» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Làng nghề
15/04/2015
LÀNG CỔ ĐIÊU KHẮC GỖ KEMENUH VÀ MAS (BALI - INDONESIA)
Nằm trong quần đảo Sunda Nhỏ, đảo Bali là điểm đến lớn nhất và nổi tiếng nhất của du lịch Indonesia, được mệnh danh “thiên đường nhiệt đới”. Không chỉ thu hút nhiều khách du lịch bởi những cảnh quan xinh đẹp, Bali còn là vùng đất giàu văn hóa với nhiều lễ hội và những ngôi đền độc đáo nổi lên giữa mặt nước biển, đặc biệt nền nghệ thuật phát triển với đủ loại hình, từ ca vũ nhạc Bali đến điêu khắc, hội họa, thuộc da, luyện kim… đã hình thành những làng nghề thủ công truyền thống trong đó có làng nghề điêu khắc gỗ.
LÀNG NGHỀ GỖ NGÀN NĂM TUỔI
Do điều kiện phát triển đặc thù, hiện trên đảo Bali còn không ít những ngôi làng truyền thống vẫn giữ được phong tục, tập quán văn hóa lâu đời của tổ tiên. Điển hình có thể kể đến làng Kemenuh nằm ở rìa sông Petanu thuộc huyện Sukawati và làng Mas nằm cách thị trấn Ubud 15km về phía Đông đảo Bali thuộc huyện Ubud, hai trong số những ngôi làng cổ nhất với nghề điêu khắc gỗ nổi tiếng có thâm niên cả ngàn năm. Điều thú vị là do hai làng có cùng ngành nghề, lại ở gần nhau nên nhiều du khách đã ngộ nhận xếp chung Kemenuh và Mas thành một địa danh: Kemenuh Mas.
Sản phẩm làng nghề điêu khắc gỗ – Ảnh: John Georgiou (nguồn flickr.com)
Điểm độc đáo của hai làng Kemenuh và Mas là những cư dân ở đây, từ thế hệ này sang thế hệ khác, dù lớn tuổi hay còn nhỏ đều nắm vững các bí quyết của nghề truyền thống, có khả năng điêu khắc các tượng gỗ cách thuần thục. Qua đôi bàn tay khéo léo, những khúc gỗ qúy như tếch, gụ, mun, dâm bụt, đàn hương… có nhiều ở các đảo Java, Sumatra, Sulawesi đã nhanh chóng trở thành những đồ mỹ nghệ thờ cúng nổi tiếng không chỉ ở vùng Bali mà còn trên khắp đất nước Indonesia.
Nghệ nhân lớn tuổi tại làng nghề điêu khắc gỗ – Ảnh: nguồn pegipegi.com
Tuy đã tồn tại cả chục thế kỷ nhưng cư dân hai làng Kemenuh và Mas sẽ khó quên thời điểm năm 1999 khi chính quyền tỉnh Bali nhìn nhận các làng nghề như là những điểm nhấn quan trọng trong phát triển du lịch của hòn đảo Bali xinh đẹp. Cùng với việc hỗ trợ các Hiệp hội làng nghề đào tạo kỹ năng, tay nghề và cấp chứng chỉ nghề cho người lao động, chính quyền còn hỗ trợ người dân những khoản vay ưu đãi để mua và phát triển gỗ nguyên liệu, áp dụng mức thuế ưu đãi đối với những sản phẩm thủ công, tập trung quảng bá lịch sử làng nghề, tổ chức nhiều cuộc triển lãm giới thiệu sản phẩm ra nước ngoài, từ đó các làng nghề cùng các sản phẩm không chỉ được biết đến trong phạm vi nhỏ hẹp của địa phương…
Sản phẩm với đường nét tinh tế – Ảnh: nguồn balidrivers.com.au
Với việc được đào tạo bài bản kết hợp bí quyết gia truyền, người dân hai làng nghề gỗ đã biết đa dạng hóa và tập trung vào độ tinh xảo của sản phẩm, nhờ vậy thương hiệu làng nghề ngày càng được củng cố và nâng cao. Cũng do ảnh hưởng trào lưu điêu khắc châu Âu, hoạt động điêu khắc tại các làng nghề đã bước vào một thời kỳ phát triển mới khi tập trung điêu khắc cho nhu cầu thương mại…
Làng Mas sinh động với những cửa hàng – Ảnh: nguồn dulichbali.com.vn
Vậy là từ một xã hội thuần nông nghiệp, các làng Kemenuh và Mas đã song hành xã hội thợ thủ công và cho đến nay còn được phát triển thành một xã hội của cả thương mại và mua sắm… Do ảnh hưởng mạnh mẽ của dòng chảy du lịch, hiện ở đây đã trở thành tụ điểm tham quan và các dịch vụ du lịch cũng phát triển “ăn theo” làm thay đổi diện mạo cả một vùng quê…
TOUR BỘ HÀNH KHÁM PHÁ LÀNG DU LỊCH VĂN HÓA
Trong tinh thần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên đảo Bali, chính quyền địa phương đã khéo vận dụng những ưu thế tự nhiên kết hợp với yếu tố tâm linh và tinh hoa làng nghề… Nhiều tuyến du lịch tâm linh và khám phá làng văn hóa đã được mở ra, trong đó có tour bộ hành (trekking) khám phá làng nghề gỗ Kemenuh và Mas - hai trong số những ngôi làng ở Bali được xác định là vùng quê nghệ thuật, nơi tập trung chủ yếu các sản phẩm điêu khắc gỗ nằm giữa cảnh quan thiên nhiên khá ngoạn mục tách biệt với không khí náo nhiệt chốn thị thành…
Nghệ nhân làng nghề đang tác nghiệp – Ảnh: nguồn sc.bitscn.com
Nếu lấy làng Mas làm trung tâm, về phía Nam có làng Butuan nổi tiếng với các bức tranh truyền thống theo phong cách Butuan; phía Tây là làng Lod Tunduh cũng nổi tiếng với các bức tranh vẽ; phía Bắc là làng Peliatan nổi tiếng với các điệu múa truyền thống và các nhóm vũ công; phía Đông là làng Kemenuh; phía Đông Bắc là Gua Gajah, một địa điểm du lịch nổi tiếng với nền văn hóa và khảo cổ có thể xem như đại diện của sự đa dạng và tính năng khảo cổ trong nền văn hóa Bali. Ngoài ra, cũng tại phía Bắc còn hiện diện Bảo tàng Rudana, một trong những bảo tàng về nghệ thuật hoành tráng của Bali, đặc biệt là hội họa.
Du khách đang xem các nghệ nhân tác nghiệp – Ảnh: nguồn anggunbalitours.com
Đến với hai làng truyền thống điêu khắc gỗ, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến các công đoạn điêu khắc, từ chọn gỗ đến định hình và hoàn thiện sản phẩm, mới thấy hết sự điêu luyện của những người thợ điêu khắc nơi đây. Du khách có thể tìm mua những mặt hàng gỗ được chế biến thủ công rất tinh tế, được bày bán tại các phòng trưng bày hoặc gian hàng nghệ thuật. Du khách thích khám phá vẻ đẹp tự nhiên đậm chất thôn dã cũng có thể tham gia trải nghiệm hai con đường đi bộ được thiết lập từ làng Kemenuh, là những tour bộ hành rất được ưa chuộng bởi khách du lịch cả trong nước và quốc tế.
Đa dạng mẫu mã điêu khắc gỗ – Ảnh: nguồn balihotels-tours.blogspot.com
Con đường thứ nhất khởi từ ấp Tengkulak đi qua khu vực ruộng lúa, du khách có dịp tìm hiểu nền văn hóa địa phương vẫn được bảo tồn qua các sinh hoạt của người nông dân, từ tay cày đến việc trồng lúa, trồng rau, khoai lang và các loại cây khác, các hệ thống thủy lợi của Bali cùng không khí tươi mát dễ chịu từ thiên nhiên. Khi đến đền Dalem Ki Patih Pasung Grigis, du khách sẽ tạm dừng chân để cảm nhận hào quang của ngôi đền ghi dấu lịch sử của Bali và của cả indonesia trước khi tiếp tục đi sâu khám phá các nền văn hóa địa phương. Du khách có thể xem cảnh người dân tắm sông, thăm ruộng lúa của Thủ Bác Batugaing và có dịp chứng kiến tài trèo cây hái dừa của các nông dân, thưởng thức dòng nước mát ngọt từ những trái dừa non. Hành trình sẽ kết thúc tại sân đền Batugaing.
Thác Tegenungan – Ảnh: nguồn reditour.com
Con đường thứ hai bắt đầu từ sân đền Pemuteran tại Kemenuh có giá trị lịch sử gắn với Ida Pedanka Sakti Wawurawuh - một đầu mục liên quan đến việc cải cách Ấn Độ giáo tại Bali. Đây là ngôi đền do vợ ông thành lập, đã biến bà trở thành bất tử trong cộng đồng tín ngưỡng địa phương. Hành trình tiếp tục với mặt bằng hỏa táng, nơi được cho là vị trí hỏa táng thi hài bà vợ của đầu mục Ida Pedanka Sakti Wawurawuh. Trên hành trình này, người tham gia cũng có dịp nhìn thấy hai cây ô-liu Java đã hàng trăm năm tuổi, tham quan Setra Gandamayu hoặc nghĩa trang… Cuộc hành trình tiếp tục đến đền Kemenuh tại Dalem Agung tôn vinh Ida Pedanka Kemenuh, một trong những người con của Ida Pedanka Sakti Wawurawuh - chính từ tên của vị đầu mục này mà về sau làng được đặt tên Kemenuh. Vượt qua những cánh đồng và làng lúa, hành trình kết thúc ở thác nước Tegenungan…
● ● ●
Điều không thể phủ nhận là du lịch Bali đang ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt khách du lịch. Du khách đến Bali không chỉ bởi nơi đây thủ đắc nhiều cảnh biển xinh đẹp, mà còn bởi Bali là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, nơi tập trung những ngôi đền nổi tiếng, những lễ hội sinh động, những làng nghề với những sản phẩm mang nhiều dấu ấn địa phương…
Điêu khắc gỗ tại làng Kemenuh – Ảnh: nguồn balibagustourandtravel.com
Với chính sách đúng đắn khi nhìn nhận các làng nghề như những điểm nhấn quan trọng trong phát triển du lịch, Bali đã đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đưa được nhiều sản phẩm thủ công ra thế giới, góp phần tích cực trong cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống của các cư dân…
Mai Kim Thành (Tổng hợp)