thu nhỏ | phóng to

29/12/2015

CHÀO MỪNG CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN (AEC)


Ngày 22-11-2015, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia), lãnh đạo của 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thông qua tuyên bố thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), chính thức có hiệu lực vào ngày 31-12-2015, ghi một dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu của một khu vực hội nhập, thể hiện tiêu chí “Một Tầm nhìn, Một Bản sắc, Một Cộng đồng”.

 Hội nhập ASEAN

Hội nhập ASEAN – Ảnh: nguồn rockitenglish.vn

Cộng đồng Kinh tế ASEAN được xây dựng dựa trên 4 yếu tố chính:

- Một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, được xây dựng thông qua: Tự do lưu chuyển hàng hoá; Tự do lưu chuyển dịch vụ; Tự do lưu chuyển đầu tư; Tự do lưu chuyển vốn và Tự do lưu chuyển lao động có tay nghề.

- Một khu vực kinh tế cạnh tranh, được xây dựng thông qua các khuôn khổ chính sách về cạnh tranh, bảo hộ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thuế quan và thương mại điện tử.

- Phát triển kinh tế cân bằng, được thực hiện thông qua các kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và thực hiện sáng kiến hội nhập nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.

- Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, được thực hiện thông qua việc tham vấn chặt chẽ trong đàm phán đối tác và trong tiến trình tham gia vào mạng lưới cung cấp toàn cầu (WTO).

 Cộng đồng Kinh tế ASEAN

Cộng đồng Kinh tế ASEAN – Ảnh: nguồn hoinhapkinhte.gov.vn

Tuy được mang tên “Cộng đồng kinh tế”, AEC chưa thể được xem là một cộng đồng kinh tế gắn kết đúng nghĩa bởi đây chỉ mới là khát vọng chứ chưa phải bắt buộc của Cộng đồng ASEAN, là tiến trình hội nhập chứ không phải Hiệp định, không có cơ cấu tổ chức chặt chẽ và những cam kết ràng buộc với lộ trình thực hiện cụ thể như Cộng đồng Kinh tế châu Âu, còn phải chờ những biện pháp tích cực để hướng tới một khu vực kinh tế tự do và hội nhập…

Với dân số khoảng 625 triệu người, gần gấp đôi dân số nước Mỹ, các thành viên ASEAN thu hút vốn đầu tư từ các công ty lớn trên toàn cầu, đồng thời tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và thương mại thế giới. Hiện khối ASEAN có thu nhập hằng năm (GDP) đạt mức hơn 2.500 tỷ USD, cao hơn khoảng 25% so với Ấn Độ và xấp xỉ Anh.  ASEAN sẽ là một nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới, một thị trường năng động với rất ít các rào cản về nhân lực, hàng hóa và vốn đầu tư…

 Sắc màu ASEAN

Sắc màu ASEAN – Ảnh: nguồn cafebiz.vn

Trong thực tế, các quốc gia ASEAN đã đặt ra mục tiêu hài hòa chiến lược kinh tế, công nhận trình độ chuyên môn của nhau, tham vấn chặt chẽ hơn về các chính sách kinh tế vĩ mô và tài chính, hướng đến loại bỏ các rào cản thương mại và tự do đầu tư, bảo đảm sự lưu chuyển hàng hóa… Trước mắt, 8 nhóm ngành nghề sẽ có thể làm việc dễ dàng hơn trong khu vực gồm kỹ sư, kiến trúc sư, y tá, bác sĩ, nha sĩ, kế toán, khảo sát và du lịch.

Tại Hội nghị các Bộ trưởng ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 vào tháng 11/2014 tại Nay Pyi Taw (Myanmar), các Bộ trưởng ASEAN đã thảo luận về những tiến bộ trong việc phát triển một tầm nhìn toàn diện cho AEC trong 10 năm tới, đồng thời cam kết thực hiện Tuyên bố Nay Pyi Taw về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015 nhằm đẩy mạnh hội nhập ASEAN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và công bằng, thúc đẩy phát triển ASEAN thành một cộng đồng hoạt động theo quy định chặt chẽ.

 Sức mạnh ASEAN

 Sức mạnh ASEAN – Ảnh: nguồn baochinhphu.vn

Là một cộng đồng có ý thức đoàn kết mạnh mẽ và có chung bản sắc, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ gắn kết những nền kinh tế sôi động, có khả năng cạnh tranh và tích hợp cao… Đây được xem là thành tựu quan trọng của tất cả các nước thành viên ASEAN, mang họ lại gần nhau hơn thông qua hội nhập kinh tế, giao lưu văn hóa, ổn định chính trị và an ninh khu vực…

ASEAN Traveller (Tổng hợp)     

Danh mục nội dung