» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng
03/07/2013
BẢO TÀNG VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM
Nằm tại trung tâm thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), cách thủ đô Hà Nội hơn 80km về phía Bắc, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là một thiết chế văn hóa được xây dựng từ năm 1960 với tên gọi Bảo tàng Việt Bắc, có chức năng nhiệm vụ ban đầu là nghiên cứu khoa học và giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc khu Việt Bắc.
Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam – Ảnh: nguồn thainguyen.gov.vn
TỪ BẢO TÀNG ĐẾN BẢO TÀNG…
Năm 1976 khi Khu tự trị Việt Bắc giải thể, Bảo tàng Việt Bắc trực thuộc quản lý của Bộ Văn hóa Thông tin. Đây là giai đoạn chuyển hướng nội dung hoạt động từ bảo tàng tổng hợp sang bảo tàng chuyên ngành về văn hóa dân tộc. Ngày 31-3-1990 bằng quyết định số 508/QĐVH, Bộ trưởng Bộ Văn hóa đã phê duyệt đổi tên Bảo tàng Việt Bắc thành Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, một bảo tàng trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và là một trong bảy bảo tàng quốc gia của Việt Nam.
Bảo tàng - ngày hội – Ảnh: Phạm Huy Tường (nguồn baoanhdatmui.vn)
Được xây dựng trên một khuôn viên rộng đến 40.000m² cạnh dòng sông Cầu thơ mộng, tại điểm giao nhau của các đường Đội Cấn, Hoàng Văn Thụ, Bắc Kạn và Cách mạng tháng Tám, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là một công trình kiến trúc quy mô, tầm cỡ mang nhiều tính nghệ thuật, đã đạt giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình kiến trúc đợt 1 năm 2006.
Một gian trưng bày y phục các dân tộc – Ảnh: nguồn otofun.net
Là một trung tâm văn hóa lớn với chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, và phát huy vốn di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam trên phạm vi cả nước, trải qua hơn 50 năm hình thành và phát triển với hàng trăm cuộc nghiên cứu, sưu tầm, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đang quản lý gần 30.000 tài liệu, hiện vật có giá trị, là cơ sở để Bảo tàng hoàn thiện hệ thống trưng bày trong nhà cũng như ngoài trời, phục vụ tốt nhu cầu tham quan của công chúng.
Tổ hợp săn bắt và thuần dưỡng voi tại Tây Nguyên – Ảnh: nguồn thainguyen.gov.vn
Với trên 4.500 tài liệu hiện vật gốc - phim ảnh cùng 735 tài liệu khoa học bổ trợ, hệ thống trưng bày của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã được xây dựng theo phương pháp tiên tiến, hiện đại. Các thiết bị tin học điện tử và phần mềm âm thanh đã giúp tái hiện cách sinh động cảnh quan cư trú và đời sống văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
HỆ THỐNG TRƯNG BÀY
Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam bố trí hệ thống trưng bày trên cơ sở các nhóm ngôn ngữ, kết hợp với văn hóa vùng đã giới thiệu cách hệ thống bản sắc văn hóa 54 tộc người gắn với cảnh quan môi sinh của từng vùng cư trú, cụ thể gồm:
- Sảnh A - Gian long trọng: là nơi đón khách, giới thiệu những nét khái quát về văn hóa Việt Nam.
Du khách tại Sảnh A - Gian long trọng – Ảnh: nguồn thainguyen.gov.vn
- Phòng số 1: trưng bày và giới thiệu về văn hóa các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường (Kinh, Mường, Thổ, Chứt).
- Phòng số 2: trưng bày và giới thiệu các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (Tày, Thái, Nùng, Giáy, Lào, Lự, Sán Chay, Bố Y).
- Phòng số 3: trưng bày và giới thiệu các tộc người thuộc ba nhóm ngôn ngữ H’Mông - Dao (H’Mông, Dao, Pà Thẻn), Ka Đai (La Chí, La Ha, Cờ Lao, Pu Péo) và Tang Miến (Lô Lô, Phù Lá, Hà Nhì, La Hủ, Cống, Si La).
Dụng cụ chế biến lương thực thủ công – Ảnh: Hồng Đam (cema.gov.vn)
- Phòng số 4: trưng bày và giới thiệu văn hóa 21 tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer (Ba Na, Brâu, Bru - Vân Kiều, Chơ Ro, Co, Cơ Ho, Cơ Tu, Gié Triêng, H’rê, Kháng, Khmer, Khơ Mú, Mảng, Xinh Mun, M’Nông, Ơ Đu, Mạ, Rơ Măm, Tà Ôi, Xơ Đăng, X’Tiêng)
- Phòng số 5: trưng bày và giới thiệu về văn hóa các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo (Chăm, Gia Rai, Ê Đê, Raglai, Chu Ru) và ngôn ngữ Hán (Hoa, Ngái, Sán Dìu).
Nhà Rông thuộc vùng văn hóa Tây nguyên – Ảnh: nguồn thainguyen.gov.vn
Ngoài ra còn có khu trưng bày ngoài trời với không gian 6 vùng văn hóa gồm Núi cao phía Bắc, Thung lũng, Trung du - Bắc Bộ, Miền Trung - Ven biển, Trường Sơn - Tây Nguyên, Đồng Bằng Nam Bộ đang từng bước hoàn thiện. Tại mỗi vùng văn hóa đều có không gian tổ chức lễ hội với cấu trúc cảnh quan mang tính đặc trưng và một ngôi nhà nguyên bản cụ thể làm điểm nhấn giới thiệu các giá trị văn hóa vùng, miền…
● ● ●
Có thể ví Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên như “mái nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ “S”, nơi hội tụ các sắc màu dân tộc Việt Nam. Khách đến tham quan sẽ có dịp chiêm ngưỡng một bức tranh toàn cảnh, tìm hiểu về cội nguồn, truyền thống, văn hóa các dân tộc trên khắp mọi miền đất nước.
Biểu diễn cồng chiêng Tây nguyên – Ảnh: Đình Lộc (thainguyen.gov.vn)
Cùng với Khu du lịch sinh thái Hồ Núi Cốc, Căn cứ cách mạng an toàn khu (ATK), Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cũng đã góp phần tích cực đưa du lịch Thái Nguyên thăng hoa và phát triển…
Mai Kim Thành (Tổng hợp)