» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Làng nghề

thu nhỏ | phóng to

20/06/2014

LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG TỦ THỜ GÒ CÔNG


Nằm tại ấp Ông Non, xã Tân Trung (thị xã Gò Công - tỉnh Tiền Giang), cách thành phố Mỹ Tho 40km về hướng Đông và cách thành phố Hồ Chí Minh chừng 60km về hướng Đông Nam, làng đóng tủ thờ Gò Công là một làng nghề truyền thống hình thành từ hàng trăm năm khi dòng người từ phương Bắc lần bước vào phương Nam theo con đường trường chinh mở cõi. Sản phẩm tủ thờ Gò Công hiện diện trong đời sống tâm linh của cư dân Nam bộ như một hình ảnh gần gũi thân quen, trở thành nét văn hóa của một vùng đất mới đầy sinh động…

MANH NHA MỘT LÀNG NGHỀ

Mỗi khi nhắc đến vùng đất Gò Công, có lẽ hình ảnh gợi nhớ nhất trong tâm tưởng nhiều người là những chiếc tủ thờ, sản phẩm mang đậm nét văn hóa, thể hiện sự hiếu nghĩa trong thờ cúng tổ tiên của nhiều gia đình người Việt. Theo truyền tụng, vào khoảng giữa thế kỷ XIX, tại vùng đất Gò Công đã xuất hiện nhóm bốn anh em ông Vương Văn Non từ miền Bắc về đây lập nghiệp. Trong hành trang mang theo của các ông, đáng chú ý nhất là chiếc tủ thờ gia tiên kiểu hai trụ và vốn lận lưng là nghề thợ mộc. Cả bốn anh em ông Non đã phát triển nghề đóng tủ thờ và truyền nghề cho bà con quanh vùng.

Làng nghề Tủ thờ Gò Công  

Làng nghề Tủ thờ Gò Công – Ảnh: nguồn tuthogocong.net

Một câu chuyện lưu truyền khác cũng kể rằng, cách nay hơn trăm năm, đã có người thợ mộc gốc Huế chuyển vào vùng đất Gò Công định cư. Trong nỗi niềm tha hương vọng nhớ quê nhà, ông đã đem mấy tấm gỗ qúy mua được đóng thành chiếc tủ để thờ cúng tổ tiên. Chiếc tủ này tuy mang hơi hướng văn hóa chốn thần kinh nhưng cũng pha trộn hài hòa nhiều nét văn hóa đất phương Nam, vô hình trung đã đặt nền tảng khai sinh ra làng nghề đóng tủ thờ danh tiếng tại vùng đất Gò Công.

Một số bậc cao niên lại quả quyết người đầu tiên đóng tủ thờ là ông Nguyễn Ngọc Hải, sinh năm 1890 vốn xuất thân làm nghề thợ mộc. Do nhu cầu của người tiêu dùng trong làng, ông đã chuyển qua đóng tủ, bàn thờ rồi dạy cho các học trò cùng làm. Theo thời gian, nghề đóng tủ thờ nơi đây đã ngày càng phát triển, tạo nên một làng nghề nổi tiếng. 

Chiếc tủ thờ - hình ảnh quen thuộc  

Chiếc tủ thờ - hình ảnh quen thuộc trong nhiều gia đình – Ảnh: nguồn tuthogocong.wix.com

Riêng ông Ba Đức tức Ngô Tấn Đức, một nghệ nhân lão luyện đã gần 80 tuổi và là chủ nhân của gần chục cơ sở mang tên Ba Đức lại cho biết một thông tin khác. Theo ông, người hành nghề đóng tủ thờ đầu tiên chính là cụ Nguyễn Văn Non, tức ông Cả Non, vì vậy mà về sau tên ông đã được dùng đặt thành ấp “Ông Non” thuộc xã Tân Trung - thị xã Gò Công ngày nay… (trong nghề, ông Ba Đức thuộc đời thứ tư, do bố vợ truyền nghề - vợ ông là cháu gọi ông Cả Non là ông cố nội).

Trên những chiếc ghe chài, tủ thờ của xóm Ông Non được các thương hồ chở đi bán khắp nơi và rất được khách hàng ưa chuộng, đã dần hình thành thương hiệu “tủ thờ Gò Công”. Đáng tiếc là cho đến nay, chưa một tư liệu chính thống nào ghi chép về nguồn gốc hình thành và quá trình phát triển của làng nghề đóng tủ thờ được tìm thấy, dẫn đến hệ lụy là khó khẳng định được thời điểm xuất hiện nghề cũng như ai thực sự là người đã tiên phong đưa nghề đóng tủ thờ về vùng đất Gò Công.

những mảng màu trai sáng lung linh

Tủ thờ lên nước với những mảng màu trai sáng lung linh – Ảnh: nguồn daidoanket.vn

Những người cố cựu gắn bó với nghề đóng tủ thờ ở Gò Công hẳn khó quên một sự kiện trong quá khứ, đã tác động tích cực đến hoạt động của làng nghề. Năm 1936, một người thợ tên Nhâm đã hình thành chiếc tủ thờ theo lối cách tân với mặt tủ cẩn đá mài và đem sản phẩm tham gia Hội chợ Sài Gòn. Sản phẩm này được trao tặng bằng khen đã góp phần làm vinh danh và mở ra cơ hội cho tên tuổi tủ thờ Gò Công bay xa. Từ thành công này, ông Nhâm đã mạnh dạn mở cửa hiệu “Nhâm - Sơn Quy” tại số 350 B, đường Quai de Belgique (Sài Gòn) nhằm mở rộng thị trường, đồng thời cũng nâng cao giá trị của chiếc tủ thờ Gò Công.

Tuy tủ thờ Gò Công được nhiều tín nhiệm trên thị trường và đã được trao huy chương vàng tại Hội chợ Giảng Võ (Hà Nội) năm 1984, nhưng nghề đóng tủ thờ Gò Công không phải không có những thăng trầm. Từ khoảng giữa thập niên 1980 khi kinh tế đất nước bị ảnh hưởng của cơn suy thoái kinh tế toàn cầu, nghề đóng tủ thờ đã rơi vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng - các nghệ nhân làng nghề bị một phen lao đao phải bôn ba khắp nơi kiếm sống bằng nghề đóng bàn ghế. Phải đến những năm cuối thập niên 1990 khi nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục, những nghệ nhân lành nghề đang lưu lạc khắp nơi mới lục tục kéo về bắt tay xây dựng lại làng nghề. Một số thợ giỏi đã mở cơ sở sản xuất tủ thờ riêng, tạo cho làng nghề Ông Non một sinh khí mới. 

 Tủ thờ Gò Công

Tủ thờ Gò Công ngày càng được cải tiến – Ảnh: nguồn rongbay.com

Xóm đóng tủ thờ Ông Non đã được UBND tỉnh Tiền Giang cho chuyển đổi thành “Làng nghề truyền thống Tủ thờ Gò Công” từ năm 2004, có thương hiệu hẳn hoi và là một trong những làng nghề đầu tiên được tỉnh Tiền Giang công nhận. Theo thống kê mới nhất, toàn xã Tân Trung có hơn 80% hộ có người hành nghề đóng tủ thờ với 186 cơ sở vừa sản xuất vừa gia công, quy tụ hàng ngàn lao động có chuyên môn. Sản phẩm của làng nghề gồm tủ thờ và vật dụng trang trí nội thất bằng gỗ, với các họa tiết chạm trổ, cẩn, khảm xà cừ rất tinh tế, nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn được xuất ra cả nước ngoài. Hiện làng nghề đóng tủ thờ Gò Công đã có Hiệp hội làng nghề và cũng có hẳn một nghiệp đoàn.

ĐỘC ĐÁO TỦ THỜ GÒ CÔNG

Tủ thờ Gò Công từ lâu đã nổi tiếng với kiểu dáng trang nghiêm, các chi tiết kết nối được xử lý bằng mộng, ngàm và chốt gỗ chứ không dùng đến đinh hay ốc vít, đặc biệt nguyên liệu để đóng tủ thờ trải qua bao đời cũng chỉ là loại gỗ xà cừ rất dân dã, vậy mà qua bàn tay tài khéo của những người thợ Gò Công, những tấm gỗ xà cừ đã lên nước, kết hợp với những màu trai hay xà cừ tạo nên vẻ đẹp huyền bí, lung linh…

 Chiếc tủ thờ được đóng bằng gỗ qúy

Chiếc tủ thờ 30 trụ được đóng bằng gỗ qúy – Ảnh: nguồn tuthogocongvn.com

Tuy ngày nay tủ được đóng bằng nhiều loại gỗ qúy như gõ, mun, sến, lim, cẩm lai, trầm hương… theo thị hiếu khách hàng, đã tạo nên những sản phẩm có giá trị, nhưng điều làm cho cả những người thợ lão luyện nhất cũng khó lý giải, là dường như loại gỗ xà cừ đã bén duyên cách thần diệu với tủ thờ Gò Công, đến nỗi chỉ duy với gỗ xà cừ, chiếc tủ thờ mới đẹp, mới có hồn chứ không phải với bất cứ loại danh mộc nào khác. Một trong những kiệt tác tủ thờ được hình thành trên nền chất liệu gỗ xà cừ, đã từng tham gia nhiều cuộc triển lãm cả trong lẫn ngoài nước là tác phẩm của lão nghệ nhân tài hoa Ba Đức, hiện được đặt tại phòng trưng bày Sở Công thương tỉnh Tiền Giang.

Khác với tủ thờ Bắc không có trụ, tủ thờ Gò Công nhờ có trụ nên trông chỉnh chu và chửng chạc hơn. Theo quy ước, một chiếc tủ gồm 4 phần: khuôn tộ, khuôn cửa tiền, chân qùy và cây chỉ đắp (thường gọi là trụ). Thoạt đầu, những chiếc tủ thờ mang kích thước khá khiêm tốn với chỉ ba trụ đứng. Theo thời gian, chiếc tủ thờ đã ngày càng “hoành tráng” với 19, 21, 29 trụ, thậm chí đến 30 trụ như chiếc tủ do lão nghệ nhân Ba Đức thực hiện vào cuối năm 2013 với giá 750 triệu theo đặt hàng của một vị khách ở Củ Chi.

 Công đoạn lắp ráp tủ thờ

Công đoạn lắp ráp tủ thờ – Ảnh: nguồn nguoilambao.thotre.com

Quy trình đóng tủ thờ gồm các công đoạn như làm khuôn tộ, khuôn thùng, mé hông, khuôn cửa tiền, chân qùy, chỉ đắp… đã ngày càng được cải tiến theo hướng chuyên biệt và cơ giới hóa. Khác hẳn ngày xưa người thợ phải học việc từ cưa xẻ gỗ đến bào, đục… thủ công với thời gian có thể lên đến hai năm, việc đào tạo thợ ngày nay đã đơn giản hơn và được chuyên môn hóa theo từng lãnh vực như cưa, mộc, cẩn, tiện, sơn với sự hỗ trợ của máy móc. Những thế hệ về sau đã cải thiện, chăm chút để chiếc tủ thờ được thăng hoa, trở thành một tác phẩm nghệ thuật thực sự với nhiều chi tiết khắc họa công phu.

Về mặt trang trí, chiếc tủ thờ ngày nay không chỉ dừng lại ở khung cửa tiền mà còn được mở rộng đến cả chân qùy, cánh cửa… Nếu như trước đây tủ thờ Gò Công chủ yếu cẩn bông dâu ở cửa tiền, thì nay họa tiết đã rất phong phú với các đề tài hay điển tích được lấy từ văn học cổ Trung Hoa như “Bách tiên kỳ thú”, “Nhị thập tứ hiếu”, “Bát tiên quá hải”, “Long phụng quần hào”…; ở dàn trụ đứng giữa tủ cẩn ba ông Phước, Lộc, Thọ; ở mỗi bìa cẩn Mai - Lan - Cúc - Trúc và ở chân qùy cẩn mai hóa long (rồng) hay “Song long tranh châu”… Cùng với kỹ thuật cẩn, khảm tỉ mỉ, kỹ thuật chạm, khắc gỗ cũng rất công phu, đã tạo nên nét tinh tế, trang nghiêm cho chiếc tủ thờ Gò Công.

 Cẩn hoa văn

Cẩn hoa văn cho tủ thờ Gò Công – Ảnh: nguồn tranduythai.violet.vn

Với tiếng tăm và uy tín của mình, tủ thờ Gò Công ngày nay đã có mặt khắp từ Nam chí Bắc và ra cả nước ngoài, nơi có cộng đồng người Việt định cư. Với những nét thẩm mỹ mang sắc thái Việt cổ cùng những mảnh ghép bằng vỏ trai, xà cừ tinh tế rất gần gũi với văn hóa Á Đông, chiếc tủ thờ Gò Công đã làm nổi bật nét đẹp văn hóa thờ cúng đặc sắc của dân tộc Việt. Hiện tủ thờ Gò Công đã được bài trí tại những nơi trang nghiêm như đền thờ các Vua Hùng (Phú Thọ), đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (làng Sen - Nghệ An) và trong dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tiền Giang cũng đã gởi đến thủ đô một chiếc tủ thờ đặc sắc, như một cách thể hiện tấm lòng hướng vọng về cội nguồn dân tộc.

Ngày nay Làng nghề truyền thống Tủ thờ Gò Công đã trở thành “địa chỉ đỏ” thu hút nhiều khách tham quan và mua sắm. Không chỉ có thế, Gò Công còn là vùng đất của hai bậc mẫu nghi thiên hạ là Hoàng Thái hậu Từ Dũ và Hoàng hậu Nam Phương, quê hương của các anh hùng dân tộc Trương Định, Võ Tánh… Trong bán kính chừng 10km từ trung tâm thị xã, du khách có thể tham quan lăng Trương Định tại phường 1, cụm lăng Hoàng gia gồm nhà thờ và phần mộ Quốc công Phạm Đăng Hưng (ông ngoại vua Tự Đức và là thân sinh Thái hậu Từ Dũ) trên giồng Sơn Quy, những ngôi nhà cổ có từ thời Pháp thuộc mà nổi bật có dinh Chánh Tham biện quen được gọi là dinh Ông Chánh…

 Biển Tân Thành

Biển Tân Thành - sân nghêu khổng lồ – Ảnh: Huỳnh Hằng (infonet.vn)

Gò Công còn hấp dẫn du khách bởi không khí mát lành của bãi biển Tân Thành thuộc huyện Gò Công Đông dài hơn 7km, cách thị xã Gò Công chừng 16km. Tuy nước đục cát đen và không thể tắm nhưng biển nơi đây là một sân nghêu khổng lồ và nghêu Tân Thành là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được chấp nhận ở thị trường châu Âu (EU). Du khách sẽ rất hào hứng với việc tìm hiểu cách nuôi nghêu, cách bắt nghêu và thưởng thức món nghêu luộc “lụi” ngay tại biển mà không cần thêm món gia vị nào khác. Bên cạnh đó, biển Tân Thành cũng nổi tiếng với những hải sản như ốc móng tay, ốc hương, sam biển… Du khách đến Gò Công sẽ khó quên những đặc sản của vùng đất này như tôm chua, tôm nõn, mắm còng, đặc biệt trái sơ-ri với cả một vùng chuyên canh nằm ở xã Hòa Nghi, có trái ngọt và chắc hơn những vùng đất khác.

● ● ●

Trải qua hàng trăm năm, những bàn tay tài khéo của người thợ Gò Công đã biến những phiến gỗ vô tri thành những chiếc tủ thờ có mặt ở khắp nơi, qua đó cũng giúp mọi người hiểu được nét độc đáo, tính nhân văn của việc thờ cúng tổ tiên, là ý niệm liên kết cộng đồng trong mối tương quan gia đình, dòng họ… Nhìn những chiếc tủ thờ được chăm chút với tất cả tấm lòng, hẳn trong tâm ai cũng gợn lên ít nhiều cảm kích nhớ về tổ tiên, nguồn cội.

 Khu du lịch sinh thái Bình An

Khu du lịch sinh thái Bình An - biển Tân Thành – Ảnh: Mk. Thành

Điểm đáng trân trọng, chính nghề đóng tủ thờ đã giúp giải quyết công ăn việc làm cho không ít thanh niên địa phương, đồng thời cũng góp phần tích cực tạo nên một thương hiệu cho nghề đóng tủ thờ tại vùng đất Gò Công. Mong rằng giới hữu trách sẽ có kế hoạch củng cố thương hiệu gắn với phát triển du lịch, tạo nên sự cộng hưởng để không chỉ làng nghề mà còn cả du lịch địa phương phát triển, thăng hoa…

Mai Kim Thành (Tổng hợp)    

Danh mục nội dung