» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng
09/10/2014
THÀNH CỔ INTRAMUROS (MANILA - PHILIPPINES)
Đến thủ đô Manila của Philippines - một thành phố vừa cổ kính vừa hiện đại, dù đi giữa khu đô thị tráng lệ hay lạc vào những khu phố đượm màu cổ tích, du khách không khó để nhận ra nơi đây, mỗi một công trình kiến trúc đều gợi liên tưởng về quá khứ… Điều này hiển hiện rõ nét nhất ở khu thành cổ Intramuros, nơi lịch sử cận đại Philippines với những bước thăng trầm vẫn còn hiện rõ qua những công trình còn sót lại của người Tây Ban Nha…
INTRAMUROS BÊN DÒNG LỊCH SỬ
Trong lịch sử Philippines, khu vực thành phố Manila hiện nay được biết đến sớm nhất qua những ghi chép trong thế kỷ X. Thành phố này có lúc đã trở thành bộ phận của đế chế Majapahit, rồi bị Sultan Bolkiah của Vương quốc Brunei xâm chiếm năm 1485, lập nên Kota Saludong (nay là Manila) như một quốc gia vệ tinh và Hồi giáo hóa trên danh nghĩa.
Quần thể thành cổ Intramuros – Ảnh: nguồn happydaystravel.com.vn
Khi những nhà chinh phục người Tây Ban Nha đến, họ đã cai trị vùng đất này như một lãnh thổ của Tây Ban Nha, biến Manila thành trung tâm các hoạt động của Tây Ban Nha tại Viễn Đông, một đầu của tuyến mậu dịch thuyền buồm Manila - Acapulco kết nối châu Âu, Mỹ Latin và châu Á. Năm 1571, với mục đích duy trì sự thống trị lâu dài và làm nản lòng các nỗ lực phản kháng của người dân Philippines, Tây Ban Nha đã cho xây dựng hệ thống thành lũy tại bờ phía Nam ngay cửa ngõ dòng sông Pasig, đồng thời họ cũng thể chế hóa việc cai trị của mình qua việc thành lập Hội đồng thành phố vào ngày 24-6-1571 tại nơi mà ngày nay là quận Intramuros.
Sơ đồ hệ thống thành cổ – Ảnh nguồn deletoloza.com
Hệ thống thành lũy rộng 64 hecta này được đặt tên “Intramuros” - theo ngôn ngữ Philippines có nghĩa là “bên trong tường thành”. Đây là một khu hành chánh gồm tòa nhà dành cho bộ máy cai trị cùng nhiều công trình dân dụng khác như biệt thự, lâu đài, nhà thờ, trường học…, đặc biệt pháo đài Santigo được xây dựng về sau. Điều đáng chú ý là trong khu vực thành lũy này chỉ dành cho người Tây Ban Nha sinh sống và người bản địa tuyệt đối không được đặt chân vào.
Bức tường của Intramuros – Ảnh: nguồn whereinmanila.com
Thực tế hệ thống thành lũy Intramuros đã được xây dựng trải dài hàng chục năm, qua nhiều đời lãnh đạo cai trị thuộc địa. Ban đầu khu tường được dựng bằng gỗ, đến năm 1590 mới được Santiago - vị tổng đốc người Tây Ban Nha đầu tiên của Philippines cho phá bỏ và xây dựng lại kiên cố bằng đá dày, với chiều cao đến 6m và tổng chiều dài 4,5km gồm hệ thống hào sâu bao quanh, bên cạnh đó còn bổ sung thêm tháp canh và pháo đài. Thành Intramuros có tám cổng vào và đều có cầu rút. Mỗi ngày từ 11 giờ đêm đến 4 giờ sáng, binh lính canh gác sẽ rút cầu nối lên và cổng thành cũng được đóng lại. Sau trận động đất năm 1852, có lẽ để bảo đảm an toàn cho cư dân bên trong thoát hiểm mỗi khi có sự cố mà tình trạng “rút cầu đóng thành” đã không còn được duy trì.
Intramuros với hệ thống hào bao quanh thành – Ảnh: nguồn blogs.vsj.com
“Intramuros” bề thế và kiên cố là vậy nhưng trải bao biến thiên dâu bể, công trình này khó tránh khỏi bị tổn hại bởi quy luật thịnh suy, hưng phế của thời cuộc. Tuy có nhiều công trình đã bị tàn phá trong chiến tranh hoặc do thiên tai nhưng những gì còn lại cũng đủ để chúng ta hình dung về một thời vàng son của những người đi chinh phục…
LỐI XƯA XE NGỰA…
Du khách đến Manila ngày nay thích ghé thăm khu thành cổ Intramuros bởi nơi đây đã từng chứng kiến nhiều thăng trầm trong lịch sử Philippines, khu vực và thế giới trong giai đoạn từ 1521 - 1946, ghi dấu không chỉ những chiến tích hào hùng mà còn cả bi tráng của đất nước Philippines trong suốt thời thuộc địa…
Một không gian châu Âu – Ảnh: nguồn yannahthewanderer.com
Bước qua cổng thành là một không gian châu Âu, cổ kính với những con đường lát đá có vỉa hè nhỏ gọn vừa đủ cho hai xe hơi tránh nhau. Ven đường là những căn nhà được xây theo kiểu biệt thự một trệt một lầu, lơ lửng bên khung cửa sổ là những chậu hoa hoặc bóng đèn tạo nên một không khí yên bình, thi thoảng mới thấy một chiếc xe ngựa lóc cóc chầm chậm đưa khách du lịch tham quan quanh thành cổ.
Nhà thờ Chánh tòa Manila – Ảnh: nguồn juice.ph
Tuy trong đệ nhị thế chiến cũng như qua thời gian, nhiều công trình quan trọng bên trong Intramuros đã bị tàn phá, nhưng vẫn còn lại một số công trình đáng kể được bảo tồn khá tốt như Nhà thờ Quiapo lớn và quy mô nhất mang phong cách đặc trưng của kiến trúc cổ Tây Ban Nha (nay là nhà thờ Chính tòa Manila), Nhà thờ và bảo tàng San Augustin - ngôi nhà thờ cổ nhất Philippines và là một trong bốn ngôi nhà thờ chính theo kiến trúc Baroque được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới năm 1994, những công trình in đậm dấu ấn văn hóa Tây Ban Nha như Học viện giáo dục Pamantasan ng Lungsod ng Maynila (cổ nhất Philippines), Trường San Juan de Letran, Trường Trung học Manila, Trường Trung học Santa Rosa… cùng các khu dân cư làm nên một không gian Tây Âu cổ kính giữa lòng một đất nước Đông Nam Á đang trên đà phát triển.
Cổng vào pháo đài Santiago – Ảnh: nguồn amazingphototour.vn
Ngoài các công trình dân sinh, ngay tại cửa sông Pasig về phía Bắc của tường thành Intramuros nổi bật sừng sững một công trình quân sự: pháo đài Fort Santiago. Du khách đến đây có thể dễ dàng nhận ra những vết đạn lở hoác trên những bức tường thành Almacenes Reales cao ngất, những chuồng cọp nơi từng giam giữ hàng ngàn chiến sĩ Philippines hay những khẩu pháo có tuổi đời hàng trăm năm…
Những bước chân của nhà yêu nước – Ảnh: Kim Dung (nguồn tinnong.vn)
Pháo đài Santiago ngày trước từng được dùng làm trại tập trung hay giam giữ hàng ngàn người yêu nước Philippines trong đó có cả anh hùng dân tộc José Rizal thời chính quyền thuộc địa Tây Ban Nha còn cai trị. Ngày nay cả khu vực tường thành và các khu phòng trại bên trong pháo đài đa phần đều bị phủ kín rêu phong, chỉ còn một vài lối mòn dành cho du khách đi lại tham quan. Du khách đến đây có thể nhìn thấy những dấu chân được phục dựng từ bước chân của nhà yêu nước José Rizal bị đưa từ trại giam này ra pháp trường ở Bagumbayan ngày 30-12-1896…
Lối xưa xe ngựa… – Ảnh: nguồn newsinfo.inquirer.net
● ● ●
Tham quan Intramuros, du khách có thể bằng xe ngựa hoặc tricycle, nhưng sẽ thú vị hơn khi thong dong thả bộ để được dịp tìm hiểu kỹ hơn về văn hóa, lịch sử hoặc chỉ đơn thuần là tận hưởng cảm giác lội ngược dòng thời gian… Ghé thăm nơi đây vào những ngày lễ, tết hoặc ngày nghỉ, du khách sẽ đối mặt một không gian vắng lặng, dường như chỉ còn nghe tiếng vó ngựa đưa khách tham quan gõ đều đặn xuống mặt đường - một chút gờn gợn như thể đang lạc vào vùng cổ tích, ở đó mỗi một động tĩnh đều chạm vào nét cổ kính yên bình trong một không gian hoài niệm miên man…
Mai Kim Thành (Tổng hợp)