» Giới thiệu » Tham quan » Khu du lịch

thu nhỏ | phóng to

02/12/2017

ĐƯỜNG LÊN TIÊN CẢNH - SUN WORLD BÀ NÀ HILLS


Nằm trên đỉnh núi Núi Chúa thuộc địa phận xã Hòa Ninh - huyện Hòa Vang, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng chừng 46km về phía Tây Nam, Bà Nà là một khu nghỉ dưỡng lý tưởng trên độ cao 1.487m, được ví như hòn ngọc qúy, lá phổi xanh thiên nhiên ban tặng cho thành phố Đà nẵng. Trong chừng mươi năm trở lại đây, với nỗ lực không ngừng của giới đầu tư, Bà Nà đang ngày càng khẳng định là một trung tâm du lịch tầm cỡ không chỉ của Đà Nẵng, mà còn cả Việt Nam và khu vực Đông Nam Á…

MỘT THOÁNG NHÌN LẠI…

Tháng 2 năm 1900, với mục đích tìm thêm điểm nghỉ mát và điều dưỡng cho người Pháp tiếp sau thành công phát hiện và xây dựng khu nghỉ dưỡng tại Đà Lạt, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã cử đại úy Debay thuộc quân đội Pháp khảo sát các vùng núi thuộc khu vực Đà Nẵng - Huế. Sau nhiều đợt thám sát, đến tháng 4 năm 1901, đoàn của Debay đã phát hiện vùng núi Chúa hay Bà Nà với địa hình bằng phẳng như một cao nguyên nhỏ, khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành, nhiệt độ trung bình từ 17 - 20ºC…

 Toàn cảnh khu BTTN Bà Nà

Toàn cảnh khu Bà Nà Hills – Ảnh: nguồn dulichviet24h.com.vn

Điều thú vị là Bà Nà chỉ cách thành phố Đà Nẵng chừng 46 km về phía Tây, khí hậu trong một ngày mang đủ hơi hướm của bốn mùa: buổi sáng man mát tiết Xuân, buổi trưa hanh hanh nắng Hạ, buổi chiều chớm lạnh đầu Thu và đêm về da diết như giữa Đông. Khác với Đà Lạt, Bà Nà không bị ẩm ướt vì các cơn mưa nhỏ và mỗi khi xuất hiện, chúng chỉ rơi quanh sườn núi còn trên phần đỉnh núi trời vẫn quang, mây vẫn tạnh, không khí vẫn thoáng đãng, mát mẻ…

Di tích biệt thự Pháp cổ tại Bà Nà  

Di tích biệt thự Pháp cổ tại Bà Nà – Ảnh: nguồn smiletravel.vn

Năm 1912, khi Toàn quyền Đông Dương ra nghị định quy hoạch Bà Nà thành khu bảo tồn lâm nghiệp và có chính sách bảo vệ động, thực vật thì việc nghiên cứu rặng núi này mới bắt đầu được quan tâm. Sau khi thế chiến I (1914-1918) kết thúc, người Pháp đã có kế hoạch xây dựng khu nghỉ dưỡng tại Bà Nà và với việc hoàn thành con đường nối Bà Nà với đường thuộc địa số 1 (sau này thành quốc lộ 1) trong năm 1919, đã tạo điều kiện cho các công sở, quan chức và kiều dân Pháp đầu tư xây dựng nơi đây. Theo ghi nhận, luật sư Beisson là người đầu tiên xây dựng nhà nghỉ ở Bà Nà (tháng 5/1919).

Sơ đồ các lô đất  

Sơ đồ các lô đất được cấp phép xây dựng tính đến 23-7-1921 – Ảnh: nguồn smiletravel.vn

Tính đến 23-7-1921, tại Bà Nà đã có 39 lô đất được cấp phép xây dựng của 36 chủ đầu tư, phân bố trải đều theo các cụm. Trong những năm 1930, để phục vụ cho nhu cầu nghỉ dưỡng của các quan chức Pháp tại miền Trung, người Pháp đã cho làm một con đường quanh co, uốn lượn dài 15km lên đến đỉnh Bà Nà. Cũng trong thời gian này, hàng chục khu nhà nghỉ và biệt thự đã được xây dựng suốt dọc các triền núi, trên đỉnh Bà Nà và cả trên đỉnh núi Chúa. Bà Nà nhanh chóng trở thành một trong những khu nghỉ mát nổi tiếng ở Đông Dương, thu hút nhiều khách du lịch không kém gì Le Bockor (Campuchia), Cap Saint Jacques (Vũng Tàu), hay Tam Đảo, Sa Pa lúc bấy giờ.

 Hầm rượu cổ tại Bà Nà

Một trong những hầm rượu cổ tại Bà Nà – Ảnh: nguồn tourindanang.com

Khi người Pháp có ý đồ quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai và cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra, nhân dân địa phương với chủ trương tiêu thổ kháng chiến đã triệt hạ các công trình xây dựng ở Bà Nà, từ đấy khu nghỉ mát của người Pháp dần hoang phế và bị cây rừng che lấp theo thời gian. Mãi đến đầu năm 1998, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng mới quyết định xây dựng lại Bà Nà thành một khu du lịch sinh thái có quy mô với hệ thống nhà nghỉ, nhà hàng, khu bảo tồn… Con đường từ chân núi lên đỉnh Bà Nà dài 15 km được rải nhựa, tạo thuận tiện cho giao thông.

 Khu “Làng Pháp” tại Bà Nà

Khu “Làng Pháp” tại Bà Nà mô phỏng theo kiến trúc thế kỷ XIX – Ảnh: nguồn tieudungplus.vn

Từ sau năm 2000, Bà Nà được đánh thức và tái tạo vị thế một thị trấn du lịch, đã nhanh chóng trở lại ngôi vị của một trong những khu du lịch nổi tiếng nhất thành phố Đà Nẵng, đặc biệt từ năm 2008 khi Công ty Sun World Bà Nà Hills thuộc tập đoàn Sun Group đầu tư xây dựng các công trình với tổng vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng, thì Bà Nà đã thực sự thay da đổi thịt, trở thành một trong những khu du lịch hiện đại bậc nhất Đông Nam Á…

KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN BÀ NÀ - NÚI CHÚA

Là một sống đá hoa cương quan trọng chạy từ Lào men theo biên giới Nam Thừa Thiên - Huế ra thẳng đến vịnh Đà Nẵng, dãy núi Bà Nà - Núi Chúa là khối nham thạch biến tính có độ tuổi khá cao (200 triệu năm) đã từng phần phong hóa. Từ chân núi lên độ cao chừng 700 - 800m, cây cối đủ loại mọc rậm rạp, từ những đồi tranh đến truông gai mọc xen lẫn cây lá đót, cây đủng đỉnh, dương xỉ, bòng bong, cau rừng, mây gai... Qua khỏi tầng này là dải rừng thực thụ với cây cao, thân thẳng, gỗ lớn, lá rậm che kín cả bầu trời, tầng cây nhấp nhô, nhiều nhất là loại thiết mộc như kiền kiền, chò chỉ, sơn đỏ, dẻ, bời lời... Từ độ cao 1.000m trở lên, rừng thưa dần những loài cây thường xanh như loài thông 2 lá, dương tùng, dẻ trắng, dẻ vàng xen lẫn loài cây rụng lá hàng năm.

Khu BTTN Bà Nà - Núi Chúa  

Khu BTTN Bà Nà - Núi Chúa – Ảnh: nguồn disanxanh.cinet.gov.vn

Trong kế hoạch bảo vệ rừng nhiệt đới và nhiều loài động vật qúy hiếm tại khu vực Bà Nà - Núi Chúa, năm 1986, Chính phủ Việt Nam đã công nhận Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa. Đến tháng 3/1999, Ban Quản lý Khu BTTN Bà Nà - Núi Chúa chính thức được thành lập. Theo quyết định số 3083/QĐ-UBND ngày 10-6-1999 của thành phố Đà Nẵng, diện tích của Khu BTTN Bà Nà - Núi Chúa là 8.838 ha và đến năm 2008, đã điều chỉnh quy hoạch Khu bảo tồn lên 28.030 ha theo quyết định số 6758/QĐ-UBND ngày 20-8-2008. Năm 2013, thành phố Đà Nẵng đã một lần nữa ban hành quyết định 5924/QĐ-UBND ngày 27-8-2013 về việc Phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, theo đó diện tích của rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa đã được điều chỉnh còn 26.751,3 ha.

Những sắc màu trên đỉnh Bà Nà  

Những sắc màu trên đỉnh Bà Nà – Ảnh: nguồn thanhtra.com.vn

Theo số liệu gần đây nhất, khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa có hệ thực vật tuy kém đa dạng so với các hệ thực vật khác như Bạch Mã, Cát Tiên, Cúc Phương nhưng về cấu trúc thành phần loài thì hoàn toàn tương đồng, với chừng 136 họ, 379 chi và hơn 544 loài, trong đó có 251 loài cây thuốc thuộc 89 họ thực vật phân phối ở các độ cao khác nhau, đặc biệt trên đỉnh Bà Nà có cây thông qùy (thân cây cong như thế qùy) gần trăm năm tuổi, một số loài cây qúy được ghi nhận như trầm hương, ba kích, lười ươi, thổ phục, họ trôm…

Hoa đào chuông 

Hoa đào chuông, biểu tượng của du lịch Bà Nà – Ảnh: nguồn Vietnam-online.org

Hệ động vật tại khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa cũng phong phú và đa dạng với 256 loài có xương sống, gồm 61 loài thú, 178 loài chim và 17 loài bò sát; 46 loài giun đất; 126 loài côn trùng thuộc bộ cánh vảy; 55 loài mối thuộc 20 giống, 7 phân họ, 2 họ mối. Tại đây cũng tập trung nhiều loài động vật qúy hiếm như gà lôi trắng, gà lôi lam mào trắng, gà lôi lông tía, trĩ sao, vượn má hồng, gấu đen châu Á… Hiện khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa có 6 loài thực vật và 44 loài động vật qúy hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam.

Suối Mơ  

Suối Mơ – Ảnh: nguồn visitdanang.com.vn

Mới đây, trong nỗ lực điều tra, thu thập và nghiên cứu sự đa dạng của các loài côn trùng tại khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã đồng ý chủ trương cho phép Đoàn công tác của Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam gồm Tiến sĩ Phạm Hồng Thái, Thạc sĩ Nguyễn Thị Mẫn và hai chuyên gia của Viện Khoa học tự nhiên Hoàng gia Bỉ là Tiến sĩ Jérome Lambert Joseph Constan, Tiến sĩ Joachim Bresseel tiến hành nghiên cứu khoa học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa từ 15 đến 21-7-2017. Hy vọng sau đợt nghiên cứu này, nhiều phát hiện thú vị sẽ góp phần phong phú hóa danh sách các loài côn trùng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa.

SUN WORLD BÀ NÀ HILLS - KHU DU LỊCH SINH THÁI HẤP DẪN

Nằm cách thành phố Đà Nẵng chừng 46 km về phía Tây Nam với địa hình bằng phẳng như một cao nguyên nhỏ, Bà Nà không chỉ được xem là “lá phổi xanh” mà còn là “hòn ngọc qúy” về khí hậu mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho người dân Đà Nẵng. Về nguồn gốc tên gọi “Bà Nà”, có người đã cho rằng khi người Pháp tìm ra vùng này, họ thấy ở đây mọc rất nhiều chuối nên đã gọi là “Banane” (tiếng Pháp có nghĩa là chuối). Từ cách gọi của người Pháp, người Việt đã đọc chệch mà thành ra “Bà Nà”. Một truyền thuyết khác cho rằng “Bà Nà” là tên viết tắt của Bà Ponagar, hay Thiên Y A Na Thánh Mẫu của người Chăm. Nhà văn Nguyên Ngọc lại cho rằng “Bà Nà” trong ngôn ngữ Katu có nghĩa là “núi của tui”… 

 Khu du lịch nghỉ dưỡng Bà Nà Hills

Khu du lịch nghỉ dưỡng Bà Nà Hills – Ảnh: nguồn visitdanang.com.vn

Thiên nhiên Bà Nà là một môi trường độc đáo với những cánh rừng nguyên sinh phát triển từ thấp đến cao. Nhờ được thường xuyên đón hơi ẩm từ biển đưa vào, thảm thực vật nơi đây có điều kiện phát triển xanh tốt. Ở độ cao tương đương Bạch Mã của Thừa Thiên - Huế (1.450 m), Bà Bà như một vườn Xuân quanh năm rực rỡ với vô vàn sắc hoa cận ôn đới, nhiều chủng loại cẩm tú cầu chưa được thuần hóa mọc hoang bên đường, những bụi mua rừng lá lớn, hoa to, trái mọng đầy những gai mềm thẫm sắc, đặc biệt một loài lan đất thường gặp ở độ cao trên ngàn mét nở đầy núi như cỏ dại, biểu hiện sức sống hoang dã ít gặp ở những vùng núi khác…

Cẩm tú cầu khoe sắc ở Bà Nà  

Cẩm tú cầu khoe sắc ở Bà Nà – Ảnh: nguồn Tour Bà Nà Hills

Với những ưu thế về khí hậu và thổ nhưỡng, trong những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp đã chọn Bà Nà làm nơi nghỉ mát và xây dựng ở đây hàng trăm biệt thự, lâu đài… Đáng tiếc, chiến tranh và sự khắc nghiệt của thời gian đã làm mất đi những dấu tích cổ xưa. Bước vào thiên niên kỷ mới, trong nỗ lực phát triển du lịch địa phương, chính quyền và người dân Đà Nẵng đã khôi phục và tôn tạo một số khu biệt thự cổ, hầm rượu cổ kiểu Pháp, xây dựng các hạng mục mới phục vụ du lịch. Trong những năm 2003 - 2004, trên đỉnh Bà Nà cũng đã xây dựng một bản sao chùa Linh Ứng (Ngũ Hành Sơn) với tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni cao 27m uy nghi giữa bốn bề gió núi mây ngàn…

Tượng Phật cao 27m  

Tượng Phật cao 27m trên đỉnh Bà Nà – Ảnh: nguồn Khamphadisan.vn

Đến Bà Nà ngày nay, du khách không chỉ được tận hưởng không khí trong lành mà còn được chiêm ngắm những cảnh quan đẹp không phải vùng nghỉ mát nào cũng có. Đứng trên đỉnh Bà Nà vào những ngày trời quang mây tạnh, du khách có thể thu gọn vào tầm mắt cả một không gian rộng lớn, từ thành phố Đà Nẵng, vịnh Vũng Thùng với đường viền hình vòng cung từ chân đèo Hải Vân đến bán đảo Sơn Trà, bãi biển Mỹ Khê, non nước Ngũ Hành Sơn, dòng sông Thu Bồn uốn khúc quanh những cánh đồng trù phú hay Cù lao Chàm giữa nhấp nhô sóng biếc… Dưới chân núi Bà Nà còn hiện diện dòng suối Mơ thu hút khá đông du khách đến nghỉ ngơi vào những ngày Hè nóng bức. Tại đây còn hiện diện thác Tóc Tiên cao 9 tầng mà khi đứng từ chân thác trông lên, tưởng như mái tóc của một nàng Tiên, bồng bềnh, hư ảo…

Khu “Làng Pháp” hấp dẫn khách du lịch  

Khu “Làng Pháp” hấp dẫn khách du lịch – Ảnh: nguồn dulichdanangvn.com

Trước đây muốn lên đỉnh Bà Nà, du khách phải đi 15 km đường đèo với những góc cua uốn lượn vòng vèo khá nguy hiểm. Ngày nay chỉ cần 15 phút đi cáp treo, hệ thống sẽ đưa du khách từ đồi Vọng Nguyệt, thấp thoáng trong mây rồi băng qua khu rừng nguyên sinh bên dưới để đến khu du lịch Bà Nà Hills, vừa tiết kiệm được thời gian, lại vừa có thể chiêm ngắm rừng núi bạt ngàn lướt qua phía dưới rất ngoạn mục và hùng vĩ.

 Cáp treo Bà Nà

Cáp treo Bà Nà – Ảnh: nguồn dulichtrongoi.com

Hệ thống cáp treo Bà Nà có tổng chiều dài 5.042m gồm 22 trụ, 94 cabin, công suất phục vụ 1.500 khách/giờ với vận tốc trung bình 6m/giây. Đây là tuyến cáp treo hiện đại bậc nhất hiện nay được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu và được tổ chức Guiness công nhận xác lập 2 kỷ lục thế giới ngày 25-3-2009: Cáp treo 1 dây dài nhất thế giới (5.042m); Cáp treo có độ chênh lệch giữa ga trên và ga dưới lớn nhất thế giới (1.291m). Cáp treo Bà Nà còn giữ kỷ lục về nhà ga xuất phát có diện tích sàn lớn nhất Đông Nam Á với đầy đủ khu vui chơi giải trí, khu trưng bày tư liệu - hình ảnh Bà Nà xưa và nay…

● ● ●

Với sự ưu ái của thiên nhiên và sự đầu tư chăm chút của con người, Bà Nà ngày nay đã mang một diện mạo mới, vừa đẹp vừa lãng mạn. Du khách đến Bà Nà, ngoài việc được tận hưởng không khí trong lành gần như tuyệt đối của những cánh rừng nguyên sinh, còn được chiêm ngắm những kỳ hoa dị thảo, những cánh bướm đủ sắc màu kết hợp với những đóng góp tinh tế từ công sức của con người, cảm giác như đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh… 

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Danh mục nội dung