» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Đặc sản

thu nhỏ | phóng to

09/09/2016

NẾP TAN TÚ LỆ - HẠT NGỌC QÚY XỨ MƯỜNG LÒ


Không biết từ bao giờ, câu ngạn ngữ “nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò” được lan truyền khắp vùng Tây Bắc, đã đưa hương vị giống “tan lả” (nếp) của dân tộc Thái bay xa…

NHẬN DIỆN DÒNG “TAN LẢ” TÚ LỆ

Là một xã có địa bàn tại thung lũng Tú Lệ, nằm gọn giữa ba ngọn núi cao Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song thuộc lòng chảo Mường Lò (huyện Văn Chấn - tỉnh Yên Bái), Tú Lệ được thiên nhiên ưu đãi đặc biệt với nhịp thời gian ngày ngắn đêm dài, biên độ của nhiệt độ trong ngày dao động lớn, khí hậu mát mẻ tự nhiên… Từ lâu Tú Lệ đã nổi tiếng với dòng suối khoáng nóng bản Chao, với tục tắm… trần nơi dòng suối, với không khí lễ hội mỗi độ Xuân về, nhưng vượt lên tất cả vẫn là loại lương thực Trời cho: nếp Tú Lệ.

Hạt ngọc qúy xứ Mường Lò  

Tan lả Tú Lệ - hạt ngọc qúy xứ Mường Lò – Ảnh nguồn quabieudacsan.com

Truyền thuyết kể rằng vào thuở xa xưa, một vị Tiên đã hiện ra ban cho tộc người Thái coóng thóc qúy, căn dặn họ phải tìm được vùng đất phù hợp để hạt thóc mọc và cho nhiều gạo dẻo, thơm… Theo lời dặn của vị Tiên, người Thái đã bủa đi khắp vùng Tây Bắc, ở đâu thấy đất tốt họ đều gieo thử nhưng mãi vẫn chưa thấy hạt thóc nảy mầm. Một hôm khi đến chân đèo Khau Phạ và xuống suối Mường Lùng uống nước, họ ngạc nhiên thấy dòng nước mát trong và ngọt lịm, đất cũng tươi tốt lạ thường bèn gieo hạt và thấy cây nảy mầm xanh tốt, khi thu hoạch cho loại hạt gạo mà đồ lên có độ dẻo và rất thơm. Từ đó người Thái đã dựng bản tại đây và gieo trồng giống thóc qúy Tiên ban, là tiền thân của giống “tan lả” Tú Lệ nổi tiếng ngày nay (!).  

 Dòng suối nóng bản Chao

Cầu treo bắc ngang dòng suối nóng bản Chao – Ảnh nguồn cungphuot.info

Nếp Tú Lệ có hạt tròn mẩy, trắng trong chứ không dài và đục như nếp thường ở nhiều vùng khác. Trong hạt nếp Tú Lệ không chứa thành phần gluten tiêu hóa, không chứa hoặc chứa không đáng kể hàm lượng amyloza, hàm lượng amylopectin là chất tạo ra sự kết dính của gạo nếp khá cao… Khi đồ xôi, nếp Tú Lệ cho hương vị ngạt ngào, không quá ngậy mà cũng không quá béo, khi dùng tay bắt thành những nắm xôi nhỏ vẫn không thấy quện nhựa hay dính như một số giống nếp khác.

Nếp tan Tú Lệ  

Nếp tan Tú Lệ – Ảnh: Hồng Nhi (nguồn chinhgoc.vn)

Lý giải về những đặc trưng của nếp Tú Lệ, các nhà chuyên môn cho rằng sở dĩ gạo nếp Tú Lệ dẻo, thơm là vì chúng được gieo trên một nền đất hiếm, tầng phong hóa mỏng và nồng độ kali cao; ngoài ra những yếu tố như cấu tượng của đất tơi xốp, dễ thấm nước, khí hậu trong lành phù hợp với sản xuất thâm canh… cũng góp phần tạo nên nét đặc thù của nếp Tú Lệ, không lẫn với bất cứ nơi nào khác.

Lúa nếp tan Tú Lệ  

Lúa nếp tan Tú Lệ – Ảnh nguồn shophoaqua.com.vn

Ý thức được giá trị kinh tế của giống lúa nếp Tú Lệ, các dự án về phục tráng giống lúa nếp Tú Lệ đã và đang được Viện lúa quốc tế (IRI) cùng Trường Đại học Nông nghiệp Thái Nguyên triển khai, nghiên cứu xây dựng vùng nguyên liệu 3.000 tấn/năm, góp phần bảo tồn và phát triển hơn nữa giống lúa nếp qúy này.

Ngày 13-10-2008, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể “Nếp Tú Lệ” cho sản phẩm gạo nếp của Hội Nông dân xã Tú Lệ.

TỪ “TAN LẢ” ĐẾN TRỌNG ĐIỂM DU LỊCH

Trong những năm gần đây, cái tên Tú Lệ đã trở nên quen thuộc với nhiều người, nhờ vậy mà tự thân Tú Lệ cũng có những thay đổi tích cực: hệ thống giao thông được đầu tư chăm chút, cầu treo bắc qua dòng suối khoáng nóng bản Chao và đường xuống suối khoáng được sửa sang… Tú Lệ đã thay da đổi thịt, trở thành khu thị tứ phát triển, một trọng điểm du lịch của tỉnh Yên Bái, điểm đến tâm đắc của nhiều khách du lịch…

Tú Lệ mang vẻ đẹp đơn sơ  

Tú Lệ mang vẻ đẹp đơn sơ – Ảnh nguồn daisudulich.blogspot.com

Tuy thị tứ hóa nhanh, Tú Lệ vẫn hiển hiện đơn sơ trước mắt khách du lịch với những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ, với dòng suối từ trên đỉnh núi chảy uốn lượn mang nguồn nước mát lành tưới tiêu cho các thửa ruộng, với những chú trâu thong dong gặm cỏ, những cô gái Thái hồn nhiên tắm trần bên suối khoáng nóng hay những nếp nhà bảng lảng khói lam chiều… Du khách ghé thăm Tú Lệ như trở về với miền hoài niệm cổ tích…

Tục tắm trần tại suối khoáng  

Tục tắm trần tại suối khoáng nóng bản Chao – Ảnh nguồn hoingodulich.com

Lúa ở Tú Lệ chín theo mùa, mỗi năm có một vụ vào tháng Chín - tháng Mười, còn mùa nước đổ là vào tháng Hai - tháng Ba năm sau. Đến Tú Lệ vào tháng nào trong năm, du khách cũng đều cảm nhận được vẻ đẹp điển hình của vùng núi đồi Tây Bắc, đặc biệt ruộng bậc thang ở Tú Lệ thoải và nằm ven quốc lộ cho cảm giác gần gũi, như thể đưa tay là chạm ngay vào… Du khách đến Tú Lệ đúng vào vụ mùa sẽ được đắm chìm trong hương thơm ngan ngát của một vùng lúa chín.

Mùa vàng Tú Lệ  

Mùa vàng Tú Lệ – Ảnh: TuanDao (nguồn congnghieptieudung.vn)

Điểm độc đáo của xôi nếp Tú Lệ là tuy nhìn bề ngoài có vẻ khô, rời nhưng khi nếm thử vẫn cảm nhận được độ mềm, dẻo và thơm ngon… Nhiều người sành ăn từng được nếm qua các loại xôi đồ từ nếp Cái hoa vàng, nếp Ngỗng, nếp Thái, nếp Bắc…, đến khi nhấm nháp món xôi đồ từ gạo nếp Tú Lệ, đã khẳng định không loại nếp nào có thể qua mặt được nếp Tú Lệ. Họ còn tin rằng, nếp Tú Lệ phải nấu với nước suối Mường Lùng và khi ăn phải bốc bằng tay, chắm với lạc, vừng hay ăn kèm với gà đồi nướng, thịt lợn mán nướng… mới thể hiện hết cái tinh tế vi diệu của một loại đặc sản mang hương vị núi rừng.

 Người dân Tú Lệ làm cốm

Người dân Tú Lệ làm cốm – Ảnh nguồn amthuc365.vn

Ngoài những món ăn được chế biến từ gạo nếp Tú Lệ như cốm, cháo cốm vịt, xôi ngũ sắc, cơm lam…, Tú Lệ còn giới thiệu đến khách thưởng ẩm những đặc sản vùng Tây Bắc như trâu gác bếp, lợn mán, gà đồi… Du khách đến đây dễ bị mê hoặc bởi các cô gái Thái “khắp mời lẩu” (hát mời rượu), cảm giác lâng lâng trong điệu xòe nồng thắm để rồi chếnh choáng khi nhấp chén rượu nếp Tú Lệ do những đôi tay mời ngà ngọc…, lúc đó mới cảm được cái hồn của xứ Thái và thấm thía ý nghĩa câu ca dao:

Mường Lò gạo trắng nước trong,
Ai đi đến đó lòng không muốn về…

• • •

Là một sản phẩm nông nghiệp của đồng bào Thái, nếp Tú Lệ không chỉ là kết tinh của tinh hoa đất trời mà còn có cả tình yêu của con người gời gắm vào trong đó… Người Thái biết trân trọng, gìn vàng giữ ngọc để bảo tồn giống lúa qúy và đã dày công chăm chút những cây lúa ngay từ khi gieo trồng để có được những mùa vàng bội thu…

 Xôi nếp Tú Lệ

Xôi nếp Tú Lệ – Ảnh nguồn wn.com.vn

Thưởng thức nếp Tú Lệ còn là một hình thức tri ân, là tình yêu đáp lại tình yêu… Khách thưởng ẩm sẽ cảm nhận được mùi hương ngọt ngào của đồng nội, của núi rừng Tây Bắc và của cả tình người thân ái, một mùi hương tinh khiết, nhẹ nhàng lan tỏa khắp không gian…

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Danh mục nội dung