» Giới thiệu » Tham quan » Điểm hẹn tâm linh

thu nhỏ | phóng to

06/02/2014

ĐỀN QUỐC MẪU ÂU CƠ (LÂM THAO - PHÚ THỌ)


Ngày 18-9-2001, đền Quốc Mẫu Âu Cơ được khởi công xây dựng trên đỉnh núi Ốc Sơn (tục gọi núi Vặn), một trong “tam sơn cấm địa” gồm núi Hùng (còn gọi là núi Nghĩa Lĩnh), núi Vặn (có độ cao 147m so với mực nước biển) và núi Trọc thuộc xã Hy Cương, huyện Lâm Thao thuộc khu di tích lịch sử đền Hùng. Đây là một công trình đặc biệt nhằm tôn vinh công đức của Quốc mẫu Âu Cơ - người mẹ thiêng liêng của dân tộc Việt Nam với huyền thoại “trăm trứng”, khởi nguồn cho hai tiếng “đồng bào” gắn bó keo sơn…

BƯỚC RA TỪ HUYỀN SỬ…

Nói về Mẹ Âu Cơ - người có công đầu trong việc khai hoang mở cõi của dân tộc Việt Nam, huyền sử lưu truyền một câu chuyện khá lý thú:

Tương truyền vua Đế Minh, cháu ba đời của vua Thần Nông, khi đi tuần thú phương Nam đến Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) đã gặp một nàng tiên, họ lấy nhau đẻ ra người con tên Lộc Tục. Sau này Đế Minh đã truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, phong Lộc Tục làm vua phương Nam. Lộc Tục xưng là Kinh Dương Vương, đặt quốc hiệu là Xích Qủy.

Huyền thoại con Rồng cháu Tiên  

Huyền thoại con Rồng cháu Tiên – Ảnh: Vi Vi (nguồn vietlist.us)

Bờ cõi nước Xích Qủy bấy giờ phía Bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía Đông giáp bể Nam Hải. Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Qủy vào quãng năm Nhâm Tuất (2879 trước Tây Lịch?) và lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân.

Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ. Nàng Âu Cơ mang thai  ba năm, ba tháng, mười ngày đẻ ra một bọc gồm 100 trứng. Trứng này sau nở thành 100 người con trai. Một hôm Lạc Long quân bảo Âu Cơ: “Ta là dòng dõi Long quân, nhà ngươi dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với nhau không được. Nay được trăm đứa con thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi, còn 50 ta đem xuống bể Nam Hải.”

 Lạc Long Quân - Âu Cơ với trăm người con

Lạc Long Quân - Âu Cơ với trăm người con – Ảnh: nguồn hoclichsu.com

Trong số 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi, người con cả dừng ở đất Phong Châu dựng kinh đô Văn Lang cai quản đất nước, truyền ngôi được 18 đời gọi là các vua Hùng. 49 người con theo mẹ tiếp tục ngược thượng nguồn sông Thao, đến vùng Hiền Lương thấy sơn thủy hữu tình, đất đai tươi tốt bèn hạ trại khai hoang lập ấp, dạy cho dân làng nghề trồng lúa nuôi tằm… Làng xóm từ đó ngày một trù phú, cư dân ngày càng đông đúc. Thấy muôn dân đã thạo nghề cày cấy, một ngày kia mẹ Âu Cơ cùng các tiên nữ bay về trời, vương lại một cánh lụa đào bên gốc đa giữa cánh đồng… Dân làng lập đền tại đó để thờ mẹ, hàng năm mở hội đền vào ngày mùng 7 tháng Giêng là ngày Tiên giáng”. 

50 con theo mẹ lên núi  

50 con theo mẹ lên núi - 50 con theo cha xuồng biển – Ảnh: nguồn vietq.vn

Tuy đây chỉ là câu chuyện truyền thuyết, có những tình tiết phi lý như mẹ Âu Cơ đẻ ra một bọc 100 trứng, trứng này sau đó nở ra 100 người con (!) nhưng nó đã chuyển tải cả một triết lý sâu sắc mà cha ông xưa muốn gởi gắm vào. Đó là “lời ký tải cái tâm của tổ tiên về cội nguồn dân tộc: đi từ trứng nước đi lên và dẫu định cư bất cứ nơi đâu thì tất cả con Rồng cháu Tiên đều từ cùng một bọc trứng ban đầu do mẹ Âu Cơ sinh hạ. Người bốn phương muôn thuở vẫn thân ái gọi nhau là đồng bào, tình ruột thịt ngàn năm còn mãi.” (Nguyễn Khắc Thuần - Việt sử giai thoại)

Đền Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương  

Đền Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương trong ngày hội đền (7-1 âl) – Ảnh: nguồn ngotrithanh.blogspot.com

Thực tế tại xã Hiền Lương (huyện Hạ Hòa - Phú Thọ) ngày nay vẫn tồn tại ngôi đền Mẫu Âu Cơ được xây dựng từ thời Hậu Lê, nằm nép mình bên gốc đa cổ thụ, trên một khoảnh đất rộng giữa cánh đồng cạnh dòng sông Thao thơ mộng. Đền quay mặt về hướng chính Nam đối diện với núi Giác đẹp tựa một án thư, hai bên có giếng Loan và giếng Phượng giữa bốn bề xanh um cây cối… Tuy không đồ sộ nhưng đền Mẫu Âu Cơ vẫn có giá trị lớn, gắn kết với những truyền thuyết, huyền sử của thời kỳ đầu dựng nước.  

ĐỀN QUỐC MẪU TẠI KHU DI TÍCH ĐỀN HÙNG

Trong nỗ lực qui tụ các giá trị tinh thần thuộc thời đại Hùng Vương về một mối, Ban chỉ đạo đầu tư xây dựng khu di tích đền Hùng đã quyết định xây dựng một đền Quốc mẫu Âu Cơ trong khuôn viên khu di tích lịch sử đền Hùng. Vị trí được chọn là đỉnh núi Vặn với phong cảnh sơn thủy hữu tình, bao quanh còn có hồ Lạc Long Quân mở ra một không gian rất thơ mộng.

 Đền Quốc mẫu tại khu di tích đền Hùng

Đền Quốc mẫu tại khu di tích đền Hùng – Ảnh: nguồn sotaydulich.com

Công trình đền Quốc mẫu Âu Cơ do Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa Thông tin) thiết kế theo kiến trúc cổ truyền thống, Công ty Tu bổ di tích và Công ty Mỹ thuật Trung ương cùng các nhà thầu phụ thi công, được chính thức khởi công từ giữa tháng 9/2001 với tổng mức đầu tư 25 tỷ VND từ nguồn vốn trung ương và ngân sách tỉnh Phú Thọ. Đến cuối năm 2004 đã cơ bản hoàn thành chuẩn bị cho việc khánh thành vào dịp giỗ Quốc tổ (10-3 âm lịch) năm 2005. Tổng thể kiến trúc gồm có đền chính, nhà Tả, Hữu vu, nhà bia, trụ biểu, cổng tam quan, nhà đón tiếp, sân vườn, hệ thống đường bậc, bãi quay xe…

Cổng Tam quan  

Cổng Tam quan đền Quốc mẫu Âu Cơ – Ảnh: nguồn duongsinh.net

Con đường từ chân núi lên đến cửa đền có dốc khá thẳng với 553 bậc đá làm bằng chất liệu đá Hải Lựu (Lập Thạch - Vĩnh Phúc), đá Trị Quân (Phù Ninh -  Phú Thọ), dọc đường có bố trí chỗ dừng chân và nhà đón khách. Cổng tam quan cao 5,8m với ba lối vào, mái dán ngói mũi hài, các đầu đao, họa tiết đều được chạm khắc mô phỏng hình chim Lạc. Qua cổng Tam quan lên tới bậc đá thứ 500 là bắt đầu bước vào cổng tứ trụ gồm hai trụ chính cao 6,5m, hai trụ phụ cao 5,2m. Cột trụ làm bằng bê-tông cốt thép, xung quanh đắp gờ chỉ tạo hoa văn, đắp trát các con giống thời kỳ Hùng Vương.

 Cổng tứ trụ

Cổng tứ trụ và hai trụ biểu – Ảnh: nguồn greenlotustravel.com

Tiếp đến là hai trụ biểu cao chừng 14m vút thẳng giữa trời biểu thị sự giao hòa giữa thiên nhiên với trời đất, được ốp bằng đá phiến xanh từ vùng Thanh Hóa, Ninh Bình, dày 20 - 30cm có chạm khắc các họa tiết, con giống phỏng theo hình chim Lạc - đây là cặp trụ biểu được đánh giá độc đáo nhất trên cả nước. Sau trụ biểu là nhà bia được dựng theo kiến trúc đền chùa với mặt bằng hình vuông, mái chồng diêm, khung cột sườn mái làm bằng gỗ lim, nền lát gạch bát, xung quang ốp đá xanh Thanh Hóa, Hải Lựu và bố trí các con lân, ly bằng đá. Bia và trụ bia được làm bằng đá, một mặt khắc chữ Nôm, mặt còn lại khắc bằng chữ quốc ngữ, ghi lại thời kỳ xây dựng đền với sự đóng góp công đức của đồng bào khắp cả nước. 

 Nhà bia khu đền Mẫu

Nhà bia khu đền Mẫu – Ảnh: nguồn asiatourist.com.vn

Khu đền được đặt theo hướng Tây Nam, có bố cục kiểu chữ “đinh” gồm đền thờ chính ở giữa rộng 137m², hai bên có hai nhà Tả, Hữu vu. Toàn bộ được dựng theo kiến trúc truyền thống với cột, khung, sườn mái, vách ngăn bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài, tường xây bằng gạch bát… Các thành lan can được chạm khắc họa tiết hình chim Lạc cùng các hoạt động văn hóa dân gian thời kỳ Đông Sơn. Hai bên Tả vu có hai bức phù điêu bằng chất liệu gò đồng khắc họa cảnh 50 người con theo cha xuống biển và 50 người con theo mẹ lên núi.

 Khu đền chính

Khu đền chính – Ảnh: nguồn landtoday.net

Bên trong đền chính phối thờ tượng Mẫu và hai tượng Lạc Hầu, Lạc Tướng được đúc bằng đồng với khối lượng khoảng 2 tấn. Riêng tượng Mẫu Âu Cơ được lấy theo nguyên mẫu pho tượng đang thờ tại đền Mẫu xã Hiền Lương (Hạ Hòa - Phú Thọ) với đôi chút điều chỉnh. Các nhang án, đại tự, câu đối, bệ đặt trống đồng, giá treo chuông, treo chiêng, y môn… đều được sơn son thếp vàng trên chất liệu gỗ qúy.

 Ban thờ Quốc mẫu Âu Cơ

Ban thờ Quốc mẫu Âu Cơ – Ảnh: nguồn asiatourist.com.vn

Do đặc thù nằm trên núi cao với độ chênh lớn, hệ thống sân vườn đã được xây dựng khá kỳ công với ba lớp kè, lớp trong cùng là tường chắn bằng bê-tông cốt thép, lớp giữa xây bằng đá hộc, lớp ngoài ốp bằng đá ong lấy từ vùng làng cổ Sơn Vi, Thanh Đình (Lâm Thao - Phú Thọ). Trong sân trồng nhiều giống cây đặc trưng thường thấy ở đình chùa như Đại cổ thụ, Si, Cau, Ngọc lan… mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Toàn bộ công trình đã sử dụng hơn 8.000m³ đá, 5.300 tấn cát, sỏi, 68 tấn xi-măng, 250m³ gỗ lim.

● ● ●

Đền Mẫu Âu Cơ là một công trình thế kỷ với kiến trúc đẹp, hài hòa một cách tự nhiên giữa cảnh trí thiên nhiên hùng vỹ. Từ đây mỗi khi có dịp về đất Tổ, du khách thập phương không chỉ thể hiện tâm tình “uống nước nhớ nguồn” nơi lăng, miếu các vua Hùng, mà còn có cơ hội thể hiện lòng thành kính đối với mẹ Âu Cơ, một người mẹ đã từ trong huyền sử bước ra để dạy cho con dân nước Việt biết qúy trọng tình anh em, nghĩa đồng bào…

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Danh mục nội dung