» Giới thiệu » Tham quan » Điểm hẹn tâm linh

thu nhỏ | phóng to

09/08/2015

THÁNH ĐƯỜNG HỒI GIÁO MASJID ISTIQLAL (JAKARTA - INDONESIA)


Sau khi cuộc cách mạng giành độc lập của Indonesia phát động năm 1945 kết thúc ngoạn mục bằng việc buộc Hà Lan phải thừa nhận nền độc lập của đất nước này vào năm 1949, Wahid Hasyim - một Bộ trưởng trong nội các đầu tiên cùng với Anwar Cokroaminoto (sau này được bổ nhiệm làm Chủ tịch Masjid Istiqlal Foundation) đã đưa ra ý tưởng xây dựng một ngôi đại thánh đường quốc gia cho nước cộng hòa mới thống nhất nhằm bày tỏ lòng tri ân Đấng Allah vì đã phù trợ đất nước thoát khỏi ách thống trị của Hà Lan (từ 1596) và Nhật Bản (từ 1942 - 1945), đồng thời cũng  biểu thị nền độc lập của Indonesia…

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH…

Năm 1953, Ủy ban Phát triển Istiqlal Mosque (PPMI) đã được Tổng thống Soekarno cho thành lập nhằm chuẩn bị xây dựng ngôi thánh đường quốc gia tại thủ đô Jakarta. Nhiều địa điểm đã được đề xuất trong đó có đề nghị của Phó Tổng thống Mohammad Hatta tại vị trí gần khu dân cư trên đại lộ Thamrin, nơi ngày nay hiện diện khách sạn Indonesia. Tuy nhiên, Tổng thống Soekarno đã nhấn mạnh đến ý nghĩa quốc gia của ngôi thánh đường: phải có vị trí ngay tại chính tâm thành phố theo truyền thống Java, phải gần Merdeka Palace, quảng trường Medeka, kể cả gần nhà thờ Công giáo Jakarta như một thông điệp gởi đến mọi người về sự hòa hợp và khoan dung tôn giáo…  

 Hòa hợp và khoan dung tôn giáo

Biểu tượng hòa hợp và khoan dung tôn giáo – Ảnh: nguồn thejakartapost.com

Theo ý kiến chỉ đạo của Tổng thống, vị trí công viên Wilhemina lúc bấy giờ còn là một nơi hoang vu và nhếch nhác với nguồn nước tù đọng đã được chọn lựa. Để có mặt bằng chỉnh chu cho công trình đại thánh đường, một số tàn tích còn sót lại như các bức tường của trụ pháo đài Frederik Hendrik cùng những tòa nhà hoang phế do Hà Lan xây dựng từ năm 1837 đã được phá bỏ. Đến năm 1955, PPMI đã phát động cuộc thi thiết kế ngôi đại thánh đường với giải thưởng tiền mặt 75.000 RP cùng 75 gram vàng. Hội đồng giám khảo ngoài Tổng thống Soekarno còn có những Giáo sư danh tiếng như Ir. Rooseno, Ir. H. Djuanda, Ir. Suwardi, Hamka, H. Abubakar Aceh, Oemar Hussein Amin.

 Sơ phác “Masjid Istiqlal”

Sơ phác “Masjid Istiqlal” với chủ đề “Niềm tin” – Ảnh: nguồn flickriver.com

Đã có 27 đồ án thiết kế tham gia cuộc thi với 5 đề tài được chọn vào chung khảo, gồm “Niềm tin” (F. Silaban), “Istighfar” (R. Oetoyo), “Chúc mừng” (Hans Groenewegen), “Ilham 5” (nhóm 5 sinh viên ITB), “Chatulistiwa” (nhóm 3 sinh viên ITB). Sau quá trình xem xét nghiêm túc, ngày 5-7-1955, Tổng thống Soekarno và Hội đồng giám khảo đã nhất trí chọn đồ án “Niềm tin” của Frederick Siolaban - một kiến trúc sư Công giáo nổi tiếng đến từ thành phố Bonandolok (Bắc Sumatra) và là một trong những sinh viên tốt nghiệp tốt nhất từ Bouwkunst Académie Amsterdam (Hà Lan) năm 1950. Để hoàn thành bản đồ án này, F. Silaban đã phải dành nhiều thời gian nghiên cứu các thể loại cấu trúc xây dựng Thánh đường Hồi giáo trên khắp thế giới, đồng thời cũng tìm hiểu tâm tư cùng cung cách hành lễ của người Hồi giáo tại Indonesia…

 Tượng đài Quốc gia

Tượng đài Quốc gia về đêm – Ảnh: nguồn sukaterbang.com

Tuy đã chọn được thiết kế nhưng do bầu khí chính trị vào thời điểm này đang sôi động với nhiều dự án của chính quyền, trong đó có dự án Đài kỷ niệm của Gelora Senayan, Tượng đài quốc gia, các ngọn hải đăng cùng nhiều dự án khác, việc xây dựng ngôi thánh đường do vậy cũng bị trì hoãn một thời gian… Đến 21-5-1961 nhân kỷ niệm ngày “Awakening” (Tĩnh thức), hơn 50.000 người gồm đủ mọi thành phần xã hội đã tập trung tại công viên Wilhelmina. Sau bài phát biểu của Bộ Trưởng Bộ Tổng Chưởng lý, mọi người đã hào hứng ra sức làm đẹp công viên, chuẩn bị mặt bằng cho việc xây dựng ngôi thánh đường quốc gia.

 Rực rỡ trong đêm

Masjid Istiqlal rực rỡ trong đêm – Ảnh: nguồn fotografi.master.web.id

Ba tháng sau, lễ đặt viên đá đầu tiên xây cất ngôi đại thánh đường đã được tổ chức trọng thể vào ngày 24-8-1961 với sự chủ trì của Tổng thống Soekarno. Điểm đáng lưu ý là tuy mang phong cách hiện đại nhưng do được giản lược trong kiến trúc, cộng với việc quản lý mới có hiệu quả đã cho phép nhiều công trình hoàn thành sớm hơn dự kiến. Cụ thể tòa nhà chính - đại sảnh và cũng là trung tâm hành lễ chính đã được hoàn thành trong vòng 6 năm. Ngày 31-8-1967 đã vang lên tiếng “azan” đầu tiên, kêu mời mọi người đến hành lễ trong giờ “Maghrib”.

Đại sảnh với 12 trụ cột

Không gian đại sảnh với 12 trụ cột – Ảnh: nguồn sonlamtravel.com

Sau gần 17 năm thi công, ngôi đại thánh đường đã được long trọng khánh thành vào ngày 22-2-1978 dưới sự chủ trì của Tổng thống Suharto, trở thành ngôi thánh đường Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á và lớn thứ ba trên thế giới. Là công trình pha trộn giữa kiến trúc Indonesia, Trung Đông và châu Âu có tính đến sự hiện diện trong khu vực nhiệt đới, “Masjid Istiqlal” không chỉ tạo nên nét thanh thoát nhẹ nhàng bởi màu trắng tinh khiết của đá cẩm thạch được lấy từ Tulungagung (phía Đông đảo Java), mà còn mang ý nghĩa của sự hòa hợp tôn giáo tại đất nước Hồi giáo đông dân nhất thế giới…

MASJID ISTIQLAL

Tên “Masjid Istiqlal” xuất phát từ “Istiqlal” trong ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là “Độc lập”, vì vậy mà nó còn được biết đến với tên gọi “Thánh đường Hồi giáo Độc lập” (Independence Mosque).

 Toàn cảnh

Toàn cảnh không gian Thánh đường Masjid Istiqlal – Ảnh: nguồn islamicity.com

Tọa lạc trên diện tích khuôn viên 9,32ha được ôm gọn bởi dòng sông Ciliwung chảy qua từ phía Đông, Thánh đường Masjid Istiqlal là một phức hợp khá tinh tế gồm hai cấu trúc hình vuông và hình chữ nhật được xây nổi để trống tầng trệt bên dưới, đưa không gian sinh hoạt lên cao hơn mặt bằng chung quanh. Tuy chỉ chiếm chừng 26% tổng diện tích nhưng nhờ các hành lang liên kết bên ngoài đã hình thành hai sân thượng, mở rộng đáng kể không gian thực tế, tạo cho ngôi thánh đường vẻ bề thế đồng thời giữ được sự thông thoáng tĩnh lặng thuận tiện cho việc cầu nguyện và giao tiếp với thần linh.

Tòa đại sảnh & tòa nhà phụ

Tòa đại sảnh là nơi tập trung hành lễ chính, có hình vuông mái bằng, cao 60m, mỗi cạnh 100m. Bên trên thiết kế một mái vòm hình bán cầu đặc trưng của Thánh đường Hồi giáo. Vòm cầu này được làm bằng khung thép không gỉ của Cộng hòa Liên bang Đức, có đường kính 45m với trọng lượng 86 tấn. Con số 45 nhằm biểu thị việc Indonesia tuyên bố độc lập vào năm 1945. Bên ngoài mái vòm được phủ bằng một lớp gốm, trên nóc gắn biểu tượng vành trăng khuyết và ngôi sao bằng thép không gỉ có đường kính 3 mét, nặng 2,5 tấn. Bên trong mái vòm có khắc bài kinh Al-fatiha, câu 14 của chương Taha và Surat Al-Ikhlas. Bao quanh và nâng đỡ mái vòm là 12 cột có đường kính 2,6m, cao 12m, biểu thị ngày sinh của Tiên tri Muhammad.

Đại sảnh đường 

Không gian đại sảnh đường – Ảnh: nguồn klikhotel.com

Toàn bộ tòa đại sảnh được bao phủ bởi những tấm thảm đỏ do Sheikh Esmail ABU David, một doanh nhân đến từ Ả Rập tặng vào ngày 3-6-2005, gồm 18 tấm khổ 25m x 4m, mỗi tấm nặng khoảng 250kg.

Có 7 lối vào Thánh đường, tượng trưng cho 7 tầng thiên đường trong vũ trụ học Hồi giáo. Tại góc Đông Nam tòa đại sảnh có đặt một cái trống làm bằng gỗ cây Meranti đỏ 300 năm tuổi lấy từ Đông Kalimantan. Trống được bịt bằng da bò, có đường kính phía trước 2m, phía sau 1,71m và dài 3m với tổng trọng lượng 2,3 tấn. Là một trong những khí cụ đặc biệt, trống chỉ được sử dụng trong các nhà thờ Hồi giáo tại Indonesia.

Bên trong mái vòm  

Bên trong mái vòm tòa đại sảnh – Ảnh: nguồn skyscrapercity.com

Nằm ngay phía sau gần với tòa đại sảnh là một tòa nhà mái bằng 5 tầng cao 52m, dài 33m và rộng 27m. Con số “5” là biểu thị cho 5 trụ cột của Hồi giáo. Trên đỉnh có một trụ tháp, bên trên là một mái vòm hình cầu. Hai bên tòa nhà đều có cửa và lối lên sân thượng, Đây là nơi các giáo đoàn có thể đến làm việc và tạm lưu trú. Trong trường hợp đặc biệt, khi trung tâm hành lễ chính tại tòa đại sảnh bị quá tải, nơi đây sẽ linh động trở thành điểm cầu nguyện (solah).  

 Công trình phụ

Công trình phụ phía sau tòa đại sảnh – Ảnh: nguồn tempo.co

Những công trình khác…

Bên dưới ngôi thánh đường là một không gian trống với diện tích khoảng 2,5 hecta, được sử dụng làm nơi ẩn nấp của người dân Jakarta trong trường hợp hiểm nguy, khẩn cấp… Tại các phía Đông, Nam và Bắc có bố trí các Wudu (giếng rửa tội), đủ cho 660 người thực hiện tẩy thể cùng một lúc, ngoài ra còn có nhà vệ sinh, phòng tắm chia thành hai khu vực riêng cho nam và nữ giới… Năm 1978, theo lệnh của Tổng thống Suharto, tầng này đã được sử dụng làm văn phòng của các tổ chức tôn giáo.

 Các dãy hành lang

Các dãy hành lang tạo thành hai sân thượng – Ảnh: nguồn city-data.com

Với mục đích mở rộng không gian thực tế, các dãy hành lang nối kết đã hình thành hai sân thượng, vô hình trung giải tỏa được áp lực khi lượng tín đồ tập trung quá đông vào mỗi dịp lại cầu nguyện đặc biệt như Eid ul-Fitr và Eid ul-Adha. Nơi đây cũng dành phục vụ cho những sự kiện tôn giáo lớn.

Nằm về phía Tây Nam dãy hành lang là một cột tháp cao 96,6m với đường kính 5m. Đây là nơi phát ra những thông tin thông báo đến giờ hành lễ. Tháp gồm hai phần: phần bên dưới cao 66,66m được làm bằng đá cẩm thạch tượng trưng cho 6.666 câu trong kinh Qur’an, phần đỉnh bên trên của ngọn tháp cao 30m tượng trưng cho 30 “juz” (chương) của kinh Qur’an.

 Thánh đường Masjid Istiqlal

Thánh đường Masjid Istiqlal – Ảnh: nguồn trouvetamosquee.fr

Khu vực cảnh quan gồm 4,15ha chia thành 23 địa điểm, nhiều địa điểm được đặt tên dựa vào loại cây chiếm ưu thế. Tại phía Nam có một hồ nước lớn với diện tích 11.293m², giữa hồ có một hồ chứa nước sạch đường kính 45m, ở giữa là một đài phun có thể đưa nước lên cao 45 feet (13,72m). Bãi đậu xe rộng 2,15ha có sức chứa 800 xe hơi. Nối với bãi đậu xe là ba cây cầu lớn bắc qua sông rộng 18,6m, dài 21 – 25m; ngoài ra còn có một cầu nhỏ cho người đi bộ, tất cả đều được làm bằng thép không gỉ.

● ● ●

Là một công trình tín ngưỡng đồ sộ và hiện đại tại ngay đất nước có lượng tín đồ Hồi giáo đông nhất thế giới, Thánh đường Masjid Istiqlal không chỉ thể hiện vẻ đẹp ở sự dung hợp các trường phái kiến trúc  Á - Âu, mà còn mở ra cách tiếp cận độc đáo về sự tiếp thu có chọn lọc nhiều nền văn hóa, góp phần thúc đẩy sự hòa hợp và khoan dung giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau tại một quốc gia vừa đạt nền độc lập…

 Tiền đường Masjid Istiqlal

Tiền đường Masjid Istiqlal – Ảnh: nguồn simbi.kemenag.go.id

Không dừng lại ở một cơ sở tín ngưỡng thuần túy, Thánh đường Masjid Istiqlal ngày nay còn là một trung tâm văn hóa, rất sinh động với các hoạt động đa diện của nhiều tổ chức Hồi giáo như Masjid Hội đồng Châu Á và Thái Bình Dương, Hội đồng những thánh đường Hồi giáo Indonesia, Trung tâm thư viện giáo Indonesia, Trung tâm 4…

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Danh mục nội dung