» Giới thiệu » Tham quan » Điểm hẹn tâm linh

thu nhỏ | phóng to

03/10/2015

ĐÌNH THẦN NGUYỄN TRUNG TRỰC TẠI PHÚ QUỐC


Trong ý đồ giáng cho triều đình Huế một đòn cân não trước khi tiến hành thôn tính nước Đại Nam, Liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã lên kế hoạch đánh chiếm nhanh Đà Nẵng. Tuy nhiên, kế hoạch này của họ đã sớm bị phá sản khi vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân dân miền Trung. Bị cầm chân ở Sơn Trà (Đà Nẵng), Liên quân Pháp - Tây Ban Nha đành phải áp dụng thế tằm thực, hoặc đánh ra Bắc hoặc xâm chiếm Nam kỳ… 

 Pháp chiếm thành Gia Định

Liên quân Pháp Tây Ban Nha đánh chiếm thành Gia Định – Ảnh tư liệu: nguồn lichsuvietnam.vn

Sau khi phân tích tình hình, viên tướng chỉ huy liên quân Pháp - Tây Ban Nha Charles Rigualt de Genouilly đã quyết định đánh chiếm Sài Gòn, nơi có thể “vừa lập nghiệp, vừa phòng thủ, vừa hành binh, vừa lưu thông thương mại”, ngoài ra việc đánh chiếm Sài Gòn còn cắt đứt được đường tiếp tế lương thực (từ vựa lúa Mỹ Tho) của triều đình Huế - một yếu tố chiến lược giúp thuận lợi trong việc làm chủ lưu vực sông Mekong và xa hơn nữa, cả phía Bắc… Ngay từ rạng sáng 17-2-1859, nhiều công trình quân sự của vương triều nhà Nguyễn ở Sài Gòn đã bị liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công và phá hủy… Chỉ sau một thời gian ngắn, quân Pháp đã chiếm đóng Sài Gòn, tỉnh thành của Gia Định lúc bấy giờ, mở ra giai đoạn kháng Pháp hào hùng của các sĩ phu yêu nước Nam kỳ…

CHÂN DUNG MỘT VỊ ANH HÙNG...

Trong số những anh hùng dân tộc tham gia kháng Pháp tại miền Nam cuối thế kỷ XIX như Đỗ Trình Thoại, Trương Định ở Gò Công, Trần Xuân Hòa ở Mỹ Tho, Nguyễn Trung Trực ở Tân An, Thiên Hộ Dương ở Đồng Tháp Mười, Quản Là ở Tây Ninh…, Nguyễn Trung Trực không chỉ là một thủ lĩnh kiệt xuất mà còn được mến mộ và nhớ đến nhiều nhờ ở câu trả lời viên Thống soái Nam kỳ, phản ảnh khí phách hiên ngang của một bậc trượng phu, vì nghĩa lớn xem cái chết nhẹ tựa lông hồng…

 Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực – Ảnh tư liệu: nguồn thuvienlichsu.com

Sinh năm Đinh Dậu (1837) tại huyện Cửu An, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay thuộc địa phận xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), Nguyễn Trung Trực xuất thân trong một gia đình làm nghề chài lưới ở hạ lưu sông Vàm Cỏ, cha là Nguyễn Văn Phụng (còn có tên Nguyễn Cao Thăng), mẹ là Lê Kim Hồng. Theo một số tài liệu, ông nội của Nguyễn Trung Trực là Nguyễn Văn Đạo, vốn là ngư dân xóm Lưới thuộc thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định (thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định ngày nay).  

Thuở nhỏ, Nguyễn Trung Trực được đặt tên là Chơn. Cũng từ tên Chơn cộng với tính tình ngay thẳng, ông được thầy dạy học đặt thêm tên hiệu là Trung Trực. Đến năm 1859 khi đăng lính bảo vệ đại đồn Chí Hòa dưới quyền chỉ huy của Trương Định, Chơn đã đổi tên thành Nguyễn Văn Lịch. Năm 1861, cùng với phong trào cả nước chống giặc, anh Lịch đã chiêu mộ một số nông dân đánh phá các đồn Pháp ở các vùng thuộc phủ Tân An, rồi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Tân An (nay là thành phố tỉnh lỵ tỉnh Long An) và Rạch Giá (nay là thành phố tỉnh lỵ tỉnh Kiên Giang). Nhờ lập được nhiều chiến công, anh Lịch được triều đình Huế phong chức Quyền sung Quản đạo nên còn được gọi là Quản cơ Lịch, rồi Hà Tiên thành thủ úy trấn giữ đất Hà Tiên.

Tiểu hạm L’ Espérance  

Tiểu hạm L’ Espérance của Pháp được phục dựng theo nguyên mẫu, làm bối cảnh cho bộ phim “Anh hùng Nguyễn Trung Trực” – Ảnh: Kim Chi (nguồn infonet.vn)

Cuối năm 1861, Quản cơ Lịch cùng các nhà yêu nước thuộc quyền như Phó Quản binh Huỳnh Khắc Nhượng, Võ Văn Quang, Nguyễn Văn Điền (hay Điều), Nguyễn Học, hương thôn Hồ Quang Chiêu… đã có dịp phối hợp với nghĩa quân của Trương Định, tổ chức phục kích đốt cháy tàu L’ Espérance - Hy vọng của Pháp tại vàm Nhật Tảo (Bến Lức) vào trưa ngày 10-12-1861, tiêu diệt và làm nhiều địch quân chết đuối khiến chỉ huy Bonard phải một phen thất kinh khiếp hãi. Sau khi lập nên chiến tích lớn, Quản cơ Lịch đã đổi tên thành Nguyễn Trung Trực và tên này được sử dụng cho đến tận ngày Ông hy sinh.

Sau khi triều đình Huế buộc phải ký hiệp ước Nhâm Tuất - 1862 nhường ba tỉnh miền Đông Nam kỳ cho Pháp, Nguyễn Trung Trực được phong làm Lãnh binh và vẫn tiếp tục chiến đấu trên địa bàn Gia Định, Biên Hòa. Ngày 23-6-1867 khi thành Hà Tiên thất thủ, Nguyễn Trung Trực đã rút quân về Rạch Giá, lập căn cứ tại Hòn Chông và tiếp tục chiến đấu. Ngày 16-6-1868, nghĩa quân Nguyễn Trung Trực bất ngờ đánh úp đồn Rạch Giá (nay thuộc khu vực Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang), giết tên Chánh Phèn - Chủ tịch tỉnh Rạch Giá, tiêu diệt 5 sĩ quan cùng 67 lính Pháp, thu nhiều súng đạn và làm chủ tình hình vùng Rạch Giá trong năm ngày đêm. Đây là một trong những trận đánh làm kinh động cả Soái phủ Nam kỳ, được người Pháp ghi lại trong quân sử của họ.

 phim “Anh hùng Nguyễn Trung Trực”

Cảnh trong phim “Anh hùng Nguyễn Trung Trực” – Ảnh: Kim Chi (nguồn infonet.vn)

Trước thất bại thảm hại thất thủ đồn Kiên Giang, ngày 18-6-1868 Bộ chỉ huy Pháp ở Mỹ Tho đã điều viện binh từ Vĩnh Long do Trung tá Leonard Ansart chỉ huy. Tuy nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đã chiến đấu rất kiên cường trước các đợt phản công ngày càng mãnh liệt của quân Pháp nhưng do tương quan lực lượng quá chênh lệch, không đủ thế và lực đương đầu với giặc Pháp, Nguyễn Trung Trực đành phải rút quân về Hòn Chông (Kiên Lương). Quân Pháp đã chiếm lại đồn Kiên Giang vào khoảng 15 giờ 30’ ngày 21-6-1868. Vận dụng ưu thế trên chiến trường, họ tiếp tục truy kích nghĩa quân trên đường rút lui và bao vây căn cứ Hòn Chông.

Đến tháng 8/1868, Nguyễn Trung Trực phải bỏ căn cứ Hòn Chông, cùng nghĩa quân rút ra đảo Phú Quốc, lập căn cứ tại vùng rừng ở xã Cửa Cạn tính kế sách chống giặc lâu dài. Không để cho nghĩa quân có điều kiện phát triển, quân Pháp dồn hết lực lượng tấn công Phú Quốc. Bên cạnh đó, họ còn áp dụng bước hạ sách khi theo mưu kế của Việt gian Lãnh binh Tấn, bắt mẹ của Nguyễn Trung Trực cùng gia đình nhiều binh sĩ thuộc quyền để làm áp lực buộc Ông và nghĩa quân phải qui hàng. Trước tình thế chẳng đặng đừng, Nguyễn Trung Trực đành phải chấp nhận điều kiện của người Pháp để cứu mẹ, cứu người thân của nghĩa quân, đồng thời cũng để bảo tồn sinh mạng của nghĩa quân cùng sự an nguy của cư dân trên đảo…

tàu L’ Espérance phục chế  

Phiên bản tàu L’ Espérance phục chế tại bến sông trước đền Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá) phục vụ khách du lịch – Ảnh: nguồn livecantho.com

Tháng 9/1868, Nguyễn Trung Trực rơi vào tay quân Pháp và đã bị giải về Sài Gòn. Trong cuộc đối đầu lần cuối với quân thù, Nguyễn Trung Trực đã đàng hoàng chiến thắng với câu nói thời danh đã sớm trở thành bất hủ:“Bao giờ nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Đây là lời tuyên ngôn tuy ôn tồn nhưng cũng thật đanh thép, chất chứa lòng yêu nước nồng nàn khiến cho quân thù cũng phải giật mình kính phục. Không khuất phục được ý chí kiên cường của người anh hùng, người Pháp đã đem Nguyễn Trung Trực ra hành hình ở chợ Rạch Giá ngày 27-10-1868, lúc Ông mới 31 tuổi.

ĐỀN THỜ NGUYỄN TRUNG TRỰC TẠI PHÚ QUỐC

Người Pháp đã dùng cái chết để kết thúc cuộc đời một anh hùng, nhưng đối với Nguyễn Trung Trực, đây là một cái chết tự nguyện trước sự chứng kiến của đông đảo đồng bào Nam bộ, một cái chết giúp Ông dễ dàng hóa thân thành ngọn lửa bất khuất hâm nóng mọi con tim người dân Việt, nhân lên rộng khắp thành những ngọn lửa bừng cháy mãnh liệt trong cuộc đấu tranh kiên cường giành độc lập và giữ gìn biên cương…

 đền Nguyễn Trung Trực tại Gành Dầu

Cổng đền Nguyễn Trung Trực tại Gành Dầu – Ảnh: nguồn news.otofun.net

Để tỏ lòng kính ngưỡng người con ưu tú của quê hương, vị thủ lĩnh kiên cường của phong trào khởi nghĩa chống Pháp, người dân nhiều nơi đã dựng đền thờ tôn vinh Nguyễn Trung Trực, trong đó tiêu biểu phải kể đến đền thờ tại Long An quê hương Ông, đền thờ tại Rạch Giá nơi Ông bị xử tử và đền thờ tại Gành Dầu - Phú Quốc nơi Ông bị bắt trong trận chiến đấu cuối cùng…

Là công trình đầu tiên tôn vinh người anh hùng tại tỉnh Kiên Giang, đền thờ Nguyễn Trung Trực trên đảo Phú Quốc được dựng ngay tại mũi Gành Dầu, cách Bãi Dài chừng 1km và cách trung tâm huyện đảo Phú Quốc ngày nay chừng 40km. Đây là một vị trí khá đắc địa và thuận tiện thăm viếng, lại có thể nhìn thấy nước bạn láng giềng Campuchia phía xa xa… Do được thường xuyên chăm sóc và nâng cấp, sửa chữa, đền thờ Nguyễn Trung Trực tại Gành Dầu tuy giản dị nhưng vẫn rất khang trang với nét kiến trúc truyền thống của đình, đền Việt Nam xưa.

 Đền thờ Nguyễn Trung Trực tại Phú Quốc

Đền thờ Nguyễn Trung Trực tại Phú Quốc – Ảnh: nguồn billbalo.com

Đền có kiến trúc theo lối chữ “tam” gồm một chính điện rộng rãi cùng hai dãy Tây lang và Đông lang. Tại cổng tam quan, nổi bật hai câu đối bằng chữ quốc ngữ đắp nổi chữ vàng trên nền tròn đỏ, là hai câu trong bài thơ điếu Nguyễn Trung Trực của danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt, nêu bật hai chiến công oanh liệt của Nguyễn Trung Trực tại vàm Nhật Tảo (đốt cháy tàu L’ Espérance của Pháp) và tại Kiên Giang (đánh úp đồn Rạch Giá, làm chủ tình hình trong thời gian ngắn):

“Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa.

Kiếm bạc Kiên Giang khấp qủy thần.”

 Bên trong Chính điện

Bên trong Chính điện – Ảnh : nguồn xephuquoc.com

Tại chính điện, lần lượt từ ngoài vào trong có các ban thờ:

   - Ban thờ Chánh soái Đại càn.

   - Ban thờ 30 vị anh hùng dân tộc.

   - Long đình cùng di ảnh (ảnh nhỏ) Nguyễn Trung Trực.

   - Ban thờ di ảnh (ảnh lớn) Nguyễn Trung Trực

   - Ban thờ Chư vị.

   - Ban thờ Chư vị hội đồng trăm quan cựu thần và Cửu huyền thất tổ.

Ngai thờ Nguyễn Trung Trực  

Ngai thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực – Ảnh : nguồn dulichvietnam.com.vn

Tại gian cuối ngôi đền có 3 ngai thờ chính:

   - Ngai chính giữa thờ Nguyễn Trung Trực, phía trên bệ có bức hoành phi ghi bốn chữ “Anh Khí Như Hồng”, ca ngợi tiết khí hào hùng của Nguyễn Trung Trực sáng như “cầu vồng bảy sắc”.

   - Phía bên trái có ngai phối thờ Phó cơ Nguyễn Hiền Điều và Phó lãnh binh Lâm Quang Ky.

   - Phía bên phải là ngai thờ thần Nam Hải Đại tướng quân.

Tại Đông lang và Tây lang có các ban thờ Tây hiến, Đông hiến, Tiền hiền, Hậu hiền, Thủy long, Đồng bào nghĩa quân liệt sĩ…

Không dừng lại ở nghĩa cử tôn vinh anh hùng liệt sĩ, đình thần Nguyễn Trung Trực nhuốm nhiều màu sắc tín ngưỡng dân gian trong sinh hoạt thường ngày của cư dân địa phương. Hàng ngày có khá nhiều người, từ ngư dân, học trò, thương nhân đến đây lễ bái, cầu xin bình an, học hành tấn tới, thi cử thành đạt, làm ăn phát tài…

Lễ hội Nguyễn Trung Trực  

Lễ hội Nguyễn Trung Trực tại Gành Dầu (Phú Quốc) – Ảnh: nguồn kpnet.vn

Từ năm 1996, vào dịp kỷ niệm ngày anh hùng Nguyễn Trung Trực hy sinh hàng năm (27 tháng Tám âm lịch), tại đền đều có tổ chức lễ hội trọng thể, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ. Ngoài phần lễ theo nghi thức cổ truyền, còn có phần hội gồm các hoạt động triển lãm, liên hoan văn hóa ẩm thực, văn nghệ quần chúng, thể thao truyền thống (đua thuyền, đẩy gậy, kéo co, cờ tướng, thi múa lân)…

● ● ●

Tuy không phải là một công trình kiến trúc quá đặc sắc, cũng không phải là điểm tham quan nổi bật trong chương trình du lịch khám phá Phú Quốc, đền thờ Nguyễn Trung Trực cũng như bao đền thờ anh hùng khác trên khắp cả nước vẫn luôn là điểm tụ hội giáo dục lòng yêu nước, thể hiện tấm lòng kính ngưỡng của lớp hậu sinh đối với những hy sinh to lớn của bao liệt sĩ, tiền nhân đã không quản ngại máu xương vì sự tồn vong của dân tộc… 

Đến với đền thờ Nguyễn Trung Trực hôm nay, ngoài việc thắp nén hương lòng thành kính tri ân đối với những anh hùng liệt sĩ thời cận đại, còn là dịp tìm hiểu về một giai đoạn rối ren của lịch sử dân tộc khi bị người Pháp đô hộ, để tự hào thấy rằng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dân tộc này cũng thừa ý chí quật cường để vươn lên, cũng không thiếu những người con sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh…

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Danh mục nội dung