» Giới thiệu » Tham quan » Điểm hẹn tâm linh
26/03/2014
CHÙA ÂNG - ANGKORAJABOREY (TRÀ VINH)
Nằm cạnh quốc lộ 53 trong khuôn viên thắng cảnh Ao Bà Om thuộc khóm 4, phường 8, thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh), cách trung tâm thành phố chừng 5km và đối diện Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh, chùa Angkorajaborey là một trong những ngôi chùa cổ nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Trà Vinh, đẹp và độc đáo với những giá trị tôn giáo, nghệ thuật, văn hóa, điêu khắc…, được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 25-8-1994.
Chùa Âng giữa không gian tĩnh mịch – Ảnh: Mk. Thành
Nhiều giá trị về tôn giáo và nghệ thuật – Ảnh: Mk. Thành
CHÙA ÂNG QUA KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN
Không chỉ là một cơ sở thờ tự của tôn giáo, chùa Âng còn là một trung tâm văn hóa, nghệ thuật, giáo dục quan trọng. Ngoài những giá trị tự thân như những bức tượng, bích họa, điêu khắc, trang trí - mỹ thuật, những công trình kiến trúc…, nhà chùa còn quan tâm đến việc bảo tồn, phổ biến những kinh điển, giáo lý, sách báo, các tác phẩm văn học nghệ thuật quan trọng… Chùa Âng còn là nơi dạy chữ Khmer cho trẻ em, sư sãi trong vùng và là nơi thanh niên Khmer dễ dàng đến tu học.
Chánh điện chùa Âng – Ảnh: Mk. Thành
Chi tiết trang trí mái, nóc mái, đầu đao – Ảnh: Mk. Thành
Mặc dù tại bảng giới thiệu “Di tích lịch sử văn hóa chùa Văn Minh” có ghi rõ chùa Âng khai sơn từ năm 990 (PL 1543) nhưng xem ra thông tin này cũng chỉ là tương truyền và chưa được kiểm chứng. Dựa vào một số tài liệu còn lưu truyền cũng như tính theo đời các vị trụ trì, có khả năng chùa được xây dựng từ năm 1695 (PL 2239) với ngôi chánh điện, ban đầu chỉ bằng tre lá. Đến năm 1842 (PL 2386) chùa đã được dựng lại với tường xây, mái lợp ngói, cột chính và rui, mè đều bằng gỗ qúy. Chùa đã qua bảy đợt trùng tu sửa chữa mới có diện mạo như hiện nay.
Một góc khuôn viên chánh điện – Ảnh: Mk. Thành
Trang trí bên trên cổng chùa Âng – Ảnh: Mk. Thành
Chùa Âng được xây dựng theo phong cách kiến trúc chùa Khmer Nam bộ, trên một khu đất có diện tích 32.749,6m² hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên. Cổng chùa được thiết kế theo kiểu “tam quan”, bên trên trang trí ba ngọn tháp tượng trưng với hình chằn Yeak và Rea Hu trong động thái tay cầm mặt trăng như thể đang nuốt vào. Hai bên trụ cổng có đắp hình nữ thần Kâÿno và tượng Krũd mình người đầu chim.
Cổng chùa Âng – Ảnh: Mk. Thành
Tượng Krũd và nữ thần Kâÿno trên cổng chùa – Ảnh: Mk. Thành
Tên gọi của chùa và cách sử dụng không thống nhất nơi đây hẳn gây ít nhiều bối rối cho những ai quan tâm. Ở cổng chùa xây dựng năm 1958, tên chùa được ghi rõ là “Angarrãjapurĩ”. Tại phòng Trụ trì ghi “Angkorajaborey (Âng)” và trên bảng giới thiệu của Ban Quản lý di tích lịch sử, tên chùa được ghi là “Ang Korrajaborey (Âng)” và thêm cả tên tiếng Việt là “Chùa Văn Minh”. Thực tế, có thể hiểu tên “Âng” là từ tên “Angarrãjapurĩ” của chùa gọi tắt mà thành; còn trong ngôn ngữ Khmer, “Angarrãjapurĩ” có nghĩa là “Văn minh”.
Trang trí ở đầu hồi và mái – Ảnh: Mk. Thành
Đầu thần Mama Prưm bốn mặt – Ảnh: Mk. Thành
CẤU TRÚC CHÙA ÂNG
Như bao ngôi chùa Khmer khác thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông, bên trong chánh điện chùa Âng chỉ thờ duy nhất Phật Thích ca. Giữa trang chính là bệ thờ rộng gần 30m² gồm bốn bậc, tại đây tôn trí tượng Phật chính (Prachhi) bằng xi-măng cao 2,1m sơn son thếp vàng, phía trước và sau còn an vị các tượng Phật khác nhỏ hơn với những thần thái hết sức sinh động, gồm 43 tượng bằng đá, 11 tượng bằng đồng, 7 tượng bằng đồng thau và 50 tượng bằng xi-măng.
Trang thờ trong chánh điện – Ảnh: Mk. Thành
Trang thờ phía dưới ngay cửa ra vào – Ảnh: Mk. Thành
Chánh điện (Vihia) chùa Âng quay mặt về hướng Đông, tọa lạc trên một nền cao 2m gồm hai bậc, có tổng diện tích 1.064,75 m², bao quanh khuôn viên là hào nước sâu. Mái chánh điện lợp ngói, cấu tạo gồm ba cấp được chống đỡ bởi 12 cột gỗ, mái trên cùng dốc và cao hơn hai tầng mái còn lại. Tại hai đầu nóc trang trí rắn thần Naga cách điệu, đơn giản và thanh thoát với dáng uốn cong mềm mại; riêng tại các đầu đao đầu rắn thần Naga lại có hình dạng khỏe khoắn với nhiều chi tiết chạm trổ công phu. Tại hai đầu hồi hình tam giác có trang trí đắp nổi hình theo các chủ đề kinh điển Bà la môn giáo, được gọi là “hồ cheang”. Ở các đầu cột là những tượng nữ thần Kẽn naarr và tượng Krũd hai tay chống đỡ mái. Quanh chánh điện là những trụ cột, hàng rào với đầu vị thần bốn mặt Mara Prưm, nữ thần Kâÿno, những tượng chằn Yeak mặc áo giáp với khuôn mặt dữ dằn…
Các bức bích họa trên trần – Ảnh: Mk. Thành
Cỗ quan tài bằng gỗ được chạm trỗ tỉ mỉ – Ảnh: Mk. Thành
Trên trần chánh điện trang trí bốn bức bích họa lớn mô tả bốn giai đoạn trong cuộc đời Đức Phật: đản sinh, xuất gia, đắc đạo và nhập niết bàn. Tại ba bức tường chánh điện có nhiều bức tranh vẽ giới thiệu cuộc đời Đức Phật. Hai bên tường còn đặt hai dãy tủ kính lưu trữ những kinh điển, giáo lý, sách báo, các tác phẩm văn học nghệ thuật quan trọng… Cũng tại đây còn có 20 đồ dùng sinh hoạt bằng bạc, đồng, gỗ, gốm, trong đó có một quả chuông và hai chiếc trống. Bên ngoài chánh điện, tại hành lang còn đặt một cỗ quan tài bằng gỗ có chạm trổ và sơn son thếp vàng.
Phòng Trụ trì (giữa) và trai đường – Ảnh: Mk. Thành
Tăng xá – Ảnh: Mk. Thành
Trong khuôn viên chánh điện còn có nhiều hạng mục công trình khác như trai đường (Salaten), giảng đường (Salarian), phòng Trụ trì, các tăng xá, các tháp chứa di cốt cùng hàng trăm cây cổ thụ… Qua sự xếp đặt và bàn tay tài khéo của các nghệ nhân, tất cả đã trở nên hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên, tạo cho chùa nét an nhiên bình dị, có sức hấp dẫn đặc biệt với nhiều khách tham quan.
Tủ lưu trữ các tài liệu và hiện vật qúy – Ảnh: Mk. Thành
Chuông và trống trong chánh điện – Ảnh: Mk. Thành
● ● ●
Tham quan chùa Âng, du khách được dịp chiêm ngắm những giá trị kiến trúc, nghệ thuật độc đáo của chùa Khmer Nam bộ, với sự dung hợp cách khéo léo cả 3 yếu tố văn hóa: bản địa, Bà la môn và Phật giáo.
Thư thả tản bộ quanh chùa giữa không gian tĩnh lặng, du khách có thể bất chợt nghe tiếng trẻ em ê a đọc chữ hay tiếng kinh kệ ngân nga - một cảm xúc thần thánh về sự hòa quện tuyệt hảo giữa thiên nhiên và cuộc sống thanh bình…
Mai Kim Thành