thu nhỏ | phóng to

16/05/2014

CHÂU BẢN TRIỀU NGUYỄN - DI SẢN TƯ LIỆU CHƯƠNG TRÌNH KÝ ỨC THẾ GIỚI


Ngày 14-5-2014, tại Phiên họp thứ 2, Hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) diễn ra tại Quảng Châu (Trung Quốc) với sự tham gia của 54 đại biểu đến từ 17 quốc gia, đã thông qua hồ sơ và công nhận Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam là Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO năm 2014. Các chuyên gia thuộc Tiểu ban đăng ký của MOWCAP cũng như các quốc gia thành viên đã đánh giá cao tính xác thực, độc đáo, duy nhất, tính quý hiếm… về giá trị nội dung và tầm ảnh hưởng của Châu bản triều Nguyễn đối với khu vực và quốc tế.

Châu bản triều Nguyễn  

Châu bản triều Nguyễn trở thành Di sản tư liệu thế giới thứ 4 của Việt Nam được UNESCO công nhận – Ảnh: Hoàng Hà (nguồn vnexpress.net)

Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, hồ sơ đăng ký chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương) được trình lên vào năm 2013 với tên gọi Châu bản triều Nguyễn (1802 - 1945). Danh mục di sản đề cử là toàn bộ khối châu bản triều Nguyễn gồm 773 tập, tương đương gần 200.000 tờ tài liệu của 11 triều vua nhà Nguyễn, từ khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802 đến khi vua Bảo Đại thoái vị năm 1945, hiện được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (thuộc Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ). Hầu hết các văn bản này đều được viết trên giấy dó - một loại giấy qúy làm hoàn toàn bằng thủ công từ vỏ cây dó, được đóng dấu hợp pháp của nhà vua và của các cơ quan có thẩm quyền.

 Văn bản do vua Bảo Đại bút phê

Văn bản do vua Bảo Đại bút phê – Ảnh: nguồn tuoitre.vn

Đây là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của một vương triều phong kiến ở Việt Nam, với hơn 20 loại hình văn bản gồm chiếu, dụ, chỉ, sắc, sớ, tấu, khải, bẩm, tư, phúc, phiến trình, trát sức, thông tri, phiếu nghĩ… phần lớn là bản gốc, trong đó chứa đựng nhiều thông tin phong phú về chính sách ngoại giao thông qua các văn thư ngoại giao, các hiệp ước, thương ước trao đổi ký kết giữa triều đình với các nước Trung Hoa, Lào, Campuchia, Thái Lan, Pháp, Anh, Tây Ban Nha…, báo cáo của các sứ đoàn ngoại giao triều Nguyễn được cử ra nước ngoài cũng như hàng loạt báo cáo của các cơ quan trong bộ máy chính quyền về việc giao thương buôn bán với các nước. Điều thú vị, trong số hơn 85.000 "văn bản" được lưu giữ, giới nghiên cứu đã tìm thấy khá nhiều thông tin về việc thực thi chủ quyền biển đảo của triều Nguyễn, đặc biệt là với trường hợp 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 Cuộc triển lãm tại Hà Nội năm 2012

Cuộc triển lãm Châu bản triều Nguyễn tại Hà Nội năm 2012 – Ảnh: Chiêu Minh (nguồn thethaovanhoa.vn)

Tính đến nay, Việt Nam đã được UNESCO công nhận 4 Di sản tư liệu, gồm Mộc bản triều Nguyễn (2007), 82 Bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (2010), Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm (2012) và Châu bản triều Nguyễn (2014). 

ASEANtraveller.net     

Danh mục nội dung