» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Lễ hội
19/01/2014
NGÀY XUÂN CHƠI HANG THẨM LÉ (YÊN BÁI)
Hàng năm cứ mỗi độ Xuân về, khi hoa Ban, hoa Mận, hoa Đào nở khắp núi rừng điểm tô cho bức tranh Xuân vùng Mường Lò - cánh đồng rộng lớn thứ hai Tây Bắc sau Mường Thanh (Điện Biên), thì cũng là lúc bà con dân tộc Thái nơi đây tưng bừng vào hội Xuân. Một trong những điểm chơi Xuân hấp dẫn nhất được các chàng trai, cô gái Thái và bà con các vùng lân cận náo nức rủ nhau về là hang Thẩm Lé.
Mường Lò thắm sắc hoa Ban, Đào – Ảnh: nguồn dulich-doday.blogspot.com
Thẩm Lé là một hang động đẹp nhất trong quần thể hang động tại Mường Lò. Trong ngôn ngữ Thái, “thẩm” hay “thẳm” là “hang”, “lé” là “liếc”. Tên hang Thẩm Lé như muốn gợi lên tiết Xuân với những hương sắc mới lạ của đất trời. Vào thời điểm này, con người cũng mở lòng đón nhận tinh túy mới, trai gái giao duyên liếc mắt đưa tình… Chưa ai biết được hang dài rộng tới đâu nhưng cũng có người cho rằng hang thông với ngòi Nhì. Một giai thoại được kể lại, xưa có người bạo gan muốn khám phá lòng hang, đã mang theo cả yến cốm rang dự phòng. Tuy nhiên, đi mãi và ăn hết cả yến cốm, khi lần ra đến cửa hang tính lại đã gần hai mươi ngày mà vẫn chưa đi được đến tận cùng. (!)
Thung lũng Mường Lò – Ảnh: nguồn ANTĐ
Hội chơi hang Thẩm Lé là dịp gặp nhau, cơ hội để những đôi bạn tâm giao hò hẹn… Ngày trước từ cánh đồng Mường Lò muốn chơi hang Thẩm Lé phải qua dốc Thái Lão - ở đó có dòng suối Chua, bên kia suối có gốc Sung với nguồn nước mát, ai qua đây cũng dừng nghỉ chân uống nước lấy sức rồi mới khởi sự vào hang. Vì vậy mà người Thái có câu:“Ín Thắm Lé phiên xao / Táy khu giáo hong sủm / Cốm kin nặm cốc lứa ban cưm” (Chơi Thẩm Lé phiên ngày 20 / Bắc cầu qua suối Chua / Uống nước ở gốc Sung ngọt mát).
Thiếu nữ Thái Mường Lò – Ảnh Hoàng Đô (nguồn baoyenbai.com.vn)
Ngày xưa hội Xuân được tổ chức vào các ngày 5, 10, 15, 20, 25 tháng Hai và tháng Ba âm lịch, đông nhất là vào ngày 20. Vào ngày 5 tháng Hai, thầy mo của xã Hạnh Sơn (trước đây khu vực hang Thẩm Lé thuộc xã Hạnh Sơn) sẽ cử hành lễ “Só khai tu Thẳm Lé” (xin mở cửa hang). Lễ vật gồm một con lợn từ 10 – 30kg, mổ sạch, luộc chín rồi chặt nhỏ xếp lại thành con, xôi, gạo, rượu, trầu, nước… Thầy mo khấn cầu xin thần Núi, thần Hang cho phép mở cửa hang để “trai, gái tuổi xuân được vào chơi, cầu cho thành đôi hạnh phúc, lúa như rừng gianh đầu bản…” rồi mọi người vào hang quét dọn.
Mường Lò - vùng đất lễ hội – Ảnh: nguồn baoyenbai.com.vn
Vào dịp hội Xuân, cả một khu vực tấp nập rộn ràng tiếng nói cười, tiếng khèn, tiếng pí như lời gọi mời da diết… Các đôi trai, gái mặc những bộ trang phục đẹp nhất, họ cùng hái hoa Ban trao tặng nhau như lời tỏ tình thầm kín trước khi đốt đuốc vào hang. Trong ánh sáng mờ ảo, lòng hang chỗ rộng chỗ hẹp, lối đi ngoắt ngoéo, đó đây những nhũ đá muôn hình muôn vẻ tạo cảm giác lạc vào một mê cung kỳ thú… Từng đôi trai, gái gởi lòng mình qua tiếng hát giao duyên. Những bản tình ca cổ và cả những lời ứng tác được các đôi trai, gái thổi vào cả hơi thở của tình yêu…
Nồng say xòe Thái ngày Xuân – Ảnh: nguồn tsttourist
Cuộc sống - mùa Xuân - tình yêu có bao nhiêu cung bậc thì cũng có bấy nhiêu lời ca trao gởi tâm tình. Tiếng hát va vào vách đá, dội lại làm âm thanh vang vọng những cung trầm bổng réo rắt… Điều thú vị là khi chơi hang Thẩm Lé, các đôi trai, gái đều hát các bài hát theo điệu Han nê - một điệu hát cổ chỉ có ở Mường Lò và chỉ sử dụng trong hội chơi hang Thẩm Lé (Han nê có nghĩa là ở đây, tại đây, ngụ ý tự hào).
Đẹp lắm hoa Ban Tây Bắc – Ảnh: nguồn vanhoadantoc.edu.vn
Kết thúc hội chơi hang Thẩm Lé, Trai gái các bản mường bịn rịn hát chia tay, họ ý tứ nhắc nhở nhau tuy vui Xuân nhưng vẫn không quên nhiệm vụ:“Muốn chơi hãy chơi khi mùa Ban nở / Muốn vui, hãy vui khi mùa Ban chưa tàn / Hoa héo rũ rụng xuống hết mùa / Hai ta chia tay về làm ruộng / Ánh mắt liếc vào ruộng mạ / Cho bông lúa trĩu vàng / Hẹn mùa Xuân sau khi mùa Ban nở…”. Có lẽ do mùa Xuân khéo kết tóc se duyên mà nhiều đôi đã nên vợ nên chồng.
Mường Lò - vẻ đẹp hoang sơ – Ảnh: nguồn vea.gov.vn
Mùa Xuân, chơi hang Thẩm Lé, dường như con người dễ đồng cảm với vạn vật. Sau phiên chơi hang, mỗi người ra về đều trong tâm trạng thơ thới, mang theo dư vị của cảnh, của tình và nhận thức cuộc đời thật đáng yêu hơn bội phần. Quả là mùa Xuân đã làm nên điều kỳ diệu không chỉ cho vạn vật, mà còn nhen lên ngọn lửa tin yêu - yêu con người, yêu cuộc sống…
Mai Kim Thành (Tổng hợp)