» Giới thiệu » Tham quan » Điểm đến khác

thu nhỏ | phóng to

25/03/2013

SUỐI NƯỚC NÓNG BẢN MÒNG (SƠN LA)


Nằm tại Bản Mòng thuộc xã Hua La - thành phố Sơn La, cách trung tâm thành phố chừng 5km về phía Tây Nam, suối nước nóng Bản Mòng hay còn được gọi “Bó Nặm Ún” là một nguồn nước khoáng nóng tự nhiên giữa núi rừng hùng vĩ vùng Tây Bắc. Ngay từ năm 1997, nguồn nước nơi đây được quản lý và tổ chức kinh doanh cách hợp lý, đã làm thay đổi tư duy của người dân, góp phần nâng cao mức sống của người Thái Bản Mòng.

CƯ DÂN BẢN MÒNG VÀ NGUỒN NƯỚC KHOÁNG NÓNG 

Bản Mòng là nơi định cư của 106 hộ thuộc dân tộc Thái Đen, họ lưu trú trong những ngôi nhà sàn lợp ngói được dựng ven các sườn đồi. Điểm đáng chú ý là ở đầu hồi bên trên nóc nhà người Thái Đen luôn được trang trí bởi các loại “khau cút” là hai thanh gỗ bắt chéo được cách điệu hóa, trở thành một biểu tượng văn hóa độc đáo không chỉ làm đẹp cho ngôi nhà mà còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Góp thêm vào nét đặc trưng của những căn nhà Thái còn là các cửa sổ với đủ loại hình thù như hình ngà voi, hình mặt trăng…

“Khau cút” trên nóc nhà  

“Khau cút” trên nóc nhà người Thái Đen – Ảnh: nguồn dotchuoinon.com

Cư dân Bản Mòng rất hiền lành và hiếu khách. Đa phần họ làm các nghề thủ công truyền thống như nghề rèn, dệt thổ cẩm, đan lát, làm gốm… Từ những năm cuối của thế kỷ XX, 16 hộ ven đường đã kinh doanh dịch vụ tắm khoáng nóng và nhiều hộ khác cũng tham gia chế biến các món ăn đặc sản phục vụ khách du lịch.

Có lẽ sẽ không cần thiết khi truy tìm thời điểm xuất hiện của dòng suối khoáng Bản Mòng, thực tế ngay từ khi thành lập, người dân Bản Mòng đã biết sử dụng nguồn nước cho sinh hoạt hàng ngày. Với thành phần khoáng chất tự nhiên cùng các đặc tính lý, hóa…, nhiều nhà khoa học đã sớm công nhận nước khoáng Bản Mòng có tác dụng chữa trị một số bệnh ngoài da, thấp khớp, thần kinh, tim mạch…

Đầu nguồn suối khoáng  

Đầu nguồn suối khoáng Bản Mòng – Ảnh: nguồn dulichtrongoi.com

Theo kết quả khảo sát của công ty mỏ INCODEMIC thuộc Tổng công ty Hóa chất Việt Nam, nước nóng Bản Mòng có nhiệt độ nước lộ thiên 38ºC và thay đổi theo mùa hay thời tiết. Nước nơi đây không có mùi lạ, trong suốt, không màu và về mùa mưa hơi ngả mầu cô-ban, cơ bản đạt yêu cầu chất lượng theo quy định về quản lý chất lượng nước khoáng, nước uống đóng chai của Bộ Công nghiệp và Khoa học - Môi trường ngày 23-10-1997.

Suối nước nóng Bó Nặm Ún  

Suối nước nóng Bó Nặm Ún – Ảnh: nguồn dulichnamchau.vn

Cái thú của tắm khoáng nóng Bản Mòng là nguồn nước nóng nơi đây có nhiệt độ thay đổi theo mùa. Vào mùa Hè, do cấu trúc địa tầng đã thẩm thấu nguồn nước mưa tan hóa cùng dòng khoáng nên có độ nóng dịu, còn vào mùa Đông, dòng nước lại nghi ngút tỏa hơi khiến người tắm như quên mất cảm giác đang ở giữa mùa Đông giá lạnh.

NGƯỜI BẢN MÒNG LÀM DU LỊCH

Được qui hoạch trong quần thể du lịch sinh thái của thành phố Sơn La, Bản Mòng là một bản văn hóa đang từng bước hoàn thiện để trở thành một điểm du lịch sinh thái - văn hóa và nghỉ dưỡng hấp dẫn không chỉ khách du lịch trong nước mà còn cả khách quốc tế.

 Đường vào Bản Mòng

Đường vào Bản Mòng – Ảnh: Hòa Trần (nguồn kienthuc.net.vn)

Đường vào bản Mòng ngày nay đã được trải nhựa rộng rãi, uốn lượn thật đẹp quanh những triền đồi. Trên một đoạn đường chừng 200m, các tấm biển “Tắm khoáng nóng” được ghi bằng cả hai thứ tiếng Việt, Anh với đèn quảng cáo sáng rực mỗi khi đêm về đã khiến nhiều khách du lịch đến đây phải trầm trồ ngạc nhiên... Điều thú vị là khách có thể thoải mái chọn điểm dừng chân mà không lo bị làm phiền chèo kéo như nhiều khu đô hội khác.

Trong những ngôi nhà được xây dựng khá hiện đại mang phong cách kiến trúc nhà sàn dân tộc Thái vùng Tây Bắc, các hộ kinh doanh tắm khoáng đã bố trí nhiều phòng tắm, mỗi phòng đều được thiết kế hợp lý, đạt chuẩn vệ sinh với bồn tắm lát gạch men có vòi dẫn nước nóng và vòi hoa sen, giúp khách có điều kiện đắm mình trong làn nước khoáng nóng, tận hưởng cảm giác dễ chịu thư thái sau một ngày làm việc căng thẳng…

Bản Mòng bình dị  

Bình yên Bản Mòng – Ảnh: nguồn dulichvietnamgiare.vn

Từ lâu, cùng với nền nông nghiệp lúa nước phát triển, người dân Bản Mòng nói riêng và người Thái nói chung đã biết tạo nên những món ăn dân dã được nhiều người biết tiếng, từ món “khẩu tan” (xôi) được chế biến từ gạo nếp dẻo thơm được ủ trong những cái “ếp khảu” (vồ đựng đan bằng tre) nho nhỏ xinh xinh, món cơm lam nấu từ gạo được ngâm sau mấy giờ rồi cho vào ống tre non và đốt trên than củi có mùi thơm đặc trưng, các món “cáy pỉnh” (gà nướng), “pa pỉnh tộp” (cá nướng), “nhứa giảng” (thịt hun khói)... đến các loại rau rừng, hoa ban, măng lay…, đặc biệt không thể thiếu món chấm “chéo” - một thứ đồ chấm khô được làm từ muối rang, ớt nướng, hạt mắc khén giã nhuyễn với tỏi và rau mùi tầu…

Món “pa pỉnh tộp”  

Hấp dẫn món “pa pỉnh tộp” (cá nướng) – Ảnh: nguồn sonla.gov.vn

Khi đưa nguồn nước khoáng nóng vào chương trình khai thác du lịch, người Thái Bản Mòng đã khéo vận dụng lợi thế ẩm thực kết hợp với các sản phẩm thêu, dệt thổ cẩm tinh xảo, những âm hưởng của tiếng trống, tiếng chiêng, lời khắp cùng các điệu múa xòe, múa piêu, múa cánh bướm… để thành một sản phẩm du lịch khá hoàn chỉnh và hấp dẫn đậm chất vùng cao Tây Bắc. Hình thức du lịch cộng đồng này đã giúp người dân Bản Mòng không những bảo tồn mà còn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

● ● ●

Đến với điểm du lịch sinh thái Bản Mòng, ngoài việc được thả mình thư giản trong làn nước ấm nóng, du khách còn có dịp tham quan, tìm hiểu đời sống và văn hóa cổ truyền đậm đà bản sắc của bà con dân tộc Thái… Có lẽ hình ảnh ấn tượng khó quên nhất là vào những đêm trăng sáng, bên ánh lửa bập bùng, được cùng với chủ nhà thưởng thức những món ăn dân dã mang hương vị núi rừng, được thả hồn chếnh choáng trong hơi men của chum rượu vít cần và ngã nghiêng cùng những điệu múa, những âm thanh bay bỗng…, chắc hẵng dù có xa vẫn nhớ mãi những lời chào đón thân tình đằm thắm:“Inh lả ơi, sao noọng ời; khắp núi rừng Tây Bắc sáng ngời; mùa xuân đến ngàn hoa hé cười…”

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Danh mục nội dung