» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

thu nhỏ | phóng to

21/07/2013

THÀNH PHỐ DI SẢN LUANG PRABANG (LÀO)


Là một thành phố nhỏ bé với diện tích 25ha, nơi quần tụ của khoảng 22.000 cư dân giữa vùng núi rừng heo hút, cố đô Luang Prabang yên bình đặc biệt hấp dẫn khách du lịch bởi vẻ đẹp vừa tự nhiên vừa nguy nga lộng lẫy của các di tích lịch sử, tôn giáo được xây dựng từ nhiều triều đại khác nhau, trong đó mỗi kiến trúc đều là một công trình văn hóa có giá trị cao về mặt nghệ thuật… 

Cố đô nhìn từ trên cao  

Cố đô nhìn từ trên cao – Ảnh: Trần Minh Tú (nguồn autodaily.vn)

LUANG PRABANG - CỐ ĐÔ YÊN BÌNH

Nằm cách thủ đô Vientiane 425km về phía Bắc thuộc vùng núi Thượng Lào, tại nơi gặp nhau của hai dòng sông Mekong, Nậm Khan trên độ cao 300m so với mực nước biển và lọt thỏm giữa thung lũng của hai dãy núi Thạo, Nang bạt ngàn các thảm rừng nguyên sinh, Luang Prabang là cố đô của Vương quốc Lan Ch’ang (Lạn Xạng) - Triệu voi được thành lập bởi vua Fa Ngum năm 1353 và kéo dài đến thế kỷ XVII. Trong ngôn ngữ Lào, “Luang Pha Bang” có nghĩa là “Phật Vàng Lớn”.

Cố đô nằm trong thung lũng  

Cố đô nằm thoai thoải trong thung lũng – Ảnh: nguồn Tuổi Trẻ Online

Vào cuối thế kỷ XVI, do những đấu đá nội bộ và chiến tranh với người Thái, Việt Nam và một thế hệ lãnh chúa Miến Điện, Vương quốc Lan Ch’ang dần bị xói mòn và phân mảnh. Đến thế kỷ XVII, Lan Ch’ang mới tìm lại được thời hoàng kim dưới triều vua Souligna Vongsa, lên ngôi năm 1637 sau khi đánh bại bốn kẻ kình địch và dời đô về Viang Chan. 

Cầu bắc qua dòng Nậm Khan  

Cầu bắc qua dòng Nậm Khan – Ảnh: Vi Bằng (nguồn Tuổi Trẻ Online)

Đến đầu thế kỷ XVIII, với việc hình thành các vương triều Luang Pha Bang và Champasak bên cạnh vương triều Viang Chan, Luang Prabang trở thành một đô thị - quốc gia độc lập yếu kém về quân sự, phải cống nạp cho các vương quốc lân bang. Trong thế kỷ XIX, các vùng lãnh thổ này đều nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Pháp và bị sáp nhập vào Liên bang Đông Dương từ năm 1893. Chính vào thời kỳ bảo hộ này mà Luang Prabang đã có thêm những công trình kiến trúc thuộc địa đan xen hài hòa cùng các kiến trúc Lào truyền thống.

 Luang Prabang - cố đô yên bình

Luang Prabang - cố đô yên bình – Ảnh: Gedsman (nhandan.com.vn)

Trong thế chiến II, khi Nhật thay chân Pháp ở Đông Dương vào năm 1940, đô thị Luang Prabang đã rơi vào tình trạng suy yếu dù nơi đây vẫn còn là kinh đô của hoàng gia, trung tâm quyền lực của vương quốc Lào. Cuộc cách mạng kết thúc thắng lợi vào năm 1975 đã dẫn đến sự cáo chung của chế độ quân chủ, thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Việc một quốc gia dân chủ vừa hình thành với bộn bề lo toan và kinh tế đang còn là bài toán nan giải, vô hình trung đã bảo vệ Luang Prabang thoát khỏi ảnh hưởng của quy hoạch đô thị thế kỷ XX.

 phục hồi nhà cổ làm khách sạn

Những ngôi nhà đổ nát được phục hồi làm khách sạn – Ảnh: Mk. Thành

Năm 1989 khi Lào mở cửa du lịch, Luang Prabang như gặp cơ may dẫn đến đổi thay đáng kể khu đô thị cổ. Các căn nhà gỗ hay biệt thự thuộc địa đổ nát được phục hồi một cách tế nhị đã trở thành những nhà nghỉ hay khách sạn phục vụ khách du lịch. Giữa núi rừng heo hút, những ngôi nhà cổ kính cùng những danh lam thắng cảnh của Luang Prabang đã thực sự mê hoặc lòng người, hấp dẫn nhiều khách du lịch khiến nơi đây nhanh chóng trở thành khu thị tứ đông vui nhất của quốc gia Lào.

Một nhà hàng bên sông  

Một nhà hàng bên sông Mekong – Ảnh: Trần Minh Tú (nguồn autodaily.vn)

Có thể nói Luang Prabang là một cố đô được giữ gìn tốt nhất châu Á. Vẻ đẹp vừa tự nhiên vừa nguy nga lộng lẫy của những công trình hoàng gia hay đền chùa, những khu phố cổ… đã được UNESCO công nhận và đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới năm 1995.

THÀNH PHỐ CỦA NHỮNG NGÔI CHÙA

Nếu Luang Prabang từng được biết đến là trung tâm của Phật giáo Lào thì không lạ khi nơi đây hiện diện gần 40 ngôi chùa, được xây dựng từ những triều đại khác nhau. Cũng như các cung điện đền đài khác, các ngôi chùa ở Luang Prabang mang nét kiến trúc đặc trưng Lào và đa phần được bảo quản hầu như nguyên vẹn, hoặc giả được trùng tu tôn tạo nhưng vẫn bảo tồn được nét độc đáo cổ xưa.

 Hình ảnh quen thuộc

Hình ảnh quen thuộc tại Luang Prabang – Ảnh: nguồn datnuocviet.com.vn

Du khách đến đây có thể bắt gặp các ngôi chùa ở khắp mọi nơi, từ trên đỉnh núi đến giữa phố phường, từ bên này sông đến bên kia sông, mỗi ngôi chùa đều mang dấu ấn văn hóa và có giá trị cao về mặt nghệ thuật. Điểm đáng ghi nhận là những ngôi chùa ở Luang Prabang giản dị như chính cuộc sống nơi đây vốn giản dị, du khách có thể dạo bước từ chùa này sang chùa khác một cách dễ dàng bởi các ngôi chùa gần như không có ranh giới chính thức nào.

Vat Sala Pha Bang

 Chùa Vat Sala Pha Bang trong khuôn viên hoàng cung – Ảnh: Mk. Thành

Khởi từ Haw Kham - Cung điện hoàng gia xưa với Vat Sala Pha Bang đẹp và hoành tráng trong khuôn viên hoàng cung, nơi cất giữ tượng Phật Pha Bang là món quà của vua Khmer dành cho vua Fa Ngum khi ông lên ngôi, du khách có thể làm một vòng ghé thăm những ngôi chùa Vat Saen, Vat Sop, Vat Sirimungkhun, Vat Si Bun Heuang nằm kề nhau trên phố trung tâm xuyên qua thành cổ trước khi đến cuối đường Sakkarin thăm Vat Xieng Thong - ngôi chùa lộng lẫy với nhiều tượng Phật và những bức tranh vẽ chạm khắc tinh tế, được xây dựng từ năm 1560 dưới thời vua Setthathirat. Từ đây, dọc bờ sông Mekong, du khách có thể đến với Vat Paphai, Vat Xieng Muan và kết thúc hành trình bằng nỗ lực vượt qua 328 bậc cấp chinh phục đỉnh Phousi, thăm ngôi chùa trên núi và ngắm cảnh hoàng hôn thật ấn tượng trên dòng sông Mekong.

 Vat Xieng Thong

Vat Xieng Thong - ngôi chùa có giá trị nổi bật – Ảnh: Mk. Thành

Đến Luang Prabang, du khách không thể bỏ qua Vat Visoun nằm trên con đường mang chính tên ngôi chùa, xây dựng năm 1513 và được trùng tu trong khoảng 1896 - 1898, là ngôi chùa cổ nhất Luang Prabang, có tên trong danh sách di sản văn hóa thế giới; Vat Aham nằm kề bên Vat Visoun, gần tới mức dường như không có ranh giới; Vat Mai Suwannaphumaham xây dựng năm 1821 nằm trên đường Sisavangvong cạnh Bảo tàng Cung điện hoàng gia, được xem như viên ngọc qúy của Luang Prabang với kiến trúc mái đỏ năm tầng, lộng lẫy với những chiếc cột đỡ, xà nhà, tường bao thếp vàng và trang trí khắc họa bằng những bức tranh tường có họa tiết tinh xảo…

Bên trong chánh điện Vat Chieng Thong

Bài trí bên trong chánh điện Vat Xieng Thong – Ảnh: Mk. Thành

Dừng chân lặng ngắm những ngôi chùa cổ kính, du khách không khỏi bâng khuâng, bởi dường như mọi sinh lực nơi đây đều dồn hết vào việc xây dựng chùa. Với niềm tin thành tín, các nghệ nhân xưa đã vận dụng hết tài hoa cùng tư duy sáng tạo, để hình thành những công trình lộng lẫy, tinh tế với những họa tiết chuẩn mực mà không thiếu phần hoa mỹ…

LUANG PRABANG HẤP DẪN KHÁCH DU LỊCH

Với hơn 30 kiến trúc hoàng gia tráng lệ mà phần nhiều được xây dựng từ thế kỷ XIV, gần 40 đền chùa được xây dựng từ những triều đại khác nhau cùng hàng trăm ngôi nhà gỗ truyền thống Lào đan xen những kiến trúc châu Âu ghi dấu một thời thuộc địa, Luang Prabang là một điển hình bảo tồn độc đáo về nghệ thuật kiến trúc, được UNESCO công nhận di sản văn hóa của nhân loại.

 Bảo tàng Cung điện hoàng gia

Bảo tàng Cung điện hoàng gia – Ảnh: Mk. Thành

Trên địa bàn tỉnh Luang Prabang ngày nay có đến 129 điểm du lịch được ghi nhận. Ngoài các công trình kiến trúc được bố trí khá hài hòa giữa một không gian sơn thủy hữu tình, Luang Prabang còn sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã, với rừng cây, cảnh quan, đặc biệt thác Kuang Si được đánh giá như “viên ngọc xanh giữa rừng nhiệt đới”, hang Pak Ou lưu giữ vô số bức tượng Phật chạm trổ công phu được tiếp nối qua bao thời đại…

Thác Kuang Si  

Thác Kuang Si - “viên ngọc xanh giữa rừng nhiệt đới” – Ảnh: nguồn xzone.vn

Đến Luang Prabang, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt du khách là các vị sư sãi với những chiếc áo cà sa màu vàng cam tạo nên nét dung dị lạ thường. Ấn tượng nhất là vào buổi sáng sớm, khi hàng đoàn sư sãi từ các ngôi chùa tỏa ra khắp các nẻo đường khất thực và nghi thức này vẫn được coi trọng qua cách tín đồ qùy trước cổng nhà cung kính dâng thức ăn cho các nhà sư. Nhiều du khách đến đây cũng có nhã hứng tham gia nghi lễ khất thực để có dịp trải nghiệm những giây phút tĩnh lặng và tìm thấy sự an nhiên thư thái cho tâm hồn…

Những nhà sư đi khất thực

Những nhà sư đi khất thực – Ảnh: nguồn tour.dulichvietnam.com.vn

Nét hấp dẫn khác của Luang Prabang là chợ đêm, một tổng hòa nghệ thuật đặc sắc với các gian hàng nằm san sát nhau dưới lòng đường dọc theo phố Sisavangvong nơi chỉ dành cho người đi bộ. Dưới ánh đèn vàng, những tấm khăn quàng bằng lụa Lào, những tấm xà-rông, những đồ thêu tay của người H’mông hay những bức tranh vẽ tay trên giấy Dó như rực rỡ hơn, long lanh hơn… Du khách thích đến chợ đêm để có dịp lân la hết gian hàng này đến gian hàng khác, hòa vào không khí nhộn nhịp kẻ bán người mua…

 Chợ đêm Luang Prabang

Chợ đêm Luang Prabang – Ảnh: nguồn giacngo.vn

Đến chợ đêm, du khách cũng thích “chiếu cố” khu ẩm thực, bởi ở đây có thể khám phá những món ăn “ngon - bổ - rẻ” của Lào, từ món bánh dừa rán với hai mặt bánh úp lại có kẹp nước cốt dừa ở giữa, món bánh pancake chiên bơ với nhiều loại ăn kèm có vị ngọt bày lên trên như trứng, chuối, sữa, món nộm đu đủ chỉ khi có khách gọi mới nạo bằng tay và có thể gọi chung với nhiều loại cá xiên, thịt xiên que nướng, rồi món cơm nếp Lào, món salad, món rau hấp thịt heo nóng hổi “vừa thổi vừa ăn”, món nem rán có thêm một số loại thảo dược trong nhân và chấm với tương ớt cay, ngọt…

Phong phú món ăn tại chợ đêm

Phong phú món ăn tại chợ đêm – Ảnh: Alex Trần (nguồn vietgiaitri.com)

Tuy không có biển và hải sản là món ăn hiếm hoi đắt đỏ nhưng do nằm gần sông với nguồn tôm cá dồi dào nên Luang Prabang có món đặc sản “fish barbecue” rất tươi ngon. Du khách có thể trải nghiệm phong cách ẩm thực đậm bản sắc văn hóa Lào tại nhà hàng Tamarind với món cá tươi nướng cùng rau xanh và hỗn hợp thảo dược phong phú, nhà hàng Nagas 3 với các món tươi sống địa phương nổi tiếng, từ thịt bò cho đến cá sông Mekong…

● ● ●

Người Lào thường nói với nhau “chưa đến Luang Prabang là chưa đến xứ Lào…”. Có thể đó chỉ là một câu nói tếu táo cho vui nhưng cũng phần nào nói lên ước vọng của họ được một lần đặt chân đến cố đô… Thực tế cố đô Luang Prabang luôn ấn tượng ở mọi góc cạnh cuộc sống, từ những đền đài, miếu mạo đến những con đường, làng bản, dòng sông… Du khách đến đây khó tránh khỏi bị mê hoặc bởi nét giản dị, chân quê của khu phố cổ yên bình.

Những con thuyền đợi khách  

Những con thuyền đợi khách lãng du – Ảnh: Linh Phạm (ngoisao.net)

Tưởng cũng nên biết, mỗi năm Luang Prabang đón trên dưới 100.000 du khách nước ngoài đến tham quan. Thành phố này đã từng nằm trong danh sách 10 thành phố được ưa thích nhất do bạn đọc tạp chí du lịch uy tín Leisure Travel bình chọn năm 2007.

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung