» Giới thiệu » Tham quan » Điểm đến khác
15/02/2014
TAM GIÁC VÀNG - NGHE QUEN MÀ RẤT LẠ
Từ giữa những năm 50 của thế kỷ XX, cả thế giới đều biết tiếng “Tam giác Vàng” (The Golden Triangle) - tên gọi chỉ vùng ngã ba biên giới bao gồm các tỉnh Mong Hpayak (Myanmar), Chiang Rai (Thái Lan), Luông Nậm Thà và U Đôm Xay (Lào). Tam giác Vàng được mệnh danh thủ phủ thuốc phiện vùng Đông Nam Á và là một trong những trọng điểm của ma túy thế giới…
TAM GIÁC VÀNG - TRỌNG ĐIỂM CỦA MA TÚY THẾ GIỚI
Là một khu vực rộng hàng chục nghìn kilomet vuông nằm ngay ngã ba sông Mekong, “Tam giác Vàng” là nơi trồng nhiều cây thuốc phiện, cần sa nhất thế giới và cũng là nơi sản xuất, buôn bán thuốc phiện vào hàng lớn nhất thế giới. Do địa hình chủ yếu là đồi núi hiểm trở, lại nằm xa trung tâm hành chánh nên việc kiểm soát của Chính phủ các nước cũng bị hạn chế.
Bản đồ vùng Tam giác Vàng – Ảnh: nguồn nguoiduatin.vn
Thực tế trước kia khu vực này chưa hề có tên gọi chính thức và cũng không phải hình tam giác; tuy vậy có thể ghi nhận một doi đất trên lảnh thổ Myanmar có hình tam giác cân với diện tích chừng vài chục hecta, có đỉnh tiếp giáp với biên giới hai nước láng giềng do sông Mekong và nhánh sông Sop Ruak tạo nên. Có lẽ do xuất phát từ hình doi đất của Myanmar cùng khả năng sinh lợi từ thứ “vàng đen, vàng trắng” của khu vực mà cụm từ “Tam giác Vàng” đã được giới truyền thông dùng để ám chỉ vùng đất vô danh nhưng cũng rất nổi tiếng này.
Doi đất hình tam giác trên lãnh thổ Myanmar – Ảnh: nguồn doanhnhansaigon.vn
Do khí hậu ôn đới trên độ cao hơn 1.000m với thổ nhưỡng rất thích hợp cho loại cây Anh túc phát triển, vùng “Tam giác Vàng” trong những năm 1970 - 1990 đã có đến 130.000ha diện tích cây Anh túc với số lượng thuốc phiện đã qua sơ chế mỗi vụ 2.560 tấn, bằng 3/4 số lượng thuốc phiện sản xuất trên thế giới. Đến nay diện tích trồng cây Anh túc trên lãnh thổ Lào, Thái Lan đã giảm còn không đáng kể. Riêng trên lãnh thổ Myanmar, do rừng sâu núi thẳm vô cùng hiểm trở, nơi sinh sống của nhiều bộ tộc người Wa, Shan, Mông… sống dưới mức nghèo đói, lại bị kiểm soát bởi các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số và lực lượng phiến quân chiến đấu đòi ly khai, nên mặc dầu chính phủ nước này đã có rất nhiều nỗ lực và diện tích cũng giảm nhiều nhưng vẫn chưa thể kiểm soát căn cơ việc trồng và chế biến thuốc phiện, ma túy.
Vẻ đẹp chết người của hoa Anh túc – Ảnh: nguồn tintucmoitruong.com
Việc đầu hàng của Khun Sa tháng 1/1996 tuy được Yangoon xem như thành tựu lớn trong nỗ lực chống ma túy, nhưng do thiếu quyết tâm và sự nhanh nhạy trong việc loại bỏ các nhóm buôn lậu và phân phối các loại thuốc bất hợp pháp, cũng như thiếu cam kết nghiêm túc chống rửa tiền…, vô hình trung Yangoon đã thành lực cản ngăn trở các nỗ lực chống ma túy. Theo báo cáo tháng 4/2013 của Văn phòng Liên Hợp Quốc về ma túy và tội phạm (UNODC), diện tích trồng cây Anh túc ở vùng “Tam giác Vàng” được ghi nhận cao nhất vào năm 1998 với 130.000ha, đến năm 2006 đã giảm xuống chỉ còn 20.000ha. Trong vài năm gần đây việc trồng loại cây ma quái này đã bùng phát trở lại với diện tích tăng gấp đôi vào năm 2010 và chỉ hai năm sau đã lên đến 50.000ha (chiếm 29% diện tích cây Anh túc được trồng trên thế giới).
Binh lính Myanmar trong một cuộc hành quân triệt phá các cánh đồng trồng cây Anh túc ở bang Shan – Ảnh: Phạm Hồng Phước (congan.com.vn)
Tại khu vực “Tam giác Vàng”, trên 90% diện tích trồng cây Anh túc được xác định là ở bang Shan (miền Đông Myanmar, tiếp giáp Thái Lan và Lào). Như vậy Myanmar đã thay thế Thái Lan, trở thành “công xưởng vàng đen” ở Tam giác Vàng và là nơi sản xuất ma túy đứng nhì thế giới sau Afghanistan. Từ đây nhựa cây Anh túc được chuyển đến bang Kachin gần Trung Quốc và Ấn Độ để chế biến thành đủ loại ma túy khác nhau trước khi tung ra thị trường. Cũng theo báo cáo trên, trong tổng số 638 tấn héroin có xuất xứ từ “Tam giác Vàng” năm 2011, 610 tấn có nguồn gốc từ Myanmar, 25 tấn từ Lào, 3 tấn từ Thái Lan. Một năm sau, con số này tiếp tục phình to thành 735 tấn với 690 tấn xuất phát từ Myanmar, có trị giá khoảng 16,3 tỷ USD (hơn 1/3 GDP của Myanmar).
Từ alkaloid này người ta dùng các phản ứng hóa học để biến chế nó thành héroin – Ảnh: nguồn vtc.vn
Tam giác Vàng ngày nay còn là một trung tâm sản xuất ma túy tổng hợp (ATS) của châu Á để cung cấp cho các nơi trên thế giới. ADS và ma túy dạng đá (ICE) có tác dụng mạnh gấp hàng trăm, hàng nghìn lần so với thuốc phiện và héroin, được sản xuất dọc biên giới phía Bắc Thái Lan - Myanmar rồi vận chuyển vào Thái Lan với số lượng ngày càng lớn. Bọn tội phạm chủ yếu mua hoặc chiết suất tiền chất Pseudoephadrin từ thuốc cảm (phần lớn thuốc cảm phải có chất này) để điều chế ma túy tổng hợp. Pseudoephadrin được mua bán trái phép từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc rồi đưa về Tam giác Vàng điều chế ATS…
Các “phiến quân” sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vườn cây Anh túc – Ảnh: nguồn pangmalakul.com
Các nhóm tội phạm ở “Tam giác Vàng” ngày càng trở nên tàn ác và lộng hành. Không chỉ sản xuất và buôn bán ma túy, chúng còn nhúng tay vào các vụ cướp bóc, tống tiền và giết người mà nổi cộm nhất là vụ thảm sát 13 thủy thủ Trung Quốc năm 2011, dẫn đến việc trùm ma túy Naw Kham (Myanmar) bị Trung Quốc tử hình tháng 3/2013… Theo giới chức các nước khu vực, kể từ khi Trung Quốc đẩy mạnh giao thương biên giới với Myanmar, Lào, Thái Lan qua đường thủy trên sông Mekong, đã xảy ra hàng chục vụ tương tự. Rõ ràng từ sau khi ông hoàng ma túy Khun Sa ra đầu hàng chính phủ Myanmar cùng với việc quân đội Mong Tai tan rã, “Tam giác Vàng” vẫn chưa bao giờ hết dậy sóng, nhất là từ khi Lực lượng thống nhất bang Wa đơn phương tuyên bố tự trị ở bang Wa năm 2009, với phương châm mua bán ma túy là để kiếm tiền phát triển lực lượng cũng như kiểm soát người dân. (!)
TAM GIÁC VÀNG VỚI HUYỀN THOẠI KHUN SA
Đã có thời, nhắc đến “Tam giác Vàng” là người ta phải nhắc đến một nhân vật huyền thoại có biệt danh Khun Sa - ông vua của vùng “Tam giác Vàng”, được dân chúng địa phương tin là người của nhà Trời, do vua nhà Trời cử xuống trần gian lãnh đạo dân tộc Wa trồng cây Anh túc, trích thật nhiều nhựa làm cơm đen cho mọi người đốt thành khói thơm bay tỏa lên Trời… (!)
Vua thuốc phiện Khun Sa khét tiếng một thời – Ảnh: nguồn thedogintheclouds.com
Trong lịch sử tội phạm thế giới, hiếm có kẻ nào bị cả thế giới căm ghét pha lẫn sợ hãi như Khun Sa. Ông là người sản xuất ra ma túy, gieo rắc “cái chết trắng” cho hàng triệu người trên khắp toàn cầu. Điều nghịch lý là tại vùng Tam giác Vàng, người dân nghèo lại rất kính trọng Khun Sa vì ông đã mang lại “miếng cơm, manh áo” cho cả trăm ngàn người.
Theo hồ sơ của Interpol, Khun Sa có tên thật là Chang Chi Fu, sinh ngày 17-2-1933 tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Mất mẹ vào năm 11 tuổi, Chang Chi Fu buộc phải bỏ học và theo cha mang hàng đến tận các làng bản heo hút để buôn bán kiếm sống, nhờ vậy cậu bé thành thạo ngôn ngữ các dân tộc thiểu số và hiểu rõ phong tục tập quán của họ.
Bố già Khun Sa với đội quân “nhí” – Ảnh tư liệu (nguồn petrotimes.vn)
Khi cách mạng Trung Quốc thành công vào năm 1949, cha của Chang Chi Fu bị quy kết là địa chủ lưu động, bị tịch biên tài sản và bị giết, chính Chang Chi Fu cũng bị giải đi thay cha làm đối tượng đấu tố. Một đêm, Chang Chi Fu móc nối một cô gái dân tộc Wa trong nhóm dân quân canh gác rồi cả hai cùng trốn vào rừng sâu. Điều đáng buồn là sau này Chang Chi Fu đã ra tay hạ sát người bạn một thời đồng cam cộng khổ với mình rồi đứng ra tổ chức băng cướp hơn 70 người. Băng cướp này về sau đã chuyển hướng buôn lậu thuốc phiện, hoạt động ở vùng biên giới Trung Quốc - Myanmar, với số đồng đảng lên đến 500 người, được vũ trang và có kỷ luật rất nghiêm khắc.
Khun Sa - một trong mười trùm thuốc phiện giàu nhất thế giới – Ảnh: nguồn Celebrity Net Word
Từ năm 1961, lợi dụng việc chính phủ Myanmar không đủ khả năng kiểm soát vùng biên giới, Chang Chi Fu đã đưa băng đảng của mình đến vùng biên giới Myanmar hoạt động. Để dễ bề lừa mị dân chúng, Chang Chi Fu đã tự phong mình là Khâm sai Đại vương. Có thể từ việc dân chúng địa phương đọc sai là Khum Sae, rồi báo chí quốc tế cũng gọi là ngài Khun Sa mà “Khun Sa” đã trở thành tên gọi thủ lĩnh vùng Tam giác Vàng Myanmar - Lào - Thái Lan chăng?
Phòng khách nhà Khun Sa với tượng sáp vua thuốc phiện – Ảnh: Ngân Hà (laodong.com.vn)
Một tư liệu khác lại cho rằng Chang Chi Fu sinh ra trong một gia đình có cha là sĩ quan Quốc dân đảng, mẹ là người dân tộc Shan ở Myanmar. Cha mất sớm, mẹ tái giá với một người cùng dân tộc ở huyện Mong Hpin (sát biên giới Myanmar - Trung Quốc). Khi về nhà bố dượng, ông này đã đổi tên cho Chang Chi Fu thành Sa có nghĩa là giàu có. Sau này khi Sa nổi danh và mưu đồ thành lập vương quốc Shan thì người ta mới gọi bằng từ ghép “Khun Sa”. (trong tiếng Thái và tiếng Shan, “Khun” có nghĩa là “Ngài”, chỉ người được kính trọng).
Đại bản doanh của Khun Sa ở Lung Min Xô – Ảnh: nguồn petrotimes.vn
Đại bản doanh của Khun Sa đặt ở Lung Min Xô thuộc địa phận tỉnh Chiang Rai (Thái Lan), nơi được trồng bạt ngàn cây Anh túc. Đây là thế giới của thuốc phiện, của ma túy với hàng đoàn người súng ống tối tân, dựa vào địa hình hiểm trở trong rừng già, len lỏi vận chuyển thuốc phiện, ma túy qua các biên giới bằng ngựa, gùi, thồ… Năm 1967, Khun Sa suýt chết trong cuộc chiến giành quyền buôn bán ma túy với tàn quân Quốc dân đảng Trung Quốc ở Lào. Cũng do đấu tranh cho quyền tự trị của dân tộc Shan mà Khun Sa đã bị phạt tù 5 năm. Mãn hạn tù, Khun Sa trở lại gắn bó với công việc buôn bán ma túy.
Thủ lĩnh quân đội Mong Tai – Ảnh: nguồn gandarmount.wordpress.com
Trong thời hưng thịnh, Khun Sa đã tổ chức quân đội Mong Tai với hàng vạn quân thiện chiến người Hoa, người Wa, người Casin… Ngoài vũ khí cầm tay hiện đại, Khun Sa còn trang bị cho đội quân của mình cả tên lửa và phòng không. Để phô trương thanh thế, thủ lĩnh Khun Sa đã cho xuất bản tờ Hoàng Kỳ tạp chí và phát hành một tập sách ghi các câu nói nổi tiếng của mình. Trong một thời gian dài, Khun Sa đã tuyên chiến quyết liệt với cảnh sát thế giới, với chính phủ Myanmar và các nước láng giềng.
Quân đội Mong Tai của Khun Sa – Ảnh: nguồn hackforums.net
Nhằm ngăn chặn các đường dây buôn bán ma túy từ Tam giác Vàng sang châu Âu và châu Mỹ, Ban án hình sự (Affaires Criminelles) của Interpol đã đặt cơ quan thường trú tại Bangkok từ năm 1979. Năm 1989, một tòa án ở New York đã kết án vắng mặt Khun Sa vì tội buôn bán héroin vào Hoa Kỳ và đã phát lệnh truy nã toàn cầu với số tiền thưởng lên đến 2 triệu USD. Bị truy quét đến cùng, Khun Sa đã quyết định đầu hàng chính phủ, quân đội và cảnh sát Myanmar vào năm 1996 với điều kiện được ân xá. Quân đội Mong Tai từ đó cũng bị tan rã.
Khun Sa trong thời gian hoạt động công khai tại Yangoon – Ảnh: nguồn infonet.vn
Được ân xá, Khun Sa đã về sống tại thủ đô Yangoon và tổ chức một công ty vận tải, một công ty khai thác mỏ đá rubi cùng nhiều ngành nghề kinh doanh khác. Ông chết ngày 26-10-2007 vì bệnh tiểu đường, cao huyết áp và đã bị liệt nửa người trước đó. Ngày 31-10-2007, tang lễ của cựu vương thuốc phiện đã được cử hành đơn giản tại Myanmar.
TAM GIÁC VÀNG HẤP DẪN KHÁCH DU LỊCH
“Tam giác Vàng” trong một thời gian dài là thủ phủ thuốc phiện của vùng Đông Nam Á. Với tầm quan trọng như vậy nên việc kiểm soát chặt chẽ vùng “Tam giác Vàng” là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của các cơ quan phòng chống ma túy Thái Lan. Các cơ quan này có nhiệm vụ tuần tra, phòng chống ma túy dọc biên giới dài 1.250km, chủ yếu ở vùng “Tam giác Vàng” nằm giữa biên giới Thái Lan - Myanmar - Lào, vốn dĩ phức tạp và cũng đầy thách thức.
“Tam giác Vàng” chưa thực sự bình yên – Ảnh nguồn yeudulich.vn
Trong nỗ lực phát huy hiệu quả phòng chống ma túy và đẩy lùi bóng ma thuốc phiện một thời ám ảnh vùng lãnh thổ thuộc khu vực “Tam giác Vàng”, Chính phủ Thái Lan đã tập trung khai thác, biến lãnh địa của trùm ma túy thành một vùng du lịch lớn, gắn với việc thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy. Nơi đây đang trở thành khu vực hấp dẫn khách du lịch với đầy đủ các dịch vụ nghỉ dưỡng, nhà hàng, siêu thị, các gian hàng bán đủ loại sản vật địa phương, hàng thủ công mỹ nghệ, thức ăn nhanh…, bên cạnh còn có cả một cầu tàu với hàng chục thuyền cắm cờ Thái Lan neo đậu dưới bến sẵn sàng đưa du khách tham quan.
“Tam giác Vàng” hấp dẫn với nhiều tượng Phật – Ảnh nguồn xzone.vn
Từ năm 1988, dưới sự bảo trợ của Hoàng Thái hậu Thái Lan, dự án Doi Tung được phát triển nhằm thay thế cây thuốc phiện trên một khu vực rộng 150km² tại tỉnh Chiang Rai, nơi trước đây từng là trọng điểm ma túy tại khu vực “Tam giác Vàng”. Sau 15 năm thực hiện, toàn bộ cây thuốc phiện trong khu vực đã bị triệt phá, thay thế bằng nhiều cây công nghiệp và cây trồng khác. Đời sống đồng bào các dân tộc ở đây đã đạt 27.665 bath (khoảng 800USD) / năm vào năm 2001. Chỉ riêng Vườn hoa Quốc gia được xây dựng trên vùng cây thuốc phiện cũ thuộc Ban Quản lý dự án đã thu hút gần hai triệu du khách mỗi năm.
Vườn hoa quốc gia Doi Tung – Ảnh: nguồn doitung.org
Sau khi Khun Sa ra hàng chính phủ Myanmar năm 1996, con đường lên Me Sai được mở lại đã biến bản Therd Thai - khu làng Khun Sa cùng toàn bộ cơ ngơi của cựu trùm ma túy tại Me Sai (huyện Chiang Sean, tỉnh Chiang Rai) thành một điểm du lịch hấp dẫn. “Làng Khun Sa” nằm cách trung tâm tỉnh lỵ Chiang Rai 42km về phía Bắc và rất sát đường biên giới với Myanmar. Đường dẫn đến sào huyệt của trùm tội phạm quốc tế này tuy không lớn nhưng khá đẹp, ngoằn ngoèo dọc theo những sườn đồi, với vách dựng đứng rất hiểm trở. Ngay từ bên ngoài làng có một cổng làng do Khun Sa dựng từ khi về lập căn cứ tại đây (hiện du khách nhìn thấy hàng chữ “Làng Khun Sa” trên cổng là do chính quyền cho tu sửa lại và ghi như vậy để thu hút khách du lịch). Từ giữa làng, có biển chỉ dẫn đi vào “tổng hành dinh” của Khun Sa. Đó là 4 dãy nhà một tầng, mái lợp tôn nằm dựa lưng vào núi và ẩn mình trong một khu rừng toàn cây Phượng - một vị trí khá lý tưởng, rất khó bị phát hiện từ trên cao.
Cổng làng Khun Sa ở Me Sai – Ảnh: Nguyễn Như Phong (petrotimes.vn)
Năm 2000, nhằm tăng tính hấp dẫn và đáp ứng mục tiêu giáo dục ý thức, trách nhiệm phòng chống ma túy cho thanh thiếu niên, Bảo tàng Hoàng gia về phòng chống ma túy (Hall of Opium) đã được xây dựng tại Chiang Saen (tỉnh Chiang Rai) dưới sự bảo trợ của Hoàng Thái hậu Thái Lan. Đây là một bảo tàng ma túy lớn nhất khu vực Đông Nam Á với diện tích sàn 5.600m², được xây dựng với sự giúp đỡ của Chính phủ Trung Quốc, Chính phủ Nhật Bản, Chương trình kiểm soát ma túy Liên Hiệp Quốc (UNDCP) và Văn phòng Ủy ban Quốc gia phòng chống ma túy Thái Lan (ONCB).
Phù điêu trong Bảo tàng thuốc phiện – Ảnh: nguồn bomanta.com
Theo con đường hầm dài 137m xuyên qua lòng núi, trong ánh sáng mờ ảo tượng trưng cho sự tăm tối nếu ai đó tìm đến với ma túy - du khách sẽ nhìn thấy những bức phù điêu dọc hai bên vách miêu tả cảnh thuốc phiện tàn phá con người, với những thân hình tàn tạ, chết chóc… Điểm đặc sắc của bảo tàng là kho tư liệu rất phong phú, được trình bày cách trực quan, ứng dụng các thành tựu của khoa học bảo tàng hiện đại kết hợp hài hòa giữa hình ảnh, hiện vật, video clip… đã chuyển tải được nhiều hơn những gì muốn giới thiệu. Được biết từ khi khai trương vào tháng 5/2000 đến nay, Bảo tàng đón trung bình khoảng một triệu khách tham quan mỗi năm.
Những người dân đôn hậu tại “Tam giác Vàng” – Ảnh nguồn yeudulich.vn
Du khách đến “Tam giác Vàng” từ phía Thái Lan, hẳn cảm nhận một không khí thanh bình với những pho tượng Phật giát vàng, những nụ cười thân thiện của cư dân địa phương… Khác hẳn cái nóng ran của buổi trưa, đêm Chiang Rai trở lạnh nhưng lại rất dễ chịu, du khách có thể thủng thẳng dạo chợ đêm nằm tại một khu đất rộng khuất trong một con đường chính. Tại đây bày bán đủ mặt hàng, từ hàng mỹ nghệ, quần áo, thổ cẩm… đến trang sức vàng bạc, đồ gỗ trang trí… được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó khá nhiều hàng có xuất xứ Trung Quốc. Đặc biệt hàng hóa tại đây rẻ đến không ngờ bởi thuế suất bằng 0 do là thị trường mở cửa đối với 4 nước ASEAN: Thái Lan - Singapore - Indonesia - Malaysia.
Người Thái Lan làm du lịch tại “Tam giác Vàng” rất chuyên nghiệp – Ảnh nguồn dulichvietnam.com.vn
“Tam giác Vàng” chưa thực sự bình yên (!). Đó là lời cảnh báo của Nhà chức trách địa phương nhưng nhiều du khách vẫn thích đi xa thị trấn, vào sâu trong rừng để khám phá những điều bí ẩn. Quả “Tam giác Vàng” có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với nhiều du khách bất phân tuổi tác, giới tính hay quốc tịch…
Phải nhận Thái Lan rất chuyên nghiệp khi khai thác du lịch tại vùng “Tam giác Vàng”, khác hẳn hai nước láng giềng Lào và Myanmar. Hiện chính phủ Thái Lan đang nỗ lực phát triển “Tam giác Vàng” nhằm thúc đẩy cả vùng Đông Bắc ít sôi động hơn các khu vực khác. Từ việc tăng cường đầu tư hạ tầng đến việc áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ cho vùng này, Thái Lan đang tỏ rõ quyết tâm xây dựng Chiang Rai thành “Thành phố Thiên thần” (City of Angels), “Vùng đất của những nụ cười” (Land of Smiles)…
Mai Kim Thành (Tổng hợp)