» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng
12/09/2016
DI TÍCH CHÙA CHIỀN VIỆN (SƠN LA)
Nằm tại bản Vặt, xã Mường Sang thuộc huyện Mộc Châu - tỉnh Sơn La ngày nay, chùa Chiền Viện hay Vát Hồng là một cái tên khá xa lạ và ít được nhắc đến trong số những địa danh ở Mộc Châu. Điều này tưởng không khó hiểu bởi cho đến nay chùa Chiền Viện chỉ còn là một phế tích… (!)
Quang cảnh hoang sơ đổ nát bên ngoài – Ảnh: nguồn dulichmocchau.biz
Theo “Đại Nam nhất thống chí”, một bộ sách của Quốc sử quán triều Nguyễn được viết vào giữa thế kỷ XIX thì chùa Chiền Viện thuở đương thời là một kiến trúc Phật giáo lớn ở vùng rừng núi Tây Bắc, với số tượng Phật được thờ trong chùa khá nhiều: 1 pho tượng lớn, 8 pho vừa, 56 pho nhỏ đều bằng đồng, 2 pho bằng thiếc, một pho nhỏ bằng ngà… Nhà Thái học Cầm Trọng đã từng phỏng đoán, chùa có thể được tạo lập từ thế kỷ XIII, do đồng bào Thái Mộc Châu xây dựng. Theo Ông, nghĩa Thái của địa danh nơi xây chùa - bản “Vặt" chính là âm đọc chệch của từ "Phật", vì vậy mà hội chùa lễ Phật vào tháng 5 âm lịch ở đây đã được gọi là "Chách Vặt”, “Chách Và".
Theo các cố lão tại địa phương, chùa Chiền Viện ngày xưa rất được nhân dân sùng mộ, mỗi năm có hai lần “chính việc” là “Lễ cúng xin nước - cầu mưa” vào tháng 3 - 4 và “Lễ rửa tượng - tắm tượng” vào tháng 5 - 6. Các vị cũng cho biết, chùa bị đổ nát từ năm 1947. Hiện nay, chùa chỉ còn lại một nền chùa khoảng 100m², mấy trụ cột và mảng tường xây bằng đá với những vòm cửa đã xuống cấp, đổ nát và 2 bệ thờ.
Tượng Phật lớn bằng đồng – Ảnh: nguồn vuonhoaphatgiao.com
Điều đáng mừng là tuy các di vật của chùa Chiền Viện bị thất tán, tản mát nhiều nơi, nhưng một số tượng Phật đã được thu thập và đang lưu trữ ở Phòng Văn hóa huyện Mộc Châu cùng Bảo tàng tỉnh Sơn La. Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Lệ Thi, một số trong số này là các pho tượng Phật của Lào, thuộc phái Tiểu Thừa và có niên đại khoảng thế kỷ XVI - XVII, một số khác có thể đã được chế tác ngay tại địa phương, nhưng mô phỏng theo mẫu tượng Phật của Lào.
Đặc biệt trong số di vật còn có tấm bia đá (99cm x 64cm x 15cm), trên đó một nửa nội dung khắc chữ Thái mà Giáo sư dân tộc học Hoàng Lương cho rằng đây là chữ "Thái trắng" ở vùng này, nửa còn lại được khắc bằng chữ Hán. Cả hai ngữ của nội dung văn bia đều thống nhất nói về việc xây dựng "vắt ni" (chùa này - tiếng Thái), với những người đóng góp tính bằng "công" và "hào" (tiếng Thái), trong đó có một số chức sắc (tên là "Tạo Tiêng", "Chiêu Tổn" - tiếng Thái).
Những pho tượng Phật được cất giữ – Ảnh: nguồn vuonhoaphatgiao.com
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chiếm, phần Hán ngữ của bia đá ghi rõ đây vốn là ngôi chùa cổ thờ Phật, đã bị hủy hoại. Ngày 10 tháng 3 năm Duy Tân thứ XI (Mậu Thân, 1908) khởi công xây dựng lại, và đến ngày lành, tháng giêng năm Kỷ Dậu, 1909 thì hoàn thành. Ông Xa Văn Kỳ, tri châu, cùng nhân dân trong vùng Mộc Châu, hưng công xây dựng. Đóng góp vào việc xây dựng là rất nhiều người địa phương và cả từ phương xa, trong đó có "Đà Bắc tri châu Đinh Công Nội", "Đà Bắc tri châu Xa Văn Nghĩa", "Mai Châu tri châu Hà Công Chính"… (*)
Tuy ngày nay tín ngưỡng Phật giáo không còn mấy ảnh hưởng trong cộng đồng người Thái hoặc giả bị biến dạng theo đà tiến hóa của đời sống văn minh vật chất, hầu như bà con trong vùng vẫn mong được phục dựng lại chùa Chiền Viện, bởi đây là một di tích qúy hiếm, đã từng ghi dấu ấn đời sống văn hóa - tinh thần của người Thái trong cộng đồng dân tộc trải qua bao biến thiên dâu bể…
Mai Kim Thành (Tổng hợp)
(*): Về thời gian ghi trên bia đá theo như thông tin của các nhà nghiên cứu, có chỗ còn nghi vấn, bởi vua Duy Tân (tên Nguyễn Phúc Vĩnh San, con thứ 5 của vua Thành Thái và bà Tài Nhân Nguyễn Thị Định) sinh ngày 19-9-1900, lên ngôi năm 1907 lấy niên hiệu Duy Tân. (Năm Mậu Thân - 1908 là năm Duy Tân thứ II, đang khi năm Duy Tân thứ XI tương ứng với năm Đinh Tỵ - 1917, lúc nhà vua không còn tại vị).
Năm 1916, vua Duy Tân đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp (cùng với Thái Phiên, Trần Cao Vân…), bị người Pháp bắt ngày 3-11-1916, sau đó bị đày sang đảo Réunion. Ông mất trong một tai nạn máy bay tại Trung Phi ngày 16-12-1945. Ngày 2-4-1987, hài cốt vua Duy Tân được cải táng, đem về an vị tại Huế, trong khu vực An Lăng (lăng vua Dục Đức), cạnh mộ vua Thành Thái. Bài vị của vua Duy Tân cũng được rước vào thờ tại điện Long Ân cùng với vua ông Dục Đức và vua cha Thành Thái.
Mai Kim Thành
Xem thêm: https://aseantraveller.net/tin-tuc/559_lang-vua-duc-duc.html