nợ cộng đồng. Các cộng đồng sẽ liên hoan tập thể và mời khách phương xa ly rượu thịt trâu đầu năm. Ai cũng mong được thưởng thức món thịt trâu qúy và hy vọng trong năm mới sẽ được khỏe như “trâu” (!). Bên mâm cỗ, mọi người vừa nhâm nhi vừa bàn đến những pha gay cấn, những thế võ đẹp đã diễn ra trong cuộc thi, rồi lại bàn việc giữa năm, việc cử người đi tìm mua trâu mới chuẩn bị cho mùa chọi năm tới.
Chiến đấu không khoan nhượng – Ảnh: nguồn m.thethaovanhoa.vn
Tình huống bất ngờ – Ảnh: nguồn tour.edu.vn
● ● ●
Diễn ra trong không khí hân hoan của những ngày đầu Xuân, lễ hội Chọi Trâu Hải Lựu không chỉ đem lại niềm vui cho cộng đồng, mà còn là dịp ôn lại truyền thống anh hùng, hun đúc tinh thần thượng võ và góp phần giáo dục tình yêu quê hương… Du khách về Hải Lựu trong những ngày này sẽ được sống trong bầu khí phấn khích, cảm thấy thỏa lòng với chuyến đi và khi rời xa, hẳn sẽ nhớ mãi về một lễ hội đặc sắc mang đậm tính chiến đấu, bàng bạc hồn dân tộc…
Mai Kim Thành (Tổng hợp)
Chủ đề liên quan :
- LỄ HỘI ĐẢ CẦU CƯỚP PHẾT BÀN GIẢN (VĨNH PHÚC) 28/01/2013