» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Lễ hội
08/05/2013
CUỘC THI TRÌNH DIỄN PHÁO HOA QUỐC TẾ ĐÀ NẴNG
Năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 33 năm ngày giải phóng Đà Nẵng (29-3), thành phố Đà Nẵng đã lần đầu tiên tổ chức Cuộc thi pháo hoa quốc tế Đà Nẵng - DIFC 2008 với chi phí tổ chức hơn 500.000USD. Đây quả là một con số đáng giật mình vào thời điểm đất nước còn khó khăn nhưng khi cuộc thi pháo hoa diễn ra, sự hoành tráng, đặc sắc, độc đáo của những màn trình diễn đã đánh tan mọi điều tiếng, để lại trong lòng bè bạn và người dân cả nước hình ảnh về một thành phố trẻ năng động và giàu sức sống…
Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng – Ảnh: nguồn truongduynhat.vn
MỘT CÚ HUÝCH TUYỆT VỜI…
Cuộc thi pháo hoa quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam đã không đơn thuần là một cuộc bắn pháo hoa như nhiều người vẫn biết, mà là một cuộc trình diễn đầy ấn tượng với những sắc màu cùng âm thanh hòa quyện, thăng hoa đến tuyệt vời… Người Đà Nẵng và du khách thực sự mãn nhãn trước sự diệu kỳ của ánh sáng và âm thanh, tưởng như được dự phần vào một bữa đại tiệc với những dòng ánh sáng lung linh, kỳ ảo…
Sông Hàn lung linh sắc màu – Ảnh: nguồn tinmoi.vn
Có thể nói không ngoa, chính những dòng ánh sáng này đã vẽ nên một tương lai mới của thành phố Đà Nẵng thời hội nhập, một tương lai mà với sự tự tin và mạnh dạn đột phá, người Đà Nẵng sẽ tạo được dấu ấn bản sắc cho riêng mình… Bỏ qua một bên những lời đàm tiếu dị nghị ban đầu, Cuộc thi pháo hoa quốc tế Đà Nẵng - 2008 đã thực sự thành công, làm tiền đề và niềm cảm hứng cho những lần tổ chức tiếp theo.
Pháo hoa làm đẹp sông Hàn – Ảnh: nguồn tourane.vn
Để làm nên bữa “đại tiệc ánh sáng”, ngoài những nỗ lực của chính quyền cùng sự ủng hộ của người dân thành phố Đà Nẵng, còn phải kể đến sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp, bởi toàn bộ chi phí tổ chức đều do các doanh nghiệp tài trợ mà không phải sử dụng đến ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó không thể không kể đến sự chuyên nghiệp của Công ty Global 2000 Snd. Bhd của Malaysia, một công ty tư vấn nhiều uy tín và kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện quốc tế với chi phí thỏa đáng, đã tư vấn về kỹ thuật, nghệ thuật trình diễn, các vấn đề về bảo đảm an toàn cùng những điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ cho cuộc thi…
Rực rỡ đêm sông Hàn – Ảnh: nguồn tinmoi.vn
Tuy lợi ích thực tế khó cân đong đo đếm nhưng trong thời gian diễn ra cuộc thi pháo hoa, chỉ riêng ngành du lịch của thành phố Đà Nẵng đã có những con số thật ấn tượng: hơn 30.000 du khách trong và ngoài nước đến Đà Nẵng, các khách sạn, nhà hàng hoạt động hết công suất đã góp phần đưa doanh thu du lịch quý I/2008 đạt 205,1 tỷ đồng, tăng 71,6% so với cùng kỳ năm trước.
Cầu Thuận Phước trên sông Hàn – Ảnh: Lam Linh (nguồn ngoisao.net)
Cuộc thi pháo hoa đã để lại trong lòng bè bạn và người dân cả nước hình ảnh về một thành phố trẻ năng động, có khả năng tổ chức những sự kiện quốc tế lớn… Về mặt người dân Đà Nẵng, cuộc thi pháo hoa cũng đã đem lại sự phấn chấn, tin tưởng và niềm tự hào về thành phố quê hương…, các doanh nghiệp nơi đây qua việc tài trợ cho cuộc thi cũng đã có cơ hội quảng bá hình ảnh sản phẩm của đơn vị mình…
ĐẾN HẸN LẠI LÊN…
Trên cơ sở thành công của cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế đầu tiên tại Đà Nẵng, tháng 5 năm 2008, Thủ tướng chính phủ bằng văn bản số 689/TTg-KGVX đã chính thức cho phép thành phố Đà Nẵng tổ chức thường niên cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế, với tên gọi chính thức “Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng” (Danang International Fireworks Competition - DIFC).
Vẻ đẹp kiêu sa – Ảnh: Hoàn Vũ (nguồn Vnexpress.net)
Cuộc thi lần đầu tiên đã diễn ra trong hai ngày 27 và 28-3-2008 với chủ đề “Vũ điệu Tiên Sa”, có sự tham gia của các đội Canada (Công ty David Whysall Fireworks Inc.), Hong Kong - Trung Quốc (Công ty Pyromagic Productions), Malaysia (Công ty Pyro-Splendour Services Sdn. Bhd) và Việt Nam (Đội thành phố Đà Nẵng). Kết thúc cuộc thi đội Canada đã xứng đáng đạt giải nhất.
Màn trình diễn của đội Đà Nẵng – Ảnh: Hoàng Hà (Vnexpress.net)
Màn trình diễn của đội Hong Kong (TQ) – Ảnh: Hoàng Hà (Vnexpress.net)
Năm 2009, với chủ đề “Âm vang sông Hàn”, cuộc thi quy tụ các đội tham gia gồm Úc (Công ty Howard & Sons Pyrotechnics), Trung Quốc (Liuyang Dancing Fireworks Group), Tây Ban Nha (Công ty Zamorano Caballer, S.A.), Philippines (Công ty Dragon Fireworks) và Việt Nam (Đội thành phố Đà Nẵng). Đội Trung Quốc với màn trình diễn ngoạn mục đã đạt giải nhất.
Màn trình diễn của đội Trung Quốc – Ảnh: Nguyễn Tú (danang.gov.vn)
Màn trình diễn của đội Úc – Ảnh: Nguyễn Tú (danang.gov.vn)
Năm 2010, với chủ đề “Huyền thoại sông Hàn”, cuộc thi quy tụ các đội tham gia gồm Hoa Kỳ (Công ty Pyrotecnico - New Castle, Pennsylvania), Bồ Đào Nha (Tập đoàn Luso Pirotecnia Group), Pháp (Đội Jacques Couturier Organisation), Nhật Bản (Công ty Tamaya Kitahara) và Việt Nam (Đội thành phố Đà Nẵng). Đội Pháp đã đạt giải nhất với màn trình diễn hết sức tuyệt vời.
Màn trình diễn của đội Đà Nẵng – Ảnh: Hoàng Hà (Vnexpress.net)
Màn trình diễn của đội Hoa Kỳ – Ảnh: Hoàng Hà (Vnexpress.net)
Từ năm 2011, cuộc thi đã được tổ chức trong hai ngày 29 và 30-4, dịp kỷ niệm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Với chủ đề “Lung linh sông Hàn”, cuộc thi năm 2011 đã quy tụ các đội tham gia gồm Anh (Công ty Jubilee Fireworks), Hàn Quốc (Công ty Hanwha), Trung Quốc (Công ty Panda Fireworks), Ý (Công ty Parente Fireworks) và Việt Nam (Đội thành phố Đà Nẵng). Với màn trình diễn độc đáo và đầy ngẫu hứng, đội Ý đã đạt giải nhất.
Màn trình diễn của đội Hàn Quốc – Ảnh: Khánh Hiền (dantri.com.vn)
Màn trình diễn ấn tượng của đội Anh – Ảnh: Khánh Hiền (dantri.com.vn)
Năm 2012, với chủ đề “Sắc màu Đà Nẵng”, cuộc thi quy tụ các đội tham gia gồm Canada (Công ty David Whysall International Fireworks - giải nhất DIFC 2008), Trung Quốc (Công ty Dragon Dancing Fireworks - giải nhất DIFC 2009), Pháp (Công ty Jacques Couturier Organisation - giải nhất DIFC 2010), Ý (Công ty Parente Fireworks - giải nhất DIFC 2011) và Việt Nam (Đội thành phố Đà Nẵng). Đội Ý với nhiều cống hiến đẹp mắt, đã bảo vệ được giải nhất từ năm trước của mình.
Màn trình diễn của đội Pháp – Ảnh: nguồn linkmedia.com.vn
Màn trình diễn của đội Ý – Ảnh: nguồn linkmedia.com.vn
Năm 2013, với chủ đề “Tình yêu sông Hàn”, cuộc thi quy tụ các đội tham gia gồm Nga (Trung tâm pháo hoa "Khan"), Ý (Công ty Parente Fireworks - giải nhất DIFC 2011 và DIFC 2012), Nhật Bản (Công ty Tamaya Kitahara), Hoa Kỳ (Công ty Melrose Pyrotechnics) và Việt Nam (Đội thành phố Đà Nẵng). Với màn trình diễn hết sức ấn tượng, đội Hoa Kỳ đã xứng đáng đạt giải nhất.
Màn trình diễn của đội Nhật Bản – Ảnh: Nguyễn Đông (Vnexpress.net)
Màn trình diễn của đội Hoa Kỳ – Ảnh: Trần Lê Lâm (nguồn TTXVN)
TÌNH YÊU SÔNG HÀN
Với chủ đề “Tình yêu sông Hàn”, Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2013 (DIFC - 2013) đã quy tụ các anh tài thế giới, gồm đội Ý (Công ty Parente Fireworks - giải nhất DIFC 2011 và DIFC 2012), Nhật Bản (Công ty Tamaya Kitahara), Nga (Trung tâm pháo hoa "Khan"), Hoa Kỳ (Công ty Melrose Pyrotechnics) và đội chủ nhà Đà Nẵng của Việt Nam. Theo thể lệ, cuộc thi sẽ được diễn ra theo nguyên tắc một vòng chấm điểm, mỗi đội sẽ tham gia trình diễn với thời gian khống chế từ 20 - 22 phút theo chủ đề cuộc thi.
Tình yêu sông Hàn - tranh cổ động
Trong đêm 29-4, màn trình diễn mở đầu của đội Nga do Trung tâm pháo hoa Khan thực hiện, kết hợp hoàn hảo giữa âm nhạc dân gian Nga với những phong cách âm nhạc hiện đại, đã nâng cánh cho những màn pháo hoa rực rỡ sắc màu và đem đến cho người xem nhiều ngạc nhiên thích thú.
Màn trình diễn của đội Nga – Ảnh: Nguyễn Đông (Vnexpress.net)
Màn trình diễn của đội Nga – Ảnh: Văn Đông (nguồn ngoisao.net)
Đội chủ nhà Đà Nẵng của Việt Nam tiếp nối đã thể hiện sự sáng tạo khi kết hợp sắc màu ánh sáng với 4 chương nhạc ca ngợi đất nước và con người Việt Nam. Từ nền bài hát “Việt Nam quê hương tôi”, đến “Vũ điệu của nắng”, “Đất mẹ - bảy sắc cầu vồng” và kết thúc bằng “Đà Nẵng dưới ánh mặt trời”, đã dẫn dắt người xem hòa vào từng cảm xúc về một thành phố trẻ bên bờ sông Hàn.
Màn trình diễn của đội Đà Nẵng – Ảnh: Văn Đông (nguồn ngoisao.net)
Màn trình diễn của đội Đà Nẵng – Ảnh: Văn Đông (nguồn ngoisao.net)
Khép lại đêm diễn, đội Parente Fireworks của Ý đã giới thiệu màn trình diễn được thiết kế bởi Antonio Parente, có chủ đề “Cảm xúc của dòng sông”. Với những khoảng lặng trầm tư, những cảm xúc mãnh liệt hay không gian sâu lắng được biểu cảm bởi tốc độ ánh sáng, nhà đương kim vô địch DIFC đã đưa khán giả vào cuộc phiêu lưu đầy cảm xúc…
Màn trình diễn của đội Ý – Ảnh: Văn Đông (nguồn ngoisao.net)
Màn trình diễn của đội Ý – Ảnh: Văn Đông (nguồn ngoisao.net)
Bước vào đêm 30-4, đội Tamaya của Nhật Bản đã vẽ lên bầu trời một bức tranh sôi động, thể hiện niềm vui và sự hân hoan mà khán giả dù ở lứa tuổi nào cũng đều có thể dễ dàng cảm nhận. Mọi người tưởng như mình đang lạc vào một khu vườn Nhật Bản, lung linh tỏa sáng trên sông Hàn…
Màn trình diễn của đội Nhật Bản – Ảnh: Văn Đông (nguồn ngoisao.net)
Màn trình diễn của đội Nhật Bản – Ảnh: Văn Đông (nguồn ngoisao.net)
Đội Melrose Pyrotechnics của Hoa Kỳ với màn trình diễn mang chủ đề “Dáng em đêm nay”, đã gởi đến công chúng thưởng lãm một bản tình ca đằm thắm, kết hợp hoàn hảo giữa hiệu ứng âm nhạc và ánh sáng. Với phong cách đầy tự tin và thể loại âm nhạc đa dạng, đội Hoa Kỳ đã thể hiện ngoạn mục những tình cảm sâu lắng dành cho thành phố Đà Nẵng trẻ trung và xinh đẹp…
Màn trình diễn của đội Hoa Kỳ – Ảnh: Văn Đông (nguồn ngoisao.net)
Màn trình diễn của đội Hoa Kỳ – Ảnh: Văn Đông (nguồn ngoisao.net)
Kết thúc hai đêm trình diễn, đội Hoa Kỳ thật xứng đáng đăng quang ngôi vị vô địch, hai đội Nhật Bản và Italy đồng giải nhì, hai đội Nga và Việt Nam đồng giải ba.
● ● ●
Qua 5 lần tổ chức, Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng đã trở thành “thương hiệu” của thành phố Đà Nẵng, một sự kiện gây cảm hứng mạnh mẽ và niềm tự hào của không chỉ lãnh đạo mà còn cả người dân thành phố bên dòng sông Hàn thơ mộng, được xếp ngang tầm với những sự kiện văn hóa lớn tại miền Trung Việt Nam như Festival Huế, Festival biển Nha Trang, các chương trình lễ hội tại phố cổ Hội An…, góp phần tích cực kích cầu du lịch Việt Nam thăng hoa và phát triển…
Mai Kim Thành
Chủ đề liên quan :
- LỄ HỘI QUÁN THẾ ÂM ĐÀ NẴNG 29/04/2011