» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Lễ hội
24/01/2015
LỄ HỘI CHÙA PHAUNG DAW OO (MYANMAR)
Myanmar là một quốc gia nằm trong truyền thống văn hóa phương Đông, lại chịu ảnh hưởng sâu đậm của tín ngưỡng Phật giáo, không lạ khi đa phần các hoạt động văn hóa, lễ hội của đất nước này đều mang đậm dấu ấn nhà Phật… Một trong những hoạt động văn hóa truyền thống tiêu biểu và quan trọng nhất ở Myanmar là lễ hội chùa Phaung Daw Oo tại bang Shan, một lễ hội kéo dài đến 18 ngày nhằm biểu tỏ lòng kính ngưỡng chư Phật của cư dân vùng hồ Inle…
HỒ INLE QUA THỜI GIAN VÀ LỊCH SỬ…
Inle là hồ nước ngọt tự nhiên nằm cạnh thị trấn Nyaung Shwe thuộc bang Shan rộng lớn của miền Trung Myanmar, trên cao độ 875m so với mực nước biển. Với diện tích mặt hồ gần 250km², tuy chỉ là hồ nước ngọt lớn thứ nhì Myanmar nhưng Inle được đánh giá đẹp nhất ở xứ sở “chùa vàng”. Không chỉ có giá trị về mặt cảnh quan, vùng hồ Inle còn mang trong mình cả những giá trị tôn giáo trải qua thời gian và lịch sử…
Hoàng hôn trên hồ Inle – Ảnh: nguồn flickr.com
Tương truyền vào thế kỷ XII, vị vua Alaungsithu của đế chế Bagan vốn là một Phật tử thuần thành, đã dành nhiều thời gian chu du khắp vương quốc của mình và xây dựng nhiều công trình Phật giáo, trong đó ấn tượng nhất phải kể đến ngôi đền Thatbyinnyu ở Bagan. Vua Alaungsithu chính là người đã đưa về khu vực hồ Inle năm hình tượng Phật còn hiện hữu đến ngày nay.
Chùa Phaung Daw Oo trên hồ Inle – Ảnh: nguồn citizenfresh.deviantart.com
Không rõ trong thời gian đầu năm hình tượng Phật do vua Alaungsithu đem về đã được tôn trí tại đâu, nhưng từ khi ngôi chùa Phaung Daw Oo hình thành vào thế kỷ XVIII tại gần cuối phía Tây hồ Inle, thì năm hình tượng Phật này đã được đưa về an vị tại chùa này. Tuy quanh khu vực hồ Inle hiện có rất nhiều ngôi chùa hay tự viện nhưng với sự hiện diện của năm hình tượng Phật huyền thoại, Phaung Daw Oo đã trở thành ngôi tự viện nổi tiếng nhất, đồng thời cũng là ngôi tự viện “bề thế” nhất khu vực, nổi bật giữa bầu trời xanh với mái màu đỏ sơn thếp vàng…
Chỉ nam tín đồ mới được ốp vàng lên hình tượng – Ảnh: nguồn irrawaddy.org
Thực tế là cho đến nay, chưa ai biết rõ dáng dấp nguyên thủy của năm hình tượng Phật chùa Phaung Daw Oo như thế nào, cũng có thể đấy chỉ là những khối đá mang tính biểu tượng, được tin là đem lại sự may mắn và bình yên cho cư dân sống quanh hồ. Với chiều cao 12 - 16 inches (khoảng 30 - 40cm), các hình tượng này được các nam tín đồ sùng mộ dát vàng, qua thời gian đã dày lên đến nổi làm mất đi các chi tiết tạo tác ban đầu, chỉ còn lại hình thù của những khối vàng bầu bĩnh tựa những chiếc hồ lô (!)…
Năm hình tượng Phật chùa Phaung Daw Oo – Ảnh: nguồn inleparadise.com
Hàng năm cứ đến thời điểm trăng tròn tháng Thadingyut của lịch Myanmar, cư dân sống quanh vùng hồ Inle cùng chùa Phaung Daw Oo lại rộn ràng mở hội để tỏ lòng kính ngưỡng chư Phật. Vào dịp này, năm hình tượng Phật chùa Phaung Daw Oo sẽ được rước lên một chiếc thuyền hoàng gia, thánh du trên hồ và ghé thăm các làng quanh hồ, với sự tháp tùng của đoàn thuyền các cư dân địa phương…
Theo truyền tụng, vào dịp lễ hội năm 1965, gặp lúc thời tiết xấu, chiếc thuyền hoàng gia đã bị sóng lớn làm lật úp kéo theo các hình tượng Phật bị rơi xuống hồ. Mọi người hốt hoảng lặn tìm nhưng chỉ tìm được bốn hình tượng, đành phải trở về chùa Phaung Daw Oo trong niềm tiếc nuối khôn nguôi. Về đến chùa, những người rước tượng hôm đó đã hết sức kinh ngạc khi nhìn thấy hình tượng thứ năm tưởng đã thất lạc, lại đang an vị tại vị trí cũ như chưa hề có sự dịch chuyển nào cả. Từ đó về sau hình tượng này vĩnh viễn được an vị trong chùa, chỉ có bốn hình tượng còn lại mới tham gia thánh du thường niên…
LỄ HỘI PHAUNG DAW OO TRÊN HỒ INLE
Diễn ra vào dịp trăng tròn của tháng Thadingyut (tháng thứ 7 của lịch Myanmar, khoảng từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 dương lịch), Phaung Daw Oo là một trong những lễ hội quan trọng và tiêu biểu nhất tại bang Shan nói riêng và Myanmar nói chung, kéo dài đến 18 ngày với mục đích biểu tỏ lòng kính ngưỡng chư Phật. Lễ hội Phaung Daw Oo được tổ chức gồm hai nội dung chính: phần lễ là rước chư Phật quanh các khu làng, trang trại nổi thuộc khu vực hồ Inle và phần hội là hoạt động đua thuyền truyền thống cùng một số hoạt động văn hóa khác…
Phiên bản thuyền hoàng gia Karaweik – Ảnh: nguồn oddee.com
Đoàn rước là một tổ hợp đầy sinh động, di chuyển tuần tự từ làng này sang làng khác quanh hồ Inle theo chiều kim đồng hồ, hình thành một cuộc diễu hành vô tận của màu sắc và truyền thống. Nổi bật nhất trong đoàn rước là chiếc thuyền hoàng gia tượng trưng cho sự hiện diện của hoàng gia Karaweik xưa. Chiếc thuyền này tuy là phiên bản nhưng được thiết kế và mạ vàng công phu với phần đầu và đuôi trang trí hình ảnh chim thần Hintha trong thần thoại Myanmar, ở giữa là gian thánh điện dành tôn trí các hình tượng Phật, với ba ngọn tháp trên mái theo phong cách Pyatthat của Myanmar xưa.
Chiếc thuyền hoàng gia được kéo bởi 100 “chân” chèo – Ảnh: AP - nguồn economictimes.indiatimes.com
Có lẽ để giữ sự yên lặng tôn nghiêm mà chiếc thuyền hoàng gia đã không tự di chuyển, nó được kéo bởi những chiếc thuyền dài huy động đến cả trăm “chân chèo” trong trang phục truyền thống đủ màu sắc, với những động thái khua chèo bằng chân rất nhịp nhàng uyển chuyển. Theo sau còn có các tàu thuyền của cư dân địa phương làm thành một đám rước ấn tượng trên mặt nước hồ Inle… Khi ghé vào các làng, các chùa địa phương sẽ cung thỉnh chư Phật về an vị qua đêm, tạo thuận tiện cho các tín đồ đến kính viếng lễ Phật…
Hội đua thuyền trong lễ hội Phaung Daw Oo – Ảnh: nguồn epoca-globo.com
Với cách chèo thuyền đứng và bằng chân độc đáo của cánh đàn ông Myanmar không thấy ở nơi nào trên thế giới, hội đua thuyền là một trong những nét đặc biệt và thu hút nhất của lễ hội. Trong tiếng hò reo, cổ vũ của người dân dọc theo triền bờ hồ, các chân chèo trong trang phục truyền thống ra sức chèo lái đưa chiếc thuyền về đích, với tốc độ và sự linh hoạt thật đáng nể phục… Bên cạnh đó, những cuộc đua thuyền bằng tay chèo của nữ giới, với những điệu múa truyền thống, những bộ trang phục dân tộc màu sắc trang nhã cũng tạo nên những nét dung dị, góp phần vào thành công và sự phong phú của lễ hội chùa Phaung Daw Oo…
Những tay chèo nữ cũng tham gia hội đua thuyền – Ảnh: nguồn tin.vn
Lễ hội Phaung Daw Oo diễn ra vào thời điểm cuối mùa mưa tại Myanmar, thời tiết mát mẻ nên rất lý tưởng cho người phó hội. Vào dịp này, nhiều người từ các vùng đồng bằng, một số từ các vùng núi hay các làng bản xa xôi đã đổ dồn về đây vừa để lập công đức, vừa có dịp hòa mình vào không khí tưng bừng của lễ hội, thưởng thức các điệu múa hay nghệ thuật âm nhạc truyền thống Shan, tham gia hội chợ và đặc biệt cổ vũ cho các màn đua thuyền giữa các làng…
● ● ●
Có thể nói lễ hội Phaung Daw Oo với đoàn thuyền đầy màu sắc, diễu hành từ làng này sang làng khác quanh hồ Inle cùng những chân chèo truyền thống Myanmar là những hình ảnh ấn tượng, đầy sinh động và ngoạn mục nhất trong không gian lễ hội Myanmar.
Du khách đến với lễ hội Phaung Daw Oo, không chỉ được hòa vào niềm vui của không khí lễ hội và trải nghiệm tinh thần Phật giáo trong một không gian văn hóa đặc trưng, mà còn được dịp chiêm ngắm vẻ đẹp tự nhiên của cảnh quan hồ Inle, một trong những viên ngọc sáng của du lịch Myanmar luôn hấp dẫn khách du lịch…
Mai Kim Thành (Tổng hợp)