» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Làng nghề

thu nhỏ | phóng to

04/10/2013

KON PLÔNG VỚI NGHỀ NUÔI CÁ NƯỚC LẠNH


Nằm về phía Đông Bắc tỉnh Kon Tum, cách thành phố Kon Tum 55km theo tuyến quốc lộ 24, Kon Plông là một trong số những huyện nghèo nhất nước thuộc diện 30a của Việt Nam. Trong những năm gần đây, với lợi thế địa lý, tiềm năng du lịch cùng việc nuôi thành công cá nước lạnh, huyện Kon Plông đang có bước chuyển mình ngoạn mục trong khai mở tiềm năng, tạo động lực mới thúc đẩy sự phát triển…

Bản đồ vị trí Kon Plông  

Bản đồ vị trí Kon Plông - Kon Tum & khu vực – Ảnh: nguồn thoiaotrang.com

BƯỚC CHUYỂN MÌNH NGOẠN MỤC

Được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cánh rừng già nguyên sinh còn rất hoang sơ trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, Măng Đen - Kon Plông là một cao nguyên hùng vĩ và qúy giá của tỉnh Kon Tum, có nhiều nét tương đồng với Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng, Bà Nà của thành phố Đà Nẵng, Tam Đảo của tỉnh Vĩnh Phúc hay Sa Pa của tỉnh Lào Cai… Nhiều người đã ví Măng Đen - Kon Plông như Đà Lạt thứ hai ở Tây nguyên.

 Măng Đen - nàng công chúa ngủ trong rừng

Măng Đen - nàng công chúa ngủ trong rừng – Ảnh: nguồn proguide.vn

Măng Đen - Kon Plông mang trong mình vẻ đẹp độc đáo, với những toong (hồ nước) Đam, Pô, Kot, Zơ Ri; cơi (thác nước) Tram, Đăk Ke, Pa Sỹ, Lô Ba; suối nước nóng Kon Du… đã hình thành nên thương hiệu du lịch sinh thái nổi tiếng trong thời gian gần đây, bên cạnh những sản phẩm địa phương cũng bắt đầu được nhiều người biết đến như rau hoa xứ lạnh Măng Đen, nấm Măng Đen, cá Tầm, cá Hồi, rượu vang Sim Kon Plông… 

 Rừng thông Măng Đen

Rừng thông Măng Đen – Ảnh: nguồn kontum.gov.vn

Trong nỗ lực khai thác những lợi thế tự nhiên, ngày 27-7-2011, Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành nghị quyết 03/NQ-TU về xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực có tính đặc thù, chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế như rau, hoa xứ lạnh, tổ chức trồng dược liệu dưới tán rừng, bảo tồn và phát triển Sim, lập quy hoạch vùng nuôi cá nước lạnh tại huyện Kon Plông…

 Măng Đen đang hình thành vùng du lịch

Măng Đen đang hình thành vùng du lịch sinh thái – Ảnh: nguồn kto.vn

Ngày 05-02-2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch vùng du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen với quy mô trên 138.000ha, gồm hầu như toàn bộ diện tích tự nhiên của huyện Kon Plông, với định hướng thu hút đầu tư một số sản phẩm du lịch chủ yếu, gồm du lịch sinh thái nghĩ dưỡng, hệ thống nhà - hàng khách sạn chất lượng cao, khám chữa bệnh - chăm sóc sức khỏe - vật lý trị liệu… phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống người dân.

 Măng Đen - vẻ đẹp hoang sơ

Măng Đen - vẻ đẹp hoang sơ – Ảnh: P.Linh (nguồn baocongthuong.com.vn)

Hiện Tây nguyên được xác định là một trong bảy vùng du lịch đặc thù của Việt Nam trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, trong đó Măng Đen là một trong 31 khu vực có quy mô và tiềm năng du lịch nổi trội ở Việt Nam được Nhà nước ưu tiên đầu tư để phát triển thành khu du lịch quốc gia. Tỉnh Kon Tum cũng đã đưa khu du lịch sinh thái Măng Đen vào danh sách ba vùng kinh tế động lực phát triển kinh tế của tỉnh, sau thành phố Kon Tum và khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y thuộc huyện Ngọc Hồi.

ĐẤT LÀNH CỦA NGHỀ NUÔI CÁ NƯỚC LẠNH

Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, huyện Kon Plông sở hữu một thiên nhiên tuyệt hảo với khí hậu mát mẻ, nhiều suối, hồ với nguồn nước mát lạnh và sạch thuận tiện phát triển nuôi các loài cá nước lạnh. Tưởng cũng nên biết, các loài cá nước lạnh như cá Tầm, cá Hồi đều có hàm lượng chất béo, chất đạm và a-xít béo không cao, tỷ lệ thịt phi-lê hơn 80% và thịt không có xương dăm, rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

 Cá Tầm Nga

Cá Tầm Nga, loài cá được nuôi nhiều ở Việt Nam – Ảnh: nguồn catam.vn

Ý tưởng phát triển nuôi các đối tượng cá nước lạnh được khởi xướng đầu tiên giữa các chuyên gia Trung tâm kỹ thuật Teknia (Phần Lan) và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (Việt Nam) từ năm 2001. Đến đầu năm 2005, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đã nhập 50.000 trứng cá Hồi vân (Oncorhynchus mykiss) từ Phần Lan về khảo nghiệm tại trại cá Sa Pa, có tỷ lệ trứng nở 95%. Tiếp đến từ tháng 4/2006, Lâm Đồng là địa phương thứ hai được chọn triển khai chương trình nuôi cá Hồi thử nghiệm tại Đạ Chais (Lạc Dương). Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 đã đưa 20.000 con giống cá Hồi nhập từ Phần Lan và 60 con giống cá Tầm nhập từ Nga về nuôi thử đã bước đầu cho kết quả rất đáng khích lệ…

Nuôi cá Tầm ở Kon Plông  

Nuôi cá Tầm ở Kon Plông – Ảnh: A Khăm (kontum.gov.vn)

Xuất phát từ thành công của việc nuôi cá nước lạnh tại Sa Pa và Đạ Chais, Công ty cổ phần Thủy sản Măng Đen từ năm 2008 đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá Tầm tại xã Hiếu, huyện Kon Plông. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia thủy sản đến từ Ukraine, những con cá Tầm Nga (Acipencer gueldenstaedtii) đã thích nghi với vùng đất mới, phát triển và sinh trưởng khỏe mạnh… Theo sau Công ty cổ phần Thủy sản Măng Đen, Công ty cổ phần Hoàng Ngư Măng Đen cũng đã đầu tư dự án nuôi cá Tầm, cá Hồi kết hợp du lịch sinh thái tại xã Măng Cành vào năm 2010. Nhiều nhà đầu tư cũng tới khảo sát và cam kết triển khai việc nuôi cá Tầm tại một số xã trong huyện Kon Plông.

 Cá Tầm trưởng thành

Cá Tầm trưởng thành nặng trên 4kg sẵn sàng cho trứng – Ảnh: Trần Hiếu (Gia Lai Online)

Đến Kon Plông hôm nay, được nhìn thấy hàng đàn cá Tầm, cá Hồi sinh trưởng và phát triển mạnh khỏe trên vùng nước lạnh là điều ngạc nhiên thú vị đối với nhiều du khách. Trong cơ chế phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực có tính đặc thù tại tỉnh Kon Tum, ngoài khu nghỉ mát Măng Đen và các loại đặc sản địa phương, từ nay sẽ có thêm cá Tầm, cá Hồi góp phần tạo nên phong vị mới cho sức sống Tây nguyên…

CÁ NƯỚC LẠNH MỞ RA HƯỚNG ĐI TÍCH CỰC

Kon Plông là một trong những huyện có tỷ lệ người bản địa (Xê Đăng, Hrê…) cao, chiếm trên 95% dân số toàn huyện. Tuy sở hữu tài sản thổ nhưỡng và khí hậu lý tưởng nhưng bao năm với cách sản xuất thô sơ lạc hậu, Kon Plông vẫn là một huyện nghèo theo diện 3a của Việt Nam. Việc các loài cá Tầm, cá Hồi thích nghi với vùng nước lạnh Kon Plông trở thành một tín hiệu vui, mở ra hướng đi mới trong phát triển ngành nuôi trồng thủy sản tại huyện Kon Plông và tỉnh Kon Tum.

 Xây dựng đàn cá Tầm bố mẹ

Xây dựng đàn cá Tầm bố mẹ – Ảnh: nguồn catam.vn

Thực hiện nghị quyết 03/NQ-TU của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đã thống nhất chủ trương lập quy hoạch vùng nuôi cá nước lạnh huyện Kon Plông - tỉnh Kon Tum đến năm 2020, cụ thể phấn đấu đưa sản lượng cá Hồi, cá Tầm đạt khoảng 500 tấn năm 2015 và đến năm 2020 đạt khoảng 1.000 tấn. Về phần mình, huyện Kon Plông đã chú trọng mở rộng diện tích nuôi cá nước lạnh, xây dựng chương trình xúc tiến quảng bá thương hiệu cá Tầm, cá Hồi của huyện, kêu gọi nhà đầu tư và tranh thủ nguồn vốn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đồng thời có kế hoạch lồng ghép với các chương trình, dự án khác trên địa bàn huyện.

 Nuôi cá Tầm giống ở Kon Plông

Nuôi cá Tầm giống ở Kon Plông – Ảnh: A Khăm (nguồn kontum.gov.vn)

Huyện Kon Plông cũng tập trung công tác nghiên cứu thức ăn, ương nuôi cá giải quyết nguồn con giống tại chỗ nhằm tránh lệ thuộc và hạ giá thành sản phẩm. Huyện cũng không quên chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ kỹ thuật, đẩy mạnh các hoạt động khuyến ngư, chuyển giao công nghệ nhằm giúp các cá nhân, tổ chức nắm bắt đầy đủ quy trình nuôi cá nước lạnh. Để cá nước lạnh đến được với người nghèo và đồng bào các dân tộc thiểu số, huyện Kon Plông đã thành lập 4 hợp tác xã nuôi cá Tầm trong dân, hỗ trợ cho mỗi hợp tác xã vay không lãi 200 triệu đồng, tạo điều kiện để các hộ nghèo được vay vốn từ ngân hàng góp thêm vào vốn hợp tác xã…

 Trứng cá Tầm có giá trị xuất khẩu

Trứng cá Tầm có giá trị xuất khẩu cao – Ảnh: Long Giang (nguồn nld.com.vn)

Với thời gian nuôi cá Tầm trung bình 8 - 9 tháng đạt 1kg, cá Hồi sau 6 tháng cũng đạt khoảng 1kg, chi phí để nuôi 1kg cá khoảng 100.000 - 150.000 VND, trong khi giá bán thương phẩm cá Tầm 400.000 - 500.000 VND/kg và cá Hồi 150.000 - 200.000 VND/kg, chưa kể trứng cá Tầm khoảng 15.000 USD/kg, chắc nhắn sẽ đem lại thu nhập ổn định cho người nuôi, tạo động lực mới thúc đẩy sự phát triển và nâng cao đời sống người dân…

● ● ●

Tuy không phải là quốc gia có truyền thống nuôi và xuất khẩu các loài cá nước lạnh có giá trị cao nhưng rõ ràng việc nuôi cá nước lạnh tại Việt Nam nói chung và tại Kon Plông nói riêng đã mở ra cơ hội rất lớn cho ngành chăn nuôi thủy sản còn khá mới mẻ, nhanh chóng đưa Việt Nam vào nhóm 10 nước có sản lượng cá Tầm lớn nhất thế giới (*).

Nuôi cá Tầm tại VN  

Nghề nuôi cá Tầm tại VN đang phát triển thuận lợi – Ảnh: nguồn catam.vn

Hy vọng với sự quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền, như tạo môi trường đầu tư thông thoáng, đặt lợi ích của doanh nghiệp và người chăn nuôi lên hàng đầu, phát triển đi đôi với bảo tồn đa dạng tự nhiên và văn hóa, có kế hoạch ngăn chặn cá nhập lậu hay đội lốt nhãn mác Việt Nam…, việc nuôi cá nước lạnh tại Việt Nam sẽ đem lại những hiệu ứng tích cực, có khả năng đưa Việt Nam thành một trong những nước xuất khẩu mạnh nhất về trứng cá Tầm trong tương lai không xa…

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

(*): Nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới:

Trung Quốc, Nga, Italia, Bungari, Iran, Mỹ, Pháp, Việt Nam, Ba Lan và Đức (FAO, 2012).

Danh mục nội dung