» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Lễ hội

thu nhỏ | phóng to

11/10/2013

LỄ PƠ THI - BỎ MẢ CỦA NGƯỜI JRAI (GIA LAI)


Hàng năm khi mùa mưa vừa chấm dứt cũng là lúc mùa màng đã thu hoạch xong, người Jrai sống tại tỉnh Gia Lai bắt đầu chuẩn bị vào hội lễ Pơ Thi mà người Kinh quen gọi lễ “bỏ mả”. Pơ Thi là lễ hội đậm chất văn hóa Tây nguyên, lớn nhất và đông vui nhất nhằm tiễn đưa các linh hồn về với cội nguồn, bắt đầu vòng luân hồi sau một thời gian còn quấn quít, ràng buộc giữa người sống với người chết…

ĐI TÌM Ý NGHĨA LỄ PƠ THI

Gắn với chu kỳ thiên nhiên và sự vận hành của mặt trời, mặt trăng cùng các vì tinh tú…, cư dân Jrai ở Gia Lai xem tháng nĕng nŏng (bắt đầu từ cuối mùa gặt lúa rẫy - khoảng đầu tháng 12 dương lịch đến tháng 4 năm sau) như thời kỳ nghỉ ngơi của đất và người, mốc giao thời kết thúc mùa nông nghiệp cũ và chuẩn bị bước sang vụ mùa mới. Đây là thời điểm nông nhàn và là dịp thuận tiện để các cư dân Tây nguyên tổ chức các nghi thức cúng tế hay lễ hội. Một trong số lễ hội lớn, đông vui và dài ngày nhất của người Jrai phải kể đến lễ Pơ Thi.  

Lễ hội Pơ Thi của người Jrai  

Lễ hội Pơ Thi của người Jrai – Ảnh: huytmd (nguồn flickriver.com)

Theo quan niệm của cư dân bản địa Tây nguyên, trong mỗi con người đều có một linh hồn. Đến khi chết đi, linh hồn sẽ biến thành ma và đến ngụ cư ở một thế giới khác. Trong thế giới của các hồn ma (čar atâu), các cư dân mới cũng có những nhu cầu, những sinh hoạt thường ngày giống như trong phiên bản của đời sống con người (čar mơnuih), kể cả “chết”. Vì vậy mà thân nhân phải dựng cho người quá cố một nhà mồ kút (bơxát kut hay nok kut) và hàng ngày phải “tiếp tế” cơm mới, nước mát cho người chết (čem asơi ak), mỗi tháng phải đến uống rượu cùng hồn ma (mơnhum blan)… 

 Lễ Pơ Thi phục dựng

Lễ Pơ Thi phục dựng ở huyện Chư Păh – Ảnh: nguồn dulichhue.com.vn

Niềm tin có một thế giới khác cho người chết của hầu hết các dân tộc Tây nguyên được cụ thể hóa bằng những biểu tượng trong phong tục, nghi thức cúng tế và cả những ràng buộc của họ với các vong hồn ở thế giới bên kia. Chỉ đến sau khi làm lễ bỏ mả thì người quá vãng mới thực sự chấm dứt mọi giao tiếp với người sống để về với cội nguồn, bắt đầu vòng luân hồi và đầu thai trở lại làm người vào một thời điểm nào đó (!), còn người sống thì được giải thoát khỏi những luật tục được bảo vệ cách nghiêm ngặt, những người góa bụa sẽ được tự do tái giá…

Một ngôi mả đã được bỏ  

Một ngôi mả đã được bỏ – Ảnh: Hoàng Thắng (nguồn thegioianh.vn)

Mang đậm ý nghĩa nhân văn, lễ Pơ Thi ghi dấu sự đoạn giao giữa người sống với kẻ chết. Trong ngày đặc biệt này, người sống sẽ chia của cho các hồn ma để họ có cuộc sống tự lập đầy đủ và không phải thiếu thốn trong thế giới mới. Những của chia cho người chết được thể hiện rõ ngay trên nấm mồ và bên trong nhà mồ. Người ta có thể tạo ra những khung dệt thu nhỏ bằng cây tre, làm bẩy bắt thú, ống điếu, gùi, nồi, chén… rồi sắp xếp gọn gàng trên nấm mồ cùng với cơm mới, thịt nóng, nước mát, đặc biệt một con gà mới nở là sự sống duy nhất trong số đồ dâng cúng, hàm ý báo cho hồn ma biết mọi sự đã viên mãn và kết thúc, như trứng đã nở thành gà với đủ khả năng tự mưu sinh… Ngoài ra nơi hàng rào nhà mồ cũng được đặt những cột tượng biểu trưng cho sự chia ly.

 Vật dụng chia cho người chết

Vật dụng chia cho người chết – Ảnh: Khánh Linh (nguồn vietnamnet.vn)

Người Jrai thường chọn những ngày trăng sáng nhất để bắt đầu làm lễ Pơ Thi và thường kéo dài trong 3 ngày: ngày đầu tiên gọi là ngày vào nhà mả (hoă lui bơxát), ngày thứ hai là ngày vỡ (p’chăh) hay ngày ăn lớn (hoă prong), ngày cuối cùng tổ chức tại gia đình được gọi là ngày rửa nồi (săch go).

NHÀ MỒ VÀ TƯỢNG NHÀ MỒ TRONG LỄ PƠ THI

Đến những khu nghĩa địa của người Jrai tại tỉnh Gia Lai, du khách tưởng như đang lạc vào một vườn cổ tích với nhiều tượng gỗ khắc chạm cách thô sơ, phản ánh quan niệm và cuộc sống mộc mạc khá giản đơn của cư dân bản địa. Trong thực tế, tượng nhà mồ không chỉ có mặt nơi các cộng đồng cư dân bản địa Tây nguyên, mà còn hiện diện khá nhiều nơi các tộc người trong quần đảo Salomon, các bộ tộc ít người ở Indonesia, Malaysia… với nhiều kiểu dáng và cách chế tác khác nhau.

 Nhà mồ trong lễ Pơ Thi

Nhà mồ và tượng nhà mồ trong lễ Pơ Thi – Ảnh: tư liệu (nguồn intour.com.vn)

Theo tập quán của người Jrai, sau khi chôn cất người quá cố thì ngay trên nấm mồ đó sẽ dựng lên một căn nhà để hàng ngày người thân “tiếp tế” cơm mới, nước mát cho người đã khuất, gọi là nhà mồ - lúc này chưa có đặt tượng chung quanh nhà mồ. Về sau khi tổ chức lễ bỏ mả cho người quá vãng, bà con họ hàng của những người chôn chung trong huyệt mộ sẽ dựng lại căn nhà mồ mới và chăm chút rất tỉ mỉ. Làm xong nhà mồ, họ làm hàng rào bao quanh bằng những khúc cây tròn cao chừng 1 mét, xen kẻ trang trí bằng những cột tượng gỗ gọi là tượng nhà mồ, mang ý nghĩa của sự tiễn biệt với những hình ảnh gợi nhớ đến nhu cầu trong cuộc sống thường ngày.

 Tượng Kra kom

Tượng Kra kom dãi dầu cùng nắng gió – Ảnh: nguồn xaluan.com

Trước khi vào lễ chừng vài ba tuần, gia đình có người thân chôn đầu tiên trong ngôi mả sắp bỏ (khoa pơsat) tìm mời những nghệ nhân trong làng hoặc ở làng lân cận đến đẻo gọt tượng. Không cần đến phác thảo, cũng không quá đi sâu vào chi tiết, chỉ với chiếc rìu và một con rựa cùng những nhát bổ cần mẫn từ ngày này sang ngày khác, người chế tác sẽ làm cho khúc cây sù sì dần hiện lên dáng dấp của người đàn ông, đàn bà, trẻ em hay chim thú trong những tư thế sinh động, với thần thái sắc sảo tựa như được thổi hồn vào… 

Tượng giao phối  

Tượng giao phối và tượng Kra kom – Ảnh: nguồn saigonnews.vn

Căn cứ vào nội dung thể hiện, người ta có thể phân thành 2 nhóm: tượng lễ (gơk pơsat) và tượng hội (rup pơsat). Những tượng hội tuy rất phong phú và đa dạng nhưng không nhất thiết phải có, vì vậy đa số tượng tại các nhà mồ đều thuộc nhóm tượng lễ, miêu tả thế giới sinh động của con người với sức mạnh nguyên sơ, từ sinh thực khí, giao phối, quá trình mang nặng đẻ đau, việc nuôi dưỡng con cái, tư thế ôm mặt đầy cảm xúc (kra kom - khỉ ngồi chờ ăn)… đến những công việc đời thường như giả gạo, chọc lổ tỉa lúa, săn bắn…, những con vật gần gũi với con người như chim hạc, voi, chó, trâu, bò…

Phong phú kiểu tượng nhà mồ  

Phong phú kiểu tượng nhà mồ – Ảnh: Trần Nhã (nguồn infonet.vn)

Đối với người Jrai hay Bahnar, họ không gọi tượng nhà mồ là hình ảnh, cũng không gọi rõ là tượng, mà chỉ gọi là “Rup” (Jrai) hay “Mêu” (Bahnar) đều có ý nghĩa là hình tượng. Bằng nét đẽo thô ráp nhưng mạnh mẽ, tượng nhà mồ thể hiện cách độc đáo nền nghệ thuật cổ truyền còn khá sơ khai của cư dân bản đia. Những cột tượng này hiện lên sống động quanh nhà mồ như những thực thể hư ảo, tạo nên những hiệu ứng kỳ diệu đậm chất Tây nguyên…

LỄ PƠ THI - NÉT ĐẸP VĂN HÓA

Mục đích của lễ Pơ Thi không chỉ nhằm giải quyết mối tương quan giữa con người với xã hội, với thế giới hữu hình mà còn giữa con người với thế giới vô hình qua việc tiễn đưa các vong hồn về với cội nguồn. Xét về phương diện tín ngưỡng cũng như tập tục về tang lễ, lễ bỏ mả của người Jrai ở Gia Lai là một hình thức đoạn tang hay mãn tang, nhưng ở góc độ văn hóa lại là một cuộc trình diễn lớn, đỉnh cao của những hoạt động văn hóa truyền thống mang tính tổng hợp các loại hình nghệ thuật dân gian. 

Lễ hội bỏ mả tại tỉnh Gia Lai  

Lễ hội bỏ mả tại tỉnh Gia Lai – Ảnh: huytmd (nguồn flickriver.com)

Nếu nghệ thuật nhà mồ là một tổng hợp bao gồm nhiều loại hình khác nhau, từ kiến trúc, điêu khắc, hội họa đến trang trí, đan kết…, thì bữa ăn bên nhà mồ (hoă sơi bơxát) là bức tranh linh hoạt nhất về “văn hóa ẩm thực” của tộc người Jrai, một sinh hoạt cộng cảm mang tính cộng đồng không chỉ lớn về quy mô lượng người tham dự, mà còn khác lạ ở các nghi thức tín ngưỡng và phong phú các món ăn. Việc chuẩn bị cho ngày lễ khá công phu từ cả tháng trước, mọi người phải lên rừng đốn cây lớn đem về đẽo các cột kut, cột klao, làm hàng rào quanh mồ, đẽo tượng dựng quanh nhà mồ, làm nhà mồ mới, chưa kể còn phải chuẩn bị rượu, thịt, gạo, nước… 

Tượng nhà mồ Tây nguyên  

Tượng nhà mồ các dân tộc Tây nguyên – Ảnh: Huy Đằng (baodanang.vn)

Trước khi cuộc vui của lễ hội bùng lên trong ngày vào nhà mả, người chủ cuộc lễ (người đại diện cho gia đình có người chết được chôn đầu tiên ở khu nhà mồ) đến bên ngôi nhà mồ mới, sụp lạy trước bàn thờ (P’nang) đã bày sẵn rượu thịt cúng và đọc bài cáo yết với nội dung: “Lễ bỏ mả đến ngay sau lưng rồi, từ nay người sống ăn cơm trắng còn ma thì ăn cơm đỏ, ăn hoa tím, hoa đỏ cúa các thần. Xin ma đừng gọi, đừng lại gần, đừng thương yêu con cháu của ma nữa. Từ nay chúng tôi sẽ không còn mang cơm, sẽ không còn mang nước cho ma nữa. Nếu muốn ăn thịt gì, xin ma hãy hỏi thần Trăng, nếu muốn ăn cá, ăn thịt, xin ma hãy hỏi thần trên trời. Thôi, từ nay thế là hết, như lá m’nang đã lìa cành, như lá m’tư đã tàn úa.”…

 Cảnh diễn lễ bỏ mả

Cảnh diễn lễ bỏ mả tại Gia Lai – Ảnh: nguồn vinabooking.vn

Thời gian cao điểm và sôi động nhất của lễ hội bỏ mả là đêm vọng (hrơi mut) tức đêm đầu tiên. Bên ánh sáng bập bùng của các đống lửa, những trụ tượng mờ ảo lung linh mang vẻ gì đó thật ma mị, huyền bí… Tiếng cồng chiêng như chất men thâm nhập và làm bừng sống mảnh liệt mọi tình cảm con người, vỗ về tâm hồn những người lớn tuổi, xóa tan mọi e dè và đem trai gái đến gần nhau…

Cảnh diễn những hồn ma  

Cảnh diễn những hồn ma trong lễ Pơ Thi – Ảnh: Hoàng Thắng (nguồn thegioianh.vn)

Không khí náo nhiệt của lễ hội Pơ Thi càng đẩy lên đỉnh điểm với nhiều kịch tính khi xuất hiện những chàng trai trần truồng từ trong rừng chạy ra, thân thể phủ đầy bùn đất, trên mặt che bằng những mặt nạ hình thù khủng khiếp (bram) làm bằng gốc củ cây chuối. Trong hình dáng và những kiểu đi “khác người” của những hồn ma, họ như những trụ tượng sống tượng trưng cho hồn người chết về vui chơi múa xoang cùng mọi người trước khi chia tay vĩnh viễn. Đến như những bóng ma, họ cũng nhanh chóng biến mất vào màn đêm như chưa từng hiện diện…

● ● ●

Đối với người Jrai, chỉ có đêm bỏ mả mới là huyền diệu nhất trong cuộc đời mỗi người, đêm mà con người và hồn ma giao hòa cùng trời đất để rồi chia tay nhau vĩnh viễn… Có thể nói lễ Pơ Thi là biểu tượng nổi trội nhất, hấp dẫn nhất trong các lễ hội của người Jrai. Trong các trường ca (khan) của người Jrai như trường ca Xing Nhã và trường ca Xinh Chơ Niếp, có những đoạn nói về lễ bỏ mả thật sinh động.

Pơ Thi - lễ hội văn hóa  

Lễ Pơ Thi - nét đẹp văn hóa – Ảnh: Thái Bảo Ngọc (nguồn panoramio.com)

Những ngày lễ Pơ Thi là những ngày hội văn hóa thực sự, vượt qua giới hạn của tổ chức xã hội làng để quy tụ nhiều người thuộc nhiều làng, nhiều vùng khác nhau bao gồm cả họ hàng, bạn bè, anh em hay cha con, mẹ con kết nghĩa… Đến với lễ hội, bên ánh lửa bập bùng, rượu cần, chiêng, xoang cùng những đôi mắt thiếu nữ…, người tham dự như bị cuốn vào cơn cuồng phong vô thức, mênh mang, chếnh choáng trong cảm xúc thăng hoa…

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Danh mục nội dung