» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng
12/07/2013
TỪ PENANG ĐẾN GEORGE TOWN (MALAYSIA)
Mỗi khi nhắc đến Penang, hòn đảo nổi tiếng của bang Penang từng được mệnh danh “hòn ngọc phương Đông”, có lẽ hình ảnh gợi nhớ nhất đối với nhiều người là những bãi biển hoang sơ rực rỡ nắng vàng nhưng lại rất ít người tắm biển do những luật lệ khắt khe của đạo Hồi (!). Trong quá khứ, Penang từng là nhượng địa của Anh từ năm 1786 với tên gọi Prince of Wales và thị trấn chính nằm phía Đông Bắc đảo được đặt tên Georgetown, một vùng thương cảng quan trọng trên trục đường hàng hải Âu - Á.
Thành phố George Town - Penang – Ảnh: nguồn nhigiatravel.com
Trải qua các giai đoạn thịnh suy trong lịch sử, cái còn lại của thị trấn Georgetown hôm nay là những nét pha trộn giữa văn hóa phương Tây với văn hóa phương Đông và văn hóa bản địa trong những công trình kiến trúc, đã được UNESCO tôn vinh di sản văn hóa thế giới năm 2008 cùng với thành phố Melaka.
LẬT LẠI TRANG SỬ CŨ
Nằm về phía Tây Bắc Malaysia, Penang là một bang thuộc liên bang Malaysia gồm hòn đảo Penang và phần đất liền có tên Sebarang Perai (trước kia thuộc tỉnh Wellesley nằm trên bán đảo Malay) với diện tích hơn 1.000km². Trong lịch sử, hòn đảo Penang có hình dạng con rùa đang bơi với diện tích 285km² này đã từng là nhượng địa của Anh khi nhà hàng hải người Anh Francis Light thuộc Công ty Đông - Ấn (East India Company) thuyết phục được vua Kedah nhượng quyền quản lý phần đất này cho Công ty vào năm 1786.
Bản đồ du lịch bang Penang – Ảnh: nguồn trunghockientuong.com
Giành được quyền sở hữu đảo Penang, Francis Light đã cho đổi tên thành Prince of Wales và đặt tên thị trấn chính trên đảo là Georgetown, theo tên của hoàng đế George đệ III của nước Anh, đồng thời cũng tiến hành xây dựng pháo đài Cornwallis ở góc Đông Bắc đảo để bảo vệ “lãnh thổ” của mình. Dưới sự quản lý của công ty Đông - Ấn, Georgetown dần trở thành một thương cảng quan trọng trên trục đường hàng hải Á - Âu với dân số năm 1804 lên đến 12.000 người.
Một góc pháo đài Cornwallis – Ảnh: nguồn xzone.vn
So với những đô thị cổ khác trong khu vực Đông Nam Á, Georgetown phát triển có muộn hơn nhưng nhờ nằm trên tuyến đường giao thông thuận tiện, được xem là khởi đầu của “con đường gia vị” trên biển nối châu Á với thế giới, cùng với việc đặt nền tảng kinh doanh của công ty Đông - Ấn đã thu hút một lượng lớn lao động và thương buôn đáng kể đến từ Malay, Ấn Độ, Trung Hoa, Thái Lan và cả những nhóm thiểu số từ đảo Java, Sumatra thuộc Indonesia, đã biến Georgetown thành một vùng thương cảng sầm uất. Nhiều công trình dân dụng đã được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX trong thời kỳ Georgetown phất lên như một trung tâm xuất khẩu vùng Bắc Malaysia…
Nhà thờ St. George – Ảnh: nguồn thegioidep.info
Do sự phát triển mạnh mẽ của cảng mậu dịch gần Kuala Lumpur trong những thập niên giữa thế kỷ XX cùng sự di cư ồ ạt của người dân tới vùng ngoại ô thành phố, các cảng phi thuế quan của Georgetown đã dần mất lợi thế, Georgetown không còn là cửa ngõ giao thương sôi động bằng đường biển với phương Tây. Từ đó bến cảng, đường phố đến những căn nhà dần bị bỏ hoang và rơi vào tình trạng hư nát. Cảnh tiêu điều và vô chủ của những dãy nhà góc phố ở Georgetown như những tín hiệu dự báo sự cáo chung của chế độ nhượng địa…
Phòng tranh Cheng Hoe Seah với không gian là một ngôi nhà cổ – Ảnh: Lam Phong (SGTT)
GEORGE TOWN - THÀNH PHỐ DI SẢN
Do điều kiện lịch sử đặc thù, Georgetown mang trong mình những giá trị tự thân hiếm có về kiến trúc và văn hóa, với hàng ngàn ngôi nhà cổ được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Có thể nói đây là nơi duy nhất trên thế giới có một khu phố cổ hòa hợp nét văn hóa và tôn giáo giữa Hồi giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo và Đạo giáo…
Đền thờ Hồi giáo Kapitan Keling – Ảnh: Đoàn Loan (vnexpress.net)
Trong những ngày Georgetown đang rơi vào cảnh hoang phế thảm hại, ngày 1-1-1957 nữ hoàng Elizabeth II đã công bố chính thức thành lập thành phố George Town, thủ phủ của bang Penang thuộc liên bang Malaysia trong khối thịnh vượng chung. Quyết định thành lập thành phố George Town cùng với việc Malaysia giành được độc lập ngày 31-8-1957 đã có những tác động tích cực giúp vực dậy thành phố George Town từng bị lãng quên trong những năm nửa đầu thế kỷ XX.
Cầu thang kết hợp nét Á - Âu tạo điểm nhấn đẹp cho ngôi nhà của người Peranakan – Ảnh: nguồn cuocsonghiendai.com
Vào đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, George Town đã bắt đầu hồi sinh. Nhiều ngôi nhà cũ hoang phế được sửa chữa đã đem lại cho George Town một sinh khí mới với những tín hiệu lạc quan. Tuy bị bỏ hoang trong một thời gian dài nhưng do sự may mắn thần kỳ, nhiều dãy nhà phố ở George Town chỉ bị phủ lên một lớp bụi thời gian và được bảo tồn gần như nguyên trạng, trở thành những di sản kiến trúc qúy giá.
Dinh thự Cheong Fatt Tze – Ảnh: nguồn Phụ Nữ Online
Điểm đáng ghi nhận là George Town hồi sinh với những bước chuyển mình ngoạn mục đã không đến từ ngoại vi, mà chính từ những cư dân địa phương khi những người Penang ra đi từ năm nào đã quay về xây dựng lại thành phố của mình. Có lẽ chính sức mạnh nội tại của thành phố này đã thôi thúc mọi người cùng nhau hợp tác và làm việc. Chính quyền sở tại cũng đã có những định hướng và chính sách hợp lý, giúp người dân hiểu được giá trị nơi họ đang sống, để cùng gìn giữ, tôn tạo và giới thiệu nó ra với bàn dân thiên hạ.
Ngôi nhà Pinang Peranakan Mansion – Ảnh: Lam Phong (nguồn SGTT)
Là một thành phố di sản, George Town có sức hấp dẫn đặc biệt với những kiến trúc thuộc địa xây dựng từ thế kỷ XVIII - XIX, bao gồm phần lớn các công trình công cộng của người Anh như pháo đài Cornwallis, tháp đồng hồ King Edward Circus, nhà thờ George xây dựng năm 1818, ngôi nhà Pinang Peranakan Mansion cổ kính nay được dùng làm Bảo tàng, khu công thự xây dựng năm 1926 làm nơi cư trú các viên chức thuộc địa với kiến trúc hòa trộn Anh - Mã - Ấn nay được cải tạo liền lạc từ 24 ngôi nhà biệt lập ban đầu thành khách sạn Heritage mang phong cách cổ điển thỏa đáp nguyện vọng những người thích hoài cổ…
Chùa Kek Lok Si – Ảnh: nguồn tourdulichmalaysia.net.vn
Bên cạnh đó, những đóng góp của các cộng đồng cư dân khác với những kiến trúc độc đáo như ngôi đền Phật giáo Kek Lok Si tọa lạc trên một quả đồi ở phía Bắc với lối kiến trúc giao thoa giữa văn hóa Trung Hoa và các nền văn hóa khác, ngôi đền Thánh Mẫu, nhà thờ gia tộc Khoo Kongsi, dinh thự Cheong Fatt Tze… của người Hoa, chùa Phật giáo Thái Lan Wat Chayamangkalaram có pho tượng Phật nhập niết bàn lớn thứ ba thế giới, đền thờ Hồi giáo Kapitan Keling do những người Ấn theo đạo Hồi xây dựng, ngôi đền Hindu cổ nhất ở Malaysia Sri Mariamman nằm trong khu Little India… cũng góp phần đem lại cho George Town những giá trị văn hóa nhất định…
Nhà thờ gia tộc Khoo Kongsi nổi tiếng – Ảnh: nguồn diendandulich.net
PENANG HẤP DẪN KHÁCH DU LỊCH
Trên bản đồ du lịch Malaysia, Penang là một hòn đảo du lịch nổi tiếng có đủ rừng, biển, đồi núi tạo thành một vùng cảnh quan thiên nhiên đặc sắc. Các bãi biển nơi đây còn rất hoang sơ với những rặng phi lao trải dọc các bờ biển dài hàng chục cây số… Khí hậu Penang đặc trưng vùng xích đạo với thời tiết nắng nóng quanh năm, có hai mùa khá rõ là mùa mưa và mùa khô (mùa mưa từ tháng 9 - 11), nhiệt độ trung bình 21 - 32ºC.
Đảo Penang nổi bật với tòa nhà Komtar 58 tầng – Ảnh: nguồn tourdulichmalaysia.net.vn
Nếu có dịp quan sát Penang từ trên cao, du khách sẽ thấy rõ sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại với những ngôi nhà cổ kính hàng trăm năm tuổi nép mình khiêm tốn bên những tòa nhà hiện đại, những trung tâm mua sắm sầm uất nằm cạnh thành phố di sản George Town với những đền chùa, hội quán của người Hoa trong khu Hoa kiều (Chinatown), đền Hindu, nhà thờ Hồi giáo của người Ấn trong khu Tiểu Ấn (Little India), những công trình kiến trúc của người Anh được xây dựng từ thời thuộc địa…
Các chi tiết kiến trúc ảnh hưởng thuật phong thủy của người Hoa – Ảnh: Lam Phong (SGTT)
Năm 1985, cây cầu vượt biển đầu tiên nối đảo Penang với phần đất liền Sebarang Perai đã được xây dựng đem lại thuận tiện cho việc thông thương và phát triển giữa hai vùng bang Penang. Với chiều dài 13,5km, đây là cây cầu dài thứ ba trên thế giới và dài nhất châu Á. Hiện nay để hỗ trợ cho việc phát triển du lịch, hai dự án cải thiện cơ sở hạ tầng có quy mô lớn đang được triển khai, đó là dự án nâng cấp cảng hàng không quốc tế Penang cách trung tâm thành phố 16km về phía Nam và dự án thi công cây cầu thứ hai nối hòn đảo với đất liền đã khởi công từ năm 2006 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2013.
Cầu Penang dài nhất châu Á – Ảnh: nguồn dulichmalaysia.vn
Du khách đến Penang có thể đi xe lửa dây kéo (funicular train) xây dựng từ năm 1922 để lên đồi Penang nhìn ngắm toàn cảnh George Town đến tận eo Malacca và ghé thăm những bãi biển rực nắng còn rất hoang sơ, từ Tanjung Bungah đi qua Tanjung Toking đến Batu Ferringhi và Teluk Bahang. Nơi đây tập trung nhiều khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế với rất nhiều dịch vụ dành cho khách du lịch, đặc biệt bãi biển Batu Ferringhi rất hấp dẫn vì du khách có thể nằm sưởi nắng trên bãi, tắm biển thư giản hay giải trí với các trò chơi cảm giác mạnh như lái caneaux, lướt sóng, dù lượn trên không…
Bãi biển Batu Ferringhi – Ảnh: nguồn tourdulichmalaysia.net.vn
Penang còn hấp dẫn du khách với những điểm tham quan như Bảo tàng đồ chơi là bảo tàng đầu tiên và lớn nhất châu Á về thể loại này, Trang trại Bướm hay còn gọi bảo tàng côn trùng sống rộng 0,8ha cách George Towm 17km, mở cửa đón khách từ 1986 với chừng 4.000 cá thể bướm thuộc hơn 120 loài, Vườn Thực vật, Bảo tàng Rừng, Xưởng sản xuất vải hoa batik có từ lâu đời và vẫn duy trì được sự phát triển…
Một khu ăn uống ngoài trời ở Penang – Ảnh: nguồn jayceooi.com
Người dân Penang rất tự hào vì cho rằng ở đây có nền ẩm thực đa dạng và phong phú nhất Malaysia. Sự tổng hòa tuyệt hảo những món ăn đến từ khắp bốn phương đã làm cho Penang được mệnh danh là “nhà bếp của thế giới”. Du khách đến đây có thể tìm đến khu ăn uống ngoài trời tại Gurney Drive Hawker hoặc Persiaran Gurney để thưởng thức những món ăn ấn tượng của Penang như Assam laksa (Penang laksa), Hokkien mee, Hoành thánh mee, Nasi kandar, Rojak, Lor bak, Cari mee, Hủ tiếu Char, Koay chiap, Kacang đá là món giải khát hoàn hảo cho những ngày nóng nực…, đặc biệt khám phá món Nyonya pha trộn giữa Trung Hoa và Mã Lai, được xem như món “quốc hồn quốc túy” của Penang và Melaka.
Món giải khát Kacang đá – Ảnh: nguồn dulich.chudu24.com
● ● ●
Không chỉ sở hữu những ưu thế từ thiên nhiên, Penang còn sở hữu George Town, một thành phố lâu đời nhất ở Malaysia mang nhiều dấu ấn lịch sử nổi tiếng không chỉ về kiến trúc mà còn cả thức ăn đường phố, một thành phố mang vẻ tĩnh lặng bên cạnh sự hối hả của một thủ phủ bang, một thành phố cổ sinh động xứng đáng được UNESCO công nhận di sản thế giới…
Một góc khu Little India – Ảnh: nguồn laodong.com.vn
Điều thú vị, Penang từng xếp thứ hai trong bảng xếp hạng “44 điểm để đến trong năm 2009” của tạp chí New York Times và chỉ mới đầu năm 2013, tổ chức Kiplinger - một công ty chuyên về dự báo kinh doanh và tư vấn tài chính của Mỹ đã bầu chọn George Town là một trong 8 nơi tốt nhất cho người nghỉ hưu ở nước ngoài (*). Hy vọng với những đánh giá này, bạn sẽ có hứng thú khám phá “hòn ngọc phương Đông”, và biết đâu chừng, sẽ chọn nơi này làm điểm dừng chân cho những ngày cuối đời nhàn nhã…
Mai Kim Thành (Tổng hợp)
(*) George Town (Malaysia), Medellin (Colombia), Dubrovnik (Croatia), Salinas (Ecuador), Bilbao (Tây Ban Nha), Coronado (Panama), Galway (Ireland) và Tlaxcala (Mexico).