» Giới thiệu » Tham quan » Khu du lịch

thu nhỏ | phóng to

12/03/2013

KHU DU LỊCH LÂM VIÊN NÚI CẤM (AN GIANG)


Mang vẻ đẹp đặc trưng của vùng đồng bằng sông nước Cửu Long, tỉnh An Giang không chỉ được biết đến là vựa lúa lớn đứng đầu cả nước với sản lượng hai triệu tấn mỗi năm, với nguồn cá Ba sa xuất khẩu đem lại nhiều cải thiện cho đời sống bao người…, mà còn nổi tiếng bởi nhiều vùng cảnh quan thiên nhiên nhuốm màu sắc huyền bí, trong đó phải kể đến vùng Bảy Núi hay Thất Sơn mà chỉ riêng tên gọi cho đến nay vẫn còn là sự đánh đố làm đau đầu các nhà nghiên cứu.

 Huyền bí Thiên Cấm Sơn

Huyền bí Thiên Cấm Sơn – Ảnh: nguồn sotaydulich.cm

Nổi bật trong dãy Thất Sơn và chỉ cách thị xã Châu Đốc chừng 30km là ngọn núi Cấm, cao nhất và ở vào vị trí trung tâm, với nhiều tiềm năng về du lịch. Nơi đây cảnh trí sơn thủy hữu tình, khí hậu mát mẻ được ví như một phiên bản “Đà Lạt” của miền Tây, hiện đang được tỉnh An Giang từng bước chăm chút để sớm trở thành một khu du lịch sinh thái tâm đắc với mọi người…

HUYỀN THOẠI THẤT SƠN

Nói đến “Thất Sơn” không ai ở An Giang là không biết đến, kể cả biết bao khách du lịch hàng năm đổ về hành hương viếng Bà Chúa Xứ núi Sam ở Châu Đốc. Vậy mà, nếu có ai đó truy vấn “Thất Sơn” là bảy ngọn núi nào thì có lẽ người được hỏi cũng đâm ra lúng túng, bởi ngay cả giới nghiên cứu cũng chưa đưa ra được lời giải đáp đủ sức thuyết phục. (!)

 Dãy Thất Sơn

Dãy Thất Sơn – Ảnh: Võ Ngọc (nguồn panoramio.com)

Trong “Gia Định thành thông chí” biên soạn trước năm 1820 của tác giả Trinh Hoài Đức, tuy mô tả trên vùng đất An Giang có 19 núi non nhưng tuyệt nhiên không thấy đề cập đến địa danh Thất Sơn. Sau này “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn từ năm 1865, trong phần An Giang tỉnh mới thấy xuất hiện tên “Thất Sơn” trong số 24 núi non của tỉnh được cập nhật. Điều này giúp đoán định địa danh Thất Sơn đã ra đời khoảng giữa thế kỷ XIX, riêng vì sao tại vùng này có đến hàng chục quả núi mà chỉ gọi là “Bảy Núi - Thất Sơn” thì vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Thực tế trên địa bàn tình An Giang ngày nay đã thống kê được 37 quả núi có tên gọi, riêng vùng Châu Đốc, Tri Tôn, Tịnh Biên (vùng Thất Sơn) đã có đến 27 quả núi.

 Núi Dài (Ngọa Long Sơn)

Núi Dài (Ngọa Long Sơn) – Ảnh: nguồn vietgiaitri.com

Lý giải về cái tên “Thất Sơn”, có người cho rằng nó trùng hợp với tâm thức của người dân Nam bộ khi trong dân gian quen có câu nói “nam thất, nữ cửu”, và vì đã có “Cửu Long” ắt phải có “Thất Sơn” để âm dương được hòa hợp. Có người lại dựa theo bảng giải mã của Lạc Thư với các con số dương 3-5-7 nằm từ hướng Đông sang Tây để giải thích, cho rằng đã có Tam Đảo (miền Bắc), Ngũ Hành (miền Trung) thì cũng phải có Thất Sơn (miền Nam) mới trọn vẹn ý nghĩa, thể hiện sự tốt đẹp, thống nhất và vĩnh cửu. Có người lại gắn “Thất Sơn với biểu tượng tín ngưỡng, tương ứng với tứ linh “Long, Lân, Qui, Phụng” và thế “Voi chầu, Hổ phục”: 6 ngọn núi với tên của sáu con vật qúy bao quanh, bảo vệ ngọn núi trung tâm là Thiên Cấm Sơn…

Núi Két  

Núi Két – Ảnh: nguồn vietgiaitri.com

Năm 1984 khi viết “Những trang về An Giang”, Trần Thanh Phương đã liệt kê Thất Sơn gồm các núi: núi Nước (Bích Thủy Sơn, Thủy Đài Sơn), núi Tô (Phụng Hoàng Sơn), núi Két (Ô Thước Sơn, Anh Vũ Sơn), núi Dài (Ngoạ Long Sơn), núi Cấm (Thiên Cấm Sơn, Bạch Hổ Sơn), núi Năm Giếng (Giài Năm Giếng, Ngũ Hồ Sơn) và núi Tượng (Liên Hoa Sơn). Điều này xem ra khá trùng hợp với quan niệm của người dân tại địa phương.

TỪ NÚI CẤM ĐẾN KHU DU LỊCH LÂM VIÊN

Nằm trong dãy Thất Sơn hùng vĩ, núi Cấm hay theo cách gọi của người dân địa phương - núi Ông Cấm là một ngọn núi cao 710m, cao nhất và lớn nhất thuộc địa phận xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cách trung tâm thành phố Long Xuyên chừng 90km theo quốc lộ 91, rẽ qua tỉnh lộ 948. Núi Cấm sở hữu khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp với cây cối bốn mùa xanh tươi. Ngay từ xa xưa núi Cấm đã được tôn vinh là ngọn núi linh thiêng, hùng vĩ nhất vùng Bảy Núi với bao nhiêu truyền thuyết kỳ bí…

 Kỳ quan Cấm Sơn

Kỳ quan Cấm Sơn trong lòng thị xã – Ảnh: nguồn dulich.chudu24.com

Tên núi Cấm được cho là có từ thời chúa Nguyễn Phúc Ánh, khi ông bị quân Tây Sơn truy đuổi phải lên núi lánh nạn, và để che giấu hành tung, chúa đã lệnh cho quan quân nghiêm cấm người dân lai vãng đến khu vực này. Một giả thuyết khác liên quan đến Phật thầy Tây An, theo đó chính ngài đã từng cấm các đệ tử không được xâm phạm núi thiêng vì sợ ô uế. Tại đây hiện diện nhiều khu tâm linh như tượng Phật Di Lặc, chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn…, những địa điểm thu hút khách hành hương tham quan vào dịp đầu năm.

 Đẹp lắm đường lên núi Cấm

Đẹp lắm đường lên núi Cấm – Ảnh: nguồn diemhenviet.com

Đường lên núi Cấm có dốc thoai thoải, được tráng nhựa rất thuận tiện cho việc tham quan. Du khách có thể thưởng ngoạn phong cảnh đep như tranh thủy mạc, từ suối Thanh Lương, động Thủy Liêm, hang Bồ Vông… đến hồ Thủy Liêm được xây dựng năm 2007 với sức chứa 300.000 khối nước, Thiền viện Phật Lớn khởi công từ tháng 7-2008 trên cơ sở chùa Phật Lớn, những thảm cỏ và vườn cây trái xanh tươi… Dưới chân núi về phía Đông là khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm có diện tích khoảng 100ha, với các dịch vụ giải trí đa dạng, khu nhà hàng phục vụ các món ăn đặc sản Bảy Núi…

Chùa Vạn Linh  

Chùa Vạn Linh trên đỉnh núi Cấm – Ảnh: Võ Văn Tường (giacngo.vn)

Từ Lâm Viên theo lối mòn lên núi, du khách có thể tiện đường ghé suối Thanh Long, tắm táp thỏa thích giữa một thiên nhiên thơ mộng. Cuộc hành trình tiếp tục sẽ đưa khách lên đến ngả ba, thâm nhập vào khu “cao nguyên Núi Cấm”. Từ đây quẹo phải khoảng 1km là đến vồ Thiên Tuế, nếu ngược về hướng trái theo đường dốc sẽ lên chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh, rồi đến vồ Bò Hong - đỉnh cao nhất của núi Cấm. Trên đường đi du khách có thể ghé thăm động Thủy Liêm, qua Ô Cát thăm vồ Bạch Tượng (một tảng đá lớn có hình con voi trắng đứng uy nghi bên sườn núi). Vào những ngày trời trong nắng đẹp, từ vồ Bò Hong du khách có thể phóng tầm mắt đến tận vùng biển Hà Tiên.

TƯỢNG PHẬT DI LẶC TRÊN ĐỈNH NÚI LỚN NHẤT CHÂU Á

Tọa lạc trong khuôn viên chùa Phật Lớn (nay là Thiền viện Phật Lớn) ở độ cao 535m, tượng Phật Di Lặc là một công trình văn hóa nghệ thuật tôn nghiêm, được thiết kế bởi Công ty TNHH Nam Long và thi công với sự cộng tác chủ trì phần nghệ thuật của kiến trúc sư Lữ Trúc Phương cùng nhà điêu khắc Thụy Lam, hai nghệ nhân từng được biết đến với những công trình kiến trúc độc đáo, trong đó nổi bật phải kể đến tác phẩm gà chín cựa bằng bê-tông vỏ mỏng ở làng Gà (làng K’long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng - Lâm Đồng) và con rồng tại khu thủy lợi Hồ Rồng (nay là khu du lịch Đồi Mộng Mơ ở Đà Lạt).

Tượng Phật Di Lặc  

Tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm – Ảnh: Nguyễn Mạnh (xomnhiepanh.com)

Được khởi công ngày 4-3-2004 và hoàn thành sau ba năm nỗ lực, tượng Phật Di Lặc có chiều cao từ dưới chân đế đến đỉnh đầu 33,6m, tổng trọng lượng gần 1.700 tấn gồm bê-tông và cốt thép. Mặt bằng tổng thể của khu tượng đài là một công viên rộng 2,2ha với nhiều thảm hoa, kiếng, được bố cục hài hòa với hai mảng vuông - tròn biểu thị đất - trời. Tượng được đặt trên chân đế có diện tích 22 x 27m, là một khối kính phản xạ màu xanh ve, bên ngoài có dòng chảy tạo nên vẻ đẹp sinh động lung linh.

Chăm chút cho từng ngón tay  

Chăm chút cho từng ngón tay Phật – Ảnh: nguồn vnphoto.net

Tượng trưng cho đức từ bi hỉ xả, hình ảnh Phật Di Lặc với cái bụng lớn quá khổ, khuôn mặt đôn hậu cùng nụ cười hồn nhiên, đã trở thành quen thuộc đối với các Phật tử, đặc biệt với người dân Nam bộ. Bằng kỹ thuật bê-tông vỏ mỏng, các nghệ nhân đã thể hiện cách dí dỏm thần thái siêu phàm và nét an nhiên tự tại của Phật Di Lặc.

Tạo tác khuôn mặt Phật Di Lặc  

Tạo tác khuôn mặt Phật Di Lặc – Ảnh: nguồn tuoitreangiang.com

Tận dụng không gian đồ sộ bên trong tượng Phật, những người thiết kế đã bố cục thành một giả hành sơn hang động, bố trí nhiều hướng đi cao thấp, uốn lượn theo mọi ngóc ngách hoặc tỏa ra khắp bốn phương tám hướng, đã tạo nên một không gian huyền bí thể hiện cách thâm thúy triết lý của nhà Phật. Đức Phật đã phải trải qua sáu chặng thử thách nhãn, nhỉ, tỉ, thiệt, thân, ý và thắng vượt những dục vọng tầm thường để trở thành Phật, từ đó đã truyền lại cho chúng sinh một tín hiệu lạc quan: “Ta là Phật đã thành còn các ngươi là Phật sẽ thành”

thần thái an nhiên tự tại  

Phật Di Lặc với thần thái an nhiên tự tại – Ảnh: nguồn chophien.com

Tượng Phật Di Lặc núi Cấm đã được xác lập kỷ lục Việt Nam ngày 2-1-2006 và đến ngày 2-3-2013 đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục tượng Phật Di Lặc trên núi lớn nhất châu Á.

● ● ●

Với một không khí mát lạnh của miền cao, lại có những cảnh quan nhuốm màu huyền bí của núi rừng, không lạ khi Thiên Cấm Sơn ngày càng thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng. Song song với việc hình thành các công trình tôn giáo độc đáo như Thiền viện Phật Lớn, chùa Vạn Linh, tượng Phật Di Lặc…, chính quyền tỉnh An Giang cũng đã có những đầu tư nhất định cho du lịch Cấm Sơn phát triển. Hy vọng những phát triển này không chỉ đem lại lợi ích cho cộng đồng mà còn góp phần đưa du lịch An Giang vươn lên tầm cao mới…

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Danh mục nội dung