» Giới thiệu » Tham quan » Khu du lịch

thu nhỏ | phóng to

09/03/2014

KHU DU LỊCH CỒN THỚI SƠN (TIỀN GIANG)


Cồn (cù lao) Thới Sơn hay còn gọi cồn Lân nằm ở hạ lưu sông Tiền giữa bốn bề sóng nước, thuộc huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang. Ngay từ năm 1988, tỉnh Tiền Giang đã đưa cồn Thới Sơn vào khai thác du lịch, trở thành khuôn mẫu cho việc khai thác du lịch sinh thái miệt vườn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long…

MỘT CÙ LAO GIỮA BỐN BỀ SÓNG NƯỚC

Là cồn lớn nhất trong số bốn cồn trên sông Tiền, cù lao Thới Sơn có tổng diện tích khoảng 660ha với chừng 570ha đất sản xuất. Nơi đây hiện đang có trên 1.000 hộ gồm hơn 6.000 cư dân sinh sống, trong đó hơn 90% làm nông nghiệp. Đã bao đời nay, trên cồn Thới Sơn hình thành kiểu nhà - vườn rộng rãi thoáng mát theo kiến trúc đặc trưng Nam bộ, với những căn nhà ba gian hai chái, mái lợp ngói âm dương mang nét cổ kính nguyên sơ, phía trước nhà có sân trồng cây cảnh hay bon-sai được chăm tỉa công phu, chung quanh là vườn cây ăn trái đủ loại cho sản vật theo mùa.

 Cồn Thới Sơn giữa màu xanh cây trái

Khu du lịch Cồn Thới Sơn giữa màu xanh cây trái – Ảnh: nguồn tiengiang.gov.vn

Với lợi thế tự nhiên về tôm, cá và phù sa màu mỡ sông Tiền, trước đây người dân Thới Sơn chỉ biết khai thác tiềm năng theo sự mẫn cảm và nhận thức cá nhân. Đến nay, với định hướng và phát triển trồng cây có múi, Thới Sơn đã trở thành một cù lao xanh với vườn cây nối vườn cây, quanh năm cho nhiều loại trái ngọt… Sản vật chính của cồn Thới Sơn gồm cam, quít, bưởi, sầu riêng, một số cây khác như nhãn, sapôchê, chuối, mít, xoài, vú sữa cũng được trồng khá nhiều… Bên cạnh những ưu thế đó, người dân Thới Sơn cũng biết phát triển nghề nuôi ong lấy mật, một số hộ còn làm bánh phồng, bánh tráng, kẹo, mứt, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ…, chưa kể đội quân chèo đò gồm những thôn nữ xinh đẹp, đã góp phần giải quyết sức ép về lao động việc làm và thu nhập nông thôn.

 Cù lao Thới Sơn cây trái mênh mông

Cù lao Thới Sơn cây trái mênh mông – Ảnh nguồn longgiangnguyen.blogspot.com

Thới Sơn là vùng đất đặc biệt ghi nhiều dấu ấn lịch sử: mùa Xuân năm 1785, người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã lập nên chiến công oanh liệt Rạch Gầm - Xoài Mút, phá tan 5 vạn quân Xiêm xâm lược; đến thời kháng chiến chống Mỹ, Thới Sơn lại ghi dấu những chiến công của quân dân miền Tây với vành đai thế trận lòng dân bao quanh căn cứ Đồng Tâm, làm nên chiến thắng Bình Đức vang tiếng một thời… Bước vào thời kinh tế hội nhập, người dân Thới Sơn đã sớm chọn cho mình hướng đi phù hợp với vận hội mới. Việc chỉnh trang hoặc trồng mới vườn cây ăn trái ít nhiều đều hướng đến khai thác du lịch sinh thái, đã thu hoạch những thành quả nhất định nhưng cho đến nay vẫn chưa có được tầm vóc và sự đột phá…

 Sơ đồ các mũi tiến công

Sơ đồ các mũi tiến công và mai phục trận Rạch Gầm - Xoài Mút – Ảnh nguồn phnhan.vncgarden.com

CỒN THỚI SƠN HẤP DẪN KHÁCH DU LỊCH

Từ năm 1988 của thế kỷ trước, người dân vùng đất cù lao Thới Sơn đã rục rịch làm du lịch với tất cả sự hào hứng. Với nét đẹp của vùng sông nước miền Tây, những vườn cây xanh mượt trĩu quả mùa nào thức ấy cùng bản tính thật thà phóng khoáng của cư dân miệt vườn Nam bộ, du lịch cồn Thới Sơn đã tạo được nét riêng hấp dẫn nhiều du khách.

Khu du lịch cồn Thới Sơn  

Khu du lịch cồn Thới Sơn – Ảnh: nguồn vnnplus.net

Bỏ lại một bên phố phường tấp nập với nhiều khói bụi và nhịp sống hối hả, du khách đến Thới Sơn được thanh thản ngồi thuyền băng qua dòng sông Tiền chở nặng phù sa, được thư thả trên những con đò nhỏ chòng chành xuôi theo những con rạch nhỏ ngoằn ngoèo giữa hai hàng dừa nước hay thủy liễu (bần), được tản bộ theo những con đường nhỏ uốn lượn, khám phá những vườn cây trái sum suê và hít thở không khí trong lành của miệt vườn sông nước.

những con đò chòng chành  

Trên những con đò chòng chành – Ảnh: nguồn hoangviettravel.vn

Du khách sẽ thật hào hứng khi được nhấm nháp những cây trái vừa được hái từ trên cây, được nếm món trà mật ong tuy dân dã nhưng cũng khá độc đáo, được đắm mình trong những giai điệu ngọt ngào của “đờn ca tài tử Nam bộ”, được thưởng thức những món ăn mang đậm màu sắc văn hóa ẩm thực miệt vườn như cá trê nướng, cá lóc hấp bầu, cá tai tượng chiên xù, lẫu cá kèo…

 mùa nào thức ấy

Đãi khách mùa nào thức ấy – Ảnh: nguồn blogyume.vn

Để phát triển tiềm năng du lịch trên đất cồn Thới Sơn một cách căn cơ và bền vững, tỉnh Tiền Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển Du lịch Cù lao Thới Sơn. Theo đề án, Thới Sơn trong tương lai sẽ là một khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2006, dự án Khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng Thới Sơn (gọi tắt là Khu du lịch Thới Sơn) đã được ông Hoàng Kiều (Chủ tịch tập đoàn RAAS) đầu tư với số vốn lên đến hàng trăm tỷ đồng, thế nhưng có những lý do được dư luận nêu ra đã ảnh hưởng đến dự án đang trong quá trình đầu tư xây dựng và từ tháng 6/2011 dự án này đã buộc phải tạm ngưng để chờ cơ quan chức năng làm rõ. 

Nghe đờn ca tài tử miệt vườn  

Nghe đờn ca tài tử miệt vườn – Ảnh: nguồn nguyenvanthanh.vnweblogs.com

Tham quan cồn Thới Sơn, du khách phải xuất phát từ bến tàu du lịch Tiền Giang. Tại đây có Trung tâm Lữ hành với hàng chục công ty lữ hành, điều hành tổ chức tour. Việc có quá nhiều đơn vị hoạt động tại Trung tâm Lữ hành mà thực tế chỉ có vài đơn vị chuyên nghiệp đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Thiếu đầu tàu để kéo các doanh nghiệp tổ chức lữ hành lại với nhau, thống nhất giá cả và phương thức phục vụ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phải chăng du lịch lữ hành tại tỉnh Tiền Giang đang rơi vào vòng lẩn quẩn chưa tìm được lối ra?

 tàu du lịch đi Thới Sơn

Du khách trên tàu du lịch đi Thới Sơn – Ảnh: nguồn khanhhoiaq4.edu.vn

● ● ●

Nếu du lịch Thới Sơn trong bước đầu khởi động đã có những thành quả khích lệ, thì càng về sau do chưa có nhiều sáng tạo bổ sung, đang khi mô hình này được nhân rộng khắp các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã làm cho du lịch Thới Sơn mất dần thế thượng phong. Tuy vậy, theo số liệu báo cáo từ Sở VH-TT-DL Tiền Giang, năm 2011 du lịch Thới Sơn đã thu hút 405.284 lượt khách (306.817 khách quốc tế và 98.467 khách nội địa) qua bến tàu du lịch để tham quan các điểm du lịch ở cồn Thới Sơn (trong tổng số 1.082.811 lượt du khách đến tỉnh Tiền Giang). Đây hẳn là một con số đáng phấn khởi, hy vọng sẽ đem lại nhiều cơ may để du lịch Thới Sơn cất cánh, đáp ứng sự kỳ vọng của khách du lịch gần, xa…

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung