» Giới thiệu » Tham quan » Điểm đến khác
06/04/2013
THỦY ĐIỆN YALY (GIA LAI)
Nằm cách thành phố Pleiku chừng 40km về hướng Tây Bắc, trên dòng sông Sê San thuộc địa bàn xã Ialy, huyện Chưpăh, tỉnh Gia Lai, thủy điện Yaly là một công trình thủy điện ngầm lớn nhất Việt Nam với công suất lắp đặt 720MW và sản lượng điện trung bình 3,7 tỷ KWh / năm. Từ thành phố Pleiku theo quốc lộ 14 hướng đi Kontum đến Km 15, du khách rẽ trái đi chừng 23km giữa cao nguyên bát ngát sẽ đến được nhà máy thủy điện Yaly.
NGUỒN SÁNG TÂY NGUYÊN
Trên vùng đất Tây nguyên, dòng sông Sê San là một chi lưu lớn của sông Mekong, được hình thành bởi nhánh Đăkbla và nhánh Krông Pôkô có diện tích toàn lưu vực là 17.000km². Đoạn sông Sê San chảy qua Việt Nam có chiều dài 237km với diện tích lưu vực 11.450km², đoạn còn lại khi chảy sang đất Campuchia đã hòa vào dòng Srépoc rồi cùng đổ vào sông Mekong. Theo khảo sát, trên dòng Sê San có 9 bậc thang thủy lợi - thủy điện, trong đó Việt Nam sở hữu 6 bậc thang với tổng công suất quy hoạch 1.768 MW và điện lượng trung bình năm là 8.385 triệu KWh.
Dòng Sê San vào Xuân – Ảnh: Mai Vy (nguồn VGP News)
Ngay từ nhiều thập kỷ trước, nhiều hãng nước ngoài và cơ quan trong nước như Nipon Koie của Nhật Bản (1966), Ủy ban Sông Mekong (1971), Viện quy hoạch - Bộ Thủy lợi Việt Nam (1978), Viện Năng lượng - Bộ Năng lượng Việt Nam (1988) đã tiến hành nghiên cứu khả năng sử dụng năng lượng sông Sê San, riêng Công ty Tư vấn - Khảo sát - Thiết kế xây dựng Điện 1 (Tổng công ty Điện lực Việt Nam) đã mất 11 năm nghiên cứu khảo sát và hoàn thành luận chứng kinh tế - kỹ thuật Công trình thủy điện Yaly trình các cấp có thẩm quyền lượng giá.
Một góc Nhà máy thủy điện Yaly – Ảnh: nguồn skydoor.net
Ngày 24-9-1992 bằng quyết định số 346/ct, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng chính phủ) đã chính thức phê duyệt luận chứng kinh tế - kỹ thuật Công trình thủy điện Yaly. Ngày 4-11-1993, Thủ Tướng lúc bấy giờ là Võ Văn Kiệt đã long trọng nhấn nút nổ mìn khởi công công trình Nhà máy thủy điện Yaly. Sau hơn 9 năm đương đầu với thời tiết khắc nghiệt và địa hình hiểm trở, những người thợ của Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty lắp máy Việt Nam đã biến cả vùng thác Yaly hoang sơ thành một công trình kỳ vĩ…
Nguồn nước thủy điện Yaly – Ảnh: Quỳnh My (nguồn my.opera.com)
Năm 2002, Nhà máy thủy điện Sê San 3 đã được khởi công về phía hạ lưu thủy điện Yaly và cách thủy điện Yaly chừng 15km, với công suất thiết kế 260 MW gồm 2 tổ máy (hòa lưới điện quốc gia vào năm 2006). Qua năm 2003, Nhà máy thủy điện Pleikrông cũng được khởi công trên sông Krông Pôkô – một nhánh lớn thuộc phần thượng lưu của sông Sê San với 2 tổ máy và công suất thiết kế 100 MW (hòa lưới điện quốc gia năm 2009).
Cổng vào Nhà máy thủy điện Yaly – Ảnh: nguồn vietlandmarks.com
Năm 2007 đã ghi một dấu ấn quan trọng trên vùng đất Tây nguyên khi Công ty Thủy điện Ialy được thành lập trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chịu trách nhiệm quản lý vận hành 3 nhà máy thủy điện lớn trên hệ thống bậc thang thủy điện Sesan, gồm thủy điện Yaly, thủy điện Sesan 3 và thủy điện Pleikrông, đem lại một sức mạnh tổng hợp bảo đảm nguồn sáng trên vùng đất Tây nguyên.
THỦY ĐIỆN YALY - ĐIỂM DU LỊCH THÚ VỊ
Trên cơ sở tiềm năng thủy điện của thác Yaly - một thác nước có độ cao 42m được xếp vào hàng lớn nhất Việt Nam, Nhà máy thủy điện Yaly đã được khởi công xây dựng ngày 4-11-1993 trên diện tích khu vực rộng hơn 20km² và hoàn thành vào ngày 27-4-2003, với nhà máy chính đặt tại xã Ialy, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai và khu vực lòng hồ thủy điện phần lớn trên địa phận huyện Sa Thầy thuộc tỉnh Kontum.
Thác Yaly – Ảnh: nguồn placeinvietnam.org
Nằm giữa núi đồi Tây nguyên hùng vĩ, tại bậc thang thứ ba và là bậc thang lớn nhất trong hệ thống 9 bậc thang thủy điện trên sông Sê San, Nhà máy thủy điện Yaly là một hệ thống công trình hiện đại và đồ sộ, vừa lộ thiên vừa ẩn mình trong lòng núi. Đây là công trình thủy điện lớn thứ ba tại Việt Nam sau công trình thủy điện Sơn La trên sông Đà (2.400MW) và công trình thủy điện Hòa Bình trên sông Đà (1.920MW), đồng thời là công trình thủy điện ngầm lớn nhất Việt Nam, với công suất thiết kế 720MW và điện lượng bình quân nhiều năm là 3,68 tỉ KWh.
Đập tràn thủy điện Yaly – Ảnh: nguồn icon.com.vn
Trên diện tích mặt nước rộng 64,5km² với dung tích 1,03 tỷ m³ (ứng với mực nước dâng bình thường 515m), hồ Yaly có đầu mối gồm đập chắn (cao trình +522m, chiều dài đỉnh đập 1.142m, cao 71m), tràn xã lũ (hình thức ngưỡng tràn Ofixêrốp gồm 6 cửa, mỗi cửa rộng 15m được dùng loại van cung) có ngưỡng tràn +499,12 (thấp hơn mực nước dâng bình thường 15,88m) và cửa nhận nước đặt ở bờ phải hồ. Nước qua cửa nhận sẽ theo đường hầm dài 7.582m trước khi chia làm 4 nhánh đi vào 4 tổ máy đặt ngầm trong núi.
Tổ hợp kỹ thuật thủy điện Yaly – Ảnh: Bích Hà (baogialai.com.vn)
Nếu trước đây Yaly đã từng là một thác nước nổi tiếng được nhiều người biết đến, thì ngày nay với việc hình thành Nhà máy thủy điện Yaly, giữa núi rừng Tây nguyên lại hiện ra một thắng cảnh mới kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và tạo tác của con người, đó là công trình đập dâng, đập tràn xã lũ và hồ nước mênh mông. Du khách đến Tây nguyên hôm nay, ngoài việc thưởng ngoạn những cảnh quan đẹp đến mê hồn, tìm hiểu đời sống cùng những tập tục văn hóa truyền thống của người dân vùng cao, còn có thể ghé thăm Nhà máy thủy điện Yaly để “kịch mục sở thị” những nỗ lực của con người trong việc chinh phục thiên nhiên, bắt thiên nhiên phục vụ con người…
Du khách trong lòng hầm thủy điện – Ảnh: nguồn dulich.tuoitre.vn
Từ cổng Nhà máy thủy điện Yaly, theo con đường dài chừng 8km phẳng phiu uốn lượn giữa một bên là núi và một bên là lòng sông trơ cạn có đáy sâu hun hút, du khách có dịp thăm thú đập dâng, cổng giữ nước và khi đến cổng hầm, du khách sẽ được thả bộ 300m trong lòng hầm, tham quan tổ hợp kỹ thuật điều hành công trình thủy điện đồ sộ như một cung điện trong lòng đất với nhiều thiết bị máy móc, turbin vận hành máy khổng lồ… Du khách cũng có thể tiếp xúc với đội ngũ kỹ sư, chuyên viên để tìm hiểu về cách vận hành, cách thức biến thủy năng thành điện năng và thăm hỏi động viên những người đã hy sinh lợi riêng để đảm bảo nguồn sáng cho khu vực Tây nguyên…
Nhà tưởng niệm 32 cán bộ, công nhân đã hy sinh trong quá trình xây dựng thủy điện Yaly – Ảnh: Ngọc Viên (nguồn ugo.cn)
● ● ●
Từ non chục năm nay, Yaly nổi lên là một điểm đến thú vị. Tham quan Nhà máy thủy điện Yaly, du khách còn có dịp ghé thăm bản làng dân tộc Gia Rai và đi thuyền ngược dòng Sê San chiêm ngắm cảnh quan ngoạn mục của núi rừng Tây nguyên.
Việc hình thành và vận hành nhà máy thủy điện Yaly đã có những ảnh hưởng tích cực đến đời sống của cư dân Tây nguyên, góp phần nâng cao dân trí, đặc biệt nguồn điện đã đem lại ánh sáng cho biết bao buôn làng và phục vụ hữu hiệu cộng đồng dân cư khu vực Tây nguyên...
Mai Kim Thành (Tổng hợp)